Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Cái gì sẽ là di sản



Một đất nước không có di sản là một đất nước không có tâm hồn bởi trầm tích thời gian không có trong đó. 


Mỗi vương triều, hoặc mỗi chính thể không ít thì nhiều đều để lại ít nhiều di sản: có những di sản có ý nghĩa, nhưng cũng có những di sản quá ư buồn đau.

Việt Nam có khá nhiều di sản văn hóa được UNESCO vinh danh. Về về di sản văn hóa vật thể phi nhân tạo có:Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, Quần thể danh thắng Tràng An, Công viên đá Đồng Văn. Về di sản văn hóa vật thể nhân tạo và phi vật thể có khá nhiều: Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đô thị Hội An, Quần thể di tích cố đô Huế, Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội, Thành nhà Hồ, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thừa kế vua Hùng, Đàn ca tài tử Nam Bộ, Mộc bản triều Nguyễn, Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn. Các di sản này, có di sản được hình thành từ các nỗ lực của các vương triều, và cũng có nhiều di sản được hình thành từ trí tuệ và tâm hồn của nhân dân.

Kinh thành Huế
Đó là quá khứ. Có một câu hỏi khác về hiện tại: Chính thể cầm quyền ở Việt Nam hiện tại đã -đang hoặc sẽ tạo nên di sản gì cho tương lai mai sau để góp phần làm phong phú thêm một tâm hồn?

Tôi nhìn về năm 1945, và nhìn về quá khứ, rồi nhìn về hiện tại. Tôi chưa nhận ra bóng dáng hồn cốt nào của một di sản tích cực cả. Tôi yếu kém trong nhìn nhận và đánh giá, hay là tôi quá bi quan? Ai đó làm ơn chỉ giùm tôi một chút dấu ấn, một chút hình hài di sản có ý nghĩa mà chính quyền Hà Nội đã dần dựng xây và lộ diện hình hài!

Tôi chỉ nhìn thấy những vết loang lổ trên đất mẹ, những gầm gào trong lòng biển cha.

Tôi chỉ nhìn thấy những núi đồi trọc lóc- những nơi mà cách đây chỉ 30-40 năm thôi còn là đại ngàn hùng vĩ, còn là rừng sâu rú rậm, thiên nhiên hầu như còn ở trong trạng thái bí ẩn hồn nhiên.

Tôi nhìn thấy những dòng hóa chất độc hại, chất xả thải ào ào chui vào lòng biển cha, khiến lòng biển cha đục ngầu và quặn đau.

Tôi nhìn thấy đoàn con của Lạc Long Quân và u Cơ thất thểu lên rừng bỗng bàng hoàng bắt gặp các dự án bô xít vô tư xả khói trắng độc địa lên bầu trời xanh trong vắt. Tôi nhìn thấy một đoàn con khác của Lạc Long Quân- u Cơ bần thần đi về hướng biển bỗng hoảng hốt trước một Formosa sừng sững như một tường thành đại hán đang ngạo nghễ truyền độc vào biển cha. Tôi nhìn thấy một đoàn con khác của Lạc Long Quân- u Cơ loạng quạng đi về Nam Bộ để xé lòng trước một Lee& Man bốc mùi hôi thối nồng nặc, và con sông Hậu đang quằn quại kêu gào thảm thiết. Tôi nhìn thấy một đoàn con khác của Lạc Long Quân- u Cơ vật vờ đi lên hướng núi để chua chát lặng nhìn hàng trăm thủy điện vừa và nhỏ thi nhau xả lũ vào dân, gây nên những thảm họa nhân đạo chưa từng có trong lịch sử nước nhà....

Tôi nhìn thấy hàng triệu học sinh không có tuổi thơ, oằn mình cõng theo các cặp sách nặng nề mà trong đó chỉ có giáo điều và xơ cứng là được ngành giáo dục chăm chút và tôn vinh nhất.

Tôi nhìn thấy hàng trăm ngàn sinh viên không được học những điều mà họ cần học, hàng chục ngàn giảng viên không được dạy những điều mà họ mong được dạy.

Tôi chỉ thấy hàng chục ngàn nam thanh nữ tú chầu chực xếp hàng, chen chúc và chạy chọt để được đi xuất khẩu lao động ở những xứ tư bản giãy chết. Ở đó, họ có thể những người lao động chân chính, nhưng ở đó họ có thể là lao nô, lao động tình dục và tội phạm.

Tôi nhìn thấy đâm chém- cướp- giết- hiếp- lừa đảo hiện diện khắp nơi, có mặt ở cả những hang cùng ngõ hẻm của đất nước.

Tôi nhìn thấy hàng trăm ngàn oan hồn chết vì căn bệnh ung thư lang thang trong đêm tối cất lên những kêu gào đớn đau đòi môi trường sạch, nước sạch, thực phẩm sạch, không khí sạch...

Tôi nhìn thấy hàng ngàn dân oan mất đất đang ngày đêm thất thần và lê la trước cổng công quyền với phẫn uất tột cùng, với hi vọng mong manh.

Tôi nhìn thấy hàng triệu người dân bần thần trước một tương lai mịt mùng và đen tối, bất định và vô vọng trong những mái nhà tù hãm và dột nát.


Và tôi thấy, hàng trăm biệt phủ nguy nga, lộng lẫy của các quan chức hiện diện ngày càng nhiều, càng đông đúc trên mảnh đất hình chữ S dấu yêu chen lẫn đau thương này. Đó là di sản chăng? Đó là dấu hiệu của di sản văn hóa chăng? Nó sẽ làm phong phú thêm tâm hồn hay sẽ làm què quặt tâm hồn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét