Tổng thống Iran Hassan Rouhani tham dự cuộc gặp các lãnh đạo Hồi Giáo tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 15/02/2018 REUTERS/Danish Siddiqui/File Photo
Tình bạn thắm thiết được hai tổng thống Pháp và Mỹ phô trương trong suốt chuyến công du Hoa Kỳ của Emmanuel Macron vừa kết thúc ngày 25/04/2018 không xua tan bất đồng sâu rộng về hạt nhân Iran. Washington vẫn quan niệm thỏa thuận ký kết tại Vienna năm 2015 là "tai hại". Paris đề nghị một kế hoạch mới với Teheran, bao gồm cả vế nguyên tử lẫn đạn đạo.
"Tôi không biết Mỹ sẽ quyết định như thế nào, nhưng phân tích một cách hợp lý tất cả những tuyên bố của tổng thống Trump, tôi không nghĩ là ông sẽ làm tất cả để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA " .
Vừa rồi là tuyên bố của tổng thống Pháp, Emmanuel Macron khi ông trên đường trở lại Paris. Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về Iran, Thierry Coville, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS lo ngại Iran sẽ trang bị bom nguyên tử nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận mà 5 nước trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức đã đạt được với Iran tại Vienna ngày 14/07/2015. Teheran sẽ noi theo chiến lược Bắc Triều Tiên từng áp dụng.
Tại Washington tổng thống Pháp đề nghị mở rộng thỏa thuận hạt nhân đến 3 lĩnh vực khác gồm : đòi Iran đàm phán với quốc tế về các chương trình tên lửa đạn đạo ; đàm phán về giai đoạn hậu 2025, sau khi một số những điều khoản trong thảo thuận Vienna không còn hiệu lực ; và sau cùng là vai trò của Teheran trong khu vực Trung Cận Đông.
RFI : Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà quốc tế đã đạt được với chính quyền Iran hồi năm 2015 đã cáo chung ?
Thierry Coville : "Tôi hy vọng là không. Theo suy nghĩ của tôi, lập trường của tổng thống Emmanuel Macron mà đấy cũng là chiến lược chung của Liên Hiệp Châu Âu rõ ràng là muốn duy trì thỏa thuận 2015, chúng ta cần dựa trên văn bản đó, nhất là khi thỏa thuận này hoạt động tốt. Nếu như có một quốc gia trong số các bên đã ký kết vào văn bản hồi năm 2015 không hài lòng về hiệp ước Vienna, thì đó phải là Iran, bởi vì từ đó tới nay, quốc gia này chưa gặt hái được những thành quả kinh tế như mong đợi. Phía Iran tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận năm 2015 và có như vậy chúng ta mới có thể đàm phán tiếp về những hồ sơ khác, như là chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, về vai trò của Iran trong khu vực và những bước kết tiếp cho thời kỳ hậu 2025".
RFI : Bổ sung thêm vào thỏa thuận hạt nhân với Iran vế tên lửa đạn đạo, liệu có phải là chìa khóa để quốc tế đạt đến một thỏa thuận mới với Teheran ?
Thierry Coville : "Vâng, đúng vậy. Nhưng trước hết tổng thống Donald Trump phải hiểu được là Mỹ cần ở lại trong hiệp ước 2015 và đây cũng là một thỏa thuận hết sức quan trọng đối với tổng thống Iran. Cần nhắc lại là cho tới ngày hôm nay, Teheran tuân thủ các điều khoản của văn bản đó, điều này đã được Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA chứng nhận đến cả chục lần.
Nói cách khác, thỏa thuận Vienna hoạt động có hiệu quả cho dù là các luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Iran không được như Teheran mong đợi. Thí dụ như cho tới tận bây giờ, vẫn chưa một ngân hàng lớn nào của Liên Âu trở lại Iran, bởi vì Mỹ vẫn chưa xóa bỏ lệnh trừng phạt Teheran. Iran phải thấy là họ cũng có lợi khi đạt được đồng thuận với phương Tây thì mới chấp nhận đàm phán tiếp. Tôi nghĩ quan điểm của Pháp và châu Âu là chiến lược khôn ngoan".
RFI : Mỹ đòi ra khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng dọa rút lui. Kịch bản nào sẽ xảy ra nếu như văn bản từng được coi là "lịch sử" mà các bên đã mất nhiều công sức để đạt được cách nay chưa đầy 3 năm bị chôn vùi ?
Thierry Coville : "Vâng, đây là một trong những khả năng đã được Iran nêu lên. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta phải hiểu rõ lập trường của Teheran : đành rằng Iran thiết tha với thỏa thuận này và tuân thủ các điều khoản đã quy định với 6 đối tác còn lại trên thế giới, nhưng nếu như một trong các bên có trọng lượng nhất, là Mỹ, rút lui không vì một nguyên cớ gì, rồi thêm vào đó Hoa Kỳ còn tái lập các biện pháp trừng phạt Iran, thì khi đó, Teheran không có lý do để ở lại trong thỏa thuận này, hay phải ngưng chương trình phát triển hạt nhân.
Khi đó chúng ta trở lại với điểm khởi đầu. Có nghĩa là Iran sẽ lại làm giàu chất uranium để chế tạo vũ khí nguyên tử.
Có một khả năng thứ hai nữa là Iran đi theo con đường của Bắc Triều Tiên. Iran đã trông thấy Bình Nhưỡng rút ra khỏi Hiệp Định Chống Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân (năm 2003), và giờ đây thì Bắc Triều Tiên đã có vũ khí nguyên tử để rồi buộc tổng thống Donald Trump phải ngồi vào bàn đàm phán với Kim Jong Un. Một nhân vật diều hâu tại Teheran đã công khai nêu lên khả năng Iran cũng sẽ hủy thỏa thuận hạt nhân, ra khỏi Hiệp Định Chống Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân và hướng về các chương trình chế tạo bom nguyên tử".
RFI : Làm thế nào để đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran ?
Thierry Coville : "Để đàm phán với Iran, cần hiểu lập trường của nước này. Teheran nói là họ đã đồng ý đàm phán với phương Tây về thỏa thuận năm 2015 và hài lòng về văn bản này. Nếu gặt hái được những thành quả kinh tế, Iran có thể tiếp tục đàm phán trong các giai đoạn kế tiếp trên những lĩnh vực khác. Tôi xin trở lại với điều vừa nói, đó là nếu chúng ta muốn Iran đàm phán tiếp, thì quốc gia này phải biết là họ sẽ được những gì khi thương lượng với phương Tây. Một khi Iran có tin tưởng vào các đối tác, thì mới có thể nói tới giai đoạn kế tiếp cho thỏa thuận được ký kết hồi tháng 7/2015. Chiến lược của ông Trump muốn hủy thỏa thuận hạt nhân với Iran, theo tôi là hoàn toàn không hợp lý".
RFI : Ông đánh giá thế nào về việc Pháp muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran bằng cách mở rộng nội dung văn bản đến nhiều lĩnh vực khác ?
Thierry Coville : "Thực ra chiến lược này không riêng gì của tổng thống Macron, mà đây là chiến lược chung của Liên Hiệp Châu Âu muốn cứu hiệp định hạt nhân Iran. Cũng may mà Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng trên hồ sơ này, không vì những quyền lợi kinh tế, mà là vì những tính toán chiến lược.
Nếu như cả Mỹ lẫn Iran cùng ra khỏi thỏa thuận này, điều gì sẽ xảy ra khi mà Teheran lại làm giàu chất uranium để chế tạo bom nguyên tử ? Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp mà Israel hay là Hoa Kỳ tấn công Iran ? Liên Hiệp Châu Âu chủ trương duy trì ổn định ở Trung Đông, tránh để nổ ra thêm một cuộc khủng hoảng mới tại một khu vực vốn đã là một điểm nóng thời sự. Mỹ có tính tới khả năng Iran thay đổi thái độ trên những hồ sơ khác tại khu vực, chẳng hạn như là trên vấn đề Syria, cũng như là hậu quả chính trị nội tình của Iran khi mà phe ôn hòa bị yếu thế ?
Cảm ơn ông Thierry Coville chuyên gia về Iran, thuộc Viện Quan Hệ và Chiến Lược, IRIS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét