Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

10412 - ‘‘Đột phá’’ Hội nghị 10: Ông Trọng hé mở, rồi khép lại? (Phần 2)


Ông Nguyễn Phú Trọng (thứ hai phải sang) tại phiên bế mạc Hội nghị trung ương 10, đảng Cộng Sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 16/05/2019.


Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của đảng Cộng Sản Việt Nam (14 đến 16/05/2019), ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa trở lại sau một tháng dưỡng bệnh, đã có một số tuyên bố làm dấy lên hy vọng trong một số người quan tâm, về khả năng ban lãnh đạo Đảng xem xét thay đổi đường lối độc quyền lãnh đạo xưa nay, vốn bị nhiều chỉ trích là nguồn gốc của « quốc nạn » tham nhũng, bị coi là nhân tố chủ yếu kìm hãm xã hội. Thực hư ra sao ?
Trong bài  diễn văn khai mạc Hội nghị, về việc chuẩn bị đề cương cho các văn kiện của Đại hội thứ XIII tới, ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra hàng loạt vấn đề cho Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam thảo luận, trong đó có các câu hỏi như « đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không », « vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không ? Có lệch về phía nào không? »... Hội nghị Trung ương 10 như vậy đã không chỉ tập trung vào vấn đề nhân sự, như một số dự đoán trước đó.
Vấn đề « chế độ chính trị » vốn được coi là thuộc loại húy kỵ lâu nay đã được người đứng đầu của Đảng chính thức nêu ra. Một số nhà quan sát cho rằng, việc nhiều vấn đề húy kỵ được ông Trọng nêu ra thảo luận là do áp lực nội bộ hoặc do tình trạng bế tắc về đường lối. Cũng có ý kiến phỏng đoán đây không phải là hành động thực tâm, mà chỉ là một thủ thuật nhằm thao túng dư luận.
Trả lời RFI, nhà báo Võ Văn Tạo (từ Nha Trang), tuy ghi nhận thay đổi « gợi mở » rất đáng chú ý nói trên, nhưng nhận xét là phát biểu bế mạc sau đó của ông tổng bí thư cho thấy cánh cửa hé mở đã nhanh chóng khép lại. Nhà báo Võ Văn Tạo một mặt lên án « sự độc quyền cai trị » của đảng Cộng Sản Việt Nam, « sự xơ cứng », « giáo điều » của thế lực cầm quyền, nhưng mặt khác cũng chỉ ra tính nguy hại của thái độ thờ ơ ở khá đông đảo người dân, trong và ngoài nước, đối với những gì diễn ra trên thượng tầng của hệ thống chính trị Việt Nam, đang trong quá trình biến chuyển. Dù sao, ông Võ Văn Tạo cũng khẳng định « sự vận động của xã hội không lệ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng Sản Việt Nam », chỉ có điều « những tác dụng từ dưới lên cũng góp phần cho sự thay đổi, nhưng nó chậm chạp hơn », nhiều cơ hội của đất nước « sẽ bị bỏ lỡ ».
Trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam diễn ra sự kiện Hội nghị trung ương 10 của đảng Cộng Sản Việt Nam được đánh giá là quan trọng. Xin ông cho biết nhận định của ông.
Sự kiện Hội nghị Trung ương 10 khá quan trọng. Ở Việt Nam có nhiều người phát biểu như thế này : Họ không quan tâm đến việc của Đảng. Lâu nay nó trì trệ…., đó là việc riêng của Đảng. Tôi cho rằng cái quan điểm đó không đúng đâu !
Bởi vì anh thích hay không thích, đó là chuyện của anh, nhưng mà rõ ràng đất nước này do những người cộng sản đang cai trị. Những quyết sách của họ ảnh hưởng đến tất cả. Dù anh là ai, anh vẫn phải chịu tác động của nó. Cả Việt kiều bên nước ngoài cũng thế. Nếu như những người lãnh đạo Ba Đình họ vẫn cứ độc tài, cứ cố thủ, thì nguyện vọng tối thiểu của bà con Việt kiều muốn về thăm quê hương đất nước, với gia đình cũng khó khăn. Dù muốn hay không, mình cũng phải quan tâm !
Vừa rồi một tỉ lệ không nhỏ người dân, cũng như cán bộ, đảng viên trong nước, người ta rất quan tâm đến Hội nghị trung ương 10. Vì sao ? Vì sau các chiến dịch « đốt lò », họ dấy lên hy vọng mong manh nào đó. Thậm chí, trên báo chí, trên mạng, có những bài viết ca tụng ông Trọng như một « thánh nhân » xuất hiện để cứu tinh cho dân tộc. Và trong số những trí thức lâu nay làm việc phản biện, góp ý nhiều lúc đến gay gắt, bị quy là chống đối, mà đến mức có những người cũng rất là bênh vực ông Trọng, tin tưởng ông Trọng, hy vọng ông Trọng sẽ là một Gorbachev của Việt Nam, có những đổi mới rất mạnh, đưa đảng Cộng Sản Việt Nam và đất nước Việt Nam thoát khỏi bế tắc hiện nay về hướng đi về chính trị.
Tôi thấy rất khác, với trước đó, cách đây ít năm, các Hội nghị Trung ương gần về cuối (tức trước kỳ Đại hội mới) chủ yếu chỉ nói về nhân sự. Nhưng lần này, tôi thấy ông ấy cũng nhắc trong phát biểu hôm khai mạc, ông ấy nhấn mạnh đến công tác lý luận, định hướng. Ông ấy nhắc đi nhắc lại là không chỉ có vấn đề về nhân sự, mà là vấn đề đường lối. Những điều này làm cho rất nhiều người, nếu có ý thức chính trị, thì đều quan tâm. Bản thân tôi cũng rất lưu ý, và tôi đã phát hiện ra những cái mới nhất định nào đó trong lập trường của ông Trọng cũng như đại diện của ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể như thế nào xin ông cho biết
Để nói cái mới này, cần liên hệ với cái cũ một chút. Đầu năm 2012, hôm đó sau Tết nguyên đán một chút, trong cuộc gặp các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trọng gay gắt với cái gọi là Kiến nghị 61, của 61 đảng viên tương đối có danh tiếng của đảng Cộng Sản Việt Nam. Họ gửi một kiến nghị đến Ban chấp hành Trung ương để đòi thay đổi dự thảo Hiến pháp 2013. Trong đó có nêu vấn đề đổi tên Đảng, tên Nước, triển khai cái gọi là đa nguyên chính trị, cho phép đa đảng, thực hiện xã hội dân sự, hay cần phải thiết lập cơ chế tam quyền phân lập… Có nhiều yêu cầu rất mới, rất hay. Hồi ấy, ông Trọng đã nhắc lại những điều ấy với thái độ rất gay gắt. Thậm chí kể cả những đảng viên tham gia khiếu kiện, ông cũng nhấn mạnh là « suy thoái ».
Tuy nhiên, kỳ này, trong cái hôm ông phát biểu khai mạc, tôi thấy có một số câu hỏi ông ấy nêu ra có vẻ như gợi mở. Ví dụ như kỳ này sẽ phải bàn đến các vấn đề kinh tế thị trường, rồi định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường vừa rồi làm như thế trúng chưa, có cần phải kết hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa hay không ? Có trúng định hướng hay không, hay đi trệch ? Thế rồi một số cái như ông nói là : Có cần thay đổi Điều lệ Đảng không ? Một nội dung nữa là : Có nên xem xét lại các thành phần kinh tế hay chế độ sở hữu như thế nào không ?...
Ông ấy nhắc đến một ý tôi cho rằng hay. Đó là đừng nên kỳ thị kinh tế tư nhân nữa.
[Nhà báo Võ Văn Tạo : Nhưng riêng ý này, có lẽ là do ông Trọng lâu nay chỉ làm « công tác Đảng », chứ không làm công tác chính quyền, cho nên ông không thật rõ lắm cái tệ nạn ưu ái cho các doanh nghiệp tư nhân một cách quá đáng của các quan chức chính phủ… Cái này không phải là mới. Nếu chúng ta quan sát Liên Xô và Đông Âu, sau khi từ bỏ « chủ nghĩa xã hội », cuối thập niên 80, đầu 90. Có làn sóng ồ ạt tư nhân hóa. Cướp đoạt tài nguyên quốc gia, rơi vào tay tư nhân. Nhiều tay tỉ phú phất lên rất nhanh nhờ có giới chức của Nhà nước, để móc ruột ngân sách… Đáng lẽ khi đề cập đến vấn đề này, ông Trọng phải đề cập đến vấn đề khi chuyển đổi sở hữu, để giảm bớt doanh nghiệp Nhà nước, thì phải hết sức tránh thất thoát tài nguyên quốc gia].
Hôm khai mạc, tôi nghe cái này, thì tôi nghĩ rằng là cái niềm hy vọng mong manh của một số người bạn của tôi, trong số các trí thức phản biện, có phần nào có cơ sở. Ấy thế nhưng mà hôm bế mạc, ông ấy cũng phát biểu, thì những ý ông ấy đưa ra làm cho mình thấy khả năng triển vọng mở ra cái đổi mới, đột phá, thì hầu như không có.
Ai theo dõi đời sống chính trị ở Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ, đều biết rằng vào năm 1986, đã xảy ra một biến đổi mạnh mẽ. Thời kỳ đó ông Trường Chinh làm tổng bí thư, sau khi ông Lê Duẩn chết. Giai đoạn đó tổng bí thư Trường Chinh đưa ra những tư tưởng rất mới, rất táo bạo (1).
Cái gì hiện nay nó đang giữ đất nước này lại, kìm hãm lại ? Theo tôi nghĩ, và cũng có nhiều người đồng ý với tôi, đó là do chủ nghĩa Mác, cái lý luận Mác và Lênin, mà Hà Nội đang giảng dạy cho cán bộ, đảng viên, sinh viên. Nó kìm hãm rất nặng nề nền kinh tế đất nước.
Tôi nói ví dụ đơn cử như chuyện Kinh tế Nhà nước là chủ đạo, đến giờ này họ vẫn khăng khăng lập trường như thế, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước hễ cứ động tới là thua lỗ. Doanh nghiệp nào cũng thế, trừ một vài « thằng » độc quyền, như kiểu Viettel, kinh doanh độc quyền nhóm, và có nhập nhằng chuyện ngân sách quốc phòng… là có lãi… Các doanh nghiệp chỉ chuyên đào tài nguyên khoáng sản lên bán…. cũng lỗ ầm ầm. Cái gọi là kinh tế Nhà nước ăn chung, làm chung chắc chắn dẫn nhau vào ngõ cụt…. (2)
Thế nhưng bế mạc Hội nghị Trung ương 10, ông Trọng cứ nhắc đi nhắc lại cái đó, nghĩa là luôn luôn bám lấy chủ nghĩa xã hội. Tôi thấy rất là gay.
Vì sao lại có sự thay đổi đột ngột như vậy chỉ trong ba ngày Hội nghị trung ương 10 ?
Tôi nghĩ rằng có hai lý do quan trọng thế này. Thứ nhất là bản thân ông Trọng, chúng tôi theo dõi từ nhiều năm rồi, từ khi ông ấy còn là chủ tịch Quốc Hội, mười mấy năm nay rồi. Thì thấy rằng ông ấy không phải là người có tư tưởng táo bạo, có tư duy sắc nét. Thứ hai, trong số những người thân cận của ông ấy, cũng cho tôi biết, là ông ấy không biết gì về internet hết. Tất cả những thông tin trái chiều là ông ấy không có, mặc dù có thể là trong cảm nhận của tôi, và không ít người nữa, là ông Trọng cũng là một người cũng « sạch sẽ », cũng tử tế. Cái tâm ông ấy tốt thôi, rất tốt, nhưng mà vì ông ấy không có thông tin, nên ông ấy nhận thức rất giáo điều.
Đấy là về phía ông Trọng. Còn ngoài ra, trong ba ngày Hội nghị Trung ương, rất tiếc là vì không có tường thuật tại chỗ các ý nghĩa tranh luận, phát biểu thế nào. Cho nên là mình không thể biết được là tại sao lại có sự thay đổi như thế. Thế nhưng, qua đó, tôi nghĩ rằng, ngoài việc ông Trọng là người xơ cứng, bảo thủ đã đành, nhưng trong ba ngày này, (chắc chắn là) những câu hỏi này đã được tranh luận ở mức độ nào đó. Và cuối cùng là đa phần ý kiến nghiêng về phía co cụm bảo thủ, chứ không mạnh dạn, đột phá. Cho nên ông Trọng khi phát biểu bế mạc có tính chất khép lại như thế. Làm cho tất cả những ai có hào hứng hy vọng vào một bước chuyển gọi là đột phá cho đất nước để đi lên, tiến kịp với nhân loại tiến bộ đều thất vọng.
Như vậy, vấn đề không phải nằm ở bản thân cá nhân lãnh đạo tối cao Nguyễn Phú Trọng, và những người ủng hộ ông trong hàng ngũ lãnh đạo, mà phụ thuộc vào toàn bộ bộ máy chính trị tại Việt Nam ?
Về cái thiết chế chính trị tại Việt Nam, những người hiểu sâu sắc thì đều đánh giá là : Hiện nay ở Việt Nam họ làm chính trị bằng những con người cụ thể, chứ không phải bằng thiết chế vững bền. Thế cho nên cái việc, là tả hay hữu, lúc dao động sang bên này, lúc dao động sang bên kia, vụt một cái như con lắc đơn, chứ không bền.
Để so sánh cho dễ hiểu, tôi lấy ví dụ của Mỹ chẳng hạn. Do thiết chế có đa nguyên chính trị, có đa đảng hoạt động, rồi có tam quyền phân lập rất vững chắc, rồi có phân ra quyền lực, như cụ thể tổng thống là thế nào… Tối Cao Pháp Viện, rồi Hạ Viện, Thượng Viện ra sao… Các định chế này ràng buộc lẫn nhau, khống chế lẫn nhau, chế ước lẫn nhau, để không cho ai lạm quyền cả. Thế thì khó lòng mà đất nước đó bị lệch lạc đường đi của họ. Họ ổn định rất vững.
Ở Việt Nam thì khác, cách đây hơn chục năm, tôi đã viết bài trên báo Nhà nước (tờ Tuổi Trẻ) phê phán việc thành lập Ủy Ban phòng chống Tham Nhũng, trong khi đó ở trung ương giao cho thủ tướng, ở tỉnh giao cho chủ tịch tỉnh. Hai ông đó là chuyên môn ký dự án, mà đây là việc dễ gây tham nhũng nhất. Tham nhũng đất đai, tài sản của dân… Thế mà, tay phải thì ký dự án, tay trái ký quyết định của Ủy Ban phòng chống Tham Nhũng.
Đến tháng 10/2012, Hội nghị Trung ương 6 (Đại hội XII), ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó làm trong Bộ Chính Trị thông qua nghị quyết về việc bản thân Bộ Chính Trị sẽ nhận khuyết điểm, nhưng đề nghị đưa ra Trung ương xét kỷ luật thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bởi làm ăn bết bát quá, làm thất thoát rất nhiều. Nhưng Trung ương không đồng ý, ông Trọng đã phải bật khóc trong Hội nghị này. Sau đó thấy cá nhân ông Dũng là người không trong sạch, nên phải lôi chức vụ trưởng Ban chống Tham Nhũng về cho ông Trọng.
Bây giờ, nếu có thiết chế vững bền như Hoa Kỳ, thì dù cá nhân con người có thể này, thế khác, thì có thể thay anh rất dễ dàng. Tôi cho rằng cái cấu trúc chính trị ở Việt Nam không bền vững.
Khi nào họ vẫn còn kiên trì Mác-Lê, vẫn còn là đảng Cộng Sản Việt Nam độc quyền cai trị, không chấp nhận chia sẻ quyền lực, giám sát quyền lực, thì đất nước vẫn thế thôi, tình hình không có gì đổi mới đâu.
Ông có thêm chia sẻ gì chuyển đến thính độc giả ?
Tôi nghĩ rằng, nếu nhìn về lịch sử của nhân loại trong khoảng 100 năm trở lại đây, đặc biệt từ khi có sự hình thành của hệ thống xã hội chủ nghĩa 70, 80 năm về trước, Liên Xô ra đời từ một thế kỷ trước, thì phải thấy thế này : Khi các quốc gia rơi vào các thiết chế chính trị do đảng Cộng Sản, đảng Công Nhân theo chủ nghĩa Mác-Lênin lên nắm quyền, họ luôn giữ một cái nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là nguyên tắc độc quyền lãnh đạo của đảng đó. Họ bóp nghẹt tất cả tự do báo chí, tự do ngôn luận… Thì rất khó mà thay đổi thể chế đó.
Đối với một số nước khác không phải là cộng sản, mà là độc tài, thì việc thay đổi thế chế chính trị từ độc tài sang dân chủ, đỡ khó khăn hơn. Ở trường hợp các nước cộng sản thì rất khó, trừ trường hợp mâu thuẫn nội tại của những người lãnh đạo chóp bu của các đảng Cộng Sản đó, ở cấp cao nhất,… thì thuận lợi hơn, việc chuyển biến từ bên trên dễ dàng hơn, tránh bớt được chuyện đổ máu. Việt Nam tôi nghĩ cũng không ra ngoài được quy luật đó đâu. Cho nên mọi người vẫn hy vọng rằng những người lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam họ nhận thức ra được. Có những giai đoạn nào đó, có những nhân tố nào đó, bột phát nào đó gây nên những biến động tốt, cho xã hội Việt Nam đi theo hướng tiến bộ, hòa nhập với văn minh của nhân loại, giải phóng được các tiềm năng của đất nước.
Mặt khác, tôi cũng nghĩ là sự vận động của xã hội không lệ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng Sản Việt Nam. Còn là do nhận thức của người dân, của « trí thức trung thành », rồi « trí thức đối lập ». Tôi thấy vai trò của « trí thức trung thành » trong thời gian vừa rồi có phát huy được phần nào, chứ không phải vô ích đâu, như một số người cực đoan họ phê phán. Họ bài xích hoàn toàn, tôi nghĩ không đúng.
Có những trí thức như vậy họ nhận ra được những bất hợp lý trong quản lý kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay, và họ góp ý rất xây dựng. Họ không ghét, không căm thù gì những người đương chức, nhưng họ thấy bất hợp lý thì họ góp ý. Và chừng mực nào đó, ban lãnh đạo Việt Nam cũng nghe lời. Ví dụ như Luật Đầu Tư (tức luật liên quan đến các đặc khu kinh tế) định thông qua rồi, Bộ Chính Trị đồng ý rồi,… nhưng luật đó động đến chuyện rất nhạy cảm là sự bành trướng và âm mưu thâm độc của Trung Quốc, thì lập tức nhân dân cũng phản ứng. Có các cuộc biểu tình rất dữ dội hồi tháng 6/2018. Nhưng biểu tình như thế cũng không đáng kể, vì họ dùng quân đội, công an trấn áp được hết.
Nhưng tôi biết, có những bức thư, những ý kiến của trí thức trung thành, thân với ban lãnh đạo Đảng, với bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, họ góp ý rất chân thành. Các ông ấy nhìn ra, các ông ấy ra lệnh hoãn. Coi như chưa thông qua Luật Đầu Tư đó. Như vậy, cũng có những tác dụng nhất định. Tất nhiên là những tác dụng từ dưới lên cũng góp phần cho sự thay đổi, nhưng nó chậm chạp hơn, đòi hỏi kéo rất dài, sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội của đất nước.
Nếu như sắp tới, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ, hoặc những người mà ông ấy nhường cho vị trí thay thế hoặc kế cận, mà vẫn bám đường lối đó (chủ nghĩa Mác-Lênin), thì tôi nghĩ là đất nước không có cơ phát triển một cách nhanh được đâu. Chỉ như hiện nay là may rồi.
Tôi nghĩ đây là thời điểm. Nếu như ông Trọng và những người đồng chí thân cận của ông ấy mà biết hy sinh một phần cái đặc quyền đặc lợi vô lý lâu nay của nhóm chóp bu độc quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam, vì quyền lợi của dân tộc, thì đây là thời cơ. Dù cũng đã chậm rồi. Để hy vọng đến Đại hội XIII, có những thay đổi cơ bản về chính trị thì đất nước Việt Nam mới khá lên được.
Xin cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo
(Phỏng vấn do Trọng Thành thực hiện)
---
Một số ý kiến bổ sung
(1) - Thời gian đó tôi nhớ là đã đọc một bài rất nổi tiếng của ông Trường Chinh, nhan đề « Bài học giương cao 4 ngọn cờ » trên trang nhất báo Nhân Dân. Có một hàng tít rất lớn. Đọc xong tôi hoàn toàn bất ngờ. Có những luận điểm rất hay, như « Khi Đảng ta chủ trương phát triển đồng thời nhiều thành phần kinh tế, có nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên cao cấp lo ngại là chủ trương như vậy thì có lẽ vật tư, chất xám, tiền vốn chuyển ra khối phi quốc doanh tức ngoài quốc doanh, thì sao ? ». Ông Trường Chinh đặt câu hỏi thế này : « Lo ngại như thế chẳng hóa ra ta phải kìm hãm lại sản xuất hay sao ? ». Đó phải nói là một tư tưởng rất sắc bén, quay ngược 180° so với lý luận Mác-Lê mà chúng tôi đã được trang bị trong nhà trường đại học ở Việt Nam (nhà báo Võ Văn Tạo cho biết ông đã theo học chương trình chính trị trung cấp tại Đại học Ngoại Thương, ngoài ra ông cũng nghiên cứu thêm chương trình chính trị Mác-Lê cao cấp do ban Tuyên Giáo Trung ương thời đó ấn hành).
(2) – Về cái chuyện « đốt lò », trước mắt vì cái tiêu cực nó quá nhiều, phát hiện dễ lắm. Bên cạnh việc một số người bị đưa ra ánh sáng, còn vô số trường hợp khác, là khá lớn, khá rõ, người ta gọi là « những quả đậm », vẫn chưa bị lôi ra. Rất nhiều ! Thôi cái đó mình cứ gác sang một bên. Nếu như chưa chấp nhận cho đa nguyên chính trị, cho đa đảng hoạt động, hoặc không thiết kế được cơ chế tam quyền phân lập, thì không có cách nào trị hết được các tham nhũng, thối nát, tiêu cực. Mà ai có kiến thức về kinh tế, thì cũng hiểu rằng, tham nhũng không chỉ là tham nhũng,… mà cái chính là nó phá cái sản xuất. Không còn niềm tin trong sản xuất, kinh doanh, không bình đẳng nữa thì hiệu suất sử dụng tài nguyên của xã hội, kể cả lao động, giảm đi rất nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét