Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

590 - Tại sao đạo Tin Lành phát triển mạnh ở các nước đang phát triển?


Biên tập: Lê Hồng Hiệp



Đạo Tin Lành đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của thế giới hiện đại, tự do. Nó đã góp phần vào sự nổi lên của các khái niệm như tự do lương tâm, khoan dung và tam quyền phân lập. Nhưng khi thế giới đánh dấu kỷ niệm 500 năm ngày bắt đầu cuộc Cải cách Kháng cách thì trục của đức tin này đang dần dịch chuyển. Tỷ lệ người Tây Âu và Bắc Mỹ tuyên xưng theo đạo Tin lành đang suy giảm; trong khi đó, ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này đang tăng lên nhanh chóng. Trong phần lớn thế kỷ 20, xu thế thế tục hóa toàn cầu đã được coi là không thể tránh khỏi khi các quốc gia hiện đại hóa. Nhưng các nước đang phát triển đang thực sự trở nên sùng đạo, một phần của điều mà Peter Berger, một nhà xã hội học, gọi là “sự phi thế tục hóa” của thế giới. Nằm ở trung tâm của sự hồi sinh tôn giáo này là Hồi giáo và Ngũ Tuần giáo (Tentecostalism), một nhánh của Thiên Chúa giáo Tin Lành.
Hồi giáo phát triển ở mức trung bình hàng năm là 1,9% từ năm 2000 đến năm 2017, chủ yếu là do tỷ lệ sinh cao. Ngũ Tuần giáo phát triển ở mức 2,2% mỗi năm, chủ yếu là do cải đạo. Một nửa số Kitô hữu tại các nước đang phát triển là tín đồ Ngũ tuần, Phúc Âm hoặc Ân Tứ (tất cả đều là các nhánh của loại đức tin nhấn mạnh uy quyền của Kinh Thánh cũng như nhu cầu tái sinh tâm linh). Tại sao mọi người lại bị thu hút bởi nó?
Thiên Chúa giáo đã luôn có những yếu tố nhập định, nhưng Ngũ Tuần giáo hiện đại đã được sinh ra trong cuộc “Phục sinh đường phố Azusa” ở Los Angeles vào năm 1906. Dưới sự dẫn dắt của một nhà truyền giáo da đen tên là William Seymour, các thành viên giáo đoàn, nhiều người trong số họ là những phụ nữ, hoặc người da đen, hoặc nghèo khổ, bắt đầu trải nghiệm “báp têm trong Thánh Linh”. Điều này khiến họ nói những thứ tiếng lạ, đưa ra lời tiên tri và trải nghiệm chữa lành bệnh tật một cách thần kỳ. Phong trào này lan rộng khắp nước Mỹ và tại các nước đang phát triển. Ở Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và Châu Á, sự phát triển của đức tin này xảy ra cùng lúc với cuộc cải cách kinh tế quy mô lớn và di dân đô thị. Lời dạy rằng tất cả mọi người được sinh ra dưới hình hài của Thiên Chúa giúp mang lại phẩm giá cho những người bị áp bức. Đó là một niềm tin mới mẻ, hướng về tương lai, và tính dễ tùy chỉnh theo văn hoá mà không cần phải có giới tăng lữ, khiến cho giáo phái này phù hợp với các nhóm dân cư đang dịch chuyển, tìm kiếm các bản sắc xã hội và cộng đồng mới.
Berger gọi phái Phúc Âm (trong đó ông bao gồm cả Ngũ Tuần) là một đức tin rất hiện đại, với hành động quyết định cá nhân nằm ở vị trí cốt lõi của lòng mộ đạo. Tại các nước đang phát triển, nó được liên kết với phương Tây hiện đại. Các nhà truyền giáo của các Đại giáo đoàn ở Guatemala và các giáo viên trong các trường đại học Trung Quốc cùng nói về Max Weber, một nhà xã hội học người Đức thế kỷ 19. Ông mô tả các ưu điểm của “đạo đức Tin Lành”, một điều khiến người ta làm việc chăm chỉ và sống đạm bạc, và do đó giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Mặc dù ảnh hưởng của đức tin này không sâu sắc về mặt kinh tế trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay so với châu Âu thời kỳ đầu hiện đại, nhưng Ngũ Tuần giáo đang mang lại sự thay đổi cho các xã hội nghèo. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo Ngũ Tuần có khuynh hướng từ bỏ rượu và mại dâm, và gia đình họ được lợi từ điều đó. Phụ nữ được trao quyền từ thông điệp rằng mọi người đều có giá trị trước Đức Chúa Trời. Mong muốn đọc Kinh Thánh đã thúc đẩy các chương trình giáo dục. Ở nhiều nơi tại các nước đang phát triển, nhà thờ Ngũ Tuần giáo là tổ chức hiệu quả duy nhất của xã hội dân sự.
Kết quả là một sự bùng nổ đức tin. Những người theo đạo Tin Lành đã tăng từ 15% dân số châu Phi vào năm 1970 (khoảng 54 triệu người) lên 29% vào ngày nay (hơn 340 triệu người). Tại Mỹ Latinh, con số này đã tăng từ 8% (23 triệu người) lên 19% (121 triệu người) trong cùng giai đoạn này. Tại một số quốc gia, chẳng hạn như Guatemala và Honduras, hiện nay 40% dân số theo đạo Tin Lành. Hơn 80 triệu người Trung Quốc đã trở thành tín đồ Tin Lành trong 40 năm qua.
Câu hỏi lớn là liệu hàng triệu sự thay đổi cá nhân xuất phát từ việc cải đạo sang Ngũ Tuần giáo có thể dẫn tới một sự biến đổi xã hội sâu sắc hơn hay không. Đây là điều mà những người Ngũ Tuần thường không làm tốt. Những người theo đạo Tin lành thường thiếu sự hiệp nhất, và sự can dự của Ngũ Tuần giáo vào chính trị đã thể hiện sự hời hợt và dễ sai lạc. Hiện nay, ảnh hưởng của nó đối với kinh tế và chính trị ở các nước đang phát triển có thể vẫn mang tính gián tiếp, với trọng tâm vào các hoạt động giáo dục, tình nguyện và thúc đẩy tự do tôn giáo.
Nguồn: “Why is Protestantism flourishing in the developing world?”, The Economist, 09/11/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét