Sân vận động Samara, trong quá trình xây dựng năm 2017, sẽ phục vụ Cup Bóng đá Thế giới 2018 tại Nga.REUTERS/Stringer/File Photo
Chỉ còn một tháng rưỡi nữa, ngày 14 tháng 6, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, Cúp Bóng đá Thế giới 2018 sẽ chính thức khai cuộc tại Nga, một đất nước có nền bóng đá rất đặc biệt. Nếu tính từ sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, bóng đá Nga còn rất non trẻ, nhưng môn bóng đá đã du nhập vào nước Nga được gần 150 năm. Lịch sử của bóng đá Nga đã bị cuốn vào những thăng trầm của biến động chính trị thời Xô Viết.
Thông tín viên của RFI tại Tbilisi, Régis Genté là tác giả cuốn sách về lịch sử của bóng đá Nga mang tiêu đề « Futbol, trái bóng tròn từ Staline đến Putin ». Sách được phát hành vào cuối tháng 5. Chương trình thể thao hôm nay xin giới thiệu cuộc trao đổi về một góc lịch sử của bóng đá Nga của Régis Genté với các đồng nghiệp ban Pháp ngữ, chương trình « Chào Châu Âu - Bonjour Europe ».
Xin chào thông tín viên Régis Genté, có lẽ xin anh bắt đầu bằng sự có mặt đầu tiên của trái bóng tròn trên đất Nga. Bóng đá đã đến với nước Nga một cách ngẫu nhiên và không phải để dành cho người Nga?
Quả thực nước Nga rộng mênh mông, không thuận tiện để tổ chức các giải vô địch, hơn nữa thời tiết ở Nga còn quá lạnh.
Nhưng cũng giống như ở nhiều nơi khác, người Anh đã mang trái bóng tròn đến Nga trong những năm 1870. Qua hải cảng Saint-Pétersburg, môn bóng tròn này đã đổ bộ lên đất Nga. Ban đầu chỉ có người Anh là chơi môn túc cầu. Họ chơi trên các mảnh đất xung quanh nhà máy, nơi họ đầu tư vào một nước Nga đang được khai phá công nghiệp hóa, chủ nghĩa tự bản, đô thị hóa và cả môn thể thao hiện đại nữa chứ.
Vậy thì đến khi nào thì người Nga mới bắt đầu làm quen với trái bóng tròn ?
Họ làm quen với bóng đá dần dần. Những câu lạc bộ rất « Anh » như « Circle of Sportmen »được thành lập trong những năm 1890. Trong câu lạc bộ thể thao này người ta chơi cả các một khúc côn cầu trên băng, vật hay đua xe đạp…
Về phía người Nga, ban đầu, giới quý tộc là những người động đến trái bóng tròn đầu tiên, rồi đến dân nhà giàu, tầng lớp trung lưu mới nổi lên trong giới kế toán, kỹ sư…
Và rồi thế là người ta thấy xuất hiện các giải vô địch của các datchas. Datchas là tên gọi các nhà nghỉ ở nông thôn mà người Nga rất thích. Tiếp đó đến các giải vô địch ở các thành phố nằm bên các tuyến đường sắt mới mở. Khi đó vẫn chưa có giải vô địch quốc gia, phải đến năm 1936 thì giải đấu này mới được lập ra.
Tiếp đó đến lượt giới thợ cũng có giải vô địch riêng của họ mà người ta vẫn gọi là giải « hoang dã ». Bởi vì chính quyền của Nga Sa Hoàng vẫn dè chừng các cuộc tập hợp của dân chúng nên cấm các giải của thợ thuyền. Vì thế mà những người vô sản phải chơi bóng trên các mảnh đất bỏ hoang, trong sân của các khu nhà ở hay thậm chí cả trong khuôn viên nghĩa địa.
Niềm đam mê bóng đá của người Nga, nhất là tầng lớp bình dân thật ấn tượng. Thế nhưng, chính niềm đam mê đó đã bị chính trị hóa từ sau cuộc cách mạng vô sản 1917. Đấu tranh giai cấp được đưa vào sân bóng Xô Viết như thế nào?
Mặc dù cùng với năm tháng người chơi bóng không còn phân biệt nhau về thành phần xuất thân. Người ta có cảm giác đúng là niềm đam mê bóng đá đã thắng thế với những cầu thủ đầu tiên được khoác cho những húy danh, đôi khi bằng tiếng Anh. Chẳng hạn như tiền đạo Evgueni Nikishin được người ta gọi là « Jack ».
Chính niềm đam mê dễ lây lan đó đã gây khó chịu cho những người Bôn-sê-vích sau cuộc cách mạng 1917. Bởi lẽ với họ, bóng đá là môn thể thao của tầng lớp tư sản, đối nghịch với ý thức hệ của họ.
Với người Bôn-sê-vich, bóng đá là môn thể thao hiện đại, là hoạt động do giai cấp tư sản, sinh ra ở Anh nên mang những giá trị của đất nước đó.
Các lãnh đạo « đỏ », ban đầu có ý đồ cổ vũ một nhãn quan khác về thể thao sao cho phù hợp với ý thức hệ của họ. Thậm chí còn có cả những « lý thuyết gia » đã tưởng tượng ra rằng người ta có thể đánh giá thắng thua trong một trận đấu bóng đá theo cách khác không phải bằng tỷ số, chẳng hạn như bằng tiêu chí thẩm mỹ.
Điều đó không bao giờ xảy ra, nhưng trái lại, chính quyền Bôn-sê-vích đã bày ra vô số phương cách để áp đặt tư tưởng vào thể thao trong đó có cái gọi là « văn hóa thể chất » của con người Xô Viết, tức là phải có tinh thần lý tưởng lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh.
Không chỉ bị nhồi nhét tính giai cấp, bóng đá Xô Viết còn là công cụ biểu hiện cuộc đấu tranh thắng thua chính trị giữa tư bản và cộng sản?
Phong cách chơi bóng của các cầu thủ sau đó là điều gây khó chịu cho các nhà lãnh đạo thể thao « đỏ ». Trong những năm 1930, để chứng minh tính ưu việt của mộ hình chính trị, họ muốn đọ tài với các đội bóng châu Âu, đó là các đội Tiệp Khắc, Anh hay Pháp như trận với đội Racing Club Paris ngày 01/01/1936.
Ngày hôm đó, trên sân Parc des Prince, để tránh bị mất mặt, người ta đã lấy những cầu thủ giỏi nhất của các câu lạc bộ Spartak và Dynamo Matxcơva. Kết quả cũng không đến nỗi nào… chỉ thua 2-1.
Nhưng mỗi người trong đội bóng Xô Viết đều hiểu rằng để vượt lên, chiến thắng được Racing hay các đội bóng Anh như Arsenal, cần phải thay đổi lối chơi, theo mô hình chính thuật đã từng giúp các đội bóng « tư bản » thành công.
Dưới chế độ Xô Viết, bóng đá để phục vụ chính trị, các cầu thủ thời đó có phải là cầu thủ chuyên nghiệp?
Chính thức thì không có cầu thủ chuyên nghiệp. Giai cấp vô sản phải lao động ! Nhưng trên thực tế thì vẫn có các cầu thủ chuyên nghiệp nhất là những khi cần phải so tài với các đội bóng châu Âu. Thực ra các cầu thủ Liên Xô đã được chuyên nghiệp hóa từ rất sớm.
Trong lịch sử bóng đá Nga, người ta dành một vị trí trang trọng cho 4 anh em nhà Starostine. Họ được tôn vinh như là huyền thoại của bóng đá Nga. Họ là những người khai thiên lập địa cho nền bóng đá Xô Viết nhưng cũng chỉ vì bóng đá mà phải kết thúc sự nghiệp trong trại cải tạo?
Nói cho đúng hơn họ là cha đẻ của bóng đá Liên Xô, họ là những người đã làm cho bóng đá phát triển. Đó là điều đi ngược lại ý chí của một bộ phận trong chính quyền Bôn-sê-vich.
Phải nói là Nokolay, Alexandre, Andrey và Piotr trước tiên là những người đam mê cuồng nhiệt môn thể thao mà họ được khám phá trong những năm 1910.
Bốn anh em từng chạy khắp Matxcơva những ngày Chủ nhật để xem các trận bóng thời bấy giờ. Trước cách mạng, Nikolay Starostine, người anh cả, giờ được coi là huyền thoại của bóng đá Nga, đã lập ra các câu lạc bộ, thỏa thuận với dân du thủ du thực để có sân chơi bóng. Họ phải tự xoay sở mọi cách để được chơi bóng.
Nếu như có thể gọi anh em nhà Nikolay là cha đẻ của bóng đá Xô Viết là bởi họ đã thành lập ra câu lạc bộ Spartak Matxcơva năm 1935, đó vẫn luôn là câu lạc bộ lớn và là niềm tự hào của Liên Xô.
Câu lạc bộ Spartak đi vào huyền thoại còn là bởi danh tính của câu lạc bộ này trở thành biểu tượng cho một quan điểm nào đó về chính trị và Xô Viết.
Tài năng của anh em nhà Starostine sau đó đã biến Spartak được gọi là « đội bóng của nhân dân ». Nhưng đó lại là điều không làm hài lòng một số người trong cơ quan an ninh chính trị (NKVD), đồng thời lại là người đỡ đầu cho Dynamo Matxcơva.
Những năm 1930 và 1940 được ghi dấu bằng cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Spartak-Dynamo. Phong cách chơi bóng của hai đội cũng khác nhau : Spartak thì chơi ngẫu hứng hơn, Dynamo thì chơi máy móc.
Cuộc cạnh tranh này trở nên đặc biệt trong bối cảnh các cuộc thanh trừng của Staline. Nhiều người trở thành cổ động viên của Spartak cũng chỉ vì muốn bày tỏ sự phản đối chế độ công an trị mà Dynamo là hiện thân. Ủng hộ Spartak cũng là cách kháng cự chính trị ở nhiều người.
Năm 1942, anh em nhà Starostine đang dần trở thành những lãnh đạo của Spartak. Họ là linh hồn của câu lạc bộ.
Lavrenti Beria, cánh tay phải khét tiếng của Staline, ông trùm mật vụ, bắt đầu cảm thấy Spartak quá được lòng dân. Thế là ông ta ra lệnh bắt bốn anh em nhà Starostine cho đi đày ở trại cải tạo Goulag. Thế nhưng, chính bóng đá lại cứu họ. Sự nổi tiếng và tài năng của bốn anh em đã giúp họ được trại « chỉ định » là các huấn luyện viên của các đội bóng trong trại Goulag. Vì thế, điều kiện sống của họ tương đối được ưu đãi trong 10 năm ở trại.
Xin cảm ơn Régis Genté, tác giả cuốn sách « Futbol, trái bóng tròn từ Staline đến Putin ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét