Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

2844 - USCIRF: Đang có sự tiếp diễn, có hệ thống và quá mức về vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam

Ỷ Lan

Bà Kristina Arriaga (giữa)
Bà Kristina Arriaga (giữa)

Hôm 25/4, Ủy Hội Hoa Kỳ về Tôn giáo Quốc tế ra phúc trình lên án tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam và đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Nhân dịp này, phóng viên Ỷ Lan có cuộc phỏng vấn với bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch USCIRF về nội dung và ý nghĩa của Danh sách CPC.

Ỷ Lan : Thưa bà, bà là Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (USCIRF), Uỷ hội vừa công bố bản Phúc trình Thường niên về tình hình tôn giáo trong thế giới, qua đó, yêu cầu đặt Việt Nam vào danh sách CPC. Xin Bà cho biết bằng cách nào Uỷ hội Hoa Kỳ thu tập thông tin để hoàn tất Phúc trình ?

Kristina Arriaga : Uỷ hội Hoa Kỷ bỏ cả năm trời theo dõi các quốc gia vốn gặp khó khăn trong việc phát triển tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Uỷ hội Hoa Kỳ viếng thăm các quốc gia này, gặp gỡ các viên chức chính quyền, các nhà hoạt động nhân quyền. Đồng thời chúng tôi cũng cộng tác với các tổ chức Phi chính phủ nắm vững những đặc thù của các quốc gia này. Điều đáng tiếc, là năm nay chúng tôi nhận thấy tình hình chung về tôn giáo xuống cấp trong nhiều nước. Một trong những nước này là Việt Nam. Uỷ hội Hoa Kỳ đã mạnh mẽ khuyến thỉnh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào Danh sách CPC. Điều này có nghĩa rằng Uỷ hội Hoa Kỳ tin chắc đang có sự tiếp diễn, có hệ thống và quá mức về những vi phạm tư do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, nên Hoa Kỳ cần lấy những biện pháp, nhắm vào sự trừng phạt, có như thế Việt Nam mới biế t rằng họ đang bị đoán xét kỹ lưỡng, và mới chịu từng bước chữa trị thảm trạng hôm nay, nếu Việt Nam còn muốn giữ địa vị thành viên trong Cộng đồng Quốc tế.

Ỷ Lan : Phúc trình thường niên ở chương viết về Việt Nam, Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (USCIRF) cho biết bạo hành chống các tín đồ tôn giáo tăng cao trong năm 2017, nhưng những bạo hành này thường do bọn côn đồ do nhà nước thuê mướn thao túng, chứ không do công an trực tiếp hành động. Đây là điều cho phép chính quyền nại cớ chẳng hay biết gì các sự kiện ấy, nhằm chối bỏ trách nhiệm. Bà nghĩ sao về sự kiện này ?

Kristina Arriaga : Chính quyền Việt Nam cũng như các chính quyền độc đoán, rất thông minh để chối bỏ khi họ bảo « chúng tôi chẳng liên can gì đến các chuyện lạm dụng ấy ». Nhưng Cộng đồng quốc tế biết quá rõ, đó chỉ là trò hề. Việt Nam tuyên bố rằng Phật giáo và các cộng đồng tôn giáo khác đều được hưởng quyền tự do tôn giáo, nhưng chúng tôi biết rằng, tuyệt đối Việt Nam chẳng có chút ý định gì trao tự do cho bất cứ ai không theo nhà nước.

Như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã nói quá đúng, rằng quyền của chúng ta không đến từ sự ban phát của Nhà nước. Chúng ta sinh ra với đầy đủ các quyền này. Nhà nước chẳng có quyền ban phát hay cướp đi. Đó là lý do vì sao Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới khuyến thỉnh mạnh mẽ Chính phủ Hoa Kỳ lấy những biện pháp chống lại Việt Nam. Kể cả biện pháp giao thương, kể cả những gì bao gồm trong Sắc luật Magnitsky toàn cầu, kêu gọi niêm phong tài sản những cá nhân hay gia đình nào từng tham dự các cuộc vi phạm nhân quyền. Điều này có nghĩa, là các viên chức chính quyền Việt Nam nào từng nhúng tay đàn áp Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay bất cứ cứ cộng đồng tôn giáo nào, sẽ không còn dễ dàng gửi vợ sang Nữu Ước đi sắm quà Noel, hay gửi con cái sang các đại học Mỹ du học. Đây là điều hữu hiệu mà Uỷ hội Hoa Kỳ đánh giá, qua cách sử dụng thẳng tay cây gậy và một chút củ cà-rốt, khiến quốc gia quan tâm chịu thực hiện tôn trọng nhân quyền.

Ỷ Lan : Bà là người gốc Cuba. Ngày nay những quốc gia như Cuba và Việt Nam đã chấp nhận mở cửa kinh tế, nên có số người nói rằng, họ đâu còn là Cộng sản nữa, họ theo Tư bản rồi. Bà trả lời như thế nào trước luận điệu này ?

Kristina Arriaga : Điều chắc chắn, Viêt Nam là quốc gia Cộng sản. Sự kiện nền kinh tế có phần cởi mở, tạo cho ta cảm giác sai lầm về sự an ninh cho những kẻ đến đầu tư. Sự kiện là ở Việt Nam không có một cơ cấu nào độc lập với chính quyền. Có nghĩa là chẳng có bất cứ cơ cấu gì bảo đảm kẻ làm ăn, nam hay nữ. Chúng tôi chứng kiến sự thể này y như tại Cuba. Theo lý thuyết, Cuba đã mở cửa kinh tế ra thế giới. Đã có số người Canada và Tây Ban Nha đến đây làm ăn, nhưng khi phát đạt liền bị bắt giam, Cuba quốc hữu hoá cơ sở thương mại của họ và bắt họ vào tù. Mức độ tham nhũng tại Cuba hay Việt Nam không thể nào tưởng tượng nổi. Bao lâu hệ thống Cộng sản còn tồn tại, không thể nào hiện hữu những cơ cấu bảo đảm, các xã hội dân sự cũng khó ngóc đầu lên. Mọi thương gia phiêu lưu với những hiểm nguy rình rập khi đầu tư vào hai quốc gia này. Cho tới nay chúng tôi chỉ thấy những quốc gia tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo thì kinh tế mới rộ nở. Kể cả Trung quốc, nơi nền kinh tế tăng trưởng, các nhà đầu tư vẫn có nhiều hiểm nguy rình rập khi làm ăn tại đây, vì mọi sự đều thực hiện theo ý chí của nhà cầm quyền.

Ỷ Lan : Xin bà một câu hỏi chót : Vừa qua bà công bố bảo trợ Người Tù vì Lương thức, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Vì sao bà chọn Ngài, và « bảo trợ » có nghĩa là gì ?

Kristina Arriaga : Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới cộng tác khắn khít với Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos tại Hạ viện Hoa Kỳ và Ân Xá Quốc tế trong chương trình bào vệ tù nhân vì lương thức. Cứ như thế, mỗi Uỷ viên đều có quyền bảo trợ các tù  nhân. Trường hợp tôi, là một vinh dự lớn lao, và là một đặc ân để bảo trợ Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, là người mà tôi rất kính ngưỡng. Một lão trượng 90 tuổi, một phần ba đời Hoà thượng trải qua cảnh giam cầm, cấm cố, bị đàn áp. Thế mà Hoà thượng vẫn tiếp bước, tiến lên bênh vực cho nhân quyền, tự do tôn giáo, và tự do biểu đạt cho tất cả mọi người.

Kể từ khi chúng tôi chính thức bảo trợ một Người Tù vì Lương thức nào, chúng tôi công khai nêu danh tên tuổi người ấy, bất cứ nơi nào khi chúng tôi được mời thuyết trình, dù đề cập tới bất cứ đề tài nào. Như thế cho đến khi Hoà thượng Thích Quảng Độ được trả tự do.

Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới tiếp tục cất cao tiếng nói đòi hỏi tự do cho Đức Tăng Thống, và tiếp tục gây chú ý cực điểm đến thảm trạng nhân quyền kinh khiếp đang xẩy ra tại Việt Nam.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Bà Kristina Arriaga,

***


USCIRF: Việt Nam cần được đưa trở lại vào danh sách CPC


Việt Nam là một trong những nước vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và nên được chính phủ Mỹ đưa vào một danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt về tôn giáo, theo báo cáo năm 2018 của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF).

Báo cáo hàng năm của ủy hội độc lập và lưỡng đảng này của chính phủ liên bang Hoa Kỳ ghi nhận những vụ vi phạm tự do tôn giáo và tiến bộ ở 28 nước, trong đó có Việt Nam, và đưa ra khuyến nghị với chính phủ Hoa Kỳ.

Việt Nam năm nay tiếp tục bị xếp vào Nhóm 1 bao gồm các nước mà ở đó chính phủ thực hiện hoặc dung chấp những vụ vi phạm tự do tôn giáo "đặc biệt nghiêm trọng," nghĩa là những vi phạm này có tính hệ thống, đang tiếp diễn và hết sức tệ hại, theo tiêu chuẩn của USCIRF.

Ủy hội nói Việt Nam cần được định danh là Nước Cần Được Quan tâm Đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo vì những vi phạm đó, một danh sách từng có tên Việt Nam cho đến năm 2006. Danh sách này hiện bao gồm Ả-rập Saudi, Eritrea, Iran, Myanmar, Sudan, Tajikistan Triều Tiên, Trung Quốc, Turkmenistan và Uzbekistan.

Dù ghi nhận một điểm sáng là Việt Nam tôn trọng sự đa dạng tôn giáo, báo cáo nhận định Việt Nam đã tăng cường sách nhiễu, bắt bớ, bỏ tù, và tra tấn những nhà hoạt động ôn hòa, những người bất đồng chính kiến, và các blogger, bao gồm những người có tín ngưỡng.

"Những diễn biến này không phải là dấu hiệu tốt đẹp cho Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới của Việt Nam," có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, báo cáo nói.

"Sự sẵn lòng trước đây của chính phủ Việt Nam giao tiếp với các tác nhân quốc tế, bao gồm Hoa Kỳ, về tự do tôn giáo và nhân quyền có liên quan đã bị tổn hại đáng kể vì nước này không ngừng nhắm mục tiêu vào những cá nhân và tổ chức tôn giáo suốt cả năm 2017," báo cáo nói thêm.

Trong số nhiều khuyến nghị đưa ra cho chính phủ Mỹ, USCIRF kêu gọi sử dụng "những công cụ có mục tiêu" nhắm vào các quan chức và cơ quan cụ thể của Việt Nam bị xác định là có tham gia hoặc chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, bao gồm cả từ chối visa và phong tỏa tài sản theo Đạo luật Magnitsky Toàn Cầu.

Việt Nam khẳng định họ luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nói rằng điều này được thể hiện trong đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét