Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

15732 - Việt ngữ và Hoa ngữ

Tư Thẳng Blog - Nhân một số "nhà nghiên cứu", "giáo sư lịch sử" trong nước lên tiếng bài bác việc đặt tên đường Alexandre de Rhodes (1591-1660), người có công ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự la-tinh thay thế chữ Nôm và chữ Hán, xin đăng lại đoạn nói về Việt ngữ và Hoa ngữ, trích trong sách Chính Đề Việt Nam của tác giả Ngô Đình Nhu.

***

Ngô Đình Nhu (1910-1963)

Trong một đoạn ở trên, so sánh hoàn cảnh phát triển của Trung Cộng và của Việt Nam, chúng ta đã chứng minh rằng, hoàn cảnh phát triển của Việt Nam có điều nhiều kiện thuận lợi hơn, trong đó có nhiều điều kiện về ngôn ngữ. Ngôn ngữ của một cộng đồng dân tộc, đương nhiên là dụng cụ của nền văn hóa của cộng đồng. Nhưng ngôn ngữ chỉ trở thành một dụng cụ sung mãn của nền văn hóa khi nào ngôn ngữ gồm được hai đức tính: dễ học để trở thành một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng; và chính xác để trở thành một dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.

Hoa ngữ là một loại sinh ngữ biểu ý, mỗi một chữ ghi một ý niệm. Vì thế cho nên, một người Tàu muốn xử dụng được Hoa ngữ một cách trung bình phải nằm lòng một số tối thiểu là từ ba ngàn đến bốn ngàn chữ.

Sự cố gắng về lý trí vượt mức thông thường đó, đã tạo ra sự tôn sùng nhà nho, trong xã hội Trung Hoa và trong xã hội Việt Nam khi xưa. Hoa ngữ hoàn toàn bất lực khi phải đóng vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng cho văn hóa.

Cũng vì trở lực tạo ra bởi một sinh ngữ biểu ý, mà văn minh Tàu khi xưa, mặc dầu lên đến cao độ, vẫn không có sinh lực bành trướng như văn minh Tây phương ngày nay. Lối hành văn của Hoa ngữ là lối hành văn “khiêu ý” cho nên câu văn không có kiến trúc. Mà câu văn không có kiến trúc là một câu văn không có chính xác.

Và một sinh ngữ không chính xác không thể trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi được. Vì không có dụng cụ ngôn ngữ suy luận sắc bén và tinh vi để sử dụng trong công cuộc thám cứu vũ trụ vật chất và vũ trụ tâm linh, nên người Trung Hoa xưa đã thay thế suy luận bằng trực giác.

Chúng ta đã xem qua trong một đoạn trên, ưu và khuyết điểm của trực giác. Tuy nhiên, có một sự kiện thiết thực không thể phủ nhận được là trong các nền văn minh cổ, chỉ có nền văn minh Trung Hoa là rất yếu kém về toán học và rất nghèo nàn về triết lý.

Nguyên do là Hoa ngữ, với lối văn khiêu ý, hoàn toàn bất lực khi đóng vai trò dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén. Và chính ngày nay, mặc dầu Trung Hoa đang áp dụng những biện pháp huy động độc tài Đảng trị Cộng Sản cực kỳ tàn nhẫn, để dốc hết nỗ lực của tám trăm triệu dân vào công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa, chúng ta cũng có thể đoán biết rằng, công cuộc phát triển của Tàu, nếu có vượt được những trở lực vật chất và chính trị to tát, mà chúng ta đã biết, sẽ không vượt được một giới hạn ấn định bởi ảnh hưởng kìm hãm của một ngôn ngữ, không thể là một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng, và một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi.

Việt ngữ xưa kia dùng chữ Hán và chữ Nôm hoàn toàn lệ thuộc Hoa ngữ, nên đã có một thời kỳ cũng bất lực trong vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng. Chỉ xét qua di sản văn hóa, vừa nghèo nàn vừa giới hạn của chúng ta, chúng ta càng ý thức được hậu quả tai hại của sự lệ thuộc và sự bất lực đó trong một ngàn năm. Nhưng từ ngày Việt ngữ được ghi âm bằng mẫu tự La Mã thì đã được giải thoát khỏi sự bất lực trên. Một sự kiện rất cụ thể tiêu biểu cho sự giải thoát này là, trong tất cả các sinh ngữ trong xã hội Đông Á ngày nay, Việt ngữ là sinh ngữ duy nhất, có thể dùng máy đánh chữ mà viết ra được.

Sự kiện trên lại làm bộc lộ tầm xoay trở rộng rãi của lối ghi âm, sánh với lối biểu ý. Sự ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã thay thế cho chữ Nôm và chữ Hán, là một ví dụ thành công của công cuộc Tây phương hóa của chúng ta, trong một phạm vi nhỏ, nhưng quan trọng và quyết định, phạm vi ngôn ngữ.

Sự thành công này, đương nhiên gieo cho chúng ta một sự tin tưởng mãnh liệt vào những thành công phong phú hơn nữa, trong những phạm vi rộng lớn của công cuộc Tây phương hóa mà chúng ta đang theo đuổi.

Riêng sự ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã đã là, như chúng ta vừa thấy, một ưu thế không phủ nhận được của Việt ngữ đối với Hoa ngữ, trên nhiều phương diện. Nhưng sự ghi âm, bằng mẫu tự La Mã còn mở cửa cho Việt ngữ một sự phát triển khác mà hậu quả sẽ có một tầm quan trọng bội phần hơn.

Sự ghi âm Việt ngữ bằng mẫu tự La Mã, sẽ cho phép chúng ta kiến trúc câu văn như chúng ta đã thấy trong một đoạn trên. Và câu văn, một khi đã được kiến trúc hóa, Việt ngữ đương nhiên sẽ trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi.

Lúc bấy giờ Việt ngữ vừa là một dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng, vừa là một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi, sẽ là một dụng cụ hữu hiệu cho nền văn hóa Việt Nam. Sánh với Hoa ngữ, ưu thế lại càng rõ rệt hơn nữa.

Lúc bấy giờ, chẳng những văn hóa Việt Nam hoàn toàn không còn lệ thuộc văn hóa Tàu, mà sự phát triển văn hóa của chúng ta sẽ lên đến một trình độ ước mong, khả dĩ góp một phần đáng kể vào di sản của văn minh nhân loại, nhờ sinh lực dồi dào mà một dụng cụ ngôn ngữ hữu hiệu sẽ tạo ra cho văn hóa chúng ta.

Triển vọng về ngôn ngữ, dụng cụ văn hóa đã như vậy, thế hệ của chúng ta không có một lý do nào để không vận dụng tất cả nỗ lực, nắm lấy cơ hội đưa đến cho chúng ta để thực hiện trong lĩnh vực văn hóa, ý chí của tiền nhân: cởi bỏ ách tâm lý thuộc quốc đối với nước Tàu, cho dân tộc.

Và thế hệ của chúng ta, không có một lý do nào, để từ bỏ sự phát triển văn hóa dồi dào mà chắc chắn, Việt ngữ chỉnh đốn sẽ dành cho chúng ta, để cam chịu một sự lệ thuộc, đối với một văn hóa, mà Hoa ngữ không bảo đảm sự phát triển.

Và các nhà lãnh đạo, vì vô tình hay cố ý, làm cho cộng đồng quốc gia của chúng ta lỡ cơ hội này, chẳng những sẽ phản bội quyền lợi dân tộc mà còn phải mang hết trách nhiệm của một cuộc sống lệ thuộc, không vùng vẫy nổi, mà các thế hệ trong tương lai, vì lầm lỗi của họ, sẽ phải quy phục trong nhiều ngàn năm nữa. Chúng ta đã chứng minh trong một đoạn trên rằng, sự quy phục thuyết Cộng Sản của một số nhà lãnh đạo của chúng ta, đã làm cho công cuộc tranh đấu giành độc lập trở nên vô cùng tiêu hao sinh lực của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét