Sau khá nhiều lần ‘mất tích’ trong vòng một tháng rưỡi qua, bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa đánh đố dư luận về việc ông ta có chịu tái hiện vào ngày 29/5/2019 để‘trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98’ hay là không.
Ít hôm trước lần ‘tái xuất’ đầu tiên vào ngày 14/5 kể từ khi Trọng bị cơn bạo bệnh quật đổ ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’, báo đảng đã vội vã thông tin về việc ‘Chủ tịch nước sẽ trình Công ước 98 ra Quốc hội vào ngày 29/5’, trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn và đầy thách thức của dư luận trong nước và quốc tế về tình trạng ‘mất tích’ của Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về khả năng ‘tập nói’ và ‘tập đi’ của ông ta.
Sau đó, Nguyễn Phú Trọng đã liên tiếp xuất hiện tại vài sự kiện ‘họp lãnh đạo chủ chốt’ với Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Văn Nên; chủ trì họp Bộ Chính trị.
Nhưng đến phiên khai mạc kỳ họp quốc hội vào ngày 20 tháng 5 năm 2019 thì ông ta lại… biến mất. Dấu ấn của phiên khai mạc này là đã không có bất cứ hình ảnh nào về Trọng, và trong lời giới thiệu thành phần tham dự kỳ họp cũng không có thể loại ‘kính thưa đồng chí…’ như thường thấy trong những kỳ họp trước. Từ đó đến nay, đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã không một lần được báo chí đưa tin và hình ảnh về việc tham dự kỳ họp quốc hội.
Hiện tượng trống vắng Nguyễn Phú Trọng trong nghị trường quốc hội khiến dư luận xã hội và giới quan sát một lần nữa dậy lên mối ‘lo lắng’ và tò mò về bệnh tình mà chắc còn khá lâu nữa mới hồi phục thật sự của ông ta.
Điều rõ ràng và an ủi hơn cả là trong hai cuộc họp với ‘lãnh đạo chủ chốt’ và ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ gần đây nhất, Nguyễn Phú Trọng vẫn thể hiện phát ngôn, nói năng và trí não khá ổn định, chẳng khác mấy cái cách trước khi ông ta bị nhấn sâu trong cơn bạo bệnh.
Trong khi đó, tiến trình quan hệ Việt - Mỹ vẫn tiếp tục được đẩy lên và nhanh hơn bằng vào những chuyến đi con thoi của các quan chức hai nước, đặc biệt là chuyến tiền trạm Hoa Kỳ của Phạm Bình Minh - Bộ trưởng ngoại giao, mà có thể hiểu là Mỹ và Việt Nam đã cơ bản thống nhất về lịch trình chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng trong vài tháng tới, cũng có nghĩa là đến khi đó sức khỏe của Trọng đã hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên điều kém an ủi hơn nhiều là trong lúc khả năng ‘tập nói’ đã gần như phục hồi thì việc ‘tập đi’ của Trọng lại có vẻ là một vấn đề lớn. Trong hai cuộc họp trên, người ta đã không một lần chứng kiến Nguyễn Phú Trọng di chuyển khỏi chỗ ngồi ‘chết cứng’ của ông ta.
Việc Trọng liên tiếp vắng mặt trong kỳ họp quốc hội rõ ràng không phải là kế sách ‘giả chết bắt quạ’ hay ý đồ na ná nào như thế, mà đang khiến dư luận trong xã hội và trong nội bộ đảng trở nên bất lợi đối với ông ta. Tình trạng này cũng khiến người ta hoài nghi về việc Trọng có thể thực hiện chuyến công du Mỹ một cách hoàn hảo.
Ngay trước mắt, 29 tháng Năm sẽ là thời điểm có thể mang tính quan trọng đối với ‘nguyên thủ quốc gia’. Công ước 98 là một trong 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan mật thiết đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và công đoàn độc lập mà nhà nước Việt Nam chây ì từ quá lâu mà chưa chịu ký kết. Nếu không chịu trình, ký kết và phê chuẩn ít nhất là công ước này, chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ mất hẳn cơ hội có được EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam).
Mặt khác, toàn bộ tương lai chuyến đi Mỹ của Trọng sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhịp độ phục hồi sức khỏe của ông ta mà không để xảy ra bất kỳ một cú ‘đột quỵ’ nào khác.
Bởi nếu Trọng không thể đi Mỹ vào mùa hè này, chắc chắn Trung Quốc là kẻ hả hê nhất khi Việt Nam sẽ không có cơ hội để bàn với Mỹ về việc hợp tác với Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil về khai thác mỏ Cá Voi Xanh, cũng chưa thể bàn sâu hơn về những nội dung ‘quan hệ đối tác chiến lược’ với Mỹ mà từ đó Việt Nam có thể chính thức tham gia vào khối liên minh quân sự Đông Bắc Á - một khối gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc đối trọng với Trung Quốc tại Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét