Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

*10339 - Đổ qua đổ lại, chỉ nhà thờ Bùi Chu là thiệt



Đức giám mục Giáo phận Bùi Chu Thomas Vũ Đình Hiệu vừa có văn bản trả lời Hội Kiến trúc sư Việt Nam và cũng là gián tiếp bày tỏ với các cơ quan thông tấn báo chí, cùng dư luận xã hội, về “vụ nhà thờ chính tòa Bùi Chu”. Ngài cảm ơn những đóng góp có tính xây dựng với giáo hội về việc “hạ giải” nhà thờ, khẳng định sẽ tiếp thu những đóng góp để công việc mục vụ tốt hơn.


Nói chung, lời lẽ của những người thay mặt giáo hội Thiên chúa thường mềm mỏng, khôn khéo, biết điều như vậy.



Điều cũng không khó nhận ra là đức chủ chiên vẫn khẳng định “nhà thờ Bùi Chu là tài sản của giáo hội” (tức là thuộc toàn quyền giáo hội), nó đã hư hỏng, xuống cấp nặng (tức cần phải sửa chữa, thay thế, thậm chí phá đi để xây mới), và quan trọng nhất, do cũ kỹ, mục nát, hư hỏng vậy nên “rất nguy hiểm tới tính mạng bà con giáo dân” tới hành lễ hằng ngày, và với “khách tham quan” thỉnh thoảng tới chiêm quan ngưỡng mộ.






Đặt ra vấn đề sinh mạng con người, quả thật đức chủ chiên đã nêu được vấn đề cực kỳ hệ trọng. Hàm ý rằng, vì quan tâm tới con người nên chúng tôi buộc lòng phải phá và làm lại, chứ thực ra cũng chả muốn, cũng tiếc lắm. Các vị (ngoài giáo hội) mà ngăn cản, mà không đồng ý cho chúng tôi làm, mà điều nọ tiếng kia, sau này lỡ xảy ra chuyện sập đổ, chết người, các vị nhớ chịu trách nhiệm. Mạng người là quý. Chúng tôi đã cảnh báo trước rồi.



Cha Hiệu cũng có ý trách những người (đại diện Bộ Văn hóa, các kiến trúc sư, các nhà văn hóa) xuống tận nơi (nhà thờ chính tòa Bùi Chu) khảo sát mà không có bất cứ ai tới trực tiếp gặp giám mục và những người có trách nhiệm đối với nhà thờ này. Nếu quả thật như vậy thì quá tệ.



Ở góc độ khác, theo trao đổi của các kiến trúc sư và những người trong đoàn khảo sát với báo VnExpress, thì nhiều vấn đề đức cha Thomas Vũ Đình Hiệu nêu ra không đúng. Cứ như họ thấy tận mắt, họ quan sát tỉ mỉ, họ đo họ tính, thì nhà thờ chính tòa Bùi Chu không xuống cấp, hư hỏng tới mức như đức cha khẳng định. Họ khẳng định nhà thờ không nghiêng (15 độ), nền không sụt (70cm) như đức cha thông báo, bởi nếu như vậy chỉ cần nhìn mắt thường là thấy ngay. Thậm chí nghiêng tới 15 độ mà vẫn sử dụng thì quá liều, mà chả ai dám liều thế, các đức cha đầy kiến thức lại càng không.



Và, ở góc độ khác, những người đi khảo sát cũng phàn nàn, họ nói rằng họ về tận nơi để nắm rõ vụ việc, nhìn tận mắt, nghe tận tai, đã tìm đủ cách để liên hệ gặp gỡ đức cha giám mục và những người có trách nhiệm, nhưng “ngày cuối trước khi rời Bùi Chu, chúng tôi đã đợi từ sáng đến tối, tìm mọi cách nhưng không thể gặp người có trách nhiệm của giáo phận" (VnExpress ngày 21.5.2019).



Vậy là có vấn đề. Hoặc có bên nào đó chưa thật tình, chưa hết trách nhiệm. Muốn gặp nhau dễ ợt, khi đã chân thành vì cái chung. Hay là cố ý tránh nhau. Trong hai phía, dứt khoát có một bên sai. Có một bên không nói thật. Làm rõ sự này rất dễ. Chỉ cần hỏi người dân tại chỗ trong hai ngày đoàn khảo sát về làm việc là tỏ ngay.



Tôi là người ngoại đạo nhưng lâu nay vẫn rất mực tôn trọng, kính nể những nhà tu hành đạo cao đức trọng, những nhà sư (hòa thượng, thượng tọa) bên đạo Phật, những đức cha (giám mục, linh mục) đạo Gia Tô (Thiên chúa). Bậc chân tu là những bậc thầy ta về mọi mặt trong cuộc đời. Chính vì thế, chỉ mới một việc đơn giản như thế này mà đã “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” (xin lỗi các tín đồ Phật giáo khi tôi dùng thành ngữ ấy) thì làm sao có thể đi tới sự thống nhất nếu đúng như nhà thờ chính tòa Bùi Chu là thứ di sản quý báu cần được bảo vệ. Cứ bên thì bảo cần “hạ giải”, bên thì nói phải “trùng tu”, có mà thêm 134 năm nữa cũng chưa thể hạ hồi phân giải. Lúc ấy thì Bùi Chu chỉ còn đống gạch vụn.



Chỉ có điều, nhìn thực trạng nhà thờ chính tòa Bùi Chu lúc này (ảnh, báo VnExpress), cảm thấy xót xa. Vẫn biết nhà thờ là tài sản riêng của giáo hội, nhưng suốt bao năm các chủ chiên cứ để thứ tài sản quý giá ấy trải qua đủ sự tàn phá mà ít để mắt, ít quan tâm, ít chăm lo tu sửa, để nó cũ kỹ, rệu rã, lên rêu, thậm chí hoang phế, thật cám cảnh. Ngày nào các đức cha cũng nhìn thấy sự xuống cấp ấy, chẳng biết các ngài từng nghĩ thế nào. Tới lúc giật mình thì đòi “hạ giải”. Sao không chăm chút từng li từng tí từng ngày từng giờ, thì đâu ra nông nỗi này.



Ông bạn tôi, một người chăm tới nhà thờ lớn Hà Nội kể, để giữ được ngôi thánh đường di sản quý báu như hiện nay, đương nhiên là công của giáo dân, nhưng phải đặc biệt ghi công những đức cha như ngài Hồng y Phạm Đình Tụng hoặc các Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Văn Sang… Họ không chỉ là vị chủ chiên chăm sóc phần hồn cho mục tử mà còn là nhà quản lý, quản trị mẫn cán chăm chút từng li từng tí trong mục vụ, không chỗ nào không để mắt, một nhánh cây héo, một vết nứt trên tường, chỗ sứt mẻ bậc cấp… đều được quan tâm đúng mức, kịp thời. Có như vậy thì dẫu nhà nước, chính quyền không đoái hoài (hoặc không được đoái hoài), không cấp cho cái bằng di sản, công nhận này nọ, thì di sản vẫn hiên ngang vững chãi, vẫn đủ sức thu hút mọi ánh mắt của người trong đạo lẫn ngoài đạo (tôi không dùng cách nói “đạo và đời” như người ta hay dùng bởi như thế rất sai, đạo cũng là đời thôi, chứ chả có đạo nào ngoài đời cả).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét