Tại miền Nam, từ giữa thập niên 1950, khi dòng người cuồn cuộn xuống tàu há mồm đi từ Bắc vào Nam theo tinh thần Hiệp định Genève 1954 thì cũng là lúc đời sống bình lặng của vùng đất phương Nam sôi nổi hẳn lên. Đám học trò miền Nam có thêm bạn mới, xa lạ lúc ban đầu, nhưng chẳng mấy chốc thân quen; nhiều khu đất Sài Gòn hoang vắng chợt ấm áp tiếng người.
Điều mà tôi ấn tượng nhất là trong đám người đắng lòng rời bỏ quê cha đất tổ ấy, có những người chỉ mang theo mình mấy rương sách. Và khi chân vừa đặt lên vùng đất mới, họ đã nhanh chóng khai triển một nghề hiếm thấy trên đất Sài Gòn. Đó là nghề cho mướn sách. Thôi thì cơ man nào là sách được họ trưng ra, nhiều nhất là sách Tự Lực Văn Đoàn của những Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, những ấn bản đầu của thập niên 1930; sách của Phổ Thông bán nguyệt san, thập niên 1940, với những cây bút quen thuộc Lê Văn Trương, Tchya, Lan Khai…
Đất nước chia đôi, phân nửa dưới vĩ tuyến 17 không được phép tái bản sách của những tác giả bên trên vĩ tuyến, những tài năng trác tuyệt Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân…, vì thế những cửa hàng cho thuê sách của một số “người Bắc di cư” (theo cách nói lúc bấy giờ) đã giải tỏa cơn khát sách của hàng vạn sinh viên, học sinh miền Nam vào nửa sau thập niên 1950. Bên cạnh những Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Anh Phải Sống, Bướm Trắng, Gió Đầu Mùa… của Tự Lực Văn Đoàn với những tình cảm nhẹ nhàng của lứa tuổi đôi mươi; những Thần Hổ, Ai Hát Giữa Rừng Khuya ma quái, rùng rợn của Tchya (Đái Đức Tuấn), nổi lên một tác phẩm độc đáo viết về những gì thuộc về thế hệ đi trước, nay chỉ còn là một hoài niệm xa xôi: Vang Bóng Một Thời.
Ra đời vào đầu thập niên 1940, Vang Bóng Một Thời có một hướng đi riêng, một văn phong đặc biệt phù hợp với những hoài niệm về một thời quá vãng của cha ông. Nó có đủ ma lực để làm rung động những tấm lòng hôm nay, trong cuộc sống xô bồ, muốn nhìn thấy lại hình ảnh của những người đi trước, những hình ảnh có lúc mờ ảo như khói sương, có lúc lại hiển hiện như ở một ngày mưa gần gũi nào. Đọc Vang Bóng Một Thời, ta cảm nhận được chất tao nhã trong thú vui của người xưa, từ thú uống trà đến chuyện thưởng thức mùi hương lan mỗi lúc Xuân về, thậm chí đến trò sát phạt nhau cũng phải trong không khí bàng bạc của chữ nghĩa thánh hiền.
Mê trà và sành trà, khó có ai qua nổi cụ Sáu, nhân vật nghiện trà của nhà văn Nguyễn Tuân. Để có một hương vị trà ngon, nước để pha trà phải lấy từ chiếc giếng nước trong vắt ở ngôi chùa Đồi Mai thì mới được. Cái chất lá chan chát, thơm thơm ấy lôi cuốn một tâm hồn kẻ sĩ đã đành, đôi khi làm lộ diện cả một kỳ nhân. Bữa nọ cụ Sáu ngồi trà đàm với người bạn tương tri thì một gã hành khất mon men đến cửa, ngồi hít lấy mùi thơm tỏa ra từ chiếc ấm đất rồi đánh bạo xin với chủ nhân cho được một ấm trà.
Nhận được tấm lòng thơm thảo của người đàn ông đã quá nửa đời làm bạn với trà, gã ăn mày lấy từ trong bị cói chiếc ấm đất mang theo rồi tự tay đun một ấm trà. Uống xong ngụm trà thứ hai, vẻ sảng khoái như chùng xuống, gã hơi nhíu mày, ngỏ lời cảm ơn gia chủ, khen là trà ngon, nhưng tiếc là có lẫn mùi trấu. Chủ nhân cho là gã ăn mày đa sự, không chấp nhất, để cho gã lau ấm chén và tiếp tục ra đi. Không ngờ buổi chiều hôm ấy, cụ Sáu trút bã trà ra đề súc ấm thì bỗng trố mắt, nhìn thấy lẫn trong đó mươi mảnh trấu. Sự ngạc nhiên kỳ thú khiến người đàn ông chợt nghĩ rằng gã ăn mày kia ngày xưa hẳn là một đại phú gia, chỉ vì mê mải vào núi Vũ Di Sơn tìm lấy trà ngon mà tan tành sản nghiệp!
Cái thú uống trà ấy ngày nay vẫn còn, song đã mất đi khá nhiều cái phong vị của người xưa. Nếu trong đời này có ai “nhấm nháp” mùi hương thì người ấy quả là đồng điệu với cụ Kép. Vì cái thú của cụ là thưởng thức mùi hương hoa lan thấm đẫm vào trong những viên kẹo mạch nha mỗi lúc Xuân về. Thời ấy, khi trời đất sắp chuyển mùa, nhà nhà chuẩn bị đón Tết thì những khóm hoa lan trong vườn nhà cũng bắt đầu hé nụ. Đó là lúc mà người bõ già nhà cụ Kép mang những viên đá tròn và trắng muốt ra chiếc cầu ao, rửa cho thật sạch. Cũng là lúc mấy người con trai của cụ ngồi dán giấy vào những chiếc lồng bàn miệng đủ rộng để trùm lên các chậu lan.
Khi những giò hoa lan bắt đầu mãn khai, mùi hoa thoang thoảng, cụ Kép cho trải lên lớp đất của mỗi chậu lan những hòn cuội xấu, rồi nhẹ nhàng đặt lên đó từng viên đá cuội tròn trịa đã được quấn một lớp kẹo mạch nha, cuối cùng phủ chụp những chiếc lồng bàn đã được dán giấy kín lên từng chậu lan một. Mùi hương lan tỏa ra không có chỗ thoát, quyện vào từng viên đá cuội mạch nha, trong cái dịu ngọt của kẹo, có mùi hương vương giả những loài hoa lan Nhất Điểm, Mặc Lan, Bạch Ngọc… Và cứ thế, mấy ngày sau, cụ già đã chán cảnh phồn hoa đã có thể cùng vài người bạn tâm giao khề khà bên cạnh chén rượu, nhai những hòn đá cuội ngọt ngào vị mạch nha và thoảng mùi hoa vương giả hương đình.
Những lúc nhiều thì giờ hơn, cần động não nhiều hơn, các cụ ngày xưa chơi trò “thả thơ” tuy khá cầu kỳ nhưng đầy thi vị. Thú chơi chỉ dành cho những người chứa một bụng chữ, từ Đường thi, Tống thi đến Minh thi. Nó mang ít nhiều tính chất sát phạt để lôi cuốn người chơi nên đôi lúc cũng trở thành kế sinh nhai của những kẻ sĩ sinh bất phùng thời, những lão quan sống một đời thanh bần khi về trí sĩ nhà dột cột xiêu. Họ bày ra trò thả thơ cho mọi người tham dự. Mỗi câu thơ có bảy chữ, họ chỉ chép trên một mảnh giấy nhỏ sáu chữ, một chữ để trống, gọi là “chữ vòng”, rồi “thả” ra năm chữ khác nhau có thể điền vào chữ “vòng”, ai điền đúng chữ trong sách in thạch bản thì đặt một được chung ba. Ví dụ, họ viết câu thơ “Quân hướng Tiêu tương, ngả (vòng) Tần” rồi thả năm chữ: cố, tại, vọng, phản, hướng – chữ nào ghép vào câu cũng có nghĩa, nhưng chỉ có một chữ là đúng. Khi khách chơi đặt không trúng nhưng chưa tâm phục khẩu phục thì có thể yêu cầu nhà cái xuất trình sách thạch bản có in bài cổ thi đó.
Thường các cụ thả thơ trên những chiếc thuyền hay bè thả trôi trên sông, mỗi câu thơ thả được một giọng ngâm rong trẻo, truyền cảm của một ca nhi nào đó diễn đạt, tiếng ngân vang xa trên mặt nước, nếu vào một đêm trăng sáng nào đó thì người tham dự có thể tưởng tượng mình đang lạc vào một thế giới kỳ ảo nào.
***
Ngày nay cũng không thấy (hay ít thấy) thú vui “Thi Họa”, trong ý nghĩa “thi trung hữu họa” như người xưa đã từng quan niệm. Đề do ban tổ chức cuộc thi đưa ra là một câu thơ và ai vẽ một bức tranh lột tả được hết ý nghĩa của câu thơ đó thì đoạt giải. Lần nọ, ban tổ chức ra đề: Dạ vũ trích nhàn giai (Mưa đêm rỏ thềm vắng), bức họa đoạt giải nhất vẽ một mái tranh dưới bầu trời xám xịt, một chàng thư sinh đang cầm nghiên mực giơ ra dưới mái tranh, đơn giản là thế, nhưng diễn tả được hình ảnh mà thi nhân muốn gửi gắm đến người đọc. Lần khác, ban tổ chức cuộc thi ra đề: Quy khứ mã đề hương (trở về nhà, chân ngựa còn vương vấn mùi hương), bức tranh được chấm giải vẽ một chàng thư sinh đang “lỏng buông tay khấu” trên lưng ngựa, theo sau gót chân ngựa là một đàn bướm nhỏ. Cũng có khi cuộc thi kết thúc mà không có ai đoạt giải cả, vì đề tài khó hình dung quá! Đó là lần ban tổ chức ra đề bằng một câu bát trong thể thơ lục bát: Tuổi son sông nước đò ngang chưa tường. Các nhà danh họa bó tay hoặc có vẽ gỡ gạc cũng không làm vừa lòng ban giám khảo.
Kể ra, đây cũng là một thú vui tao nhã cần được cổ vũ để làm đẹp thêm cho cuộc sống đang ngày một thực dụng và xấu xí hơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét