Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

609 - Hiệu ứng cá vồ




Cảnh sát giao thông ở Việt Nam nổi tiếng là ăn bẩn tiền hối lộ từ người phạm luật giao thông. (Hình: Người Lao Động)
Nguyễn Bá Thanh, người giữ chức chủ tịch rồi bí thư Thành Ủy Đà Nẵng trong thời gian gần 10 năm (2003-2013), người được cho là có liên can đến chuyện đàn áp nhân quyền và tham nhũng tại địa phương, nhưng trước công chúng lại thường có những phát ngôn bộc trực về thực chất tồi tệ của cán bộ, đảng viên trong chế độ Cộng Sản Việt Nam.
Trong một bài nói chuyện với cán bộ đảng viên, nói về chuyện “ăn,” ông cho rằng ông có thể bỏ qua cho một vụ đền đáp bằng một phong bì hai, ba triệu mang về mua cho con một món quà sinh nhật, nhưng không thể chấp nhận thái độ có… ăn rồi mới làm. Ông dẫn chứng những con thú đem ra biểu diễn, phải được chủ cho thức ăn vào mồm rồi mới múa may, nhảy nhót. Không có cái ăn, thì ngồi lì ra đó, roi vọt, đánh đập cũng không thèm diễn. Qua Cuba, ông thấy bầy cá heo cũng vậy, có cho ăn thì biểu diễn, bay lên không uốn qua, uốn lại, không có cho ăn thì lặn mất tăm.
Tiền hối lộ, lót tay, lại quả hay nôm na là tiền “đấm mõm” thường được gọi là tiền “bôi trơn” xảy ra trong hầu hết cơ quan, dịch vụ làm ăn, mua bán trao đổi và cả trong vụ thay đổi, mua bán chức tước. Khi chuyện lo lót đi vào cả ngành y tế và giáo dục thì xem như đất nước đã xuống dốc, không có gì cứu vãn nỗi.Nói chung, cán bộ đảng viên Cộng Sản chỉ biết có tiền, kiểu “có ba trăm lạng việc này mới xong.” (Kiều) Mua bán giao dịch trong xã hội này không qua khỏi thủ tục đầu tiên, là “tiền đâu?”
Một ứng cửa viên Quốc Hội CSVN cũng đã thú nhận đã “chi phí” $1.5 triệu để lọt vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc Hội XIII, một nguồn tin khác cho biết có người chạy tiền để vào đến Bộ Chính Trị, khiến Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phải ra lời cải chính. Chính vì tệ nạn này mà Việt Nam có câu nói để đời trong nhân gian: “Thứ gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền.”
“Có ăn có làm” chính là khẩu hiệu nằm lòng của các quan chức CSVN hiện nay, nhiều sáng kiến, công trình lố bịch được bày ra cũng vì tiền. Từ tượng đài, cổng chào, nhà văn hóa, trụ sở hành chánh mỗi ngày mỗi sinh sôi, nảy nở là vì có xây dựng, có công trình, có việc làm mới có ăn. Thi đua xây dựng để có cái ăn và thi đua… ăn. Ai có gì ăn đó, nhỏ ăn theo nhỏ, lớn ăn theo lớn. Xã phường ăn nhờ… bãi giữ xe, thuế chợ, công an đứng đường ăn nhờ cái… còi, thủ kho ăn theo thủ kho, thủ trưởng ăn theo thủ trưởng.
Có 65% doanh nghiệp thú nhận rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục là “phổ biến,” và nhiều đơn vị mất hơn 10% doanh thu cho các chi phí bôi trơn không chính thức.
Năm 2015, công ty Tư Nhật Bản (JTC) tố cáo đã phải chi bất hợp pháp hơn 16 tỷ đồng cho phía Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội mà tiền viện trợ lại là của Nhật Bản.
Năm 2014, một nhà đầu tư Singapore, đã kiện thành phố Sài Gòn ra tòa, tố cáo đã phải dùng $2.8 triệu để “bôi trơn” cho dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Sing-Việt (Sing-Việt City.)
Một báo cáo cho biết năm 2010, có khoảng 41% doanh nghiệp phải trả hoa hồng “lại quả” cho cán bộ nhà nước để giành được hợp đồng, tăng hơn rất nhiều so với mức 23% của năm 2011.
Theo VNExpress, năm 2011, 46% người dân cần phải đưa hối lộ mới có được việc làm trong cơ quan chính phủ, tỉ lệ này vào năm 2016 đã tăng lên 54%! Có tiền chạy mới vào được đại học, ra trường lại phải có tiền chạy mới có việc làm.
Chế độ Cộng Sản nào cũng giống nhau ở guồng máy tổ chức và ở chỗ… ăn bẩn. Vợ bé Vĩ Quân Tử, Bí Thư Thành Ủy Cát Lâm, Trung Cộng, đã khai trước tòa, chỉ mới bị cảm 3 ngày, bí thư thành ủy này cũng đã nhận được 500 nghìn tệ ($85,000) là “tiền thăm lãnh đạo” của cấp dưới. Ở chức bí thư, mỗi lần cải cách nhân sự trong thành phố, thông qua việc bán chức, bọn quan chức này đã kiếm được một khoản thu nhập chừng 5 triệu tệ ($33.3 triệu).
Nguyễn Bá Thanh chỉ mới so sánh đám cán bộ đảng viên Việt Nam với phản ứng của bầy cá heo ở Cuba, nhưng để gần gũi với “tình tự dân tộc” hơn, có lẽ chúng ta phải nghĩ ngay và so sánh chuyện… ăn của đám quan lại này với một hiện tượng tạm đặt tên là “hiệu ứng… cá vồ!”
Tôi là dân miền Trung, có may mắn biết được hầm… cá vồ và thưởng thức món cá vồ của miền Nam, là nhờ ơn trên, năm 1959, được cử đi học một khóa Nhân Vị ở Vĩnh Long.
Cá vồ thuộc loại cá da trơn, họ hàng gần với cá ba sa, cá lăng, cá chốt… Cá vồ nuôi hầm càng lớn càng ngon. Vốn có nhiều sông rạch chằng chịt, người miền Tây Nam bộ xây cầu tiêu trên sông rạch, lấy phân người nuôi bầy cá vồ, chúng hung hãn tranh nhau vồ mồi, sinh sôi nảy nở rất nhanh, chủ nhân không cần phải chăm sóc, đầu tư vốn nhiều.
Sau này, cho rằng tình trạng “cầu tiêu cá vồ” này… là thiếu văn hóa, chính phủ Việt Nam đã ra chỉ thị phải xóa bỏ cầu tiêu trên sông và cầu tiêu cá vồ ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng không thành công. Người dân cho rằng không có cầu tiêu cá vồ thì dân chúng phải đi cầu trên sông hoặc đi ngoài đồng, trông càng mất vệ sinh và nhếch nhác hơn. Nuôi cá vồ cầu là nhất cử lưỡng tiện, biết hạch toán kinh tế, mà đường sá, đồng ruộng, nguồn nước không còn thấy phân người.
Loài cá vồ lúc mặt nước tĩnh lặng cũng chẳng thấy tăm hơi, nhưng khi phân người chạm mặt nước, là không biết cơ man nào là loại cá này hiện diện rất nhanh, bơi tới, vùng vẫy, tranh giành, vì có hơi…“phân!”
Theo ví von của ông Nguyễn Bá Thanh, đám viên chức Cộng Sản như bầy cá heo, làm cho người viết liên tưởng xa hơn, loài cá vồ lúc có ăn, mới có mặt. Chúng vùng vẫy, hùng hổ và ăn một cách nhiệt tình, có quy hoạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét