Dự án metro Cát Linh – Hà Đông
Phò Đảng… khó!
Lẽ ra trong quý này, Bộ Giao thông – Vận tải phải tổ chức vận hành thử tuyến metro Cát Linh – Hà Đông nhưng bộ mới đề nghị chính phủ cho dời thời điểm thử vận hành tuyến metro đầu tiên của Việt Nam đến cuối năm. Nếu Thủ tướng đồng ý với đề nghị vừa kể (gần như chắc chắn Thủ tướng không thể… lắc đầu) thì ba năm nữa (2021), Việt Nam mới có thể chính thức khai thác toàn bộ tuyến metro Cát Linh – Hà Đông (1)!
Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông từng được quảng bá như một… “điển hình” cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc về vốn, nhà thầu, công nghệ… tuy nhiên đến nay, “điển hình” ấy vẫn chỉ là bằng chứng cho quan hệ mà Việt Nam luôn là phía phải “ngậm đắng, nuốt cay”!
Trên giấy tờ, tuyến metro Cát Linh – Hà Đông phải hoàn tất hồi 2013. Sau nhiều lần thất hứa, năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào tháng 6 năm 2015. Đến tháng 6 năm 2015, thời điểm khánh thành được dời lại tới cuối năm 2015. Cuối năm 2015, báo giới Việt Nam cho biết phải đến hết quí 1 năm 2016, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới hoàn tất và có thể chạy thử.
Sang năm 2016, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới… “điển hình” cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc về vốn, nhà thầu, công nghệ… không phải là Việt Nam bắt đầu vận hành công trình đường sắt nội đô đầu tiên mà là chính phủ Việt Nam bị đẩy vào thế phải đề nghị vay thêm tiền của Trung Quốc để hoàn tất tuyến metro Cát Linh – Hà Đông. Nếu không đưa thêm tiền thì dự án không… xong.
Tuy các chuyên gia và dân chúng tỏ ra hết sức phẫn nộ trước sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc (lúc đầu, thông báo chi phí cho việc thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông chỉ có 553 triệu Mỹ kim song nửa chừng, đòi đưa thêm 339 triệu Mỹ kim) nhưng vì không còn đường giãy (không vay thêm, dự án metro Cát Linh – Hà Đông sẽ dở dang mà Việt Nam vẫn phải hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho Trung Quốc), chính quyền Việt Nam đành xin vay thêm của Trung Quốc 250 triệu Mỹ kim để hoàn tất dự án metro Cát Linh – Hà Đông.
Tháng 5 năm 2016, thời điểm ông Trần Đại Quang, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang Trung Quốc ký hiệp định vay thêm vốn cho dự án metro Cát Linh – Hà Đông, đại diện Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam từng “thành kính phân bua” rằng, sở dĩ Việt Nam liên tục bị động trong việc thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông vì phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Đó cũng là lý do dù nhà thầu Trung Quốc khiến “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” cùng nghi ngại về chất lượng hạ tầng của dự án metro Cát Linh – Hà Đông (tai nạn chết người, trục trặc kỹ thuật xảy ra liên tục: cầu đổ, cáp đứt, dầm thép rơi, cọc thép rớt, giàn giáo đột nhiên sập xuống khi đang đổ bê tông…) nhưng bởi đã trót phóng ngọn lao “hợp tác toàn diện” về vốn, nhà thầu, công nghệ,… Việt Nam buộc phải dùng tiền vay từ Trung Quốc để mua toàn bộ những thứ còn lại liên quan đến hoạt động của tuyến metro Cát Linh – Hà Đông (đường ray, 13 đoàn tàu, hệ thống thông tin tín hiệu,…) do… Trung Quốc sản xuất.
Có thêm 250 triệu Mỹ kim do hệ thống công quyền Việt Nam vay từ Trung Quốc để giao cho mình, nhà thầu Trung Quốc cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công dự án metro Cát Linh – Hà Đông để “chạy thử liên động toàn hệ thống” vào tháng 10 năm 2017 nhưng tới tháng 10 năm ngoái, nhà thầu Trung Quốc chỉ có thể cho “tàu công trình chạy trên một số đoạn” của tuyến metro này (2).
Cam kết “chạy thử liên động toàn hệ thống” được dời tới quý 1 năm nay và bây giờ - quý 2 năm 2018 – chuyện “chạy thử liên động toàn hệ thống” được Bộ Giao thông – Vận tải chủ động đề nghị chính phủ cho dời hẳn tới... cuối năm!
***
Tháng 10 năm ngoái, khi xảy ra sự kiện nhà thầu Trung Quốc không thể tổ chức “chạy thử liên động toàn hệ thống” ở công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông như đã cam kết, ông Trương Quang Nghĩa, lúc đó là Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, giải thích là do Trung Quốc chậm giải ngân (chậm chuyển tiền theo hiệp định vay tiền mà Việt Nam đã ký) nên nhà thầu Trung Quốc tiếp tục “án binh bất động” dù “hạng mục nào cũng dở dang”. Ông Nghĩa trấn an “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” rằng, việc Trung Quốc “chậm giải ngân” chỉ gây thiệt thòi cho nhà thầu Trung Quốc, “không ảnh hưởng tới Việt Nam” (3).
Theo một văn bản do Bộ Tài chính Việt Nam gửi cho Bộ Giao thông – Vận tải và Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV) hồi đầu năm nay thì chỉ tính riêng 250 triệu Mỹ kim mà Việt Nam hỏi vay thêm Trung Quốc hồi giữa năm 2016 để hoàn tất dự án metro Cát Linh – Hà Đông, từ 2018 trở đi, mỗi năm, Việt Nam phải trả cho Trung Quốc 650 tỉ đồng gồm cả vốn lẫn lãi (4).
Bộ Tài chính Việt Nam không cho biết, hàng năm, Việt Nam phải trả thêm bao nhiêu tiền cho vốn và lãi của khoản 553 triệu Mỹ kim mà trước đó Việt Nam đã vay Trung Quốc cũng để thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông. Cứ cho là mức độ… “ưu đãi” mà Trung Quốc dành cho cả hai khối nợ (553 triệu Mỹ kim và 250 triệu Mỹ kim) giống nhau, mỗi năm, Việt Nam sẽ phải trả cho Trung Quốc chừng… 2.000 tỉ đồng.
***
Có sự “tài tình, sáng suốt” nào hơn chuyện vừa tận thu tối đa các loại thuế, phí, kêu gọi dân chúng “đồng cam, cộng khổ”, vừa thản nhiên trả những khoản vốn cộng lãi cỡ 2.000 tỉ/năm cho những dự án chẳng biết đến bao giờ mới hoàn tất kiểu như dự án Cát Linh – Hà Đông?
Giữ gìn tình yêu, phát triển niềm tin nơi Đảng, bảo vệ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN ở Việt Nam rõ ràng là càng ngày càng… khó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét