Hình như chúng ta đang có thói quen cái gì cũng nâng lên thành tầm quốc gia, dân tộc, cái gì cũng lôi kéo nhân dân vào, dùng nhân dân làm cái bình phong?
Dễ tổn thương vì chuyện nhỏ nhưng lại ơ hờ những chuyện lớn
Thêm một ví dụ nữa. Chuyện ông thầy dạy Anh Văn Daniel Hauer nói đùa sao đó đụng chạm tới ông tướng Võ Nguyên Giáp bị bao nhiêu người chửi, rồi báo chí VN cũng có những bài chỉ trich, giảng đạo đức, ví dụ như báo Giáo dục VN còn giật tít “Việt Nam không có thầy cô nào thiếu văn hóa, nhân cách méo mó như Daniel Hauer”, rằng “Trước chiến thắng của U23 Việt Nam, Daniel Hauer đã có bình luận vô cùng tục tĩu, xúc phạm nghiêm trọng đến vị Anh hùng dân tộc mà dân tộc Việt Nam tôn kính.”
Nhà văn, facebooker Nguyễn Đình Bổn viết:
"Phản biện" báo Giáo dục!
Tôi không binh vực ông Dan, khi "dám" ví "bộ phận nhạy cảm" của mình với đầu tướng Giáp, nhưng nói rằng VN không có thầy cô giáo nào "thiếu văn hóa, nhân cách méo mó" hơn thì e sai bét. Rất nhiều thầy cô gáo tại VN bẩn thỉu hơn Dan triệu lần về tư cách nghề nghiệp cũng như tư cách công dân. Tôi đưa một vài ví dụ:
- Hiệu trưởng Sầm Đức Xương tại Hà Giang mua dâm học trò mình và dắt học trò cho quan chức mua dâm, sau đó trước tòa đòi cởi quần. Nhân cách méo mó không?
- Thầy giáo Nguyễn Hữu Lai, Bắc Ninh, bí thư đoàn trường, hiếp dâm 11 trẻ em là học sinh cấp 1 dưới 9 tuổi. Nhân cách tên này ra sao? Còn nhiều lắm, nào là đổi tình lấy điểm, nào là đưa giáo viên đi mời rượu quan khách... kể không hết cái nhân cách méo mó của các "ông thầy" tại VN đâu.
Nên sờ lại gáy mình trước khi nói người.”
Sau đó anh Nguyễn Đình Bổn còn cho thêm một ví dụ khác. Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hữu Vượng, thuộc đại học Kinh tế TPHCM, ngành xây dựng Đảng, trong vụ “Diễn biến mới vụ án giáo sư tố "chân dài" lừa 17 tỉ đồng” (Người Lao động). Ông giáo sư tố người đẹp lừa ông 17 tỷ đồng, hóa ra giữa hai người có quan hệ tình cảm kéo dài cả chục năm trời, và đây là một vụ “chia tay đòi quà”.
Trở lại vụ nhiều người Việt rồi báo chí nhà nước chỉ trích, nặng nề ông thầy Daniel Hauer.
Tôi cũng không bênh vực gì Daniel Hauer, rõ ràng Daniel Hauer đã sai khi sống và làm việc ở VN 5 năm trời, lấy vợ Việt, nói tiếng Việt, phần nào hiểu được văn hóa Việt mà không biết rằng nước này là một nước không có tự do ngôn luận, và có những điều cấm kỵ không được đụng đến ví dụ như ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp hay đề cập đến đa nguyên đa đảng hay sao. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là lối suy nghĩ, tư duy cái gì cũng nâng lên thành tầm quốc gia, dân tộc, cái gì cũng lôi kéo nhân dân vào là rất sai.
Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp là lãnh tụ, là tướng của đảng cộng sản, đảng cộng sản phong họ là “cha già dân tộc”, là “anh hùng dân tộc”, thậm chí là…thánh. Nhưng xét theo góc độ lịch sử, họ cũng chỉ là những nhân vật chính trị, nhân vật lịch sử, có đúng có sai, có công có tội. Sau này khi lịch sử được viết lại một cách trung thực, công bằng, khách quan, chứ không phải thứ lịch sử tô vẽ, bị bóp méo do đảng và nhà nước cộng sản viết nên và bắt người dân phải học theo, tin theo bao nhiêu năm qua, những góc khuất, công tội của họ sẽ được bạch hóa và đánh giá một cách đầy đủ. Và họ cũng chỉ là những con người, tại sao phải tôn thờ như là thánh? Đó là chưa kể có phải tất cả mọi người VN đều yêu quý ông Hồ ông Giáp hay không.
Cái lối suy nghĩ đó là hệ quả của một nền giáo dục tuyên truyền nhiều năm dài. Và chúng ta đã bị ảnh hưởng mà không biết. Chưa kể, lối suy nghĩ, phản ứng đó thể hiện sự chưa trưởng thành của một dân tộc.
Người Việt nói chung dễ vui (đến phát rồ) và dễ buồn (đến mất cả tinh thần) chỉ vì những chuyện như đội nhà thắng thua một trận bóng đá; dễ nổi khùng, bị xúc phạm vì một câu nói đùa hay câu chê bai của một người nước ngoài. Nhưng lại hầu như không có phản ứng gì đáng kể trước những điều lẽ ra phải buồn phải đau như vị thế của VN trên thế giới, cái nhìn của thế giới nói chung đối với VN, sự lạc hậu của đất nước, nỗi cơ cực của nhân dân, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề hay nguy cơ lệ thuộc (kể cả mất nước vào tay Trung Cộng)…Đối với những vấn đề chính trị xã hội, quyền tự do, quyền con người thì người Việt nói chung lại có sức chịu đựng vô cùng giỏi! Điều đó hoàn toàn trái ngược với người dân nhiều nước khác.
Chúng ta cũng chẳng thấy nhục khi hai chữ VN thường xuyên bị gắn với những tin tức, câu chuyện tiêu cực, không hay trên thế giới, hoặc đáng xấu hổ, ví dụ như nhiều người Việt kể cả du học sinh, quan chức bị bắt quả tang ăn cắp ở Nhật, các cô gái Việt đua nhau lấy chồng Đài chồng Hàn, một số cô bị bắt khi đang làm gái mại dâm ờ Singapore, người Việt xếp hàng xin đi làm thuê ở nước ngoài theo chủ trương “xuất khẩu lao động” của nhà nước VN v.v…
Chỉ khi nào không dễ bị tổn thương vì những chuyện nhỏ và thực sự thấy đau thấy nhục, hoặc phẫn nộ vì những chuyện lớn lao hơn, lúc đó chúng ta mới hy vọng rằng VN sẽ thay đổi được số phận của đất nước, dân tộc, để không còn là một quốc gia lạc hậu, đi sai đường, một dân tộc hèn kém nữa, và lúc đó VN sẽ thắng, không chỉ trong một giải bóng đá, báo chí nước ngoài sẽ nhắc đến và khen ngợi VN không chỉ vì một trận bóng đá, người Việt sẽ điềm tĩnh hơn nhiều khi thắng thua một trận bóng bởi vì chúng ta còn có nhiều cái khác để tự hào. Chúng ta cũng không dễ nổi khùng khi bị người nước ngoài đùa cợt hay chê bai, chỉ trích, vì chúng ta biết VN có những điểm mạnh khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét