Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

262 - Cơ hội để Singapore vượt mặt Hồng Kông đã đến?




Nếu có nơi nào đã diễn tập cho thời khắc vượt mặt Hồng Kông trở thành trung tâm kinh tế của Châu Á, thì đó là Singapore. Thủ tướng đầu tiên của Singapore, Lý Quang Diệu, đã sử dụng Hồng Kông như là một mô hình trực tiếp trong nỗ lực xây dựng một tương lai ổn định cho Singapore sau khi họ bị trục xuất khỏi liên bang Malaysia vào năm 1965. “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ học hỏi từ Hồng Kông, nơi bị cắt đứt khỏi đất liền, khỏi Trung Quốc đại lục,” ông Lý phát biểu như vậy trong một bài diễn văn năm 1992.
Hai cựu thuộc địa với đa số người Hoa đã biến đổi nhiều so với thời điểm đó, nhưng cả hai thành phố vẫn lưu giữ những đặc điểm giống nhau: có mức thuế thấp, giàu có, cạnh tranh với nhau để thu hút nhân lực có kỹ năng cao từ khắp thế giới.
Nhưng những cái giống nhau dừng lại ở đó. Đối với những người có tư tưởng quốc tế của châu Á, Singapore và Hồng Kông không hẳn là hai anh em sinh đôi mà là hai thái cực đối nghịch nhau hoàn toàn. Việc khám phá những khác biệt giữa hai thành phố là một trò chơi lý thú, có điều là Singapore thường bị thua thiệt.


So sánh Hồng Kông và Singapore.

Thường thì sự gọn gàng và xu hướng bị kiểm soát chặt chẽ của Singapore hay bị phản ánh một cách tiêu cực hơn so với mô hình tư bản tự do của Hồng Kông. Nhiều người nhận ra rằng trong khi Hồng Kông là mô hình dành cho ông Lý, Singapore trở thành khuôn mẫu cho tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình về nhà nước Trung Quốc.
Hồng Kông trước kia có mức độ tự do kinh tế lớn đến mức chính quyền Hồng Kông không thu thập thông số thống kê kinh tế và tài chính cho đến thập niên 1980, và không có cơ quan thực thi chức năng của ngân hàng trung ương cho đến năm 1993. Singapore có tư tưởng can thiệp hơn, như việc chính phủ tổ chức những sự kiện dành cho người độc thân để tăng tỷ lệ sinh sản và xây dựng nhà ở giúp 79% dân số sống trong căn hộ xây dựng bởi chính phủ.
Khi ông Lý thăm Hồng Kông vào năm 1954, ông rất bất ngờ khi một nhà may địa phương có thể may một bộ đồ complet cho ông chỉ trong 12 tiếng đồng hồ: “Các nhà may ở Singapore không làm việc được với tốc độ đó,” theo lời ông nói nhiều năm về sau. Kết luận của ông là người Hồng Kông “nhanh nhẹn hơn và quyết liệt hơn,” và đa phần mọi người đến giờ vẫn xem Hồng Kông như vậy.
Những khác biệt như thế đã sản sinh ra một mô hình chủ nghĩa tư bản khác biệt ở Singapore. Mặc cho những tham vọng biến mình thành Luân Đôn của châu Á, Singapore giống như Zurich của khu vực hơn, với những thế giới bí mật của dịch vụ ngân hàng cá nhân và các sàn giao dịch hàng hóa, chứ không phải là sự hỗn loạn đa sắc màu của thị trường vốn và các thỏa thuận làm ăn thường thấy ở người anh em họ phương bắc.


Ngoại trừ 3 mã chứng khoán, gần như tất cả các mã cố phiểu trong chỉ số Strait Times Index có cổ đông chủ chốt là một vài nhà tài phiệt và quỹ đầu tư quốc gia Temasek
Định nghĩa cổ đông chủ chốt là các gia đình, công ty hay cá nhân kiểm soát ít nhất 20 cổ phần có quyền biểu quyết.

Trong chỉ số FTSE Strait Times Index bao gồm 30 công ty, ngoại trừ 3 công ty, phần còn lại có các cổ đông chủ chốt là quỹ đầu tư quốc gia Temasek Holdings Pte hay một vài tài phiệt châu Á và Anh, được dẫn đầu bởi công ty Jardine Matheson Holdings Ltd đặt trụ sở ở Hồng Kông. Điều này làm cho sàn có quy mô “tí hon” so với tiêu chuẩn của các trung tâm tài chính, với tổng vốn hóa của các công ty chủ chốt ở mức thấp hơn các hàng xóm ở Thái Lan và Indonesia.
Thị trường chứng khoán Singapore chỉ bằng một phần mười thị trường Hồng Kông, nơi các công ty bluechip từ đại lục như Tencent Holdings Ltd và PetroChina Co chiếm 1/3 tổng số vốn hóa. Đây là một vấn đề đối với Singapore, bởi vì giao dịch cổ phiếu là một vai trò chính của một trung tâm tài chính năng động.
Theo giáo sư Meijun Qian, giáo sư tài chính tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, “nếu thị trường chứng khoán không hiệu quả, nó sẽ không thể thu hút các doanh nghiệp có chất lượng, tình hình này sẽ trở thành một vòng xoáy tiêu cực, mắc kẹt trong một trạng thái cân bằng thiếu hiệu quả”.
Vị thế thấp hơn của Singapore đã là một mối lo cho họ trong nhiều năm qua. Cách phản ứng cũng mang đậm màu sắc Singapore, bằng việc sử dụng sức mạnh của nhà nước trong một chiến dịch trong nhiều thập niên để cạnh tranh với một thành phố mà sự thành công phần lớn dựa vào sự phản kháng chống lại can thiệp của chính quyền.
Trong vài thập niên vừa qua, Singapore đã xây dựng các công viên, nhà hát, casino và các công viên chủ đề nhằm xóa bỏ nhận thức rằng Singapore chỉ là một hàng xóm “nhàm chán” của Hồng Kông. Sáu trên 10 điểm đến được đánh giá cao nhất trên trang TripAdvisor được xây từ năm 2008 (tuy vậy không nhiều cái thay đổi, vì vị trí thứ nhất vẫn dành cho hệ thống tàu điện nội đô của thành phố). Cuộc đua xe Công thức 1 Singapore Grand Prix, một sự kiện thu hút các khách hàng “đại gia”, cũng được khởi động cùng năm.
Chỉ một số ít các trung tâm nghệ thuật trình diễn lớn của Singapore hiện diện cách đây 20 năm, và điều tương tự cũng xảy ra với khu vực chơi đêm chính của thành phố, Clarke Quay. Cho đến thập niên 1990, đa phần các sàn disco được điều hành bởi các trung tâm cộng đồng hay cảnh sát, và không được phép bán đồ uống có cồn.
Lang thang dọc các quán café tại khu vực trung tâm thành phố, có thể thấy rằng thành phố này giờ có không khí “hipster” nổi bật, khác hoàn toàn so với điều thường nghĩ. Sự biến đổi này, cộng với chi phí sống thấp hơn và nhà cửa chất lượng tốt hơn, dường như đã thành công trong việc thu hút người nước ngoài. Con số thường trú nhân không phải là công dân Singapore đã tăng khoảng 235.000 người trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2018, vượt trội con số tăng trưởng cư dân không phải người đại lục ở Hồng Kông, ở mức 199.000 trong khoảng thời gian tương tự. Khoảng 13% dân số Singapore giờ là người không có quốc tịch Singapore, tăng so với mức 4,1% vào năm 1990.
Bất chấp những thay đổi này, tầm nhìn từ một thập niên trước rằng Singapore cuối cùng sẽ chiếm vai trò là trung tâm tài chính quan trọng nhất châu Á đã bị ngăn trở bởi sự tăng trưởng khổng lồ của Trung Quốc lan tỏa qua Hồng Kông.
Nếu xét một thông số đo lường vai trò của thành phố như là một trung tâm tài chính quốc tế – giá trị các khoản giao dịch tại các chi nhánh địa phương của các ngân hàng quốc tế dành cho các cá thể phi ngân hàng là người nước ngoài – Singapore từng có triển vọng bắt kịp Hồng Kông một thập niên trước, nhưng giờ Singapore đã bị bỏ xa toàn diện.
Thậm chí dịch vụ ngân hàng cá nhân, điều thường được nghĩ là một trong những điểm mạnh của Singapore, Hồng Kông cũng đã thắng, khi mà nhiều người giàu được tạo ra từ sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã tìm cách cất giữ tài sản ở bên kia biên giới, nhưng không quá xa.
Theo Joseph Lim, phó giáo sư ngành tài chính tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, “chúng tôi là trung tâm tài chính cho Đông Nam Á, Hồng Kông là trung tâm tài chính của Trung Quốc.”
Trong phần lớn khoảng thời gian 22 năm từ khi Hồng Kông được trao trả cho đại lục, khoảng cách địa lý so với Trung Quốc là một điểm yếu đối với Singapore. Chỉ các cá nhân và doanh nghiệp có mong muốn mãnh liệt giữ tài sản thật xa tầm với của Bắc Kinh mới nỗ lực đem tài sản đi thật xa đại lục, động cơ kinh tế của thế giới.
Nhưng bây giờ thì điểm yếu này đang dần trở thành điểm mạnh. Trung Quốc đại lục đang suy giảm dân số, với lực lượng lao động giảm 1,4 triệu người vào năm 2018, nhiều gấp ba lần tống số suy giảm 436.000 người ở Nhật và Liên minh Châu Âu cộng lại. Cùng lúc đó, thương chiến đã dịch chuyển các chuỗi cung ứng đến “sân sau” của Singapore ở Đông Nam Á, làm nhiều khu vực mới giàu lên.
Sau nhiều năm dẫn đầu so với tất cả các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giờ đã tụt sau Philippines, Việt Nam, và Ấn Độ. Thậm chí quy mô lớn của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi định luật vật lý. Đến năm 2035, tám nền kinh tế lớn nhất Nam Á và Đông Nam Á cộng lại sẽ cân bằng với Trung Quốc trên phương diện tổng GDP, theo dự báo từ công ty PricewaterhouseCoopers LLP. Các nền kinh tế này còn tăng tốc nhanh hơn sau thời điểm đó.
Vì thế, có khả năng sự suy yếu của kinh tế – đi kèm sự xâm phạm khế ước xã hội bất thành văn của Trung Quốc, rằng sự cải thiện ngoạn mục cuộc sống vật chất có thể bù lại cho sự thiếu thốn tự do dân sự – là một lý do dẫn đến sự siết chặt kiểm soát chính trị của Bắc Kinh. Vì họ không còn có thể xoa dịu người dân bằng sự giàu có, bây giờ chính phủ Trung Quốc đang dùng những biện pháp hà khắc hơn để duy trì kiểm soát. Đó là một triển vọng đáng báo động, thậm chí cho các trung tâm tài chính đối thủ.
“Không ai muốn một Trung Quốc đại lục bất ổn,” theo Yougesh Khatri, một nhà nghiên cứu ở Singapore làm việc cho Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Chatham House của Anh. “Chúng tôi đều muốn một nền kinh tế Hồng Kông ổn định và thịnh vượng.”
Nếu một ngày nào đó Singapore thay Hồng Kông đóng vai trò là trung tâm tài chính quan trọng nhất châu Á, thì đó không phải bởi vì Singapore trở thành một nơi tốt hơn để dòng tiền nước ngoài tiếp cận Trung Quốc. Thay vào đó, điều này xảy ra bởi vì dòng tiền quốc tế một ngày nào đó sẽ thấy Trung Quốc giống như Nhật Bản bây giờ, một thị trường lớn nhưng nhiều thách thức và bị làm lu mờ bởi các đối thủ tăng trưởng nhanh hơn.

Nguồn: David Fickling, “Singapore’s Long-Awaited Moment May Have Arrived” Bloomberg, 05/12/2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét