Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Thế yếu của Mỹ trong Thượng đỉnh Trump – Tập





Những thế kỷ trước đây, các hoàng đế Trung Hoa sẽ không bao giờ du hành tới một quốc gia khác để gặp các vị tân vương của nước đó. Thay vào đó, tân vương của các nước láng giềng phải thân chinh đến kinh đô Trung Hoa hoặc cử các sứ thần sang để nhận sắc phong từ Thiên Tử.



Vì vậy, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý đi hàng nghìn dặm để tới gặp tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Miami thay vì đón tiếp ông Trump tại một thành phố của Trung Quốc cho thấy ở một mức độ nào đó Trung Quốc đang chấp nhận thế yếu của mình trong quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng điều đó có thể thay đổi rất nhanh chóng nếu Hoa Kỳ không nỗ lực để duy trì vị thế bá chủ toàn cầu hiện nay của mình.



Những thảo luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của Hoa Kỳ đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, nhưng chỉ cho tới khi Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thì triển vọng Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ làm bá chủ thế giới mới trở nên khả tín đối với nhiều nhà phân tích. Cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Tập tuần này có thể càng củng cố thêm nhận thức đó theo nhiều cách khác nhau.



Cuộc gặp được cho chỉ là một dịp để hai nhà lãnh đạo làm quen với nhau nhưng ông Trump chắc chắn sẽ nêu lên ít nhất ba vấn đề lớn khi gặp ông Tập, đó là vấn đề thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và tranh chấp Biển Đông. Dễ hiểu là cả hai vị lãnh đạo đều muốn giành được các nhượng bộ từ đối tác của mình và thể hiện hình ảnh “chiến thắng” sau hội nghị.



Trong khi ông Trump muốn có một kết quả khả quan để bù đắp cho một loạt những thất bại chính trị gần đây vốn làm hao tổn uy tín chính trị trong nước của ông, thì ông Tập cũng muốn giành được một chiến thắng ngoại giao để củng cố hơn nữa vị thế chính trị của mình trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu tới.



Về vấn đề thâm hụt thương mại, ông Trump muốn hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ bằng cách áp đặt các hàng rào thuế quan cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc và thuyết phục các doanh nghiệp Mỹ cũng như quốc tế chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc tới Hoa Kỳ. Nhưng tại cuộc họp, ông Trump ít có khả năng sẽ đạt được mục đích của mình.



Việc đơn phương áp đặt các hàng rào thuế quan không phù hợp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gây nên các tranh chấp thương mại và các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh. Đồng thời, biện pháp đó cũng có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ vốn đang tạo ra sức mạnh kinh tế cho nước Mỹ cũng như mang lại cho người tiêu dùng Mỹ các hàng hóa hợp túi tiền bằng cách xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc.



Một lựa chọn khả dĩ hơn cho ông Trump có lẽ là thuyết phục Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ. Nhưng biện pháp này không thể được áp đặt tên các công ty, những chủ thể kinh tế vốn đưa ra các lựa chọn của mình dựa trên các điều kiện thị trường hơn là các quyết định chính trị.



Trong khi đó ông Trump đã ngỏ ý rằng ông sẽ gắn vấn đề thương mại song phương với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hàm ý rằng ông có thể có một lập trường mềm mỏng hơn về vấn đề thương mại nếu ông Tập có thể giúp kiềm chế một cách hiệu quả tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.



Tuy nhiên, nhận thức được vị thế tay trên của mình trong vấn đề thương mại, ông Tập ít có khả năng sẽ cúi mình trước áp lực của Hoa Kỳ. Thay vào đó, ông thậm chí có thể đề nghị ông Trump ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc, điều ông Trump có thể sẽ bác bỏ.



Hơn nữa, ông Trump có thể đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Các vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng bất chấp các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, như việc hạn chế nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên, cho thấy Trung Quốc hầu như không có khả năng kiểm soát những gì xảy ra bên trong quốc gia láng giềng. Vì vậy, ông Trump cũng khó có thể giành được những thắng lợi chiến lược trong cuộc gặp với ông Tập liên quan tới vấn đề gai góc này.



Tương tự, cũng rất khó để ông Trump có thể giành được nhượng bộ từ phía ông Tập về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình, hàm ý họ sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích đó khi bị đe dọa. Nhiều nhà phân tích chỉ trích chính quyền Obama đã nhẹ tay với Trung Quốc khi cho phép Bắc Kinh bành trướng mạnh mẽ trên Biển Đông suốt 8 năm qua, nhưng chính quyền Obama có thể làm gì hơn để ngăn cản Trung Quốc nếu không muốn xảy ra một cuộc xung đột vũ trang lớn giữa hai cường quốc?



Ông Trump có thể muốn đảo ngược các bước tiến chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng các lựa chọn của ông để đạt được mục tiêu đó đơn giản là rất hạn chế. Cuộc gặp thượng đỉnh song phương sắp tới có thể càng góp phần chứng minh cho điều đó.



Như vậy, nhiều khả năng ông Trump không thể biến cuộc gặp thượng đỉnh thành một chiến thắng ngoại giao cho Hoa Kỳ cũng như cho chính bản thân mình, và ông Tập nhiều khả năng sẽ giữ vững được lập trường của mình, thậm chí còn tỏ ra là bên giành chiến thắng. Một kết quả như vậy sẽ càng củng cố nhận thức rằng Hoa Kỳ đang chịu thất bại chiến lược trước Trung Quốc, điều gần đây đã trở nên phổ biến, đặc biệt là tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau khi ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chấm dứt chính sách “xoay trục” của chính quyền Obama.



Quan trọng hơn, do lập trường biệt lập và chống tự do của mình cũng như sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Hoa Kỳ, ông Trump có thể không có đủ nguồn vốn và quyết tâm chính trị để trì hoãn chứ chưa nói tới đảo ngược xu thế này.  Sự chuyển giao quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vì vậy sẽ tăng tốc trong cũng như sau nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump nếu như Hoa Kỳ không có những thay đổi lớn và kịp thời để duy trì vị thế bá chủ toàn cầu của mình.



Triển vọng đó sẽ tạo ra những tác động to lớn lên các quốc gia châu Á, những người sẽ phải học cách chung sống với thực tế mới. Một vài quốc gia trong khu vực đã đưa ra lựa chọn của mình bằng cách nghiêng về phía Trung Quốc.



Còn Hoa Kỳ thì sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét