Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

014 - Báo chí Việt Nam 2019: điều gì đe dọa tính chuyên nghiệp?


Báo chí Việt Nam


Xung đột lợi ích là vấn đề lớn nhất đe dọa tính chuyên nghiệp của báo chí ở Việt Nam, trong khi tính độc lập bị ảnh hưởng từ cả hai yếu tố là 'nhà nước và thị trường, các ý kiến từ giới nghiên cứu và quan sát báo chí, truyền thông chia sẻ với BBC News Tiếng Việt trong một thảo luận quý cuối năm 2019.
"Hiện tại báo chí ở Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề về tính chuyên nghiệp, nhưng cái nổi bật nhất theo tôi nghĩ đau đầu nhất hiện nay là vấn đề xung đột lợi ích," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức An, từ Khoa Báo chí, Truyền thông Đại học Bournemouth, Anh quốc, nói với Bàn Tròn Thứ Năm về báo chí Việt Nam.
"Hiện nay, báo chí đang được các tập đoàn, các doanh nghiệp thuê để ký những hợp đồng truyền thông trên thực tế để bịt miệng báo chí.
"Như chúng ta đã thấy, từ vụ xì dầu cách đây khoảng 10 năm cho đến bây giờ là vụ nước mắm truyền thống, rồi gần đây là vụ Asanzo, ngay cả những tờ báo lớn, chúng ta bắt đầu thấy xuất hiện những hiện tượng mà báo chí làm công việc đi ngược với sứ mạng tìm sự thực.
"Tức là mục đích cuối cùng và mục tiêu cao nhất của báo chí là đi tìm sự thực thì báo chí hiện nay đang được các doanh nghiệp trên thực tế là 'bịt miệng' hoặc là 'mua miệng' để mà làm một công việc là PR, quảng bá hình ảnh cho các doanh nghiệp.
"Hoặc là tránh những vấn đề mà nổi cộm với doanh nghiệp, cho nên chúng ta thấy có rất nhiều những vụ, sự kiện mà vừa rồi dính đến các tập đoàn mà không có tờ báo nào đụng tới, chỉ có trên mạng xã hội người ta mới thấy.
"Tôi phải theo dõi mạng xã hội mới thấy được một số vấn đề, chứ còn thực ra bao nhiêu chuyện lớn gần như không bao giờ có trên các tờ báo hiện tại."
'Ảnh hưởng từ hai phía'
Từ Trường Báo chí và Truyền thông Đại chúng, thuộc Đại học Kansas, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Vũ Tiến Hồng nêu quan điểm:
"Tôi cũng đồng ý với Tiến sỹ An ở điểm vai trò của báo chí hay tính chuyên nghiệp của báo chí hiện nay đang có những cái mà mình cần phải có sự cải thiện.
"Nói chung quy lại là nó là vai trò độc lập của báo chí, nếu ở trong hệ thống của Việt Nam, về vai trò độc lập, thì trước đây báo chí ở Việt Nam được cho là cơ quan báo chí của nhà nước, cho nên việc độc lập từ phía nhà nước đã không có rồi.
"Thế nhưng, trong tình hình mới, tức là khi mà Việt Nam ngày càng phát triển nhiều hơn về mặt kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, vai trò độc lập ấy lại bị ảnh hưởng thêm bởi các doanh nghiệp.
"Thế thì, tín nhiệm của người dân hoặc là sự tin tưởng của người dân đối với những thông tin đưa ra trên báo chí sẽ càng ngày bị xói mòn.
"Tôi nghĩ là nếu không có sự cải thiện gì về việc đó, nó sẽ ảnh hưởng đến báo chí nói chung, cũng như cách mà người dân nhìn vào báo chí ở Việt Nam."
'Còn lâu mới độc lập'
Từ Warsaw, Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt, nói:
"Báo chí Việt Nam còn lâu mới có thể có được một nền báo chí độc lập, bởi vì từ xưa đến giờ nhưng chúng ta đã biết, báo chí Việt Nam với 700 hay 800 tờ báo thì đều có chung một ông Tổng Biên tập cả, do vậy mà khó có thể nói đến báo chi độc lập được.
"Thứ hai nữa, đúng như quý vị vừa mới phát biểu, thì báo chí hiện nay ngoài chuyện bị kiểm duyệt của nhà nước, thì còn bị các doanh nghiệp thâu tóm, lũng đoạn, hoặc là làm thành một truyền thông có lợi cho doanh nghiệp.
"Và như chúng ta đã thấy, rất nhiều sự kiện diễn ra vừa rồi, ví dụ như sự kiện của một số tập đoàn chẳng hạn, hay sự kiện ở Gateway chẳng hạn, thì đều là truyền thông xã hội đi trước, trong khi đó báo chí, nhiều tờ báo cùng đưa tin một cách rầm rộ, rồi vì một cử chỉ nào đó mà người ở ngoài không thể biết được, thì họ lại cũng dừng tin một cách rất là đột ngột.
"Cho nên tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, nếu mà còn sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam thì khó nói đến vai trò độc lập của báo chí, muốn có báo chí độc lập, trước hết chúng ta phải có tự do báo chí, rồi phải có báo chí tư nhân phát triển.
"Cho nên hiện bây giờ, theo tôi, nói đến điều ấy là hơi sớm, chỉ có trong nền báo chí hiện nay, làm sao để báo chí được chuyên nghiệp hơn và nó có những nhà báo dám mạnh mẽ lên tiếng, mạnh mẽ đứng về phía sự thực hơn, thế còn một nền báo chí độc lập thì chưa đặt ra vào lúc này được."
Ứng xửđạo đức báo chí
Từ Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu từng phụ trách đối ngoại ở Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, nêu quan điểm:
"Nếu chỉ nói về tính chuyên nghiệp và tính độc lập của báo chí thôi, thì nó chưa đủ, ngoài hai chuyện này còn có chuyện quan trọng nữa. Độc lập báo chí như mọi người đã nói, nhưng còn một cái nữa là cái ứng xử của báo chí, gọi là đạo đức báo chí.
"Ba cái này phải được kết hợp với nhau thì nó mới nâng tầm báo chí lên, nó mới đưa báo chí trở thành một thứ mà người ta vẫn nói nôm na trước đây là Quyền lực thứ tư.
"Tôi muốn nhấn mạnh là ngoài chuyện chuyên môn báo chí, tính độc lập, tính chuyên môn của báo chí ra, thì tôi muốn nhấn rất mạnh vào chuyện ứng xử, tức là đạo đức của người làm báo.
"Đạo đức của người làm báo ở đây có hai mặt. Một là đạo đức của phóng viên và hai là đạo đức của biên tập viên. Nếu mà không có hai cái này, thì có chuyên môn mấy cũng không đi đến bản chất, mà người ta gọi là cái sứ mệnh của báo chí, truyền thông, không đi đến được.
"Thế còn độc lập, nếu mà tính chuyên nghiệp của báo chí mà rất cao, cũng như đạo đức chung của báo chí mà được đảm bảo ở một mức độ cao, thì nó sẽ đi đến một mức độ độc lập tương đối trong hoàn cảnh Việt Nam bây giờ."
'Giống hệt như thuốc giả'
"Tôi đồng ý với Tiến sỹ Hợp, thực ra khái niệm chuyên nghiệp không chỉ bao gồm cả năng lực chuyên môn không đâu, anh có năng lực chuyên môn mà anh không có đạo đức thì là một vấn đề," ông Nguyễn Đức An bình luận.
"Thực ra nhà báo Việt Nam hiện tại có năng lực chuyên môn chứ, nhưng vấn đề đối với chúng ta (báo chí Việt Nam) hiện tại về tính độc lập, như các vị vừa nói, và cái độc lập này với độc lập với lại các thế lực tiền bạc nữa, chứ không phải chỉ là độc lập về cái khái niệm chính trị, hay như người ta vẫn hay nói và cả vấn đề kia nữa.
"Hiện nay cả một nền báo chí, một trong những nguyên nhân chính là nền tảng chuyên nghiệp bị lỏng lẻo, một nền báo chí của chúng ta gần như đào tạo tay ngang đi vào, các tòa soạn cũng không có gì để mà đào tạo một cách bài bản không phải chỉ về mặt kỹ năng mà cả về mặt đạo đức, về thái độ làm báo, về vai trò của người làm báo, về sứ mạng của người làm báo như thế nào.
"Và một cái nữa mà gần hơn là sự hụt hơi trong việc chúng ta gần như là không đổi mới kịp, chúng ta gần như là bị các làn sóng số đẩy ra, các tờ báo bây giờ, gần như các hợp đồng truyền thông đó là các nguồn nuôi cho các tờ báo, bởi vì độc giả thì mất, quảng cáo trên mạng thì không kiếm được, nó vào Facebook, nó vào Google, nó không vào được các tờ báo.
"Thì người ta phải tự an ủi với nhau, mà một điều an ủi rất nguy hiểm là: thôi chúng ta coi như nồi cơm của anh em, chúng ta cứ tạm thời thực ra là đi đánh thuê cho các doanh nghiệp để mà chúng ta tồn tại đã.
"Nhưng mà rồi nếu vẫn kiểu trên thực tế là lấp liếm như thế, ngụy biện như thế, thì cuối cùng tất cả sẽ dẫn tới một sự đổ vỡ lòng tin như Tiến sỹ Hồng vừa nói. Tôi nói một ví dụ lâu nay thấy báo chí đăng một vấn đề về thuốc giả, thuốc ung thư giả, tức là bệnh nhân mua thuốc, người ta đặt lòng tin vào người phân phối, người sản xuất.
"Người ta tin đó là thuốc thật, bây giờ cứ nghĩ lại đi, việc quý vị làm tin bài mà đánh thuê cho doanh nghiệp, không phải là đánh thuê theo kiểu là đưa tin bài vào một trang, ở Anh, phương Tây, hay bên Mỹ cũng có những trang quảng cáo, nhưng mà quảng cáo bằng bài thì nó khác, còn đây quý vị đưa thẳng quảng cáo vào các trang nội dung, coi như đó là trang mà người ta trả tiền cho các quý vị - đưa cho độc giả xem, nó giống như một tin bài đã được nhà báo kiểm tra, thì thực ra về nguyên tắc, về bản chất, nó giống hệt như thuốc giả."
Cần bộ quy tắc ứng xử
Từ Hoa Kỳ, ông Vũ Tiến Hồng nói thêm:

Báo chí Việt NamBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionMột sạp hàng khác với nhiều ấn phẩm báo chí Việt Nam được bầy bán trên vỉa hè

"Ở trong tiếng Việt, từ đạo đức nó có nghĩa hơi khác một chút, nhưng tôi nghĩ rằng để tăng tính chuyên nghiệp ở phía cấp tòa soạn, thì đầu tiên những bộ quy tắc ứng xử là rất cần thiết.
"Bởi vì những cái đó không chỉ có tính quy định đối với từng tòa soạn mà nó có tính quy định đối với việc mà một phóng viên, một nhà báo nên hành xử như thế nào.
"Còn nói đạo đức, thì đúng là từ 'code of conducts' bằng tiếng Anh khi dịch sang tiếng Việt thì có thể dịch các quy tắc ứng xử, tôi nghĩ là cái đấy.
"Nhưng nếu mà kêu gọi đạo đức thì nói hơi khó bởi vì một bộ phận mà lên đến hàng nghìn người như thế thì nó sẽ rơi vào tình trạng một số người sẽ cảm thấy có những cái người ta phải theo cái đạo đức, nhưng mà một số người sẽ thấy nó khó hơn để làm những việc ấy.
"Thế cho nên ở phía cấp tòa soạn, tôi cho rằng việc đó khá là quan trọng, tức là nên tạo ra những quy tắc ứng xử và nên thực hiện những quy tắc ứng xử ấy một cách thật là nghiêm khắc, thì việc mà bản thân phóng viên, nhà báo tự khắc người ta sẽ theo những quy tắc ứng xử ấy.
"Thì dần dần nó sẽ tạo thành một truyền thống ở trong tòa soạn trước và sau đó nó sẽ là cả một nền báo chí người ta sẽ có được những truyền thống như thế.
"Và để có được những truyền thống như thế thì nó phải cần rất nhiều thời gian, nhưng mà nên bắt đầu ở mức tòa soạn, cần những người có tầm nhìn người ta đặt ra được những quy định ứng xử đấy và người ta thật sự mong muốn để thực hiện những quy định ấy.
"Thì cái mức độ chuyên nghiệp về mặt tác nghiệp, trong lúc tác nghiệp, sẽ được cải thiện tốt hơn."
Tuyên truyền và mạng xã hội
Từ Warsaw, bà Mạc Việt Hồng đưa ra bình luận:
"Trước hết, tôi xin phép không đồng ý với một vị vừa phát biểu trước đó rằng là ở Việt Nam khâu đào tạo là không có và các nhà báo hầu hết là các nhà báo 'tay ngang', theo tôi nghĩ điều này không hẳn là đúng, bởi vì theo tôi biết là ở Việt Nam các nhà báo hiện nay đang hành nghề báo chí, thì phần lớn họ đều được đào tạo qua đại học, tốt nghiệp khoa báo chí, tuyên truyền.
"Thế nhưng ngay vấn đề đào tạo của Việt Nam, một vấn đề rất lớn hơi ra ngoài phạm vi Bàn tròn hôm nay, thế nhưng mà ở Việt Nam như chúng ta đã biết, bản thân tôi đã học qua đại học ở Việt Nam, chúng ta đều đã biết nghiệp vụ nhiều khi là lại đặt xuống sau so với những môn học như trước kia về Lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam hoặc là về Triết học Marx-Lenin.
"Trong khi đó đào tạo nghiệp vụ lại không được đặt lên hàng đầu và hơn nữa khoa báo chí Việt Nam như chúng ta biết, thì người ta gọi là khoa Báo chí, tuyên truyền, tức là cái phần làm báo và đi kèm với phần tuyên truyền, mà một khi đã gọi là tuyên truyền, thì cái đó là tuyên truyền cho bộ máy cai trị, cho bộ máy cầm quyền, cho đảng cầm quyền là đảng Cộng sản Việt Nam rồi.
"Mà hiện nay một khi đã là tuyên truyền thì nó có thể là không gắn nhiều với sự thật, nó chỉ có một phần nào đó thôi, cho nên tôi không đồng ý cho rằng là các nhà báo Việt Nam hiện nay là 'tay ngang' và không được đào tạo.
"Và tôi cho rằng bản thân các nhà báo được đào tạo nhưng mà vấn đề đào tạo đó ngay từ trong trường đại học là đã cần phải bàn tới rồi."
Túng làm liều? Lao đao chóng mặt?
Từ Việt Nam, một nhà báo, nhà biên tập cấp phó phụ trách biên tập tạp chí ở một tòa soạn và nhà nghiên cứu theo dõi báo chí, truyền thông, chia sẻ thêm một số cảm nhận với BBC News Tiếng Việt sau Bàn Tròn Thứ Năm về chủ đề báo chí này, ý kiến này viết:

Báo chí Việt NamBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionMột sạp báo chí ven đường phố ở Việt Nam với hàng chục ấn phẩm hiện diện

"Việc báo chí cố kết với doanh nghiệp, được doanh nghiệp "nuôi" thông qua quảng cáo, tài trợ dưới mọi hình thức khiến chính những người cầm bút hoặc làm ngơ trước sai phạm của doanh nghiệp, hoặc tâng bốc sai sự thật. Tóm lại, một quan hệ đôi bên cùng có lợi, "hòn bấc ném đi hòn chì ném lại", nương dựa nhau cùng hưởng lợi.
"Bởi vậy việc bẻ cong ngòi bút hoặc sử dụng, truyền dẫn thông tin mập mờ, sai quấy giúp các doanh nghiệp loại trừ nhau cũng không hoàn toàn chỉ bởi nguyên nhân duy nhất là do chỉ đạo của Ban Tuyên giáo hay lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông mà tới đây sẽ được đổi tên.
"Điều này cũng đã được phân tích bởi khách mời trong chương trình buổi hội luận quý cuối năm lên sóng ở BBC News Tiếng Việt về nghề báo, nền tảng báo chí chuyên nghiệp, giáo dục báo chí trong và ngoài nước.
"Trong đó, theo quan sát của chúng tôi thấy, đã nhấn mạnh nguyên nhân và hậu quả lâu dài của nạn phong bì, "hợp đồng truyền thông" và các xung đột lợi ích trong nghề báo ở Việt Nam...
"Thực ra, trong cơ chế tự chủ này, các báo cũng rất lao đao, chóng mặt. Túng thì làm liều. Dù chưa đến mức phải "trồng cỏ" như một số người Việt Nam vượt biên trái phép qua Anh quốc đã làm, nhưng bị ràng buộc bởi quyền lợi và đôi khi trở thành "cơ quan ngôn luận chính yếu" cho một, hai doanh nghiệp hay tập đoàn to, để nuôi sống toàn bộ tờ báo là điều dễ hiểu...
"Thực trạng đau lòng này ai cũng thấu suốt.
"Còn tới đây, một lộ trình tái sắp xếp quy hoạch báo chí ở nhiều địa phương được thực hiện với nhiều nới sẽ phải trình đề án tái cấu trúc, bãi nhiệm, bổ nhiệm nhân sự, đổi giấy phép mang tên các chủ quản mới và phương hướng hoạt động theo loại hình mới đã được qui định trong các đề án, theo thiển ý của tôi, đây thật là một câu chuyện khắc xuất, khắc nhập vừa buồn cười vừa thê lương ở Việt Nam!
"Vì thực ra sứ mệnh của báo chí đâu nằm trong tên gọi!" ý kiến này chia sẻ với BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét