Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

1745 - Chính sách "đu dây" và hậu quả


Theo dõi phản ứng của Trung Cộng trước mọi biến cố quốc tế liên quan trực tiếp đến Trung Cộng sẽ thấy các lãnh đạo đảng CSTQ từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình đều áp dụng một chính sách thỏa hiệp ngắn hạn để đạt mục đích dài hạn rất rõ nét trong bang giao quốc tế.

Có thể vì nắm được điểm đó, TT Philippines, Benigno Aquino Jr., tháng Giêng 2013, thách thức Trung Cộng trước tòa trọng tài quốc tế và thắng. Trung Cộng phản ứng như nhiều quan sát quốc tế tiên đoán, là thỏa hiệp thay vì dùng các biện pháp cứng rắn để trả đũa.

Tập Cận Bình tạm thời nuốt giận nhưng chắc chắn không quên.

Lịch sử bang giao quốc tế để lại vô số bài học về các phương pháp “thỏa hiệp”, “đu dây” (tightrope diplomacy) và khi nào cần “thỏa hiệp”, “đu dây” và khi nào phải dứt khoát.

Bài học Stalin ngậm đắng nuốt cay

Một buổi sáng tháng 4, 1946 bên bờ vịnh Istanbul, cả Tổng thống Ismet Inonu và Thủ tướng Sukru Saracoglu của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đều có mặt để chào đón chiến hạm USS Missouri.

Trong diễn văn chào mừng, Thủ tướng Sukru Saracoglu phát biểu: “Nước Mỹ, người con yêu quý của thế giới cũ mà chúng ta đang sống, đang bước những bước can đảm, vững chắc trên con đường tạo ra một trật tự quốc tế hòa bình và một thế giới đoàn kết bằng việc cầm chắc ngọn cờ nhân đạo, công lý, tự do và văn minh.”(1)

Từ một con người cho đến một đất nước, tại một thời điểm nào đó trên hành trình phải chấp nhận những thách thức và hiểm nguy để thay đổi hướng đi.

Trong trường hợp của Thổ, chính phủ Thổ chấp nhận khả năng Stalin tấn công phủ đầu để độc chiếm Eo Biển Thổ (Turkish Straits).

Sau chuyến viếng thăm của USS Missouri, Stalin ra lịnh gia tăng sự hiện diện quân sự tại Hắc Hải nhưng không bắn một viên đạn nào và cuối cùng rút êm.

Stalin rút êm vì: (1) Eo biển Thổ là mạch máu của Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Thổ sẽ làm mọi cách để bảo vệ dù phải chịu đựng hy sinh rất lớn, (2) Liên Sô năm 1946 vừa bắt đầu kế hoạch năm năm lần thứ tư khôi phục kinh tế để cạnh tranh với Mỹ, (3) về vũ khí nguyên tử Liên Sô chưa phải là đối thủ của Mỹ.

Nếu chính phủ Thổ cũng áp dụng chính sách “đu dây” giữa Anh Mỹ và Liên Sô, số phận của Eo Biển Thổ chưa biết ra sao nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn đã không là thành viên của NATO.

Trung Cộng năm 2018 cả ba điểm vừa nêu không khác gì Liên Sô năm 1946. Vị trí chiến lược của Biển Đông đối với Việt Nam cũng quan trọng như Eo Biển Thổ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới cầm quyền CSVN ngay cả còn không dám ra Đà Nẵng để bắt tay chào xã giao Bộ chỉ huy USS Carl Vinson, nói chi là phát biểu hay cam kết.

So sánh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam để thấy một điểm khác nhau duy nhất, đó là quyết tâm của giới lãnh đạo hai quốc gia. Thổ dứt khoát “thay đổi để thích ứng với xu thế thời đại” và CSVN tiếp tục bang giao theo kiểu “đu dây” giữa Mỹ và Trung Cộng để duy trì chế độ.

Hậu quả của chính sách “đu dây”

Đây không phải là lần đầu tiên. Phản ứng trước việc Trung Cộng đệ trình bản đồ chín đoạn lên Liên Hiệp Quốc năm 2009, tháng 8 năm 2010 Việt Nam đồng ý để hàng không mẫu hạm USS George Washington vào gần hải phận Đà Nẵng như một cách trả đũa.

Tám năm trôi qua, khuôn mặt của Biển Đông đổi khác rất nhiều.

Trung Cộng chẳng những không lùi bước mà còn tiếp tục xây dựng, không chỉ nhà cửa, dinh thự, trung tâm du lịch mà còn cả phi trường quân sự với phi đạo đủ dài cho các phi cơ chiến đấu; cùng lúc, từng bước xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Nếu có một không ảnh chụp Biển Đông năm 1995 và Biển Đông năm 2017 sẽ thấy khác nhau rất nhiều. Chính sách chuột đồng của Trung Cộng không hề thay đổi. Họ tiếp tục gặm nhắm từng phần cho đến hết và đặt thế giới vào chuyện đã rồi.

Trong lúc đó CSVN tiếp tục “đu dây”.

CSVN được gì giữa hai lần thăm viếng của hai hàng không mẫu hạm Mỹ, USS George Washington 2010 và USS Carl Vison 2018, ngoài những nhún nhường và lùi dần trước những lấn áp, răn đe của Trung Cộng?

Một lãnh tụ CS đã từng áp dụng chính sách đối ngoại “đu dây” trong Chiến tranh Lạnh là Josip Broz Tito của Nam Tư cũng để duy trì quyền cai trị. Các nước trong phe dân chủ Tây phương o bế Tito hơn bất cứ một lãnh đạo CS nào, nhưng sau khi phong trào CS Châu Âu sụp đổ, Mỹ buông đầu dây và quốc gia này rơi vào cuộc nội chiến mười năm đẫm máu.

Một sự kiện, ba quan điểm

Sự kiện USS Carl Vinson cho thấy có ba quan điểm nổi bật trong số những người Việt quan tâm.

Anh hay chị có thể là người ủng hộ chiến lược bao vây Trung Cộng của Mỹ, có thể là người ủng hộ chính sách của đảng CS trong chủ trương “đu dây” giữa hai nước lớn, hay là người quan tâm đến nền dân chủ và thịnh vượng lâu dài cho dân tộc.

Trong ba quan điểm đó, chỉ có những ai quan tâm đến dân chủ mới là người thật sự “đặt lợi ích của người dân trong nước lên trên hết.”

Bởi vì, như lịch sử các quốc gia cựu CS cho thấy chỉ có dân chủ mới bảo vệ được đất nước và cũng chỉ có dân chủ mới tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc làm nền tảng cho một quốc gia dân chủ thịnh vượng lâu dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét