Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

040 - Cựu lãnh đạo Renault-Nissan Carlos Ghosn trốn khỏi Nhật Bản qua Liban



Cựu lãnh đạo tập đoàn xe hơi Renault-Nissan Carlos Ghosn lúc rời văn phòng luật sư khi lần đầu tiên được tại ngoại. Ảnh tại Tokyo, ngày 6/03/2019. REUTERS/Issei Kato/File Photo
Quả đúng là một tin chấn động. Tối hôm qua, 30/12/2019, báo chí tại Liban bất ngờ tiết lộ thông tin : Ông Carlos Ghosn, cựu lãnh đạo tập đoàn xe hơi Renault-Nissan đã có mặt tại Liban, cho dù trên nguyên tắc ông bị quản chế tại Nhật Bản trong khi chờ đợi phiên tòa xét xử về bốn tội danh tham ô tài chính.
Phát biểu vào hôm nay 31/12, cựu tổng giám đốc liên doanh Renault-Nissan, một người mang ba quốc tịch Brazil, Liban và Pháp, đã xác nhận sự hiện diện của ông tại Liban và khẳng định rằng ông không còn là “con tin của một hệ thống tư pháp Nhật Bản thiên vị, nơi mà sự giả định có tội chiếm ưu thế”. Ông không cho rằng mình đã trốn tránh luật pháp mà chỉ “tự giải phóng mình khỏi tình trạng bất công và đàn áp chính trị”.
Tại Nhật Bản, luật sư chính của ông Carlos Ghosn đã thú nhận rằng ông đã “chết lặng” khi biết tin thân chủ của mình rời Nhật Bản.
Là người đã có công lớn trong việc vực dậy tập đoàn xe hơi Nhật Bản Nissan, Carlos Ghosn đã bị bắt tại Tokyo vào ngày 19/11/2018 và bị truy tố tại Nhật Bản về tội lạm dụng tín nhiệm và che giấu thu nhập. Ông đang chờ phiên tòa xét xử dự trù trong năm 2020.
Sau nhiều tháng bi giam giữ tại Nhật Bản, ông đã được tại ngoại lần đầu tiên vào tháng Ba năm 2019, trước khi bị bắt trở lại vào đầu tháng Tư, rồi lại được tại ngoại một lần nữa với một chế độ quản thúc nghiêm ngặt từ cuối tháng Tư.
Kể từ khi bị bắt, các luật sư và gia đình của ông đã chỉ trích mạnh mẽ các điều kiện giam giữ ông và cách thức mà ngành Tư Pháp Nhật Bản xử lý các thủ tục tố tụng trong vụ án này.
Về phần mình, ông Ghosn đã tố cáo một âm mưu từ phía tập đoàn xe hơi Nhật Bản Nissan, ám hại ông để ngăn chặn một đề án liên kết chặt chẽ hơn với tập đoàn Pháp Renault.
Điều vẫn chưa rõ ràng là làm thế nào mà ông Ghosn đã trốn được ra khỏi nước Nhật để về đến Liban. Theo thông tín viên RFI Paul Khalifeh tại Beyrouth, báo chí Liban đã cố gắng tìm hiểu thêm về vụ trốn thoát ly kỳ này :
Theo nhật báo tiếng Ả Rập al-Akhbar nổi tiếng là thạo tin, chiến dịch bí mật đưa ông Carlos Ghosn ra khỏi Nhật Bản đã được một công ty an ninh tư nhân lên kế hoạch, tổ chức và thực hiện.
Tờ báo cho biết nhà cựu lãnh đạo của Renault-Nissan đã nhập cảnh Liban bằng hộ chiếu Pháp vào đêm 30 rạng sáng 31/12 trên một chiếc phi cơ riêng đến từ Istanbul. Nhiều nguồn tin khác thì cho rằng ông đến thủ đô Liban trước đó một hôm, tức là tối hôm 29, rạng sáng 30.
Kênh truyền hình LBC đã cho biết thêm một chi tiết lý thú. Ông Carlos Ghosn được cho là đã trốn trong một chiếc thùng gỗ để đi từ Nhật Bản qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Dẫu sao thì rõ ràng là một hoạt động có quy mô và độ phức tạp như chiến dịch giải cứu ông Ghosn đòi hỏi phải có những phương tiện thật dồi dào và rất nhiều người giúp, ít ra là tại cả ba nước có liên quan là Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban.
Một nguồn tin an ninh Liban được đài quốc tế Pháp RFI phỏng vấn cho biết rằng chính quyền Beyrouth gần như phải đối mặt với một tình trạng đã rồi. Họ chỉ được thông báo về sự hiện diện của ông Carlos Ghosn một thời gian rất ngắn trước khi phi cơ của ông hạ cánh.”
***

Carlos Ghosn tuyên bố sẽ phản công tư pháp Nhật Bản






Truyền thông trực liên tục trước nhà của ông Carlos Ghosn, tại Beyrouth, Liban ngày 31/12/2019. ANWAR AMRO / AFP
Tokyo chới với. Cựu chủ tịch tập đoàn Renault-Nissan trốn thoát sang Liban mà không ai hay biết. Trong một thông cáo báo chí, Carlos Ghosn xác định ông đang ở Liban và sẽ « phát biểu tự do » với truyền thông để tố cáo « chế độ tư pháp thiếu vô tư kết tội người trước khi xét xử ». Phản ứng của công luận Nhật Bản ra sao?
Từ Tokyo, thông tín viên Frederic CHARLES tường thuật :
Sự kiện Carlos Ghosn trốn thoát qua Liban cho thấy nhân vật mà ai cũng biết mặt vẫn có thể rời nước Nhật mà không một ai hay biết. Đây là lời bình phẩm trên các mạng xã hội tại Nhật Bản.
Sở di trú của Nhật cũng không tìm thấy dấu tích Carlos Ghosn ghi lại trên hệ thống điện toán lẫn video theo dõi.
Một cựu chưởng lý cho rằng cần phải siết chặt các biện pháp tại ngoại hầu tra đối với nghi can là người ngoại quốc. Các biện pháp trói buộc áp dụng cho cựu chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn Renault-Nissan đầy đủ cả trừ tính nghiêm khắc.
Từ Liban, ông Carlos Ghosn có thể tự do tung hoành trên các phương tiện truyền thông. Với sự trợ giúp của các chuyên gia, ông có thể tấn công hệ thống tư pháp Nhật Bản, lên án âm mưu chính trị - công nghiệp, theo nhận định của cộng đồng mạng ở Nhật Bản.
Không ai tại Nhật chịu khó nhắc lại là ông Carlos Ghosn bị cáo buộc bốn trọng tội : hai tội khai man về thu nhập và hai tội bội tín. Ông chạy trốn không phải là không có lý do. Công tố Nhật sắp quy cho nghi can thêm một loạt tội danh nghiêm trọng khác khiến ông phải sợ."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét