Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Câu chuyện nhỏ về 2 từ “cán bộ”




Có một thời, đi đâu người ta cũng xưng với nhân viên công lực là “cán bộ”. Câu chuyện ép vào khuôn mẫu “dân - cán bộ” nhiều đến mức, việc hành chính công trở thành một câu chuyện mang tính ban phát hơn là thực thi công vụ.

Từ hai “cán bộ” bảo vệ

Chiếc xe cứu thương biển Nghệ An di chuyển vào cổng để đón bệnh nhân nhưng bị 2 bảo vệ tại cổng Bệnh viện Bạch Mai chặn lại, nhất quyết không cho vào bên trong. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, thái độ của 2 cán bộ là vi phạm đến quy định giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Hóa ra, dưới con mắt của ông Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thì hai người bảo vệ bệnh viện trở thành cán bộ.

Cả đất nước Việt Nam này ai ai cũng thích làm cán bộ, còn công nhân viên thì bị từ chối.

Vậy nếu cả bảo vệ cũng là “cán bộ”, vậy thì ai sẽ là đầy tớ?

Liệu ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai có đọc được Điều 4 - Luật Cán bộ, Công chức (2008), trong đó quy định rõ rằng rằng, một người chỉ được coi là cán bộ khi và chỉ khi: được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của ĐCSVN, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; là nằm trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của ĐCSVN, Nhà nước,... và giữ chức danh, chức vụ theo nhiệm kỳ.

Nếu xét theo quy định này của Luật, thì 2 ông bảo vệ chỉ là một công nhân viên trong một đơn vị sự nghiệp công lập; còn nếu qua cách ông Nguyễn Ngọc Hiền theo hướng không nắm luật, thì 2 anh bảo vệ sẽ nằm ngang chức vụ và vai trò với ông Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, ngang với ông TBT ĐCSVN, hay ngang cả với ông Chủ tịch nước Việt Nam.

Hóa ra, ông TBT cũng chỉ là bảo vệ, mà ông bảo vệ cũng ngang ngửa TBT khi qua cách nhìn nhận của ông Nguyễn Ngọc Hiền.

Mà thực tế cho thấy, ở Hà Nội là đất của vua quan, nên thành ra ai cũng có thể là cán bộ, ai cũng có quyền nạt nộ, ai cũng thích hạch sách, từ anh “cán bộ” bảo vệ cho đến vị Chủ tịch nào đó trong bộ máy toàn quyền.

Tư tưởng cán bộ ăn sâu, ăn chắc đến mức, tính cửa quyền miền Bắc lây lan cực mạnh, bám rễ cực sâu. Luật có đó, tính nhân văn có đó, nhưng vì “cán bộ” thích cửa quyền, lại không phân biệt được vị trí và vai trò trong luật, nên giữa thủ đô, cách hành xử trái luật nhiều như lá rụng vào đông.

Hay là vì cán bộ được nhiều quyền hơn nghĩa vụ, như câu vè nên ai cũng thích:

Mỗi người làm một bằng hai - Để cho cán bộ mua đài ,mua xe. Mỗi người làm việc bằng ba - Để cho cán bộ xây nhà, xây sân”.

Đến “cán bộ” trong phòng chống tham nhũng

Cũng trong một vấn đề khác liên quan đến “cán bộ” trong công tác phòng chống tham nhũng.

Theo Điều 44 về “Nghĩa vụ kê khai tài sản” trong Luật PCTN (2005) quy định rằng: Cán bộ từ Phó trưởng phòng của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị - phải có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập vừa được Chính phủ ban hành, có 9 nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, có “Cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.”

Nhưng trưởng, phó trưởng phòng trong UBND cấp huyện căn cứ theo đúng Điều 4 thì càng không phải là “cán bộ”, mà chỉ là công chức - bởi nó không thỏa mãn về quy trình hình thành chức vụ; tính nhiệm kỳ trong chức danh, chức vụ. Bởi vì vậy, nên ngay cả ông Phó Chủ nhiệm VP Chủ tịch nước hay thậm chí là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội,... cũng chỉ là một công chức chứ không phải là cán bộ.

Việc đánh đồng vị trí này ngang với “cán bộ” vô tình đưa đẩy công cuộc phòng chống tham nhũng vào một bế tắc.

Nó cho thấy, “cán bộ” không những bị lạm dụng bởi chính những cá nhân nằm trong bộ máy nhà nước, mà ngay cả tập thể soạn thảo Luật cũng bị tư tưởng “lạm phát cán bộ”.

Và vì “lạm phát cán bộ” từ trong tư tưởng, nên khối ngân sách bị đục thủng từ những cấp nhỏ nhất đến cấp cao nhất... Thói nhũng nhiễu từ cấp bảo vệ lên đến cấp TW.

Đó liệu là điều mà đất nước Việt Nam vẫn đã và đang dung dưỡng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét