Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

15762 - Chính sách “Bế môn tỏa cảng” thời Cộng sản

Tôi đang sống ở Boston. Lịch sử của thành phố này có rất nhiều liên hệ, có khi gắn bó và cũng có lúc oan khiên với lịch sử Việt Nam. Biểu tượng lâu đời nhất của mối quan hệ Việt Mỹ đầy biến cố là USS Constitution, chiếc hạm được đầu tiên của hải quân Mỹ, bây giờ là một viện bảo tàng nổi nằm ở góc vịnh Boston. Hơn hai trăm năm trước khi có USS George Washington, USS Constitution, hạ thủy 1798 và được trang bị 54 khẩu đại bác, là niềm kiêu hãnh của hải quân Mỹ.
Cũng chính chiến hạm này đã bắn vào Đà Nẵng năm 1845.
USS CONSTITUTION NÃ PHÁO VÀO ĐÀ NẴNG 1845
Theo phóng sự điều tra Đi Tìm Ngôi Mộ Bị Thất Lạc (In Search Of The Lost Grave) của Peter Kneisel trên báo Boston Globe 2001, câu chuyện bắt đầu vào tháng 5, 1845, USS Constitution trên chuyến hải hành thiện chí, đã ghé Đà Nẵng để xin cung cấp thức ăn, nước uống và xin phép chôn cất một thủy thủ vừa qua đời.
Tuy nhiên, khi biết Việt Nam đang giam giữ Giám mục Dominique LeFevre, một nhà truyền giáo Pháp đang bị cầm tù, Hạm Trưởng John Percival yêu cầu Việt Nam trao trả tự do cho giám mục. Phía Việt Nam từ chối. Hạm trưởng Percival tức giận và chỉ huy một đội quân võ trang đổ bộ xuống Ðà Nẵng. Ông tống đạt thư đòi Việt Nam phải trao trả tự do cho Giám Mục LeFevre, đồng thời, cũng để chứng tỏ quyết tâm của mình, hạm trưởng đã hạ lệnh bắt ba viên quan Việt Nam trú phòng Ðà Nẵng làm tù binh. Phía Việt Nam cũng nhất định không trả tự do cho giám mục. Không làm gì được, cuối cùng, Hạm trưởng Percival đành thả tù binh và ra đi. Trước khi nhổ neo, ông ra lịnh cho giàn trọng pháo của USS Constitution nã vào biển Đà Nẵng một loạt để bày tỏ thái độ bất bình.
HẠM TRƯỞNG MATTHEW PERRY ĐE DỌA NHẬT BẢN 1852
Không chỉ mỗi Việt Nam bị hiếp đáp, thị uy, nhưng cùng một khoảng thời gian đó, 1852, Hạm trưởng Matthew Perry, trên những chiến hạm tương tự như USS Constitution bây giờ, cũng đã đe dọa chủ quyền nước Nhật.
Hạm trưởng Matthew Perry chỉ phô trương lực lượng thôi nhưng đã làm nước Nhật suy nghĩ.
Trong khi đó, các vua triều Nguyễn vẫn an nhiên. Những viên đại bác từ USS Constitution bắn vào Đà Nẵng không làm lung lay bức tường thành hủ nho, phong kiến, lạc hậu trong ý thức của các vua nhà Nguyễn.
“BẾ MÔN TỎA CẢNG” THỜI NHÀ NGUYỄN
“Bế môn tỏa cảng” chưa hẳn là một sai lầm. Nếu đóng cửa để suy nghĩ, để gặm nhắm cái nhục, để uống cái đau của một nước yếu, để trau giồi, học hỏi, canh tân và rồi vươn lên thì cũng không đáng trách.
Các vua triều Nguyễn không được như thế. Chính sách “bế môn tỏa cảng” thời nhà Nguyễn là bản sao chính sách “bế môn tỏa cảng” của nhà Thanh dẫn đến việc Trung Hoa bị ngoại bang chia năm xẻ bảy sau đó.
Mặc cho dông bão phương tây đang ùn ùn kéo tới, vua tôi nhà Nguyễn vẫn cứ tiếp tục miệt mài đèn sách trong kho kinh sử Trung Hoa, vẫn Tứ Thư Ngũ Kinh, vẫn “trọng đạo Thánh Hiền”, vẫn hãnh diện vì “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường.”
Học ngày đó là học để ra làm quan, để làm thơ chứ không phải để giúp dân, cứu nước.
Trong Việt Nam Sử Lược sử gia Trần Trọng Kim viết về giáo dục dưới triều Nguyễn: “Bao nhiêu công phu của người đi học chú trọng vào sự học cho nhớ những sách Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng những lời thể chú của tiền nho trong những sách ấy và học thêm mấy bộ sử nước Tàu.”
Và ông kết luận: “Bởi vậy ai hay kinh nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thi phú đã tưởng mình giỏi nghề trị nước. Việc đời thì tối tăm mờ mịt mà lại tự phụ và kiêu căng, cho thiên hạ như rơm rác, coi mình như thần thánh”.
Câu “Việc đời thì tối tăm mờ mịt mà lại tự phụ và kiêu căng, cho thiên hạ như rơm rác, coi mình như thần thánh” đọc lên nghe cay đắng nhưng thực tế làm sao.
Trần Trọng Kim viết câu này cách đây cả trăm năm trước nhưng nếu ai chỉ mới đọc lần đầu có thể hiểu lầm vừa được viết từ Hà Nội tối hôm qua.
PHONG TRÀO GIẢI THỰC (DECOLONIZATION)
Phong trào giải thể chế độ thực dân được phát động sau Thế Chiến Thứ Nhất và trở thành một cao trào bùng nổ khắp các quốc gia Á Phi cùng với việc ra đời của Liên Hiệp Quốc sau Thế Chiến Thứ Hai.
Phần lớn các quốc gia bị trị lần lượt giành được tự do. Dọc bờ sông Nile cho đến vùng Địa Trung Hải, các dân tộc Phi châu từng bước xây dựng lại đất nước họ.
Tại Á Châu, các quốc gia thuộc địa như Ấn Độ, Mã Lai, Singapore, Nam Dương, hay vừa hình thành sau thế chiến thứ hai như Đài Loan, Nam Hàn tập trung nỗ lực vào việc tái thiết và canh tân đất nước để đuổi kịp đà tiến nhân loại.
Hành trình dân chủ hóa tại các quốc gia này chịu rất nhiều hy sinh, thử thách, có khi phải nhuộm bằng máu, nhưng đó cũng là một mục tiêu đích thực và không thể nào thay thế mà đất nước họ phải đạt đến.
Việt Nam lẽ ra cũng có cơ hội giành độc lập và bắt tay xây dựng đất nước. Việt Nam, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, một lực lượng lao động cần cù, một dân số không quá đông hay quá ít, một ý chí quật cường hun đúc từ lịch sử bốn ngàn năm, nếu không phải là con rồng, con phượng của Á Châu thì cũng không đến nỗi thua kém Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Mã Lai, Singapore, Nam Dương.
Nhưng không.
Trong lúc những quốc gia cùng số phận đã vượt qua, đã vươn lên, Việt Nam vẫn máu đổ thịt rơi, thân xác của người dân Việt Nam vô tội vẫn tiếp tục ngã xuống mỗi ngày trên đồng ruộng Việt Nam.
TẠI SAO VIỆT NAM CHƯA THOÁT RA KHỎI ĐỘC TÀI, ÁP BỨC?
Bởi vì khác với các phong trào giành độc lập tại các nước Á Phi, Việt Nam có đảng Cộng Sản.
Toàn bộ chính sách của Mỹ từ 1946 đến thời kỳ Liên Xô sụp đổ đều hướng đến một mục tiêu duy nhất là ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản (containment). Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, quân sự của mỗi quốc gia, việc áp dụng chính sách ngăn chặn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đối với Việt Nam, để đương đầu với một đội quân hùng mạnh của đảng Cộng Sản Việt Nam đang “thừa thắng xông lên” sau trận Điện Biên Phủ, với sự yểm trợ vũ khí dồi dào của các quốc gia khối Cộng Sản đứng đầu là Liên Xô và Trung Cộng, trong lúc tại miền Nam một quân đội quốc gia non trẻ đang mới hình thành, Mỹ đã chọn giải pháp trực tiếp can thiệp bằng quân sự.
Một trăm hai mươi năm sau khi USS Constitution đến Đà Nẵng, mùa hè 1965, các chiến hạm Mỹ từng đoàn cập bến. Những đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ.
Để thực hiện chính sách ngăn chặn Cộng Sản, Mỹ mang máy móc sang Đức, mang sách vở sang Nhật nhưng mang bom đạn sang Việt Nam.
Thế nhưng, cuộc chiến chưa tàn mà người Mỹ đã bỏ đi khi chính sách toàn cầu của họ thay đổi.
Mỹ ra đi vội vàng như đã đến mặc cho cây dân chủ ở miền Nam phải chết non khi vừa bén rễ, mặc cho hàng triệu người lính miền Nam hết súng, hết đạn, đưa lưng trần chịu pháo, mặc cho hàng triệu đồng bào miền Trung, miền Tây Nguyên phải tay bồng bế con thơ, lưng cõng cha mẹ già, bỏ làng mạc ruộng vườn chạy trốn trong lúc T54, T76 đang rượt đuổi theo sau.
Trong ly rượu mừng chiến thắng ở Hà Nội, ở Moscova, ở Bắc Kinh có nước mắt của hàng triệu em bé Việt Nam mồ côi cha nhỏ xuống khắp ba miền.
Nếu có một dân tộc phải được xếp vào danh sách những dân tộc chịu đựng dưới chính sách đô hộ hà khắc, đồng hóa bất nhân và diệt vong tàn bạo nhất trong bàn tay của các đế quốc ngoại bang xâm lược thì bên cạnh một Do Thái với hai ngàn năm lưu vong và những lò thiêu sống của Hitler, một Armenia bị diệt chủng dưới gót giày của đế quốc Ottoman, phải có một Việt Nam trong một ngàn năm nô lệ dưới các triều đại Tần, Hán, Ngô, Tấn, Tùy, Đường, Minh.
Nếu có một dân tộc là nạn nhân của chế độ thực dân tàn bạo với tất cả cực hình tàn khốc, thì bên cạnh một Congo trước những thanh gươm bén của vua Bỉ Leopold, một Triều Tiên dưới chính sách đồng hóa của Nhật, phải có một Việt Nạm dướt gót giày Thực Dân Pháp gần suốt một trăm năm.
Phải chi ông bà chúng ta ngày đó biết thức thời mở cửa, tiếp nhận nhiều nguồn khác nhau để hóa giải ngoại lực, từng bước hiện đại hóa đất nước để tăng cường nội lực thì có thể đã thoát nạn thực dân, Cộng Sản và Việt Nam đâu đến nỗi này.
NHÌN LẠI ĐỂ VƯỢT QUA
Dù sao, lịch sử là một dòng sông không ngừng chảy. Có lúc phải vượt qua những mỏm đá cheo leo nhưng cũng có khi êm đềm phẳng lặng. Không ai có thể thay đổi quá khứ nhưng có thể học từ những sai lầm, những thiếu sót để làm đẹp tương lai.
Nhân loại chỉ mới qua khỏi thập niên đầu của thế kỷ nhưng đã bước một bước thật dài trong khoa học kỹ thuật và đời sống xã hội.
Thời đại hôm nay là thời đại dân chủ. Từ anh chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ cho đến người thợ mỏ Phi châu đều đã có quyền chọn lựa người lãnh đạo của mình.
Hành trình phát triển của loài người có tính quy luật, từ thấp đến cao, từ lạc hậu đến văn minh, từ thu hẹp đến rộng mở. Trong quá trình đó, nhân loại đã trải qua nhiều thảm họa nhưng cũng đã chứng minh khả năng của con người có thể vượt qua thảm họa bằng con đường dân chủ.
Năm 1974, chỉ có 41 nước trong số 150 quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ. Năm 1990, ba phần năm tổng số quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ. Và hôm nay, dân chủ, tuy mức độ còn khác nhau nhưng đang là thực tế tại hầu hết quốc gia, ngoại trừ một rất số nhỏ, trong đó có Việt Nam.
CHÍNH SÁCH “BẾ MÔN TỎA CẢNG” THỜI CS
Người Việt có quyền tin rằng, tuổi trẻ Việt Nam chứ không ai khác sẽ là những người mang giọt nước tự do trong lành tưới lên cánh đồng khô cháy Việt Nam. Những thế hệ trẻ của Việt Nam, thế hệ đầu thiên niên kỷ đang đứng trước nhiều thử thách nhưng cũng nhiều triển vọng.
Nhưng không. Có nhiều tiếng nói bất đồng vang lên và nhiều nhóm trẻ đang hoạt động trên khắp các nẻo đường đất nước cũng như trong internet, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một phong trào tầm vóc đủ lớn như Tunisia hay Ai Cập.
Sức đẩy từ phía dân tộc vẫn chưa đủ mạnh để đưa cuộc cách mạng dân chủ đến nhanh hơn và tiết kiệm được nhiều hơn những hy sinh chịu đựng của đồng bào.
Tại sao? Có nhiều lý do, nhưng trong bài này, người viết muốn nói đến lý do tư tưởng.
Suốt bao năm qua giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã áp dụng một chính sách “bế môn tỏa cảng” về nhận thức tư tưởng tinh vi và hệ thống.
Vua quan thời nhà Nguyễn miệt mài trong Tứ Thư Ngũ Kinh nho giáo thì giới trẻ ngày nay bị đầu độc bằng chủ nghĩa Mác Lê và “tư tưởng Hồ Chính Minh” phản văn minh, phản khoa khọc và phản tiến bộ.
Chính sách “bế môn tỏa cảng” thời CS đã làm các em sinh viên học sinh trong nước tin một cách chân thành rằng khác với các đảng Cộng Sản Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, đảng Cộng Sản Việt Nam do dân mà ra, từ dân mà có, đảng Cộng Sản Việt Nam là dân tộc Việt Nam là một, và do đó, đảng lãnh đạo dân tộc Việt Nam là chuyện tự nhiên như thời tiết.
Đảng Cộng Sản và dân tộc Việt Nam chẳng những chưa bao giờ là một mà từ trong bản chất đã có tính mâu thuẫn triệt tiêu nhau.
Như lịch sử đã chứng minh, chính sách của đảng, dù có lúc chuyên chính và cũng có khi tương đối nới lỏng để làm nhẹ áp lực quần chúng, mục tiêu cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam và đặt dân tộc Việt Nam dưới quyền cai trị tuyệt đối của đảng từ 1930 vẫn không thay đổi.
Có người cho rằng, đảng Cộng Sản ngày nay không còn là một đảng theo quan điểm Mác Lê đúng nghĩa nữa mà thực tế chỉ là một đảng cướp.
Đừng quên, đảng cướp cũng cần phải có một cơ sở lý luận, bởi vì khác với con vật, con người có ý thức và sống bằng một niềm tin. Kim Nhật Thành có Chủ Nghĩa Độc Lập Tự Cường (Juche), Moammar Gadhafi có Chủ Nghĩa Xã Hội Hồi Giáo (Green book), ngay cả nhà độc tài tàn ác nhất Phi châu là Thượng sĩ Mobutu Sese Seko cũng dựng nên một “lý tưởng quốc gia” mà ông ta gọi là Nhận Thức Đúng (Authentication).
Dưới thời nhà Nguyễn, từ vua quan đến dân chúng, nói cho cùng cũng chỉ là nạn nhân của một nhận thức bảo thủ sai lầm kế thừa suốt thời kỳ phong kiến, chính sách “bế môn tỏa cảng” CS ngày nay là một chủ trương, một chính sách nhằm che đậy mọi ánh sáng văn minh từ bên ngoài rọi vào cùng lúc xây dựng một thiên đường hoang tưởng bên trong.
Giới lãnh đạo đảng đang hô hào lý tưởng Cộng Sản tại Việt Nam hôm nay đã từ lâu không còn tin vào miệng lưỡi của chính mình, nhưng những thuốc độc bọc đường đó đã tàn phá bao nhiêu thế hệ trẻ Việt Nam.
KIÊN NHẪN, LẬT ĐỔ MỘT NHÀ ĐỘC TÀI KHÁC VỚI THAY ĐỔI MỘT CƠ CHẾ ĐỘC TÀI
Không ai có thể lấy tay che mặt trời. Chính sách “bế môn tỏa cảng” thời CS tinh vi nhưng không thể bưng bít sự thật mãi mãi và bưng bít được mọi người. Vẫn có rất nhiều tuổi trẻ Việt Nam đang dấn thân trên nhiều ngã đường đất nước.
Họ đang bị trấn áp, đe dọa, tù đày nhưng không bỏ cuộc. Từ trong những nhọc nhằn mà họ đang chịu đựng có một niềm hãnh diện dâng lên vì được sống trong thời đại mà những nỗ lực của họ sẽ mở ra trang sử mới cho dân tộc.
Đảng Cộng Sản bám sâu vào đất nước mấy mươi năm, tác hại không chỉ về kinh tế chính trị mà trầm trọng hơn về nhận thức, tư tưởng và văn hóa. Trường Chinh đã viết trong Luận cương văn hóa 1943: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội.”
Cách mạng dân chủ hôm nay, do đó, phải bắt đầu từ việc tháo gỡ các nhận thức sai lầm về lịch sử, xóa bỏ văn hóa Cộng Sản để mở đường cho cách mạng dân tộc dân chủ toàn diện và triệt để.
Đường cách mạng dân chủ Việt Nam có thể còn nhiều chông gai, sỏi đá, đòi hỏi nhiều thời gian và kiên nhẫn trong mỗi chúng ta, nhưng là một con đường vinh quang, đích thực, một bước phát triển không thể nào đảo ngược của dân tộc và loài người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét