Kỳ Quan
Cách đây vài tuần, tôi đứng trước sự chọn lựa khó khăn, bởi chọn theo hướng nào cũng thấy mình có lỗi. Do biết tôi sắp từ Long An đi TPHCM, người bạn thân trên ấy nhắn vào máy tôi: “Mua giúp vài kg chim chằng nghịch lên nhậu chơi”.
Một lúc sau bạn lại nhắn tiếp: “Hôm rồi đi miền Tây về ngang Long An mua chim chằng nghịch về nhậu vừa rẻ vừa ngon”.
Chằng nghịch là loại chim tự nhiên chỉ có ở miền Tây Nam Bộ. Là dân miền Tây, nhưng tôi chưa một lần trong đời được nếm mùi loại chim này, đơn giản là vì chim chằng nghịch bây giờ rất hiếm. Các bậc cha chú cho biết, cách đây chừng nửa thế kỷ, có thể ra đồng săn chim chằng nghịch về làm mồi nhậu. Nhưng bây giờ loại chim này gần như biến mất khỏi đồng ruộng miền Tây. Thỉnh thoảng có người đi biên giới về xách theo vài con làm quà cho bạn nhậu như một sự hoài niệm.
Ấy vậy mà, hiện trên Quốc lộ 1 từ miền Tây về TPHCM đoạn qua tỉnh Long An, “chim chằng nghịch” được bày bán tràn ngập. Chỉ một đoạn đường ngắn vài cây số qua thị tứ Cầu Voi, tôi đếm được gần 30 quầy bán “chim chằng nghịch” ven đường. Ở mỗi điểm bán, người ta trưng bày hàng trăm con chim đã được làm sạch lông, thân chim đã qua lửa vàng ươm trông rất hấp dẫn. Mà giá bán rất rẻ, chỉ khoảng 200 nghìn đồng 1kg chim đã làm sạch lông, khoảng 7 - 8 con. Một người bạn mới đi Campuchia về cho biết, ở khu vực biên giới, 200 nghìn đồng chỉ mua được 2 con chim chằng nghịch. Vậy “chim chằng nghịch” ở đâu mà người ta bày bán đầy QL1 và bán rất rẻ? Không khó để tìm câu trả lời. Chỉ cần quanh quẩn 1 quầy bán chim và để ý quan sát, sẽ rõ mọi chuyện.
Chim cút nuôi lấy trứng, khi đã già không còn khả năng cho trứng, người nuôi “thanh lý” bằng cách bán rẻ cho dân nhậu hoặc làm thức ăn cho cá. Mỗi con chim cút già chỉ bán được khoảng 5 nghìn đồng. Lần nọ, một tay nhậu khi nướng con chim cút qua lửa rơm, thấy thân chim căng phồng lên trông giống chim chằng nghịch. Vậy là một “sáng kiến” ra đời. Người ta dùng đèn khò hơ nóng khắp thân chim cút già, làm cho nó vàng ươm và căng phồng lên, rồi bày bán với cái tên mới “chim chằng nghịch”. Thông thường, người ta làm công đoạn “khò” ở ngay phía sau quầy bán, chỉ che chắn manh vải nhựa sơ sài. Phía trước, người đi đường ghé lại mua “chim chằng nghịch” xuýt xoa: “Vừa rẻ vừa ngon!”.
Nhận tin nhắn của bạn, tôi phân vân bởi lẽ, nếu nói thật chuyện “chim giả”, e sẽ phá mất cái thú ẩm thực loại chim “vừa rẻ vừa ngon” của bạn. Dường như với bạn tôi và nhiều người, thịt chim nào cũng như nhau, có khác chăng là cái tên.
Còn một điều nữa lớn hơn: Hàng tấn chim “cút già” được tiêu thụ mỗi ngày, gắn vào đó là cuộc sống hàng trăm con người. Nếu biết sự thật, có ai còn mua chim cút già đội lốt chằng nghịch.
Cuối cùng tôi đã nói thật với bạn, dù tôi biết những lời nói ra chẳng mấy ngọt ngào.
(Theo Báo Lao Động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét