5. Quan hệ quân sự Mỹ – Trung cần có quy tắc
Bíp, bíp, bíp… và Sputnik 1, vệ tinh đầu tiên đã được phóng lên quỹ đạo Trái đất vào năm 1957. Việc nó không có công dụng gì mấy chẳng quan trọng. Việc những người cộng sản Liên Xô giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trụ đầu tiên đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin cho người Mỹ. Điều này đã có tác dụng hữu ích. Ở nước ngoài, Mỹ tăng cường các liên minh như NATO. Ở trong nước, những khoản tiền lớn đã được đổ vào nghiên cứu khoa học. Cuộc khủng hoảng Sputnik tạo cảm giác sự vô tư không còn nữa: kẻ thù đã ở trên đầu. Nhưng mối đe dọa thực tế của Liên Xô đã không thay đổi nhiều. Liên Xô, như trước đây, vẫn là một kẻ thù được trang bị vũ khí hạt nhân đang cố gắng truyền bá một hệ tư tưởng đối địch.
Bây giờ Mỹ cũng đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin về Trung Quốc, và nguyên nhân không phải là một khoảnh khắc Sputnik mà là nhiều khoảnh khắc nhỏ hơn liên tiếp. Nói chuyện với các chiến lược gia ở Mỹ và Trung Quốc, các sĩ quan quân đội, chính trị gia, giới chủ doanh nghiệp và các học giả, người ta sẽ thấy sốc khi nhiều người nói rằng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột hạn chế không nên bị đánh giá thấp.
Một phần là do lực lượng vũ trang của Trung Quốc đang bắt kịp rất nhanh. Nước Mỹ mất 17 năm để thành thạo trong việc gửi máy bay không người lái đi tìm diệt các nghi phạm khủng bố cách nửa vòng trái đất. Trong khi đó, Trung Quốc đã cho loại biên các vũ khí cũ kỹ của Liên Xô và mua sắm các máy bay chiến đấu và tàu chiến tiên tiến. Trung Quốc đã đầu tư các loại tên lửa chống hạm để tăng phí tổn cho sự can thiệp của Mỹ vào các vùng biển gần, cũng như đầu tư vào các biên đội tàu ngầm (mặc dù tàu ngầm của Trung Quốc vẫn ồn hơn so với tàu ngầm Mỹ). Trung Quốc còn củng cố các đảo đá và rạn san hô tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông với tên lửa, radar vòm và đường băng (trong hình). Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi hải quân phát triển tư duy biển, khi giờ đây các mối quan hệ thương mại và an ninh đã gắn Trung Quốc – trong hàng thiên niên kỷ là một cường quốc nông nghiệp hướng nội – với biển cả. Trung Quốc có ưu thế dẫn đầu về vũ khí lượn siêu âm, những tên lửa di chuyển với tốc độ một dặm một giây chống lại các tàu sân bay mà hiện không có hệ thống phòng thủ nào đủ tin cậy để chống lại. Nếu hỏi về những điểm yếu của Trung Quốc, các sĩ quan Mỹ sẽ đề cập đến các chuỗi chỉ huy cứng nhắc, ít trao quyền tự chủ cho các sĩ quan cấp dưới. Họ cũng không rõ các nhánh khác nhau của quân đội Trung Quốc có thể phối hợp với nhau trong các nhiệm vụ phức tạp như xâm lược Đài Loan, hòn đảo dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, hay không.
Chiến tranh toàn diện liên quan đến Đài Loan không phải là điểm nóng khẩn cấp nhất. Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc mới nhất, được Lầu Năm Góc gửi cho Quốc hội hàng năm, “không nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang mở rộng đáng kể lực lượng tàu đổ bộ cần thiết cho một cuộc tấn công đổ bộ vào Đài Loan”. Thay vào đó, các nhà hoạch định đang lo lắng hơn về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đẩy Mỹ ra khỏi các vùng biển gần và ra ngoài “chuỗi đảo đầu tiên”, bao gồm Nhật Bản và Đài Loan. Các tàu và máy bay Mỹ thường xuyên khẳng định quyền đi qua Biển Đông theo luật quốc tế, gây ra những phản ứng từ Trung Quốc vốn có thể leo thang một cách khó lường.
Cuộc cạnh tranh trong vũ trụ
Kỷ nguyên của sự ngờ vực hiện nay cũng có một vệ tinh mang tính biểu tượng của Trung Quốc, đó là Shijian 17. Dù chính thức là một tàu thử nghiệm chuyên kiểm tra các hệ thống đẩy và thiết bị chụp ảnh mới để phát hiện rác vũ trụ, các nhà khoa học Mỹ và các lãnh đạo quân sự đã chứng kiến SJ-17 thực hiện các thao tác đáng chú ý kể từ khi ra mắt vào năm 2016, ví dụ như di chuyển giữa ba vệ tinh khác nhau của Trung Quốc trên không gian và tự dừng lại cách các vệ tinh khác trong khoảng cách vài trăm mét. Trung Quốc, giống như Mỹ, cũng đang trở nên thành thạo nghệ thuật tác chiến chống vệ tinh. Trung Quốc thử nghiệm tên lửa phá hủy vệ tinh lần đầu tiên vào năm 2007, tạo ra các mảnh vỡ trong không gian, và được cho là đã thử nghiệm các thiết bị laser và gây nhiễu chống vệ tinh. Năm ngoái, Phó Tổng thống Mike Pence đã nêu các hoạt động vệ tinh “rất tinh vi” của Trung Quốc như là một trong những lý do để thành lập “Lực lượng Không gian”, một quân chủng mới với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia.
Các nhà chiến lược nói về sự khác biệt giữa khả năng và ý định. Cảm giác lo lắng về Trung Quốc đang làm xói mòn sự khác biệt đó. Khi Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Trung Quốc, một ủy ban giám sát của Quốc hội Mỹ, tổ chức một phiên điều trần về các chương trình không gian của Trung Quốc vào tháng trước, đại diện Lầu Năm Góc, William Roper (trợ lý bộ trưởng không quân phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần), đã lưu ý rằng ủy ban đang thực sự đặt câu hỏi liệu Mỹ có đang cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong không gian hay không. “Tôi hy vọng ủy ban kết luận là có”, ông nói trước ủy ban. Dù nhắc đến vị trí dẫn đầu với khoảng cách xa của Mỹ trong không gian, khi Mỹ triển khai hơn một nửa số vệ tinh gián điệp được tuyên bố trên thế giới – Roper khẳng định rằng “các quốc gia như Trung Quốc đã thể hiện ý định đưa sự thù địch lên vũ trụ”.
Tổng thống Donald Trump rất nghiêm túc với ý tưởng rằng Trung Quốc là một thách thức trong không gian, theo lời Michael Pillsbury, một cố vấn theo hợp đồng của Nhà Trắng. “Lực lượng Vũ trụ là nhằm vào Trung Quốc”. Ông thể hiện sự bất an trước 38 lần phóng vệ tinh của Trung Quốc trong năm 2018, vượt qua 34 lần của Hoa Kỳ (xem biểu đồ). “Chuyện đó không nên (được phép) xảy ra”.
Tâm trạng lo lắng bao trùm lưỡng đảng. Một đánh giá về các mối đe dọa trong không gian được công bố vào tháng Tư bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một viện nghiên cứu ở Washington, DC, đã mở đầu với một cảnh báo từ Jim Cooper (bang Tennessee), một đảng viên Dân chủ và là chủ tịch tiểu ban Hạ viện giám sát chương trình vũ trụ: “Nguy cơ về một trận Trân Châu Cảng trong không gian đang tăng lên mỗi ngày… Nếu không có các vệ tinh, chúng ta sẽ rất khó khăn khi tái tập hợp và chiến đấu chống trả. Chúng ta thậm chí có thể không biết ai đã tấn công chúng ta, chúng ta sẽ bị điếc, câm, mù và bất lực”.
Các chuyên gia Trung Quốc nghi ngờ sự hoảng sợ đó. Rốt cuộc, Mỹ đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh đầu tiên vào năm 1959 và hầu hết các thành tích trong không gian của Trung Quốc, từ các chuyến bay có người lái đến việc tạo ra một mạng lưới các vệ tinh định vị, đã được Mỹ tiến hành nhiều thập niên trước.
Một chiến lược gia biển hàng đầu, Hu Bo tại Đại học Bắc Kinh, phàn nàn rằng người Mỹ có thói quen xấu là coi các ý định và khả năng của Trung Quốc là một và giống nhau, có lẽ vì Mỹ coi sức mạnh của Trung Quốc “là xấu xa một cách cố hữu”. Ngay khi Trung Quốc có một tên lửa có tầm bắn đủ vươn tới đảo Guam, Mỹ đã buộc tội Trung Quốc “đang đe dọa đảo Guam”, ông nói thêm. Nếu theo logic tương tự thì Bắc Kinh đang gặp nguy hiểm, vì nó nằm trong tầm tấn công của máy bay ném bom và tên lửa của Mỹ. “Nhưng Trung Quốc không đi khắp nơi tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang đe dọa Bắc Kinh”. Ông Hu thấy một nước Mỹ đã quen với cảm giác “không thể bị đe dọa”.
Một bất bình phổ biến trong giới làm về an ninh quốc gia của Trung Quốc là tâm trạng của Mỹ có thể thay đổi rất đột ngột, mặc dù các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, từ các yêu sách lãnh thổ đối với Đài Loan tới việc bảo vệ hệ thống độc đảng, đã không thay đổi trong nhiều thập niên qua.
Nước Mỹ đã thay đổi, rất nhiều. Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) năm 2006 tuyên bố rằng Mỹ “tìm cách khuyến khích Trung Quốc đưa ra những lựa chọn chiến lược đúng đắn cho người dân của họ, trong khi chúng tôi phòng bị các khả năng khác”. Bản NSS năm 2017 gọi chính sách can dự nhìn chung là một thất bại và cáo buộc rằng “Trung Quốc đang tìm cách thay thế Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mở rộng ảnh hưởng của mô hình kinh tế do nhà nước chỉ huy và sắp xếp lại trật tự khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc”.
Các chuyên gia an ninh Trung Quốc cho rằng lời giải thích là rất đơn giản, nằm ở sức mạnh quân sự và kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc, theo Zhao Tong, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie- Tsinghua về Chính sách Toàn cầu, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông nhìn thấy lỗ hổng trong lập luận đó. Sự thay đổi thái độ của Mỹ là rất nhanh, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc diễn ra từ từ. Ông Zhao có một lời giải thích khác. Không chỉ là Trung Quốc mạnh hơn, mà Trung Quốc còn trở nên sẵn sàng hơn trong việc thể hiện sức mạnh đó – một sự quyết đoán liên quan đến việc nhấn mạnh hơn yếu tố ý thức hệ trong chính trị nội bộ Trung Quốc. Điều đó khiến thế giới nhận ra rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì giống với các giá trị phương Tây, ông Zhao lập luận.
Những sự hiểu lầm khác cũng còn đó. Khi các nước láng giềng nhỏ hơn phàn nàn rằng Trung Quốc đang đe dọa họ, các quan chức an ninh Trung Quốc lại tin chắc rằng Mỹ đang kích động các nước đó. Cách họ nói lên điều đó, rằng Trung Quốc hành động cứng rắn là nhằm tự vệ, cho thấy Trung Quốc không muốn bị bắt nạt. Zhao nói ông rất lo lắng “vì Trung Quốc chưa có khả năng xem xét các vấn đề từ quan điểm của người khác”.
Các học giả quan hệ quốc tế gọi hình thức hiểu lầm nguy hiểm nhất là thế “lưỡng nan an ninh”. Nó có thể phát sinh khi một quốc gia thực hiện các hành động phòng thủ nhưng bị nước khác hiểu nhầm là một hành động gây hấn, khiến cho tất cả các bên đều cảm giác bất an. Hiện tại Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ gặp phải thế lưỡng nan an ninh như vậy, đặc biệt là trong các lĩnh vực cạnh tranh mới.
Nếu các chiến lược gia dành thời gian đếm các tên lửa chống hạm và nghiên cứu các đơn vị chiến đấu trên biển mới của Trung Quốc, thì họ cũng dành nhiều thời gian để suy nghĩ về các tài sản và vũ khí không thể nhìn thấy và không có quy tắc chiến tranh nào điều chỉnh, từ vũ khí mạng đến các chuỗi cung ứng bị mất an ninh. Không nơi nào xác thực điều đó hơn trong lĩnh vực chiến tranh mạng, một lĩnh vực còn thiếu minh bạch đến nỗi Trung Quốc và Mỹ thậm chí còn không đồng ý về các định nghĩa cơ bản, đâu là những hành vi không thể chấp nhận được. Một số nghe có vẻ gợi nhớ tới các học thuyết khắc nghiệt nhưng quen thuộc trong cuộc đối đầu hạt nhân Đông-Tây trong cuộc Chiến tranh Lạnh thế kỷ 20.
Suy nghĩ về những điều không tưởng
Bên cạnh các tiêu đề báo chí hàng ngày về chiến tranh thương mại và mâu thuẫn thuế quan, các nỗ lực kín đáo vẫn đang được tiến hành để xác định Mỹ và Trung Quốc có thể đồng ý về một số quy chuẩn và nguyên tắc cơ bản nhằm tránh các cuộc đụng độ hoặc tính toán sai trong lĩnh vực không gian mạng hay không. Những nỗ lực này rõ ràng lấy các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân trong lịch sử làm mô hình, làm sống lại những cụm từ Chiến tranh Lạnh đã bị lãng quên phần nào như “các biện pháp xây dựng lòng tin” và cam kết “không sử dụng đầu tiên”.
Các viện nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc đã âm thầm tổ chức các cuộc hội thảo để nói về những hành động thảm khốc đến mức cả hai nước có thể sẵn sàng từ bỏ chúng. Viện Carnegie Endowment, có trụ sở tại Washington, DC, đã đề xuất lệnh cấm các cuộc tấn công chống lại các hệ thống chỉ huy và kiểm soát các lực lượng hạt nhân, và “hết sức kiềm chế” việc làm suy yếu niềm tin vào các luồng dữ liệu tài chính quan trọng đối với sự ổn định toàn cầu. Một nhóm các chuyên gia chính phủ do Liên Hợp Quốc triệu tập đã đề xuất một tiêu chuẩn chống lại việc tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, như đập thủy lợi hoặc lưới điện. Các công ty công nghệ lớn và các lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu tranh luận về danh sách các hành động có thể bị cấm tương tự như sử dụng khí mù tạc hoặc phát tán bệnh than trong thế giới thực, như thử nghiệm vũ khí mạng trong các mạng máy tính kết nối với thế giới bên ngoài.
Niềm tin đã chứng minh là một trở ngại đối với việc thiết lập các hiệp ước kiểu Chiến tranh Lạnh để loại bỏ những công cụ như vậy. Không giống như đầu đạn hạt nhân, vũ khí không gian mạng không thể đếm được, và sự tiêu hủy của chúng không bao giờ có thể xác minh được. Đến nay, các chuyên gia và quan chức Trung Quốc đã tỏ ra miễn cưỡng khi nói về cách các “chiến binh mạng” của Trung Quốc hoạt động ra sao. Mỹ không đồng ý với Trung Quốc về những hình thức gián điệp mạng nào, mặc dù gây khó chịu cho các đối thủ, là thứ có thể chấp nhận được. Nước Mỹ xác định đó là những hoạt động gián điệp của chính phủ nhằm đánh cắp bí mật thương mại và trao chúng cho các công ty được nhà nước ưu tiên. Trung Quốc hứa sẽ ngăn chặn các hoạt động gián điệp như vậy trong một thỏa thuận năm 2015 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama, nhưng các quan chức Mỹ khẳng định rằng cam kết đó đã bị phá vỡ, và Trung Quốc đã cố gắng hơn để không bị bắt quả tang bằng cách đưa các hoạt động sang cho Bộ An ninh Quốc gia quản lý.
Vận hành một thế giới mới ngay nay với các cuộc tấn công biết được lẫn khó biết có thể yêu cầu cả hai bên phải đưa ra những nhượng bộ đau đớn. Vào tháng 10 năm 2018, một đại tá đã nghỉ hưu của Giải phóng Quân Nhân dân (PLA), Liu Jinghua, và một cựu quan chức năng lượng nguyên tử của Israel, Ariel Levite, đã công bố đề xuất về một thỏa thuận lớn về không gian mạng trong tạp chí Khoa học quân sự Trung Quốc, một tạp chí học thuật của PLA. Bài viết gợi ý rằng Mỹ nên công nhận quyền của Trung Quốc trong việc giám sát và kiểm duyệt mạng internet của chính họ một cách gắt gao, ngừng cho rằng internet nên là nơi tồn tại tự do ngôn luận, tự do khám phá trên toàn thế giới. Đổi lại, bài viết cũng đề xuất rằng cảnh sát mạng Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh ghê gớm của họ để ngăn chặn và trừng phạt các cuộc tấn công mạng được phát động từ lãnh thổ Trung Quốc.
Những đề xuất như vậy không có sự kịch tính như phản ứng của Mỹ trước cú sốc Sputnik, một cuộc chạy đua không gian đưa con người lên mặt trăng và thúc đẩy các phát minh quan trọng đối với cuộc sống hiện đại. Nhưng cuộc đối đầu Trung – Mỹ phải được quản lý. Có thể cho rằng nó đã lên tới hình thức một cuộc chiến tranh mạng không được công bố. Cả hai bên có những lợi ích lớn có thể được liệt kê ra và so sánh. Có thể một ngày nào đó, những danh sách đó sẽ trở thành một hiệp ước, làm cho thế giới trở nên an toàn hơn. Nhưng than ôi, ngày đó vẫn còn xa.
(Còn tiếp 2 phần).
Nguồn: “America’s military relationship with China needs rules”, The Economist, 16/05/2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét