Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

165 - Huân huy chương – Nghịch lý trớ trêu không chỉ một người




1. Lời của Phan Anh Vũ (Vũ Nhôm) trước tòa hôm mồng 5 tháng 1 năm 2020 –
“TP Đà Nẵng đã từng có nhiều giấy khen, bằng khen cho tôi. Tại sao các thời kỳ trước, TP vẫn khen tôi, giờ lại đem tôi ra xét xử trước tòa. Tôi rất đau đớn về việc này” – thật sự là một đinh ghim vào lòng mỗi người nghe (‘Tại sao Đà Nẵng từng khen tôi, giờ lại đem tôi xét xử trước tòa?‘ – Vietnamnet.vn, ngày 05/01/2020).
2. Không chỉ một mình Phan Anh Vũ đau đớn.
Trước đó, ngày 28/ 12/2019 tòa đã tuyên án chung thân ông Nguyễn Bắc Son, bỏ lại sau lưng chuỗi dài huân huy chương, trong đó thậm chí có cả huân chương Độc lập hạng nhì (nhận ngày 14/4/2016). Ông Trương Minh Tuấn, Ông Đinh La Thăng, Ông Tất Thành Cang… tất cả gần 80 cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý bị kỷ luật – có ông nào không từng đã nhận huy chương?
Một cách sòng phẳng, còn bao nhiêu ngàn người nữa đã từng nhận huân huy chương mà chưa bị đưa ra kỷ luật?
Và còn nữa, hàng ngày các cơ quan khen thưởng đang xuất ra cả trăm bằng khen, huy chương, huân chương cho những cá nhân, mà điều tra một cách sòng phẳng, nhiều người sẽ không tránh khỏi bị kỷ luật!
Những huy chương lao động mà không lao động, những huân chương anh hùng mà không anh hùng… đếm không hết.
ĐỀ XUẤT
1. Bỏ hết các hình thức khen thưởng huân huy chương lao động, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua… Đây là các hình thức khen thưởng không thực chất. Những hình thức khen thưởng này chỉ tốn tiền ngân sách và làm sinh sôi đường dây chạy khen thưởng.
2. Chỉ giữ lại hình thức khen thưởng cho những thành tích bảo vệ tổ quốc và vinh danh dân tộc trên trường quốc tế.
Về giữ lại những phạm trù khen thưởng nào – cần có một hội đồng chuyên môn đề xuất.
NHẮN GỬI
Những người được đề xuất nhận khen thưởng cũng nên tự mình thận trọng cân nhắc. Có những phần thưởng nhận rồi không bao lâu sau lại phải hối tiếc. Lịch sử thế giới đã trưng bày vô số những trường hợp như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét