Biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Mỹ ở Iraq hôm 1 Tháng Giêng, 2020. (Hình: Getty Images)
Cuộc biểu tình đốt tòa đại sứ Mỹ chấm dứt, nhưng cuộc đấu tranh của người biểu tình vẫn còn; họ đấu tranh đòi đuổi người Mỹ ra khỏi Iraq; và họ chỉ ngưng biểu tình vì Thủ Tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cam kết với họ, những người lãnh tụ các lực lượng “Chí Nguyện Quân” thân Iran, là ông ta sẽ yêu cầu người Mỹ rút quân.
Những lãnh tụ “Chí Nguyện Quân” thù nghịch với Mỹ, tổ chức biểu tình để phản đối việc không quân Mỹ tấn công và giết 24 Nghĩa Binh của họ vào những ngày cuối năm ngoái. Họ ra lệnh biểu tình, đốt tòa đại sứ Mỹ, người Iraq tuân lệnh; họ ra lệnh chấm dứt biểu tình, người Iraq lại tuân lệnh.
Và giờ này, thủ tướng Iraq đang làm theo ý họ là yêu cầu người Mỹ rút quân ra khỏi lãnh thổ Iraq; trên bình diện đấu tranh, những người biểu tình không còn bạo động nữa; nhưng họ vẫn thách thức người Mỹ bằng những lá cờ, cờ Iraq và quân kỳ của những đơn vị bay chung trên thành phố Baghdad.
Quan trọng hơn nữa, họ chờ thủ tướng Mahdi của Iraq thực hiện lời hứa yêu cầu Mỹ rút quân; và nếu người Mỹ rút quân dễ dàng như vậy thì cuộc đấu tranh bạo động chỉ dài có 48 tiếng đồng hồ, để đạt được những thắng lợi mà Iran không đạt được với cái giá của chiến tranh, và đấu tranh chính trị kéo dài nhiều thập kỷ.
Khẩu hiệu DTA – “Death To America” (Tiêu Diệt Hoa Kỳ) chỉ là một khẩu hiệu, chứ Iran chưa có khả năng làm việc đó; tuy nhiên, nếu giới lãnh đạo Mỹ, vì một lý do nào đó, mà rút quân ra khỏi Iraq, thì ít nhất Iran cũng thực hiện được điều họ mơ ước (tiêu diệt Hoa Kỳ) tại một địa phương nhỏ: lãnh thổ Iraq, và một chiến trường khác tương đối lớn hơn là Trung Đông.
Nhưng chắc chắn Mỹ không nhượng bộ, không rút quân, dù thủ tướng Mahdi có yêu cầu Mỹ rút; kinh nghiệm Việt Nam cho chúng ta thấy khi Mỹ muốn ở lại tham chiến, họ sẽ ở lại, dù cần phải trả bất cứ giá nào, kể cả cái giá giết toàn gia tổng thống VNCH (ông Ngô Đình Diệm); và khi họ muốn rút quân, họ cũng sẵn sàng trả bất cứ giá nào, kể cả cái giá bức tử lực lượng quân sự một triệu người của VNCH.
Tại Iraq, Mỹ đã lập tức không vận một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến với quân số trên 700 người, đến Baghdad để gia tăng phòng thủ khuôn viên tòa đại sứ Mỹ.
Mặc dù không ai nghĩ đến giả thuyết tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad có thể trở thành mục tiêu tấn công (theo nghĩa quân sự) nhưng trong cuộc biểu tình vừa rồi, nhà cầm quyền Iraq ước lượng có đến 1,000 “Chí Nguyện Quân” thuộc các nhóm do Iran tổ chức, và yểm trợ. Những người đó, tay không (không võ trang) tham gia biểu tình với tư cách dân sự.
Đang có dư luận thương tiếc công khó của Mỹ trong việc giúp giải quyết nạn độc tài quân phiệt cho người Iraq bằng cái giá 16 năm dài chiến tranh gian khổ, tổn thất 5,000 sinh mạng quân nhân và $1,000 tỷ chiến phí.
Giờ này trong số những người biểu tình đốt tòa đại sứ Mỹ được truyền thông chụp hình, độc giả báo chí, khán giả truyền hình thấy vô số quân nhân, cảnh sát của chính phủ cùng chen vai, thích cánh với những “Chí Nguyện Quân” thân Iran.
Khó khăn của Mỹ không chỉ đến từ Iraq mà còn từ Bắc Hàn nữa; hôm mùng 1 Tháng Giêng, Chủ Tịch Kim Jong-un lên tiếng đe dọa thế giới là mọi người sẽ chứng kiến một loại vũ khí chiến lược mới của ông ta.
Vô tình hay cố ý mà ông Kim đem vũ khí mới của ông ra, gây rắc rối cho một tình hình thế giới đang sẵn rối beng; ấy là chưa nói đến rắc rối cá nhân của tổng thống Mỹ Donald Trump, với cuộc truất phế đang diễn tiến.
Tuy nhiên, Ngoại Trưởng Mike Pompeo vẫn đắc lực trong cách giải quyết những khó khăn với 2 nước đối thủ trong tầm cỡ nhỏ Iran và Bắc Hàn; ông đánh giá Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un là một trở ngại không quan trọng.
Cứ để ông múa may, tuyên bố, rồi khi cần, Hoa Kỳ sẽ hỏi xem ông thật sự muốn gì rồi thỏa mãn một phần nào đó những đòi hỏi của ông.
Iran có tầm vóc hơn, và nhu cầu quan trọng nhất của Iran là Mỹ tháo khoán cho họ bán dầu thô cho Trung Quốc và các nước Á Châu.
Nga và Trung Quốc mới thao dượt hải quân với Iraq trong tuần lễ cuối năm ngoái tại vịnh Oman; cả 3 quốc gia đó cùng coi cuộc tập trận của họ là quan trọng, nhưng Hoa Kỳ cho rằng đó chỉ là bề ngoài; bề trong họ có rất nhiều mâu thuẫn không giải quyết được.
Chính Đô Đốc Gholamreza Tahani của Iran nói với phóng viên tờ Financial Times là, “Sau cuộc tập trận không nước nào còn có thể nghĩ là Iran không có đồng minh,” mặc dù trên thật tế Iran không đồng minh với cả Nga lẫn Trung Quốc.
Pompeo nói với giới lãnh tụ Iran là Hoa Kỳ hiểu và không can dự vào những khó khăn nội bộ của Iran. Phong trào chống đối của dân chúng Iran không đủ mạnh để gây khó khăn cho chính phủ, nhưng Mỹ không khuyến khích những phong trào đó.
Kinh nghiệm giám đốc CIA đang giúp Pompeo nhiều trong vai trò ngoại trưởng; và chắc chắn ông sẽ sử dụng những tin mật của CIA để giải quyết những phức tạp Iraq.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét