Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

212 - Soleimani là ai mà bị Mỹ triệt hạ ?




Một dân quân Huthi mang ảnh tướng Iran Qassem Soleimani, người bị sát hại trong trận oanh kích của Mỹ tại sân bay quốc tế Bagdad ngày 06/01/2020. REUTERS/Naif Rahma
Iran đã thực hiện lời đe dọa « đáp trả » Mỹ khi bắn 22 tên lửa vào hai căn cứ quân sự tại Irak mà quân Mỹ đồn trú. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran khẳng định đó là « một cái tát trực diện » để trả thù cho vụ sát hại tướng Iran Qassem Soleimani.
Vị chỉ huy cao cấp của Iran đóng vai trò quân sự và chính trị như thế nào tại Iran và Irak ? Tại sao tổng thống Donald Trump chọn giải pháp « mạnh » nhất ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà báo Ehsan Manoochehri, trưởng ban tiếng Ba Tư, đài Phát thanh Quốc tế Pháp.
RFI : Trong lễ tang tướng Soleimani, người ta thấy có hàng triệu người tham gia. Tướng Soleimani đóng vai trò quân sự và ngoại giao như thế nào tại Iran ?
Ehsan Manoochehri : Trước tiên, phải nói rằng Iran là một nước mà trong nhiều sự kiện, lễ hội, luôn có rất đông người tham gia. Vì thế, rất dễ cho chính phủ Iran huy động đông đảo người dân đến dự lễ tang tướng Soleimani, trong đó dĩ nhiên giới quân nhân và gia đình của họ đều được huy động. Chính phủ chi trả các đoàn xe chở người từ khắp nơi tới.
Tất nhiên điều này cho thấy tướng Soleimani giữ một vai trò quan trọng. Tôi muốn nhắc lại là khi Iran tham chiến ở Syria để cứu tổng thống Bachar Al Assad khỏi các nhóm thánh chiến, chính quyền Teheran giải thích quyết định đó là cam kết của Iran trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech), bảo vệ Iran trước nguy cơ bị Daech tấn công. Vì thế, điều quan trọng đối với Iran là phải đưa ra được một hình ảnh, giới thiệu được một nhân vật thể hiện cam kết của Iran. Và nhân vật đó chính là tướng Soleimani.
Trước khi Iran quyết định tham chiến ở Syria năm 2012, tướng Soleimani không đến mức nổi tiếng như vậy. Nhưng kể từ năm 2012, ông thường xuyên được giới thiệu trên báo chí và truyền thông chính thức để bảo vệ lập trường của Teheran cùng Bachar Al Assad chiến đấu.
Đó là vai trò quân sự của tướng Soleimani. Ông chỉ huy lực lượng Qods, chuyên thực hiện những chiến dịch ở nước ngoài, như ở Syria, Irak, Liban, sau này thêm Yemen và thỉnh thoảng ở Afghanistan. Ngoài ra, tướng Soleimani từng tổ chức, thậm chí là đào tạo nhiều lực lượng khác, gồm một phần là lực lượng dân quân Pakistan, hoặc những người theo hệ phái Shia đến từ những nước khác và phần kia là người Afghanistan, gồm khoảng 12.000 đến 20.000 người. Đó là những người nhập cư, được tuyển với lời hứa cấp nhà, thẻ cư trú, lương bổng sau khi chiến tranh kết thúc.
Chính sách ngoại giao của Iran tại Irak, Syria và Liban phần nào đó bị bỏ rơi vào tay các lực lượng mà tướng Soleimani chỉ huy. Vì thế, đại sứ quán Iran tại ba nước này đều có nguồn gốc từ lực lượng Qods, thường là cấp tướng thuộc lực lượng chiến đấu ở nước ngoài. Nói một cách nào đó, tướng Soleimani có vai trò như một « ngoại trưởng », nhưng chỉ đối với ba nước này, vì thế, người ta không thấy ngoại trưởng Iran công du Irak. Tôi xin nhắc lại sự kiện cách đây vài tháng, tổng thống Syria Bachar Al Assad công du Iran và đã gặp giáo chủ tối cao. Tổng thống và ngoại trưởng Iran thậm chí không biết tin. Vì thế, ngoại trưởng Iran đã xin từ chức, nhưng giáo chủ tối cao đã trấn an và đơn từ chức đã không được chấp nhận.
Tướng Qassem Soleimani đóng vai trò như nào tại Irak ?
Như tôi nói ở trên, tướng Soleimani đóng vai trò rất lớn ở Irak bởi vì Iran đóng vai trò quan trọng ở Irak. Chúng ta biết là sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, việc phân chia quyền lực tại Irak trở thành « phân chia công việc ». Vì cộng đồng người Shia chiếm đa số ở Irak, nên họ chiếm đa số ở Nghị Viện, do vậy quyền hành pháp được giao cho người Shia, thủ tướng luôn là một người Shia. Tổng thống Irak là một người Kurdistan, còn chủ tịch Nghị Viện là một người Sunni.
Một cách nào đó, người Shia ở Irak nghe theo « lệnh » từ Iran. Mỗi khi việc thành lập bộ máy chính quyền Irak gặp khó khăn hoặc có xung đột, Iran luôn đưa ra ý kiến. Ví dụ chính phủ Irak hiện đang gặp khủng hoảng vì những tên tuổi, hoặc danh sách được Iran đề xuất hoặc ủng hộ thì lại không được người dân chấp nhận. Cuộc khủng hoảng thành lập chính phủ này đã kéo dài từ ngày 01/10/2019. Người dân không chấp nhận những ứng viên do đa số Shia ở Nghị Viện, có nghĩa là Iran, đề xuất, vì thế dân chúng vẫn tiếp tục biểu tình phản đối. Đúng là Soleimani đóng một vai trò rất quan trọng, vừa về quân sự, vừa về ngoại giao tại Irak.
Tại sao tổng thống Donald Trump quyết định triệt tướng Soleimani, trong khi những tổng thống tiền nhiệm Mỹ luôn cố tránh ?
Tình hình đã thay đổi. Cần phải biết là chính phủ Mỹ nắm rất rõ những lần di chuyển đến Irak của tướng Soleimani. Sân bay quốc tế Bagdad gần như là do liên quân quốc tế quản lý nên Hoa Kỳ biết rõ mọi chuyến công du của tướng Soleimani, thậm chí vài lần trong một tháng trong thời gian gần đây do cuộc khủng hoảng chính trị ở Irak như nói ở trên. Vì thế, tướng Soleimani phần nào có cảm giác an toàn, được hưởng quyền miễn trừ từ phía Mỹ.
Hoa Kỳ cũng không muốn triệt hạ một vị tướng, trong quá khứ từng hợp tác với quân đội Mỹ khi Hoa Kỳ tham chiến ở Afghanistan sau năm 2001. Chính tướng Soleimani, thông qua thuộc cấp, tại một khách sạn ở Geneve (Thụy Sĩ), đã cung cấp các bản đồ bố trí quân sự của lực lượng Taliban ở Afghanistan. Thậm chí, ông còn đề xuất cung cấp cho phía Mỹ các kế hoạch tấn công, kiểu « Nếu là tôi, tôi sẽ làm như này ! ».
Tiếp theo, tại Irak, chính phủ lâm thời được thành lập sau khi Saddam Hussein bị giết chết là kết quả thảo luận trực tiếp giữa tướng Soleimani và các nhà ngoại giao Mỹ. Qua đó, chúng ta có thể thấy ông là một vị tướng rất thực dụng.
Khi cuộc chiến chống Daech nổ ra ở Irak, Mỹ không muốn triển khai lực lượng trên bộ, mà muốn tướng Soleimani mang quân đến. Mỹ oanh kích trên không, còn những lực lượng dưới quyền chỉ huy của tướng Soleimani chiến đấu trên thực địa. Cần phải nhắc lại là nếu không tấn công trên bộ thì sẽ không đẩy lùi được kẻ thù.
Như vậy là giữa tướng Soleimani và quân đội Mỹ đã có nhiều lần hợp tác. Vấn đề ở chỗ, giờ Daech gần như đã bị tiêu diệt, Iran, dĩ nhiên là cả tướng Soleimani, muốn Mỹ rút khỏi Irak. Chính vì thế, từ ngày 01/10/2019 đến thời điểm tướng Soleimani bị chết, đã có 13 vụ tấn công vào những cơ sở của Mỹ ở Irak. Quân đội Mỹ nhiều lần cảnh cáo chính quyền Teheran, vì các lực lượng dân quân Shia tại Irak, như Hezbollah, Hash al-Chabi…, đều tuân theo lệnh của lực lượng Qods, do tướng Soleimani chỉ huy.
Vì thế, lúc đầu, trong những đề xuất được gửi lên tổng thống Donald Trump, đã có phương án triệt hạ tướng Soleimani. Nhưng tổng thống Trump không chấp nhận giết tướng Soleimani mà « oanh kích » những căn cứ quân sự của lực lượng dân quân. Chiến dịch được tiến hành ngày 29/12/2019 và có 25 dân quân bị thiệt mạng.
Vấn đề ở chỗ, hai ngày sau, lực lượng dân quân đã trả đũa khi tấn công đại sứ quán Mỹ ở Bagdad. Đối với tổng thống Trump, đây là điều không thể chấp nhận được, bởi vì một mặt, người ta chưa quên hình ảnh sứ quán Mỹ tại Teheran bị tấn công, 56 nhân viên bị bắt làm con tin trong suốt 444 ngày vào năm 1979, mặt khác là vụ quân thánh chiến tấn công và đốt hai sứ quán khác của Mỹ ở Nairobi (Kenya) và Dar es Salaam (Tanzania) khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong khi chỉ còn chưa đầy đến một năm nữa là bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump không thể chấp nhận ngồi nhìn vụ tấn công khiến nhân viên ngoại giao Mỹ ở Bagdad gặp nguy hiểm. Vì thế, chủ nhân Nhà Trắng đã chọn phương án được cho là mạnh nhất, buộc Iran phải hiểu rằng Washington không chấp nhận nhìn thấy lợi ích của Mỹ bị tấn công.
Iran dọa trả đũa Mỹ, nhưng bằng cách nào vì tình hình kinh tế, tài chính Iran không phải là sáng sủa lắm do lệnh cấm vận của Mỹ và quốc tế ?
Đây là câu hỏi hay, vì về mặt tài chính, rất rất khó cho Iran đáp trả, nhưng mới đây Nghị Viện Iran đã thông qua một khoản ngân sách 200 triệu euro bổ sung thêm cho Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng. Khoản ngân sách này được trích từ quỹ chiến lược của Iran. Liệu 200 triệu euro có đủ hay không ? Liệu khoản tiền này có thực sự được chuyển cho quân đội hay không, hay chỉ là một hành động mang tính chính trị ? Tôi không thể trả lời câu hỏi này được. Ngoài ra, phải nói là tiền không phải là phương tiện duy nhất để tiến hành chiến tranh. Điều này muốn nói là Iran đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực sản xuất tên lửa. Đây là loại vũ khí duy nhất mà Iran có nhiều kinh nghiệm và có trữ lượng cần thiết. Tại vì không quân Iran gần như bị tiêu diệt trong cuộc chiến Irak.
Tuy nhiên, phía Iran có thể có phương tiện để tác động đến an ninh của lực lượng Mỹ trong khu vực. Nhưng nếu thực sự xảy ra một cuộc chiến lớn, tôi cho rằng Iran không có đủ khả năng đối mặt với quân đội Mỹ, mà chỉ có thể phản ứng theo kiểu chiến tranh bất tương xứng, như tấn công vào tầu bè… Chắc chắn là họ có khả năng quấy nhiễu nhưng tôi cho rằng Iran sẽ không có khả năng đối đầu trực diện, trong khi Hoa Kỳ có thể có thêm sự ủng hộ của những nước phương Tây khác.
Đâu là hình ảnh của Mỹ trong mắt người dân Iran ?
Tôi nghĩ đây là câu hỏi khó trả lời chính xác. Tại Iran, có một bộ phận dân chúng không có chút thù hận gì với người Mỹ, nước Mỹ hay với Donald Trump. Thậm chí, ngày mà tướng Soleimani bị giết, trên nhiều bức tường ở Teheran xuất hiện nhiều câu như « Hoan hô Trump »
Giống như những dân tộc khác trên thế giới, người dân Iran có cách nhìn rất khác nhau, dù là về người Mỹ, nước Mỹ, tổng thống Trump hay tướng Soleimani. Hình ảnh người dân Iran thù nghịch với Mỹ là một hình ảnh không có ý nghĩa. Chắc chắn là có những người, như chúng ta chứng kiến trong đám tang Soleimani, kêu gọi « Giết chết người Mỹ », có thể đó là những người hận Hoa Kỳ. Dù có hơn 1 triệu người đến dự đám tang, nhưng so với dân số 83 triệu người ở Iran, kể cả có là 2 triệu người, tôi cho rằng số lượng đó rất ít, chỉ chiếm khoảng 3 hoặc 4% dân số. Tất nhiên tôi không nói là đa số người dân Iran yêu nước Mỹ. Nếu muốn có một cái nhìn toàn cảnh, tôi cho rằng người dân Iran, về tổng thể, không thù nghịch với Mỹ hay với những dân tộc khác.
RFI tiếng Việt chân thành cảm ơn nhà báo Ehsan Manoochehri, trưởng ban tiếng Ba Tư, đài Phát thanh Quốc tế Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét