Các ủy viên hội đồng thuộc phe ủng hộ dân chủ vừa đắc cử đang tiến vào khuôn viên Đại học Bách khoa Hong Kong để thuyết phục người biểu tình
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong vẫn sẽ tiếp diễn trong khi chính quyền không có dấu hiệu gì sẽ nhượng bộ sau chiến thắng ngoạn mục của phe ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp cấp quận mặc dù chiến thắng này sẽ đem đến cho họ sức mạnh chính trị lớn hơn để gây sức ép lên chính quyền, một nhà quan sát chính trị Hong Kong nhận định.
Hơn 2,9 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu hôm 24/11 – con số đi bỏ phiếu kỷ lục. Số cử tri này đã giúp phe ủng hộ dân chủ chiến thắng ở 17 trong số 18 quận và chiếm hơn 80% số ghế được bầu, chiến thắng bầu cử lớn nhất cho phong trào dân chủ kể từ khi Hong Kong được bàn giao về cho Trung Quốc hồi năm 1997.
Cho đến vào giữa thứ Hai ngày 25/11, các đảng ủng hộ dân chủ đã giành được 344 ghế hội đồng quận so với 58 ghế của phe ủng hộ Bắc Kinh, trong khi những người độc lập giành được 41 ghế và 9 khu vực bầu cử vẫn chưa công bố kết quả, theo số liệu được tờ South China Morning Post tổng hợp.
Cuộc bầu cử này được nhìn nhận là cơ hội hiếm hoi để người dân Hong Kong gửi cho các nhà lãnh đạo của họ thông điệp rõ ràng rằng họ muốn dân chủ chứ không phải sự kiểm soát quá mức của Bắc Kinh, theo nhận định của tờ Washington Post sau khi có kết quả bầu cử.
Tăng sức mạnh chính trị?
Các hội đồng địa phương ở Hong Kong không có quyền lực chính trị gì trên thực tế nhưng cuộc bầu cử hội đồng địa phương lần này, vốn diễn ra sau 6 tháng biểu tình ròng rã cùng với sự leo thang bạo lực, có ‘ý nghĩa rất quan trọng’ đối với phe đối lập, nhà báo Raymond Yam thuộc Ban Tiếng Quảng Đông của VOA chia sẻ.
Trước hết, thắng lợi này giúp các đảng phái thuộc phe ủng hộ dân chủ củng cố nguồn thu chính cho ngân quỹ bởi vì khi các thành viên của họ trúng cử vào hội đồng quận và được lãnh lương từ công việc này, phần lớn trong số họ sẽ đóng góp phân nửa số tiền lương vào hoạt động của đảng, ông Yam cho biết.
“Số tiền này rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động hàng ngày của các đảng phái.”
Thứ hai là nó làm mất đi lợi thế của các đảng phái thân Bắc Kinh trong lần bầu cử sau, vị ký giả theo dõi sát tình hình Hong Kong cho biết.
“Các đảng này thường tận dụng vị trí của họ ở các hội đồng địa phương để thông qua các dự án có lợi cho người dân địa phương để ghi điểm với cử tri trong kỳ bầu cử sau,” ông giải thích.
Thứ ba là với thắng lợi này, phe ủng hộ dân chủ có khả năng giành thêm 6 ghế trong tổng số 70 ghế trong cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập pháp (Legislative Council, hay còn được gọi nôm na là LegCo), cơ quan lập pháp tối cao của Đặc khu Hong Kong, vào tháng 9 năm sau.
Theo đó, với thế đa số tại các hội đồng địa phương, phe ủng hộ dân chủ có thể bầu người của họ đại diện cho 5 ‘đại quận’ (super district) – mỗi đại quận một ghế đại diện trong LegCo.
Ghế còn lại được phân bổ theo thể thức theo các hiệp hội, nghiệp đoàn (luật sư, giáo viên, doanh nhân, ngư dân…) – mỗi hiệp hội một ghế. Do đó, sẽ có 1 ghế đại diện cho toàn bô 453 thành viên hội đồng địa phương tại LegCo. Với tỷ lệ trên 80% thành viên hội đồng địa phương là người của mình, các đảng dân chủ có thể dễ dàng nắm luôn ghế này tại LegCo, ông Yam cho biết.
Cuối cùng, trong tổng số 1.200 đại cử tri vốn sẽ bầu ra Đặc khu Trưởng quan (hiện tại là bà Carrie Lam), các hội đồng địa phương có được 117 ghế. Với thắng lợi trong cuộc bầu cử này, hiện tại, các đảng phái ủng hộ dân chủ nhiều khả năng sẽ chiếm hết 117 ghế đại cử tri của hội đồng địa phương. Do đó, tổng số ghế đại cử tri mà phe Dân chủ có được sẽ lên đến trên 500 ghế, ông Yam ước đoán.
Mặc dù con số này vẫn chưa vượt qua được mức quá bán để có thể bầu người của mình làm Đặc khu Trưởng quan hay chặn được ứng viên do Bắc Kinh chọn lựa đắc cử (700 ghế đại của tri còn lại là người của Bắc Kinh), nhưng đó vẫn là ‘thế thiểu số lớn’.
Thiểu số này sẽ phát huy tác dụng nếu Bắc Kinh đề cử hai ứng viên cho chức Đặc khu Trưởng quan. Khi đó, con số 700 lá phiếu của Bắc Kinh có thể sẽ bị chia rẽ và nhóm thiểu số đại cử tri của phe ủng hộ dân chủ sẽ đắc lợi.
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh chỉ đề cử một ứng viên thì phe ủng hộ Dân chủ không có cách nào chặn được ứng viên đó lên làm trưởng đặc khu, ông Yam nhìn nhận.
Mặc dù sức mạnh chính trị của phe đối lập có thể tăng sau kỳ bầu cử này, nhưng tác động của nó trên phương diện chính quyền hay chính sách ‘là rất hạn chế’, ông nói.
Ông cho biết chức năng của các hội đồng địa phương chỉ là ‘tư vấn cho chính quyền’ về việc sử dụng các tiện ích công cộng như công viên, thư viện, đường sá. Họ không có quyền ra luật, quyền phân bổ ngân sách vốn thuộc thẩm quyền của LegCo.
Ý nguyện người dân?
Tuy nhiên, nhà báo này cho rằng cuộc bầu cử địa phương lần này được người dân Hong Kong xem như là ‘cuộc trưng cầu dân ý’ đối với chính quyền của bà Carrie Lam bởi vì đó là cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu trực tiếp duy nhất mà người dân Hong Kong có thể tham gia.
“Trước ngày bầu cử đã có rất nhiều tin đồn rằng chính quyền muốn hoãn hoặc thậm chí hủy cuộc bầu cử với lý do là tình trạng hỗn loạn do biểu tình và bạo lực trên đường phố,” ông nói.
“Do đó người dân Hong Kong đã rất lo lắng và họ quyết định đã đến lúc họ phải lên tiếng,” ông nói thêm và cho biết người dân Hong Kong đã đổ đi bỏ phiếu rất nhiều trong trật tự và kiên nhẫn – có người chờ đến hàng tiếng đồng hồ để đến lượt bỏ phiếu.
Thông điệp mà các cử tri Hong Kong gửi đến chính quyền của bà Carrie Lam và Bắc Kinh trong cuộc bầu cử này là ‘họ không hài lòng với tình hình của Hong Kong’ và thể hiện sự bất mãn với các chính trị gia thân Bắc Kinh, người phóng viên từng nhiều lần sang Hong Kong ghi nhận và tường trình về các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong nhận xét.
Ông Yam cho biết nhiều ứng viên thuộc các đảng phái thân Bắc Kinh vốn trong thời gian qua đã lên tiếng chỉ trích nặng nề cuộc biểu tình và thể hiện sự ủng hộ đối với hành động của chính quyền đã thua trước các ứng viên của các đảng phái ủng hộ dân chủ.
Trong khi đó, những ứng viên đắc cử lại là những người hòa cùng thông điệp với người biểu tình là nhất mực đòi chính quyền thực hiện ‘5 yêu sách – không bớt một yêu sách nào’, trong đó có điều tra độc lập hành động được cho là ‘bạo lực thái quá’ của cảnh sát và khôi phục lại danh dự cho những người biểu tình.
Đề cập đến phát biểu của bà Lam sau khi có kết quả bầu cử mà trong đó bà hứa hẹn chính quyền ‘thấu hiểu những quan ngại của người dân và sẽ có sự điều chỉnh chính sách’, ông cho rằng chỉ là ‘lời đầu môi chót lưỡi (lip service)’ mà không đưa ra câu trả lời cụ thể cho ‘5 yêu sách’.
“Tôi không mong đợi cuộc bầu cử này sẽ thay đổi được điều gì cả,” ông nói.
Một khi ‘5 yêu sách’ này không được đáp ứng, ông Yam đoan chắc là người biểu tình Hong Kong sẽ tiếp tục hành động phản kháng mà trước hết là cuộc tuần hành được dự kiến diễn ra vào ngày thứ Năm 28/11, tức trùng với Lễ Tạ Ơn bên Mỹ, để bày tỏ sự ủng hộ với việc Quốc hội Mỹ thông qua Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.
“Ngay giờ đây sau khi bầu cử đã có ít nhất 90 vị ủy viên hội đồng địa phương vừa đắc cử đã tập hợp bên ngoài Đại học Bách khoa (nơi diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa cảnh sát và các sinh viên-học sinh biểu tình) để yêu cầu cảnh sát rút lui và cho phép người của họ vào trường gặp gỡ các sinh viên,” ông phân tích.
Ngoài ra, ông cũng đưa một bằng chứng là ông đã nhìn thấy những đoạn clip trên mạng cho thấy cảnh sát Hong Kong đã được triển khai đến một số khu vực để chuẩn bị đối phó biểu tình.
“Nếu chính quyền không đáp ứng 5 yêu sách, tôi không thấy dấu hiệu gì cho thấy người biểu tình sẽ lùi bước,” ông nói và nhận định rằng Hong Kong giờ đây ‘không còn là Hong Kong mà tôi biết 5 hay 6 tháng trước đây’.
“Khi đó, người dân Hong Kong chỉ muốn kiếm được nhiều tiền để cải thiện cuộc sống. Nhiều người thậm chí còn không quan tâm đến chính trị,” ông nói. “Nhưng trong 6 tháng qua, người dân Hong Kong đã phản kháng không chỉ dự luật dẫn độ mà còn là sự tàn bạo của cảnh sát.”
“Người dân Hong Kong cho rằng tự do và quyền của họ đã bị cảnh sát xâm phạm,” ông nói thêm và cho rằng phần lớn trong số ‘5 yêu sách’ là đòi hỏi công lý cho những người biểu tình.
Chính quyền sẽ làm gì?
Trong thời gian tới, nếu như Bắc Kinh hay chính quyền bà Lam có hành động gì ‘quá đà’ thì cơn giận dữ của công chúng sẽ leo thang, nhà báo này nhận định.
Ông cho rằng vào ngày 1/1 năm sau, tức là ngày các tân ủy viên hội đồng địa phương nhậm chức, nếu như chính quyền tái diễn hành động loại bỏ những người này vì những ‘lý do ngu ngốc’ như ‘họ không tuyên thệ nghiêm túc’ như họ đã từng làm với những người đắc cử vào LegCo hai năm trước đây, ‘chúng ta sẽ thấy kịch bản biểu tình lặp lại’.
“Còn nếu họ tiếp tục không làm gì cả người dân sẽ bất mãn và họ sẽ mất kiên nhẫn,” ông nhận định. “Nếu như họ mất kiên nhẫn họ sẽ có hành động.”
Về tại sao nhiều tháng biểu tình ở Hong Kong không làm cho Bắc Kinh lay chuyển, ông Yam nói rằng ‘vấn đề Hong Kong rất phức tạp’ khiến cho Bắc Kinh lâm vào thế khó.
Ông dẫn ra hai nguyên nhân làm phức tạp thêm vấn đề Hong Kong đối với Bắc Kinh là cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào đầu năm sau.
“Nếu Bắc Kinh đàn áp tàn bạo cuộc biểu tình thì thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và tình trạng rối loạn sẽ lan ra những nơi khác,” ông nói.
“Và còn cuộc bầu cử ở Đài Loan nữa. Bắc Kinh không muốn có nhiều đám lửa ở nhiều nơi cùng một lúc,” ông nói thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét