Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

558 - Chế độ CSVN đang tồn tại bằng gì? (tiếp theo)



Xăng máu: thảm kịch vặt lông vịt tàn bạo

Nếu so sánh hai nguồn thu quan trọng của nhà cầm quyền CSVN trong vấn đề đảm bảo cán cân ngoại hối quốc gia là xuất khẩu lao động và kiều hối, mỗi năm mang về hơn 20 tỷ USD “ròng” thì xăng dầu và hệ thống BOT là nguồn thu nội tệ quan trọng cho ngân sách quốc gia và các gia tộc Đỏ.

Nếu làm một bài tính nhẩm thật nhanh, xăng tăng đủ 8.000 đồng “thuế bảo vệ môi trường” vào giữa năm 2018 tức là khoảng 25.000 đồng/lít xăng RON 95 và khoảng 23.000 đồng/xăng E5 thì ngân sách sẽ tăng thêm 5 tỷ USD, qui đổi ra tiền Hồ, khoảng 113.750 ngàn tỷ đồng.

Số tiền này chắc cũng bù đắp phần nào cho những thất thoát ở Vinashin, Vinalines, PVN, EVN, Vinacomin, Vinachem... những “quả đấm thép” đang đấm vỡ mặt nhân dân và làm cho ngân sách cũng như tài nguyên quốc gia ngày một cạn kiệt nhưng là những cỗ máy kiếm tiền cho các tư bản Đỏ.

Là một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ và khí lớn ở vùng Đông Nam Á, Việt Nam có công nghiệp khai thác dầu được đầu tư bài bản từ nền tảng của tập đoàn liên doanh với Liên Xô cũ là Vietsopetro, nhưng nguồn xăng dầu trong nước phải phụ thuộc nhập khẩu vì nguồn xăng dầu tự sản xuất không đủ tiêu chuẩn cũng như đáp ứng nhu cầu nội địa.

Giá xăng dầu phục vụ cho nhu cầu đi lại thiết yếu của người dân luôn cao hơn nhiều lần so với giá dầu nhập khẩu với lý do được ông Hoàng Trung Hải – phó thủ tướng đưa ra là “giá xăng dầu cao hơn nhiều lần so với giá thực tế vì nhà nước muốn hạn chế phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân”. Trong khi đó, người dân Việt Nam đang được hít thở bầu không khí độc hại và ô nhiễm đứng vào top đầu Châu Á và tỷ lệ người ung thư chết cao nhất khu vực. Sự trơ trẽn và đốn mạt của quan chức CS đã vượt qua mọi khả năng diễn đạt bằng ngôn từ.

Thông tư số 234/2009/TT-BTC quy định, giá cơ sở là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Quỹ Bình ổn giá (+) Lợi nhuận định mức trước thuế cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Phí xăng dầu cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, những điều chỉnh của Bộ Tài chính cộng thêm phí bảo vệ môi trường vào giá xăng dầu, sẽ lên tới 8.000 đồng/lít trong thời gian tới... Khiến cho mỗi lít xăng người dân sử dụng thì thuế phí chiếm đến 60% - 70% giá bán lẻ. Mức giá xăng này so với bình quân thu nhập của người Việt là một sự bóc lột tàn bạo, vắt kiệt túi tiền và nguồn sống của người dân.

Nếu so sánh với mức thu nhập trung bình của người dân thì giá xăng Việt Nam, khó có nước nào có thể cạnh tranh vị trí này ngoại trừ Triều Tiên. Trong những báo cáo thành tựu kinh tế của Đảng và Chính phủ, nhà cầm quyền CSVN không đưa ra con số thu nhập bình quân đầu người mà đưa ra chỉ tiêu GDP/đầu người. Điều này, lâu dần làm mọi người nhầm lẫn chỉ tiêu GDP/người là bình quân thu nhập.

JPEG - 100 kb
Mức lương trung bình lao động Việt Nam thấp hơn 10 lần so với khu vực theo đánh giá của TWI – chỉ số lao động toàn cầu. Ảnh: baodautu.vn

Thực tế, năm 2016, tổng thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 1.648 Mỹ Kim. Tức thu nhập người Việt Nam chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng/năm. Một con số quá thấp, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Trong một bài báo mới đây trên tờ tienphong.vn ra ngày 25.01.2018, cho biết mức lương trung bình lao động Việt Nam thấp hơn 10 lần so với khu vực theo đánh giá của TWI – chỉ số lao động toàn cầu. Theo đó, trung bình thu nhập của 55,92 triệu lao động Việt Nam chỉ đạt 220 Mỹ Kim/tháng so với mức thu nhập bình quân của lao động khu vực là 2.648 Mỹ Kim/tháng.

Một gia đình trẻ, 3 người (hai bố mẹ là công nhân và 1 con nhỏ), mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu phải chi trả 25-30% cho các loại bảo hiểm xã hội, y tế, thu nhập... chỉ còn khoảng 7 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí xăng xe, bảo hiểm phương tiện, nộp phạt giao thông (hình thức mãi lộ của công an giao thông) cho 2 chiếc xe là hơn 2 triệu đồng/tháng, chiếm đến 25% thu nhập còn lại.

Đây thực sự là một mức chi phí “cắt cổ, hút máu” người dân. Với chỉ khoảng 5 triệu đồng còn lại cho tất cả nhu cầu ăn uống, thuê phòng trọ và lo cho con cái, những lao động trẻ Việt Nam đang sống ở mức cùng khổ so với thế giới. Chưa kể những vấn nạn ô nhiễm, bệnh tật, tai nạn... trong một môi trường xã hội đầy rẫy rủi ro, bất trắc khiến cho bất cứ gia đình nào cũng dễ dàng rơi vào những thảm kịch anh Pha, chị Dậu ở thế kỷ 21 của xứ Thiên đường XHCN.

Trong một bài báo khác của bộ KHCN, tờ tiasang.com.vn ngày 25.01.2018 cho biết: Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ giữa tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình từ năm 2010-2016 và 9 tháng năm 2017 luôn ổn định ở mức 70-72% GDP, như vậy có thể thấy mức tiêu dùng bình quân đầu người trên tháng năm 2016 khoảng 2.572.000 đồng trong khi đó thu nhập từ sản xuất bình quân tháng khoảng 2.386.000 đồng. Từ những con số này có thể thấy đa số người dân không những không có thể để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng! Đây là tín hiệu khá nguy hiểm, không những thế nó còn cho thấy việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân.

Quyết định chuyển đổi sử dụng xăng E5 thay cho RON 92 với lý do “bảo vệ môi trường, đảm bảo thu nhập cho người trồng sắn…” và khẳng định “E5 hoàn toàn đảm bảo an toàn thay thế cho RON92” đã trở thành “quyết tâm chính trị” của toàn bộ hệ thống “Chính phủ kiến tạo”, được Bộ Công thương chuẩn bị các phương án triển khai trên toàn quốc từ 1.1.2018. Nhưng rất nhanh sau đó, một loạt vụ cháy xe trên toàn quốc đã xảy ra.

JPEG - 103.4 kb
Có ít là 10 vụ cháy xe ô tô và xe máy mà “nghi can” số 1 là nhiên liệu xăng sinh học E5. Ảnh: cafef.vn

Ghi nhận sơ bộ ít nhất đã 10 vụ cháy xe ô tô và xe máy mà “nghi can” số 1 là nhiên liệu xăng sinh học E5. Không hề có một cuộc điều tra, nghiên cứu hay một lời nói trách nhiệm nào từ hiện tượng bất thường nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân từ phía nhà cầm quyền. Cứ như thể việc cháy xe, chết người là việc riêng của Nhân dân vậy. Có gì lạ đâu, hơn 200 người chết vì xả lũ thủy điện năm 2017 cũng không đáng kể gì chứ mới cháy 10 cái xe, thì có gì đáng nói? Mà nếu có chết người thì chắc chắn sẽ là cái chết “đúng qui trình”.

Tổng số tất cả thuế, phí mà xăng dầu đang “cõng”, mang về nguồn thu cho CSVN từ thị trường hơn 90 triệu dân khoảng hơn 10 tỷ Mỹ Kim qui đổi ra tiền Hồ, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài.


Những thuế phí đánh vào xăng dầu là những khoản gián thu tàn bạo, vắt kiệt sức dân một cách tinh vi nhất. Trong khi cả nước “lên đồng” vì những trận cầu và chiến dịch “đốt lò” của ông tổng bí thư, giá xăng đang tăng phi mã điên cuồng. Những con vịt đang bị vặt tới cái lông cuối cùng trong niềm hân hoan “chiến thắng lịch sử của dân tộc”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét