Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng và ông Raul Castro Ruz, Bí thư thứ nhất BCH TW ĐCS Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba - ẢnhHOANG DINH NAM
Việc Việt Nam xóa nợ cho Cuba được các chuyên gia kinh tế cho hay chỉ là quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, trong khi đó có nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Tuyên bố xóa nợ này được đưa ra trong chuyến thăm Cuba cuối tháng 3/2018 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, theo truyền thông Việt Nam.
'Chỉ là quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản'
Trả lời BBC từ Hà Nội ngày 3/4, tiến sỹ Nguyễn Quang A nhắc lại rằng Việt Nam đã được nhiều chính phủ xóa nợ từ trước tới nay.
"Thời trước là từ các nước xã hội chủ nghĩa, rồi một loạt các nước khác thông qua các cuộc đàm phán ở Câu lạc bộ Paris hoặc Câu lạc bộ London, tùy khoản nợ, có khoản của nhà nước, khoản của doanh nghiệp. Thực sự Việt Nam từ trước đến nay có thể nói là một nước nợ nhiều hơn là cho người khác nợ."
Về việc Việt Nam lần này đóng vai 'người xóa nợ', ông Quang A cho rằng đây "hoàn toàn là vấn đề quan hệ chính trị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cuba."
"Không có vấn đề về lợi ích kinh tế hoặc đòi hỏi có đi có lại hay điều kiện gì cả. Chỉ thuần túy là vấn đề tình cảm giữa các ông ấy với nhau và vấn đề chính trị của hai đảng cộng sản", ông Quang A nói.
"Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng nắm quyền, bất luận là nó nắm quyền chính đáng hay không, được người dân đồng ý hay không. Có thể về mặt hình thức, đây là một quyết định của chính phủ chứ không phải quyết định của đảng. Tôi nghĩ không có gì lạ trong chuyện xóa nợ cho Cuba này cả."
Liên quan đến các điều kiện mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thường đặt ra khi xóa nợ cho một nước, tiến sỹ Nguyễn Quang A nói:
"Cần hết sức lưu ý rằng IMF và chính phủ Việt Nam là hai thiết chế hoàn toàn khác nhau."
"IMF luôn đặt vấn đề xóa nợ, giãn nợ, hoặc cung cấp các khoản nợ tiếp với các điều kiện về cải cách kinh tế. Những điều kiện này thường theo học thuyết Tân tự do một thời người ta gọi là Đồng thuận Washington."
"Còn chính sách của chính phủ Việt Nam tôi cho là hoàn toàn khác. Khoản xóa nợ cho Cuba mang tính chất chính trị, tình cảm hơn."
"Tất nhiên Việt Nam cũng khuyên Cuba cải cách kinh tế từ lâu rồi, chí ít từ thời ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng. Nhưng giữa Việt Nam và Cuba thì hoàn toàn không có chuyện đặt điều kiện trong việc cho vay hay xóa nợ."
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng có cùng ý kiến.
Ông cho BBC hay ông tin rằng hành động này "thể hiện tình hữu nghị và sự biết ơn của Việt Nam đối với sự giúp đỡ của Cuba và giúp Cuba vượt qua tình hình kinh tế khó khăn hiện nay".
Cần thông qua ai?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng theo thông lệ quốc tế, việc xóa nợ phải được thảo luận trong một câu lạc bộ, ví dụ Câu lạc bộ Paris, về các điều khoản và điều kiện giữa chủ nợ và con nợ.
Nhưng trong trường hợp Việt Nam và Cuba thì 'đây là quan hệ đặc biệt'.
"Tôi không được biết chi tiết của thủ tục cũng như tờ trình như thế nào về việc xóa nợ này và nó được thực hiện qua quốc hội hay qua các cơ quan có thẩm quyền như thế nào", ông Doanh nói.
"Theo tôi trước hết phải thông qua quốc hội vì đây là cơ quan giám sát tối cao về việc thông qua ngân sách này. Tôi không có thông tin về việc này."
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói thường chính phủ bao giờ cũng là người lo chuyện này, trong khi Bộ Tài chính lo khâu tính toán, cân đối, rồi khuyến nghị.
"Nói chung cơ quan hành pháp là nơi người ta quyết định về việc vay nợ hoặc xóa nợ cho các con nợ", ông Quang A nói với BBC từ Hà Nội.
"Tôi nghĩ không có nước nào trên thế giới trưng cầu dân ý về việc xóa nợ cho một con nợ của nước đó. Có thể là họ sẽ phải cân nhắc khi quyết định xem ý kiến như thế nào, dư luận ra sao. Còn bảo lấy ý kiến người dân rồi bỏ phiếu quyết định thì chuyện đấy tôi nghĩ rằng tôi chưa từng nghe thấy ở nơi nào."
'Lạm quyền'?
Thông tin 'xóa nợ' cũng làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong cộng đồng người Việt Nam.
Tác giả Trần Thành của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cho rằng "ngay cả trong trường hợp Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng ngân sách của Đảng để cho Cuba vay qua hình thức viện trợ hoàn lại, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng không được trao quyền tùy nghi sử dụng khoản tiền này, mà nó chịu sự quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước."
"Ông Nguyễn Phú Trọng phải có tờ trình gửi Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xóa nợ viện trợ cho Cuba".
"Việc đơn phương tuyên bố xóa nợ với Cuba... sẽ không có giá trị thi hành. Thậm chí, nếu thực sự thượng tôn pháp luật, việc tuyên bố xóa nợ này của ông Tổng Bí thư mang dấu hiệu vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước, Điều 18.1 về "Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước", là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước".
Tác giả Trần Thành cho rằng đây là hành vi 'lạm quyền', vì với nợ chính phủ, cần có sự phê chuẩn của quốc hội bằng một văn bản minh bạch gọi là 'Nghị quyết xóa nợ'.
Ông Thành lấy ví dụ năm 2014, Nga xóa 90% trong tổng số nợ 35,3 tỷ đôla của Cuba 'với những ràng buộc được công khai cho dân chúng'.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng "không thông báo là nợ cụ thể bao nhiêu, xóa như thế nào và đánh đổi những vấn đề gì trong chuyện xóa nợ ấy."
"Căn cứ vào Điều 4, Hiến pháp 2013 và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, việc Tổng Bí thư tuyên bố "xóa nợ Chính phủ cho Cuba" là một tuyên bố vô hiệu vì trái thẩm quyền, không có giá trị thực hiện, kể cả khi viện dẫn thỏa thuận về các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết", ông Trần Thành lập luận.
"Nôm na, với tuyên bố "xóa nợ Chính phủ cho Cuba", ông Tổng Bí thư đã vi phạm về chính điều khoản mà ông từng đưa ra là không "tham vọng quyền lực" tại Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành."
Facebooker Nguyễn Lương Anh Tuấn thì đặt câu hỏi về vai trò của người ra quyết định xóa nợ: "Với tư cách là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì đảng của ông làm gì cho ra tiền để giúp Cuba xóa nợ?"
'Chấp nhận được'
Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ quyết định này.
Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan cho hay 'không đồng ý' với các ý kiến bất bình việc ông Trọng xóa nợ cho Cuba, đồng thời đưa ra ba lý do:
Thứ nhất, chắc đây "không phải là quyết định mang tính bột phát cá nhân mà phải có sự bàn bạc trước chuyến đi rồi".
Thứ hai, "Việt Nam đã nhận trợ cấp kể từ 1945 tới nay", "từ lương thực thực phẩm, thuốc men y tế; từ lĩnh vực dân sự tới lĩnh vực quốc phòng. Ai trong chúng ta ngồi đây không từng ăn mì ép, bo bo, bột mì" tới "sử dụng những công trình từ nguồn viện trợ". Mới đây nhất Việt Nam nhận viện trợ gạo từ Nam Hàn.
"Đời có vay, có trả; nên sẽ đến lúc Việt Nam cần viện trợ hoặc giúp đỡ các quốc gia nghèo khó hơn, châu Phi chẳng hạn", nhà báo Việt Hồng bình luận.
Thứ ba, " Việt Nam cũng từng được nhiều nước xóa nợ" và "Cuba là quốc gia nhiều ân tình với Việt Nam hay nói đúng ra là với chính quyền Cộng sản, nên việc hành xử này, theo mình là chấp nhận được."
Facebooker Trần Thủy Tiên thì nhắc lại thời khó khăn, Cuba đã có những hành động 'không tiền nào mua được' như gửi máu, thuốc kháng sinh và bác sĩ sang chiến trường miền Nam Việt Nam.
"Cuba cũng là một trong những nước tích cực vận động cho Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc, bỏ phiếu chống lại cấm vận Việt Nam do Mỹ và Trung Quốc phát động", tài khoản Trần Thủy Tiên viết.
Do đó, hành động Việt Nam xóa nợ cho Cuba là 'điều tất yếu', facebooker này nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét