Hai năm trước, các cuộc biểu tình của công chúng đã nổ ra ở cả Kyiv (Ukraine) và Caracas (Venezuela). Trong khi Cách mạng Nhân phẩm ở Ukraine nhanh chóng giành được thắng lợi thì thay đổi chính trị ở Venezuela diễn ra với tốc độ chậm chạp hơn rất nhiều. Thế nhưng, cuộc bầu bầu cử quốc hội ở Venezuela vào ngày 06 tháng 12 vừa qua, trong đó phe đối lập đã giành được đến hai phần ba số ghế, đang làm cho những biến chuyển chính trị ở đất nước này diễn ra nhanh hơn.
Mặc dù Tổng thống Nicolás Maduro đã chấp nhận thất bại trong đêm bầu cử, chính phủ của ông đã tuyên bố sẽ bác bỏ bất kỳ đạo luật nào mà Quốc hội thông qua, đồng thời bổ nhiệm một Hội đồng các Công xã (Assembly of the Communes), một thể chế không được quy định trong Hiến pháp. Hơn thế nữa, ông Maduro đã sử dụng phiên họp của Quốc hội cũ sau khi có kết quả bầu cử để đưa vào Tòa án tối cao những người ủng hộ đảng mình và kêu gọi những người ủng hộ ngăn chặn Quốc hội mới đắc cử nhóm họp vào ngày 5 tháng 1. Tương tự như Ukraine hai năm trước, Venezuela đang hướng tới một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Nhưng có một điểm tương tự lớn hơn và đáng lo ngại hơn giữa Venezuela và Ukraine: nạn đói nhân tạo của Liên Xô năm 1933. Quyết định của Stalin vào năm 1932 buộc những nông dân độc lập – những kulaks – tham gia vào các trang trại tập thể đã đẩy 3,3 triệu người Ukraine và cộng đồng người Ba Lan thiểu số đến tình cảnh chết đói trong năm tiếp theo.
Thảm họa đã xảy ra khi Stalin khẳng định rằng các nông dân đã giấu nhà nước lương thực. Ông tịch thu các hạt giống và tin rằng điều này sẽ buộc các nông dân sử dụng số ngũ cốc mà họ đang giấu để làm hạt giống. Nhưng không hề có thứ ngũ cốc nào được giấu đi như thế – và do đó không có hạt giống để gieo trồng vụ mùa năm 1933. Stalin đổ lỗi cho sự sụt giảm sau đó trong sản xuất lương thực là do âm mưu của những người đã chết và sắp chết đó.
Thay vì đối phó với thảm họa đang diễn ra, Stalin tăng cường trưng dụng ngũ cốc, bất chấp mức độ sản xuất ảm đạm – một động thái dẫn đến nạn đói hàng loạt. Thông tin đã được giấu kín khỏi tai mắt công chúng, ngăn chặn mọi hành động khắc phục hậu quả. Ngay cả những đề nghị hỗ trợ nhân đạo quốc tế, đặc biệt là từ Ba Lan, đều bị từ chối.
Một nạn đói ở một đất nước màu mỡ như Ukraine thật khó tưởng tượng được trước khi nó xảy ra. Và thật khó để tưởng tượng một thảm họa tương tự có thể xảy ra tại một đất nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới như Venezuela. Thế nhưng, bước vào năm 2016, Venezuela đang đối mặt với một kịch bản y hệt như tình cảnh của Ukraine ở trên.
Có bốn yếu tố cơ bản của các thảm họa nhân tạo là: đàn áp thị trường, bưng bít thông tin, đàn áp có hệ thống lực lượng đối lập, và quy kết thảm hoạ cho chính các nạn nhân (một hành động giúp biện minh cho những chính sách cực đoan dẫn đến thảm hoạ). Đáng buồn thay, Ukraine không phải là ví dụ duy nhất: Các tổn thất về nhân mạng ở Trung Quốc trong cuộc Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông giai đoạn 1958-1961 thậm chí còn lớn hơn nhiều, ước tính đã gây ra cái chết cho khoảng 15 đến 45 triệu người.
Cũng như Ukraina và Trung Quốc, chính phủ Venezuela đã nỗ lực tập thể hoá nền sản xuất. Sau khi Hugo Chávez tái đắc cử vào năm 2006, ông quyết định đẩy nhanh cuộc “cách mạng” và quốc hữu hóa ngân hàng, các tập đoàn viễn thông, xi măng, thép, siêu thị, hàng trăm công ty lớn nhỏ khác và hàng triệu hec-ta đất. Và, tương tự như Ukraine và Trung Quốc, sản lượng của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi công cuộc quốc hữu hoá này đã nhanh chóng tuột dốc không phanh.
Không chỉ tước đi hoàn toàn quyền sở hữu, chính phủ của ông Hugo Chávez còn đàn áp khả năng tự tổ chức một cách tự nhiên của nền kinh tế. Dù thị trường không phải là thuốc trị bách bệnh, và thị trường chỉ có thể hoạt động nếu có một chính phủ với những chính sách hợp lý, nhưng thị trường là một lực lượng mạnh mẽ giúp bình ổn nền kinh tế. Giá cả thị trường cung cấp cho chúng ta thông tin về những hàng hoá đang bị thiếu hụt. Lợi nhuận tạo ra động cơ để phản ứng lại thông tin về giá. Và thị trường vốn tự phân bổ các nguồn lực trong quá trình theo đuổi lợi nhuận. Thị trường có thể thất bại, và các chính sách có thể cải thiện kết quả; nhưng Chávez và Maduro, giống như Stalin và Mao, đã tấn công vào chính cơ chế của thị trường.
Tại Venezuela, một hệ thống tổng quát kiểm soát giá cả và hối đoái đang gây ra một sự tàn phá. Tỉ giá hối đoái được định đoạt một cách hành chính ở mức rẻ hơn so với giá thị trường khoảng 130 lần. Ngay cả việc buôn bán ma túy cũng không thể đem lại mức lợi nhuận cao như việc buôn ngoại tệ dựa trên tỉ giá chênh lệch như vậy (arbitrage), kéo theo những hậu quả rõ ràng.
Công thức đảm bảo giá “công bằng” giữ tất cả các mức giá thấp một cách nhân tạo (thiết lập mức giá cao hơn sẽ khiến người vi phạm phải ngồi tù), gây ra tình trạng thiếu hụt, cung ứng theo định mức cá nhân, và tình trạng xếp hàng dài gây tổn thất thời gian của người dân. Tình trạng thiếu hụt những mặt hàng thiết yếu dẫn đến tổn thất về nhân mạng, đó là chưa kể đến những tác động tàn phá đối với sản xuất. Và, cho dù là giá cả vẫn đang được kiểm soát, lạm phát vẫn trên 200%, vì ngân hàng trung ương phát hành tiền để đối phó với thâm hụt ngân sách lên đến hơn 20% GDP.
Giá dầu tăng cao xảy ra đồng thời với việc áp dụng các chính sách này ban đầu làm dịu các tác động của chúng, vì hàng nhập khẩu có thể bù đắp được cho sự sụt giảm sản xuất trong nước. Năm 1998, khi Chávez đắc cử lần đầu, giá dầu ở mức thấp chỉ 8 đô la mỗi thùng; đến năm 2012, giá dầu trung bình là 104 đô la mỗi thùng.
Nhưng, thay vì sử dụng số tiền lớn thu được từ dầu lửa để xây dựng một “tấm đệm tài chính” phòng khi kinh tế ảm đạm, Chávez đã sử dụng giá dầu cao như một loại tài sản thế chấp để vay ồ ạt, làm tăng gấp bốn lần các khoản nợ nước ngoài. Điều này cho phép Chávez tiêu xài trong năm 2012 như thể là giá dầu ở mức 197 đô la một thùng. Nhưng bây giờ, khi giá dầu thô của Venezuela chỉ ở mức dưới 30 đô la và con đường tiếp cận thị trường vốn quốc tế đang bị cắt đứt, nhập khẩu của nước này đã giảm xuống chỉ còn một phần nhỏ so với mức năm 2012. Việc tàn phá năng lực sản xuất trước kia đã bắt đầu cho thấy hậu quả của nó.
Không có cơ chế thị trường, việc điều chỉnh diễn trong tình trạng thiếu thốn thông tin và có quá nhiều động cơ xấu, khiến ảnh hưởng của nó lên sản xuất và phúc lợi thậm chí còn nặng nề hơn. Năm tới Venezuela sẽ giảm nhập khẩu mạnh hơn nữa. Không những giá dầu thậm chí thấp hơn, mà nhập khẩu trong giai đoạn 2014-2015 đã được tài trợ một phần bằng cách bán dự trữ ngoại hối và các tài sản khác, đồng thời cho phép tư nhân nhập khẩu nhưng không trả tiền cho họ, thực tế là chiếm đoạt vốn lưu động – hay hạt giống – của các công ty tư nhân.
Hậu quả của sự điên rồ này là rất đáng quan ngại. Để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo, một hành động nhanh chóng cần phải được thực hiện: phục hồi cơ chế thị trường; thống nhất tỷ giá hối đoái (như Tổng thống Mauricio Macri vừa thực hiện ở Argentina); một hệ thống trợ cấp phúc lợi thay thế cho hình thức phân phối theo định mức tiêu dùng; cắt giảm chi tiêu; tái cơ cấu nợ nước ngoài; và hỗ trợ tài chính lớn từ cộng đồng quốc tế.
Ông Maduro không cố gắng để làm bất cứ điều nào trong số này; thay vào đó dành sức lực và sự sáng tạo của mình để duy trì quyền lực, bằng bất cứ giá nào. Nhưng thời gian đang dần cạn kiệt. Trừ khi Maduro thay đổi, nếu không Quốc hội mới – nơi mà phe đối lập đã giành đến hai phần ba số ghế và có quyền thay đổi hiến pháp – sẽ thay đổi chính Maduro.
Ricardo Hausmann là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông giữ chức Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét