Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

11053 - ‘Quyền lực mới nổi’ mang tên Nguyễn Thị Kim Ngân




Không biết vô tình hay hữu ý, trong lúc kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019 chứng kiến tình trạng ‘mất tích’ từ đầu đến cuối của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, một hình ảnh uy quyền bất chợt nổi lên. Hình ảnh ấy mang tên Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ tịch quốc hội.
Khác hẳn với tư thế co thủ, thận trọng và gần như ‘khép miệng’ trong nhiều kỳ họp quốc hội trước đây, vào lần này bà Ngân đã khiến giới quan sát và nhiều đại biểu quốc hội ngạc nhiên vì có ít nhất hai lần bà ta cắt ngang phần chất vấn và trả lời chất vấn một cách dũng cảm và… thô bạo.
Vết mờ Thuận Phong
Đầu tiên là vụ ‘chặn họng’ đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân lẫn cắt ngang Bộ trưởng Công an Tô Lâm, liên quan đến câu hỏi của đại biểu Vân về vụ phân bón Thuận Phong.
Khi ông Lê Thanh Vân đặt hai câu hỏi “Vụ sản xuất phân bón giả Thuận Phong, đã được nhiều đại biểu quốc hội liên tiếp hai khóa và hai vị hai phó thủ tướng, trong đó có một vị nay đã là thủ tướng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhưng vì sao đến nay chưa khởi tố?”, đến lượt Bộ trưởng Tô Lâm vừa trả lời "đại biểu hỏi về công ty sản xuất thương mại Thuận Phong…", thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - nhân vật chủ trì phiên họp - lập tức ngắt lời.
Bà Ngân nói: "Câu này rất cụ thể, có trách nhiệm của cả Viện Kiểm sát, do đó nó không nằm trong chuyên đề này."
"Tôi đề nghị những vụ việc cụ thể, sẽ trả lời bằng văn bản vì sao chưa khởi tố công ty Thuận Phong mà Quốc hội cũng nhiều lần nhắc ở đây."
"Bộ trưởng và Viện Kiểm sát sẽ trả lời bằng văn bản cho đại biểu Lê Thanh Vân."
Nhưng theo luật sư Trần Vũ Hải, nhiều quan chức cao nhất và các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ đã khẳng định, vụ phân bón Thuận Phong đã đủ dấu hiệu truy cứu trách nhiệm về hành vi “sản xuất, buôn bán phân bón giả”, song nhì nhằng mấy năm nay vẫn chưa khởi tố vụ án hình sự.
Lẽ ra người dân cần biết, những thế lực nào “mạnh” đến mức phủ định cả những ý kiến của những lãnh đạo Chính Phủ và kết luận của 6 bộ ngành về vụ phân bón giả này? Và trách nhiệm của Quốc hội đến đâu trong việc giám sát vụ nổi bật này?
Nhưng bà Ngân lại để cho Bộ Công an và Viện kiểm sát trả lời riêng cho ông Nghị Vân là không thoả đáng, không công khai, minh bạch. Biết đâu, có ngày Bộ công an trả lời cho ông Nghị Vân, rồi đánh dấu “bí mật” như thư trả lời ông Dương Trung Quốc về vụ bắt cụ Kình ở Đồng Tâm. Khi đó “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chỉ là khẩu hiệu đầu lưỡi của các vị thôi!
Cũng theo luật sư Hải, bà Ngân đã xâm phạm đến quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội và quyền hạn lẫn trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình của một thành viên Chính Phủ, nhưng đặc biệt là quyền của cử tri, quyền giám sát các đại biểu Quốc hội và các cơ quan công quyền, nhất là quyền được biết về hoạt động của những cơ quan đó, có đúng luật không và có vì dân không, nếu làm chưa tốt, ai chịu trách nhiệm và xử lý thế nào, kể cả cấp trên của những người vi phạm.
Còn theo nhiều chuyên gia, vụ này nếu không xử lý kiên quyết, sẽ là tiền lệ xấu khiến tình trạng sản xuất buôn bán phân bón giả, kém chất lượng tiếp tục ngang nhiên lộng hành tại Việt Nam, đặc biệt tại Nam Bộ, quê hương của chính bà Ngân, thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân Việt Nam.
Thái độ ‘chặn họng’ thô bạo của Nguyễn Thị Kim Ngân về vụ phân bón giả Thuận Phong đang bị dư luận nghi ngờ về động cơ của bà ta muốn che đậy cho Thuận Phong khỏi bị khởi tố và truy tố.
Bệt đen ‘luật bán nước’
Vụ ‘chặn họng’ tiếp theo của Nguyễn Thị Kim Ngân xảy ra với đại biểu Nguyễn Anh Trí khi đại biểu này cắc cớ hỏi về dự luật Đặc khu.
Xin ông phân tích, đánh giá nếu lập 3 đặc khu kinh tế thì mức độ phát triển của nó như thế nào đối với địa phương, với vùng đó?” - đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - quan chức thay mặt Thủ tướng đăng đàn tại Quốc hội khoá 14 tháng 5 - 6 năm 2019.
Việc ra đời đặc khu không ảnh hưởng gì tới nguồn lực của Trung ương, địa phương tập trung cho phát triển 2 đầu tàu kinh tế và 7 khu kinh tế trọng điểm” - Vương Đình Huệ trả lời.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Trí cho rằng bản thân ông không hài lòng với câu trả lời của phó thủ tướng và nhắc lại “Vấn đề tôi muốn hỏi ở đây là rồi đây Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc sẽ phát triển tới mức nào nếu chúng ta cho làm đặc khu? Cái này tôi muốn phó thủ tướng thông tin cho dân biết? Thứ hai nữa là việc phát triển đặc khu như thế thì vấn đề an ninh toàn vẹn lãnh thổ sẽ được tính như thế nào?
Ngay lập tức, Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời “Quốc hội đang bàn Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hiện chưa ban hành, để có câu trả lời đầy đủ vấn đề đại biểu nêu thì cần nghiên cứu chặt chẽ hơn. Cho nên tôi đề nghị đại biểu cho phó thủ tướng có thời gian chuẩn bị và sẽ trả lời câu hỏi của đại biểu bằng văn bản“.
Vụ ‘chặn họng’ trên lại xảy ra đúng vào thời điểm ‘kỷ niệm’ tròn một năm phát ngôn ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’
Rất nhiều người thắc mắc và bức xúc vì sao bà Ngân lại ‘chặn họng’ đại biểu về dự luật Đặc khu.
Hãy quay ngược về quá khứ: vào tháng 5 năm 2018 khi ‘luật bán nước’ - một cái tên bi thảm mà người dân đã gọi để lên án Luật Đặc khu và vẫn tồn tại cho đến giờ đây - thình lình được trình ra Quốc hội mà không trước đó không hề thông báo cho dân biết, một số đại biểu quốc hội đã có thái độ thắc mắc, phản ứng về hành vi khuất tất đó và những hậu quả mà Luật Đặc khu có thể rước về. Nhưng ngay lập tức, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ‘chặn họng’ theo lối áp đặt ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’. Chính từ thái độ và hành động áp đặt theo lối ‘cả vú lấp miệng em’ như thế, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn của nó: vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh mà được sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của phía Trung Quốc cùng sự tham gia trực tiếp của một nữ cố vấn Đào Nhất Đào của Tập Cận Bình, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này, cùng với Phạm Minh Chính đã ‘nhiệt tình vỗ tay’ dành cho ‘luật bán nước’!
Vùng lên!
Tâm thế và tư thế ‘vùng lên’ của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - nhân vật đứng thứ ba trong ‘tam trụ’ sau Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc - đang phác thảo bức tranh loang lổ bệt màu về chính trường Việt Nam trong thế phân ly: nếu trong tương lai Nguyễn Phú Trọng không thể đủ sức khỏe để ‘cống hiến lâu dài cho cách mạng’, khuynh hướng chuyển giao quyền lực cho các khối đảng, lập pháp, hành pháp và gia tăng quyền lực trong từng khối sẽ hiện ra một cách tất yếu, để từ đó phát sinh mô hình ‘đa trung tâm quyền lực’ mà nhiều quan chức cao cấp thèm muốn nhưng chẳng ai dám chính thức công khai tham vọng ấy.
Nhưng chưa cần đến lúc Nguyễn Phú Trọng ‘nằm xuống’, ngay vào lúc này đã hiện ra cảnh trạng ‘vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm’. Tâm lý muốn thể hiện quyền lực sau một thời gian dài bị kềm hãm là hoàn toàn có thể cảm thông được, nhất là với lãnh đạo của cơ quan ‘dân cử’ vẫn luôn bị dư luận xem là ‘bù nhìn’.
Cần nói thêm, ứng với truyền thống chọn lựa nhân vật trung dung và nằm ngoài giỏ cua đấu đá phe phái là chủ tịch quốc hội cho ghế tổng bí thư - mà những Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng đã từng ‘buồn ngủ gặp chiếu manh’, Nguyễn Thị Kim Ngân cũng xứng đáng có được niềm hy vọng nhái lại để biết đâu đấy có thể biến thành tổng bí thư nữ đầu tiên tại đại hội 13 của đảng cầm quyền - sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, nếu còn có đại hội đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét