Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Thông tư 33, quy định ghi tên vào sổ đỏ bất cập hay không?



Ảnh minh họa: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình tại Việt Nam.
Ảnh minh họa: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình tại Việt Nam.
 Courtesy:vietstock.vn


Nội dung gây hiểu lầm

Bộ Tài nguyên-Môi trường vào ngày 23 tháng 11 thông báo ban hành Thông tư 33/2017, quy định ghi tên các thành viên gia đình trong sổ đỏ. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau đó, Bộ Tài nguyên-Môi trường lên tiếng “rút kinh nghiệm” trong việc ban hành thông tư này trước nhiều tranh cãi trong dư luận.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý IV năm 2017 sáng ngày 27 tháng 11, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa tuyên bố Bộ “rút kinh nghiệm” trước phản ảnh của dư luận rằng Thông tư 33/2017 mà Bộ này vừa mới ban hành, sẽ có hiệu lực vào ngày mùng 5 tháng 12 tới đây, làm phức tạp thêm thủ tục hành chính cho người dân.

Thông tư 33/2017 quy định ghi tên các thành viên gia đình trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình, hay còn gọi là sổ đỏ.

Kể từ khi Bộ Tài nguyên-Môi trường thông báo ban hành Thông tư 33/2017 hồi ngày 23 tháng 11, rất nhiều độc giả bày tỏ ý kiến qua các trang Fanpage của những tờ báo mạng uy tín tại Việt như Vietnamnet, VnExpress, Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… rằng Bộ Công An vừa thông báo bỏ hộ khẩu nhằm đơn giản thủ tục hành chính, thì Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên-Môi trường lại trở thành một văn bản hành chính ràng buộc khác, chưa kể đến những phát sinh bất cập trong thi hành thực tiễn; như trong trường hợp nếu một gia đình cần bán nhà hay bán đất thì tất cả thành viên trong hộ gia đình phải cùng đồng ý và ký tên, còn nếu không thì giao dịch sẽ không được tiến hành.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý IV năm 2017, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai, ông Mai Văn Phấn giải thích trong giai đoạn hiện tại, quyền của người sử dụng đất mở rộng cũng như giá trị đất đai tăng thêm nên quy định mới ban hành trong Thông tư 33 là việc cá thể hóa những người có quyền lợi sử dụng đất. Ông Mai Văn Phấn nói tại buổi họp báo:

“Các giấy chứng nhận trước đây đã được cấp theo quyết định giao đất, chủ thể là hộ gia đình thì sẽ không còn phù hợp ở chỗ là không xác định được chủ thể thành viên có quyền sử dụng đất chung trong gia đình, dẫn đến ngay trong nội bộ của từng hộ gia đình có tranh chấp mâu thuẫn. Thứ hai, trường hợp sử dụng đất được đưa vào để giao dịch thì sẽ dẫn tới giữa bên có quyền sử dụng đất với các tổ chức nhận giao dịch có thể phát sinh mâu thuẫn nặng.”

Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai nhấn mạnh rằng nội dung của Thông tư 33/2017 được ban hành không sai, tuy nhiên Bộ Tài nguyên-Môi trường điều chỉnh để hướng dẫn cho phù hợp, tránh gây hoang mang và hiểu lầm như những ngày qua. Ông Mai Văn Phấn cho biết hộ gia đình có 2 lựa chọn để ghi vào sổ đỏ theo Thông tư 33/2017, là các thành viên cử người đại diện đứng tên hoặc tất cả cùng đứng tên, bao gồm những người có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, còn những người không có chung quyền sử dụng đất thì không phải ghi.

Điều chỉnh nhưng vẫn bất cập

Trước đó trong cùng ngày Thông tư 33 được ban hành, Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà lên tiếng với truyền thông quốc nội rằng Thông tư 33 được ban hành nhằm để bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, cũng như giảm thiểu những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản nhưng thủ tục quản lý không bị phức tạp hơn.

Mặc dù vậy, Báo mạng Vietnamnet.vn dẫn lời của Giáo sư-Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường khẳng định nếu Thông tư 33 không hướng dẫn cụ thể thì các địa phương có thể sẽ thực thi khác nhau, thậm chí làm khó cho người dân. Ông Đặng Hùng Võ đưa ra dẫn chứng trường hợp chuyển quyền bất động sản của một gia đình bị đổ vỡ, có những mắc xích của hai ba gia đình gộp lại, khởi thủy từ một cặp vợ chồng là đồng chủ sở hữu thì có thể bất khả thi theo quy định của Thông tư 33, vì sự phức tạp trong các giềng mối quan hệ của những thành viên ở các hộ gia đình liên quan.

Đài RFA cũng nhận được không ít ý kiến than phiền của người dân rằng Thông tư 33 sẽ tạo ra nhiều rắc rối trong thủ tục pháp lý. Một cư dân ở Cần Thơ nói với chúng tôi:

“Mới đầu là ghi hết tên trong hộ khẩu qua bên sổ đổ, thì tôi thấy là ‘thừa giấy vẽ voi’. Sau đó đính chính là người nào được thừa hưởng thì mới ghi tên vào, nhưng tôi thất vẫn bất cập. Bây giờ tôi có 5 đứa con, tôi thương hai đứa nên tôi cho (ghi tên vào sổ đỏ). Liệu rằng anh em tụi nó hòa thuận không? Thêm nữa, con tôi đi là công, xuất khẩu lao động ở nước ngoài mà tôi muốn bán thì giấy tờ phải làm sao? Con tôi phải mua vé máy bay về ký tên để bán hay sao? Một điều tôi thắc mắc nữa, ví dụ con trai con tôi bị đột tử chết và con dâu không chịu ký tên, thì ai ký cho tôi? Luật ra kỳ quá! Tôi thấy ngộ ghê!”


Trong số những người dân khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc, đa số đều nghi ngại rằng mâu thuẫn tranh chấp vẫn sẽ xảy ra, vì Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên-Môi trường không quy định phải ghi rõ mỗi cá nhân sở hữu cụ thể bao nhiêu trong sổ đỏ, cũng như thủ tục hành chính sẽ rất nhiêu khê mỗi khi hộ gia đình mất đi người thân hay có thêm thành viên mới chào đời…Và cũng không ít người thẳng thắng cho rằng một thông tư để hướng dẫn mà còn gây khó hiểu, hiểu lầm như vậy thì nên cần dẹp bỏ cho xong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét