Công trình này đã trải qua ba chế độ. Tương ứng với mỗi chế độ, công trình có ba tên gọi khác nhau. Khởi công năm 1868, khánh thành năm 1871 với tên gọi dinh NORODOM. Đến 1954, sau khi tiếp nhận từ tay đại diện chính phủ Pháp, ông Ngô Đình Diệm, với tư cách người đứng đầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, quyết định đổi tên dinh NORODOM thành dinh Độc Lập.
Sau 1975, khi chế độ Cộng sản nắm quyền lãnh đạo cả nước, dinh Độc Lập đổi tên thành dinh Thống Nhất.
Với tư cách là một công dân yêu nước, tôi thật sự tâm đắc với cách đặt tên cho công trình lịch sử này là dinh Độc Lập. Tôi tin rằng, số đông người dân chứ không riêng gì tôi, nếu được mời lựa chọn đặt tên công trình này, sẽ biểu quyết hai tay tên gọi dinh Độc Lập
Từ 1975 trở về trước, ở khu vực miền Bắc, cái tên “thống nhất” có mặt khắp nơi, từ cái to đùng cho đến cái bé tí tẹo. Đường sắt thống nhất. Xe đạp thống nhất. Thuốc lào thống nhất. Diêm thống nhất. v.v… Đặt tên như vậy thực chất là tuyên truyền, muốn cho mọi người (ở miền Bắc) luôn sục sôi ý thức và sẵn sàng “liều mình như chẳng có” giành cho được mục tiêu thống nhất đất nước.
Gói thuốc lào, cái bao diêm cũng gán cho cái tên thống nhất. Cách làm ấy có cái gì đó mang tính thôi miên. Thế mới hay, nếu biết cách, thôi miên cứ tưởng mê hoặc viễn vông nhưng vẫn có tác dụng không nhỏ.
Việt Nam hiện thời cũng như bao triều đại trước đó, độc lập luôn là vấn đề hệ trọng bậc nhất. Không chỉ một quốc gia, một gia đình, mà kể cả một cá nhân cũng trở nên vô tích sự, không đáng tồn tại nếu không có độc lập, không được độc lập. Người này “nặng” hơn người khác không tính bằng đơn vị kg, mà là tầm cao, lẽ sống độc lập, năng lực tư duy độc lập.
Hiện thời, khi tổ quốc luôn bị uy hiếp, nhất là vùng lãnh hải đang bị “bạn vàng” gặm nhấm từng ngày, vấn đề độc lập càng trở nên nóng bỏng. Quan thì chẳng biết, còn dân muôn người như một sẵn sàng đứng lên chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, cho dù phải đương đầu với kẻ thù quen thói lấy thịt đè người.
Ông Ngô Đình Diệm quả đúng là nhà nho uyên thâm. Đặt tên dinh Độc Lập, nơi thực thi công vụ của người đứng đầu chính phủ, ông coi đó như là đứa con tinh thần, gửi gắm vào đó khát vọng độc lập không chỉ của cá nhân, mà còn của cả một dân tộc. Nhìn lại mà xem, cùng thời với ông Diệm, có ai thể hiện khát vọng độc lập bằng việc làm giản dị nhưng vô cùng sâu sắc như cái cách của bậc nho học uyên thâm mang dòng máu họ Ngô.
Ông Ngô Đình Diệm (cùng người em ruột Ngô Đình Nhu) bị chết thảm trong một cuộc đảo chính, được bọn quan thầy bật đèn xanh, chỉ vì ông luôn trung thành với lý tưởng độc lập. Ông tôn thờ độc lập, chống lại đến cùng những thế lực, nhũng hành vi xâm hại độc lập. Bọn sống bằng cơm thừa, canh cặn giết chết thể xác ông, nhưng chúng nó không và mãi mãi không thể đè bẹp được lý tưởng độc lập của vị tổng thống này. Những kẻ sát hại ông Diệm là một lũ mặt người dạ thú, coi ân nhân và tổ quốc như là món hàng ế, giá rẻ.
Mọi người dân Việt Nam đương thời, trừ bọn quan tham, luôn trĩu nặng nỗi lo độc lập và sẵn sàng nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc. Phải bằng nhiều cách, hun đúc ý thức độc lập dân tộc cho mọi người. Với ý nghĩa đó, rất nên trả lại tên cho dinh Độc Lập.
Đừng dùng miệng lưỡi quen thói chụp mũ cho rằng trả lại tên cho dinh Độc Lập là đề cao ông Diệm. Kẻ nào lu loa như vậy là chứng tỏ què quặt hiểu biết, quá thấp lùn ý thức độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc là tâm điểm thu hút, gắn kết mọi người, không phân biệt đảng phái, không chia rẽ thành phần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét