BTV Tiếng Dân
Hai tuần đầu năm 2020 xảy ra nhiều tin nóng, thể hiện gió to, sóng lớn trên chính trường VN, như vụ xử sai phạm đất công Đà Nẵng nhắm vào tàn dư phe nhóm Nguyễn Bá Thanh đã được nửa chặng đường dự kiến, đồng thời phe “đốt lò” đã xướng được tên của Lê Thanh Hải và Hoàng Trung Hải.
Nhưng có một vụ việc gây chấn động đang diễn ra, báo hiệu một năm đầy những vi phạm nhân quyền và các vụ đàn áp dân khốc liệt. Khoảng 3h sáng ngày 9/1/2020, Công an Hà Nội đã huy động lực lượng rất đông kéo về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, bao vây nhà cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân xã này.
Về con số 3 công an thiệt mạng, một người dân hy sinh và một người dân khác bị thương trong khi giữ đất mà hầu hết các trang “lề đảng” đưa tin, độc giả có thể xem thêm ở bài tổng hợp nóng của tác giả Nguyễn Anh Tuấn mà chúng tôi đã đăng trước đó. Trong bài này, chúng tôi xin tổng hợp các diễn biến xảy ra sau đó, cho tối đến 8h tối ngày 9/1. Thời điểm này, thông tin vẫn còn khá nhiễu và rất ít chi tiết cụ thể từ Đồng Tâm lọt ra ngoài.
Trước hết, về số lượng công an, quân đội được huy động, cho đến trưa 9/1, một số nguồn tin hành lang cho biết, có trên 1000 người tham gia. Nhưng theo tin từ cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang nhận được, có khoảng 2.000-3.000 cảnh sát và quân đội tham gia. BBC có bài tổng hợp về tình hình tranh chấp đất Đồng Tâm: Bốn người thiệt mạng, theo bài viết này thì số công an được huy động có thể lên tới 8000 người.
Cụ thể, một phụ nữ giấu tên ở xã Đồng Tâm chia sẻ với BBC: “Khoảng ba giờ sáng nay, rất đông người của chính quyền trong trang phục cảnh sát cơ động, cầm theo gậy gộc, dùi cui, súng, khiên, đổ về làng. Theo thông tin mà dân làng chúng tôi được mật báo từ trước thì lần này có khoảng 8.000 người. Còn theo quan sát của tôi thì rất đông, đổ về các ngõ trong làng”.
Người này kể thêm: “Họ ném pháo sáng, bắn đạn hơi cay, chặn hết các ngõ ngách, đánh đập thâm tím mặt mày cả phụ nữ, người già – những người đi ra khuyên bảo họ. Trước khi tôi chạy đi được, tôi đã thấy họ khiêng đi một số thanh niên, không biết sống chết ra sao”.
Về tình hình gia đình cụ Kình, nhân chứng này cho biết: “Gia đình ông Công, gồm vợ chồng cháu nội đã bị bắt. Ông Công vẫn đang cố thủ, tôi không rõ hiện giờ ông đã bị bắt hay chưa. Riêng cụ Kình (bố ông Công), thì gia đình đã đưa cụ đi giấu ở chỗ khác từ mấy hôm trước”.
Cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang đưa tin về vợ chồng gia đình anh Lê Đình Uy, con trai ông Lê Đình Công, cháu nội cụ Lê Đình Kình, như sau: “Khi đập cửa nhà vợ chồng cháu Uy (vợ là Duyên), vợ chồng Uy và Duyên không ra mở, liền bị họ phá cửa, xịt hơi cay vào nhà, khiến mọi người bị ngạt. Có tin cháu nhỏ mới sinh 3 tháng tuổi của vợ chồng trẻ này do sức đề kháng yếu nên đã tử vong. Ngoài ra, cháu Uy bị bắn gẫy cánh tay. Cháu Lê Đình Quang là một thanh niên nòng cốt, bị lực lượng chính quyền suỵt 4 chó Bergie nghiệp vụ xông vào cắn trọng thương và còn bị lực lượng này đánh gẫy xương sườn“.
Một nguồn tin khác về vụ đụng độ cưỡng chế đất Đồng Tâm: ít nhất 3 công an, 1 người dân chết, từ VOA. Bài báo tường thuật: “Rạng sáng nay, khoảng 2 giờ sáng bà con cho biết các lực lượng đã vây kín Đồng Tâm và đến khoảng 4 giờ sáng có khoảng 3 ngàn cảnh sát cơ động đã tấn công, chia cắt người dân thành các nhóm nhỏ, tiến vào bắt những thủ lĩnh của nhóm, làm gãy cánh tay của anh Lê Đình Công, con trai của ông Lê Đình Kình. Họ bắt đi 10 người và đánh đập nhiều người khác, bao gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em”.
Ông Trịnh Bá Tư, đại diện dân oan Dương Nội cho biết thêm, “trong số những người bị bắt có anh trai của anh là Trịnh Bá Phương, cùng một số thành viên trong gia đình ông Lê Đình Kình”.
Về phía báo “lề đảng”, các báo này dùng cụm từ “hy sinh” cho phía công an, ngược lại với cách dùng từ của dư luận “lề dân”. Hầu hết các báo chỉ dẫn thông tin từ thông báo của Bộ Công an, cho rằng người dân Đồng Tâm đã dùng lựu đạn, bom xăng để chống cưỡng chế. Không thấy phóng viên nào cho biết họ có mặt tại hiện trường.
Theo thông tin ít ỏi từ phía công an, “các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Về vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng của phía công an trong vụ này, chúng tôi sẽ bàn trong phần nhận định.
Đến chiều 9/1, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, sẽ xem xét nếu báo chí nước ngoài có yêu cầu tác nghiệp tại Đồng Tâm, báo Thanh Niên đưa tin.
Khi được hỏi về việc phóng viên nước ngoài muốn đến xã Đồng Tâm tác nghiệp để đảm bảo thông tin rộng rãi, khách quan, bà Hằng cho biết, thông tin về vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm sáng nay đã được Bộ Công an thông báo công khai: “Đối với các cơ quan báo chí nước ngoài khi tác nghiệp tại Việt Nam cần tuân thủ các quy định của Việt Nam. Yêu cầu của báo chí nước ngoài đưa tin tại Đồng Tâm sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét”.
Bên cạnh đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam cho phép quan sát viên quốc tế vào Đồng Tâm. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế đã ra tuyên bố, kêu gọi chính quyền VN phải mở một cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ đụng độ giữa người dân và công an tại xã Đồng Tâm, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
Ông Phil Robertson, PGĐ phụ trách khu vực Châu Á của HRW viết trong thông cáo: “Các nhà chức trách Việt Nam phải mở một cuộc điều tra công bằng và minh bạch về sự kiện này, điều tra đến tận cùng những gì đã xảy ra, ai chịu trách nhiệm về bạo lực và liệu cảnh sát có sử dụng vũ lực quá mức hay không. Những người sử dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm”.
Tin Vườn rau Lộc Hưng
Trong khi đó, ở miền Nam, buổi tối 8/1/2020 đã đánh dấu thời điểm tròn một năm, người dân vườn rau Lộc Hưng trở thành dân oan trên chính mảnh đất của họ. Kênh Youtube Vườn Rau Lộc Hưng có clip: Công an cản trở bà con VRLH nộp đơn khiếu kiện, ngày 09.01.2020.
Trước thái độ xem thường dân của chính quyền và an ninh thành Hồ, kênh Youtube Vườn Rau Lộc Hưng dẫn lời luật sư Trần Hồng Phong: Công lý thuộc về bà con VRLH, ngày 09.01.2020.
Nhận định về diễn biến vi phạm nhân quyền vụ Đồng Tâm
Có rất nhiều vấn đề trong vụ chính quyền Hà Nội tổ chức đánh úp người dân Đồng Tâm vào rạng sáng 9/1, nhưng vấn đề quan trọng nhất cần phải khẳng định là: Phía công an đã sai hoàn toàn và vi phạm pháp luật ghiêm trọng. Bởi vì: Giả sử phía người dân Đông Tâm thật sự vi phạm pháp luật đi nữa, thì công an trước khi cưỡng chế phải đọc lệnh và phát thông báo, đó là điều bắt buộc đã được quy định trong luật đất đai của chính quyền CSVN.
Đằng này, công an không những không thông báo gì, mà còn tổ chức bao vây, rình rập bắt người vào ban đêm. Nhìn lại các cuộc chiến trong lịch sử nhân loại, có thể thấy nhiều cuộc tấn công, điển hình là ngày Đức Quốc Xã bắt đầu xâm lược Liên bang Soviet và ngày Đế Quốc Nhật tấn công Trân Châu Cảng, đã được thực hiện vào lúc màn đêm buông xuống, để phe tấn công bảo đảm yếu tố bất ngờ. Nói cách khác, phía công an đã xem dân như kẻ thù và họ muốn nhanh chóng dập tắt sự kháng cự của người dân.
Một yếu tố khác chứng minh thái độ xem dân như kẻ thù là quân số mà công an huy động. Đến thời điểm tối 9/1, thông tin vẫn rất nhiễu và cho thấy các con số khác nhau, từ 1000 tới 3000 và dừng ở mức khoảng 8000. Nếu con số được huy động là 8000, tức gần bằng tổng nhân khẩu ở Đồng Tâm, khoảng 8.600 người. Vấn đề là trong số 8600 đó không phải ai cũng đối đầu được với công an vì có nhiều người già, phụ nữ và trẻ nhỏ.
Sai lầm lớn thứ hai là phía công an đã không dừng lại đúng lúc, dẫn đến 3 công an và 1 người dân thiệt mạng (nếu thông tin từ phía Bộ Công an là đúng), nghĩa là bên nào cũng có đổ máu. Điều này khiến căng thẳng ở Đồng Tâm vốn đã trầm trọng thì lại càng dâng cao, để bây giờ không chỉ mâu thuẫn đất đai, mà đã có món nợ máu.
Món nợ máu đó khiến khả năng hòa giải mâu thuẫn ở Đồng Tâm vốn đã rất thấp, bây giờ gần như bằng không. Trừ khi cả công an Hà Nội và tập đoàn Viettel bên quân đội cùng nhận sai, tổ chức xin lỗi dân công khai và truy cứu đến cùng những kẻ làm sai, nếu không thì sẽ chẳng bao giờ hòa giải được.
Sai lầm thứ ba của cả công an và chính quyền là không minh bạch, đáng ra nên chấp nhận cho phóng viên và các lực lượng quan sát nước ngoài vào theo dõi diễn biến Đồng Tâm ngay từ chiều 9/1, nhưng khi vụ việc xảy ra, kể cả các phóng viên “lề đảng” cũng không được phép có mặt để đưa tin. Điều đó không khiến các tổ chức nhân quyền và phóng viên nước ngoài bỏ cuộc, mà càng khiến họ đặt câu hỏi về tính chính danh của chính quyền CSVN.
Nhắc lại, trong chiến tranh VN, chính phía CSVN đã tận dụng triệt để phóng viên nước ngoài để giả làm “nạn nhân”, phát đi các hình ảnh cho thấy họ bị tấn công, để tạo dư luận bất lợi cho phía Việt Nam Cộng Hòa, trong khi thật ra thường là mấy tay du kích CS lén tấn công trước rồi bị phản đòn. Thì nay chính phủ CSVN cũng nên công bằng, hãy để phóng viên nước ngoài tác nghiệp.
Tóm lại, công an đã sai từ đầu đến cuối, sai từ lúc bắt đầu tấn công đến lúc phát đi thông báo. Dù đã thiệt mạng ít nhất 3 công an, nhưng họ vẫn không dừng lại và tuyên bố sẽ khởi tố một số “đối tượng chống đối”, trong khi phía Đồng Tâm đã có một người hy sinh trong lúc giữ đất. Các diễn biến này càng dễ kích thích tinh thần dùng máu giữ đất, lấy mạng đổi mạng của người dân Đồng Tâm. Sắp tới ở Đồng Tâm nếu máu tiếp tục đổ, thì chính phía công an và nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng thì số người thiệt mạng từ hai phía còn cao hơn, chứ không chỉ dừng lại ở con số 4 người. Nếu đúng vậy thì chính quyền càng phải chấp nhận lựa chọn đầu hàng dân, trước khi mồi lửa Đồng Tâm trở nên không thể kiểm soát và bén vào các điểm nóng đất đai khác từ Bắc tới Nam, tạo thành một làn sóng phản đối trên khắp cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét