Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

10383 - Khi công thổ lũ lượt đội nón ra đi




                             Phản ứng của người dân trong vụ đất Thủ Thiêm.



Chưa bao giờ tính chất phản động của Điều 53 trong Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành rõ ràng như bây giờ. Theo Điều 53: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Tài nguyên nước, khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do nhà nước dùng công sản đầu tư, đang được nhà nước thay mặt toàn dân quản lý, sử dụng như thế nào có lẽ ai cũng biết và sẽ được bàn vào dịp khác.
Riêng đất đai – một loại tài sản cũng thuộc “sở hữu toàn dân” thì cần phải ngẫm nghĩ kỹ, hành động sớm, nếu không, ngay cả cám cũng chẳng còn…
Kết quả Kiểm toán bảy dự án được đầu tư theo hình thức BT do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố hồi cuối tuần trước đều dính đến đất (1).
Khác với BOT (nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án rồi tổ chức khai thác dự án cho đến khi thu hồi đủ cả vốn lẫn lãi thì chuyển giao cho chính quyền), BT là hình thức chỉ có hai công đoạn, nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án, sau khi hoàn tất sẽ chuyển giao luôn cho chính quyền, đổi lại, nhà đầu tư sẽ được giao một dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và hưởng lợi, hoặc được thanh toán theo thoả thuận đã được ghi trong hợp đồng.
Căn cứ vào báo cáo do KTNN mới công bố thì cả bảy dự án được đầu tư theo hình thức BT mà KTNN đã kiểm toán thì dự án nào cũng trái với hình thức BT: Nhà đầu tư nhận thực hiện dự án để lấy đất nhưng chưa thực hiện dự án đã được giao đất. Khi đem đất đổi công trình, hệ thống công quyền vừa định giá đất rất thấp, vừa vận dụng đủ thứ qui định để nhà đầu tư có thể giảm tối đa khoản tiền sử dụng đất phải nộp cho công quỹ.
Phần lớn các công trình được chính quyền nhiều địa phương lựa chọn để đầu tư theo hình thức BT đều không cấp bách, thiệt hại do đổi đất lấy bảy công trình này khoảng 3.000 tỉ đồng! Trước đó, khi tổ chức kiểm toán 30 dự án được đầu tư theo hình thức BT, KTNN từng xác định, chuyện đem đất đổi công trình gây thiệt hại khoảng 4.515 tỉ đồng. Công thổ đổi chủ không đơn thuần là “thiệt hại cho ngân sách”, đó là tổn hại của toàn dân.
Đất đai - tài sản thuộc “sở hữu toàn dân” - không chỉ thất tán vì bị mang ra đổi các công trình khoác áo phục vụ dân sinh, phúc lợi công cộng, kiểu như “Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1” một trong bảy dự án được đầu tư theo hình thức BT mà KTNN mới công bố.
Trước nay, loại tài sản thuộc “sở hữu toàn dân” này vẫn được dùng làm vốn để giao cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Khi các DNNN trở thành gánh nặng, toàn dân không còn kham nổi, chúng được cổ phần hóa (thay đổi nguồn gốc sở hữu). Tiến trình cổ phần hóa các DNNN giống nhau ở chỗ, đất đai được “giải tư” (chuyển đổi quyền sở hữu từ của toàn dân thành của tư nhân) với giá như giá của bèo.
Một báo cáo khác mà KTNN vừa công bố, sau khi ghé mắt nhìn vào chuyện quản lý – sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa các DNNN ở Đà Nẵng, minh họa thêm cho thực trạng vốn đã kéo dài cả thập niên trên toàn quốc: Đất – tài sản thuộc “sở hữu toàn dân” - trở thành vốn của các công ty cổ phần. Các công ty cổ phần có vốn nhà nước thành lập liên doanh. Liên doanh đệ trình các dự án xin khai thác nguồn vốn là đất rồi công ty cổ phần có vốn nhà nước chuyển nhượng phần đất được xem như vốn với giá rẻ mạt (2).
Chẳng riêng Đà Nẵng mà chỗ nào cũng vậy. Công thổ - tài sản thuộc “sở hữu toàn dân” - dù được xem như đất vàng vì vị trí đặc biệt – lũ lượt đội nón ra đi. Toàn dân mất cả chì lẫn chài vừa vì vuột mất “vàng”, vừa vì “vàng” được định giá quá rẻ, lại mất phần lớn tiền sử dụng đất, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất,… được hệ thống công quyền tìm mọi cách để chỉ thu ở mức thấp nhất.
Cho dù chuyện “chuyển đổi quyền sử dụng đất” từ “sở hữu toàn dân” thành sở hữu tư nhân diễn ra rầm rộ trên toàn Việt Nam đã hai thập niên song toàn dân được hưởng những gì từ đó? Chính sách an sinh, phúc lợi công cộng liệu có tốt hơn? Duy trì “sở hữu toàn dân” đối với đất đai chỉ tạo ra những cá nhân đột nhiên giàu có đến mức “nứt đố, đổ vách”, xem đồng bào mình như cỏ rác.
Duy trì “sở hữu toàn dân” đối với đất đai đã giúp biến rừng thành những trang trại không phải của toàn dân như Hà Nội (3), Đắk Nông (4),... Tình trạng bờ của những con sông chảy trong lòng nhiều đô thị như TP.HCM, rồi bờ biển của nhiều tỉnh, thành phố, thậm chí đảo (5),… những thắng cảnh nổi tiếng ở nhiều nơi (6), đổi chủ, trở thành những chỗ đại đa số công dân không được phép lui tới, đột nhiên trở thành… tất nhiên.
Đất đai thuộc “sở hữu toàn dân” vừa tạo ra vô số thảm án như vụ Đặng Văn Hiến (7), biến hàng triệu người thành vô gia cư, bế tắc về sinh kế như ở Thủ Thiêm (TP.HCM), vừa hỗ trợ những viên chức như ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu Bí thư Huyện ủy Sông Hinh, sở hữu hàng chục ngàn mét vuông đất ở thị trấn Hai Riêng, khi phải giao trả để tránh bị cưỡng chế, nộp đơn kiện hệ thống công quyền đòi bồi thường (8).
Đất đai thuộc “sở hữu toàn dân” nên chính quyền tỉnh Quảng Nam vừa công khai nhắc nhở hệ thống truyền thông chính thức “không thông tin sâu” về chuyện tại sao gia đình ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Bí thư Tỉnh ủy, trở thành chủ hai lô đất diện tích 1.261 mét vuông ở thành phố Tam Kỳ “để tránh ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” (9).
Đất đai thuộc “sở hữu toàn dân” đã mở đường cho hết scandal này đến scandal khác, hết viên chức này đến viên chức khác từ trung ương đến địa phương, hết viên tướng này đến viên tướng khác của cả quân đội lẫn công an phạm pháp, đa số chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, tước bỏ những chức vụ đã từng mang. Tỉ lệ viên chức bị phạt tù, tài sản bị tịch thu, sung công vì làm thất tán đất đai, tài sản thuộc sở hữu toàn dân có tương xứng không?
Với tốc độ, khả năng “sáng tạo” trong chuyển đổi quyền sở hữu về đất đai và lối xử lý nửa mùa như thế, làm sao chặn được viễn cảnh toàn dân trắng tay? Đến giờ, thực tế cho thấy, nhà nước – tổ chức đại diện toàn dân quản lý đất đai – chỉ mới giúp nguồn lợi từ đất đai lọt từ “sàng” này, xuống “nia” khác. Toàn dân đã được gì và sẽ hưởng gì từ chuyện nhà nước giành tư cách đại diện để toàn quyền sử dụng công thổ?
***

Nhiều người thất vọng khi chính phủ Việt Nam rút Dự luật sửa Luật Đất đai, không trình dự luật cho Quốc hội Việt Nam xem xét trong năm nay (10). Có thể gửi gắm hy vọng nào vào nỗ lực sửa luật đất đai không khi Hiến pháp vẫn thế, các Điều 53, 54 không thay đổi: Dành riêng cho nhà nước tư cách đại diện để toàn quyền quản lý, sử dụng công thổ mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát, bất kỳ hình thức chế tài nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét