Một người Hồng Kông giả trang thành tượng Nữ Thần Tự Do nhân một cuộc tập hợp tại quảng trường Edinburgh, Hồng Kông ngày 28/11/2019.Anthony WALLACE / AFP
Hồng Kông là một trở ngại mới trên con đường giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Donald Trump vừa phê chuẩn luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông vào thời điểm nhạy cảm đối với chủ nhân Nhà Trắng.
Việc Washington công khai ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông liệu có nguy cơ đe dọa đến "Giai đoạn một" của thỏa thuận thương mại mà Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng tuyên bố đang sắp sửa ký kết?
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy hành pháp lúng túng kể từ khi quốc hội lưỡng viện thông qua luật về nhân quyền và dân chủ Hồng Kông hôm 20/11/2019 là tổng thống Trump cuối tuần trước đã tỏ ra do dự khi được hỏi ông sẽ phê chuẩn hay không đạo luật này.
Trả lời đài truyền hình Fox News, nguyên thủ Mỹ đã tuyên bố : Phê chuẩn đạo luật này không tránh khỏi "những hậu quả vô cùng tai hại cho những nỗ lực giải quyết xung khắc thương mại" với Bắc Kinh, nhất là vào lúc Washington đang đàm phán với Trung Quốc để "đạt được một thỏa thuận mậu dịch quy mô" và đôi bên đang có tiềm năng "rất cao" sắp đạt đến đích.
Đã chính thức lao vào cuộc tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, tổng thống Donald Trump đang cần ghi được những bàn thắng quan trọng với Trung Quốc trong cuộc đọ sức về thương mại đã kéo dài từ mùa xuân năm ngoái. Nguyên thủ Mỹ kỳ vọng nhiều vào thỏa thuận "sắp đạt được với Bắc Kinh" và ông thừa biết rằng, lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông gây trở ngại cho đối thoại với ông Tập Cận Bình. Đúng như vậy, Bắc Kinh hôm nay đã quy trách nhiệm cho Washington "đổ thêm dầu vào lửa" trên hồ sơ Hồng Kông.
Tuy nhiên, cũng vì mục tiêu tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump khó có thể dùng quyền phủ quyết bác bỏ đạo luật về Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông đã được Quốc Hội lưỡng viện mạnh mẽ ủng hộ và thông qua hồi tuần trước. Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật này với số phiếu gần như tuyệt đối. Kế tới, tại Hạ Viện văn bản này đã được 417 dân biểu ủng hộ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng Hòa, một trong những người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trên hồ sơ này, cho rằng với đạo luật mới, tổng thống Trump có thêm "một công cụ" để bảo vệ các quyền tự do cho Hồng Kông. Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Nancy Pelosi, một kình định của ông Trump trên chính trường, cũng phải nhìn nhận rằng nước Mỹ "thực sự hãnh diện ủng hộ người dân Hồng Kông vì tự do và công lý".
Những lời khen tặng này của chính giới Hoa Kỳ chắc chắn là con dao hai lưỡi đối với nguyên thủ Mỹ. Do vậy, để tránh làm phương hại đến tiến trình đàm phán thương mại với Bắc Kinh, Nhà Trắng trong thông cáo ngày 28/11/2019 ghi rõ : trước mắt Hoa Kỳ chưa "khởi động" luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông với hy vọng, lãnh đạo Trung Quốc, chính quyền đặc khu và phe phản kháng "có khả năng san bằng được những bất đồng nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho Hồng Kông một cách lâu dài". Nói cách khác, Mỹ gián tiếp cho Trung Quốc biết là đang có thêm một phương tiện để gây áp lực với chính quyền Tập Cận Bình.
Giáo sư Evan S. Medeiros, trường Đại Học Georgetown, Hoa Kỳ, cho rằng quyết định của tổng thống Trump phê chuẩn luật về Hồng Kông có thể hiểu theo nhiều cách : hoặc đây là dấu hiệu báo trước thỏa thuận mậu dịch Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã có nhiều tiến triển và đôi bên gần như "ván đã đóng thuyền". Hoặc cũng có thể đây là đòn để cảnh báo Bắc Kinh rằng Mỹ có một công cụ lợi hại trong tay, có thể đánh vào điểm nhạy cảm của Trung Quốc là Hồng Kông.
Về phần giáo sư Jessica Chen Weiss, Đại Học Cornell New York, bà cũng chia sẻ quan điểm này, cho rằng : quyết định của tổng thống Trump chỉ mang tính biểu tượng : Trước mắt, thủ tục trừng phạt Hồng Kông sẽ không được khởi động, thứ hai ; đây là một thông điệp Nhà Trắng gửi đến Quốc Hội lưỡng viện, và nhất là để thể hiện đoàn kết với đảng Cộng Hòa về một đạo luật do đảng này chủ xướng.
Nói cách khác, luật mới của Mỹ về Hồng Kông trên thực tế là nhằm phục vụ các mục đích chính trị của chính quyền Donald Trump vào lúc nguyên thủ Mỹ đang bị đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện tiến hành thủ tục luận tội truất phế ông. Có lẽ hiểu được điều này, một giáo sư Trung Quốc tại trường Khoa Học Xã Hội ở Bắc Kinh cho rằng, chính quyền của ông Tập Cận Bình không nên phản ứng quá đáng, bởi vì "đây là lá bài Washington chỉ tung ra được một lần duy nhất và phạt Hồng Kông sẽ càng làm phương hại đến nền kinh tế của đặc khu hành chính này". Có lẽ đây là điều mà phía Hoa Kỳ không mong muốn.
Trong bối cảnh đó, không chắc việc phê chuẩn luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông sẽ gây bất lợi cho đàm phán thương mại Mỹ- Trung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét