Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

11074 - Những trí thức không an phận


Từ trái qua: Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận, Phạm Toàn.
Từ trái qua: Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận, Phạm Toàn. 



Những ngày này, thông tin về tình hình sức khỏe của một số nhà trí thức lão thành ở Việt Nam tràn ngập mạng xã hội. Đó là những người từ trong lòng chế độ cộng sản như trí thức đối kháng Nguyễn Thanh Giang, cựu chiến binh miền Bắc Vũ Cao Quận, nhà giáo Phạm Toàn Châu Diên với giấc mơ cải cách giáo dục.
Bây giờ thì các vị ấy không còn ăn nói lưu loát rõ ràng như ngày trước, nhưng di sản họ để lại thì vô cùng quí báu mà bao người sau muốn nhắc nhở lại.

Không an phận

Người đầu tiên là tiến sĩ địa vật lý học Nguyễn Thanh Giang, tiếng nói và cây viết phản biện, từng gởi cho RFA những bài như “ Đừng Nhân Danh Đảng Để Vô Hiệu Hóa Quân Đội”, hoặc trên những bài khác nữa, qua đó tố cáo Trung Quốc đã và đang tiếp tục xâm lấn Việt Nam, đã đoạt Mục Nam Quan, Thác Bản Giốc cùng hơn 1.000 cây số biên giới phía Bắc và hơn một vạn kilomét vuông Vịnh Bắc Bộ, chưa kể việc cướp Hoàng Sa, Gạc Ma rồi còn xây sân bay trên Đảo Chữ Thập thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Năm 2006 tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng đã tham gia Khối Dân Chủ 8406 trong tư cách cố vấn.
Trong dự án bauxite Tây Nguyên mà đảng cộng sản chuẩn thuận và thông qua năm 2001, nhà địa vật lý Nguyễn Thanh Giang cũng là một trong những người lên tiếng chống lại mạnh mẽ nhất. Đó là lý do khiến ông và gia đình trải qua một thời khó khăn vì những sự o ép đe dọa từ phía chính quyền.
Năm 2016 tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang bị đột quị, sức khỏe suy sụp nhanh chóng. Người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thanh Giang, cho RFA biết:
Bác bị đột quị 3 năm nay rồi thành ra đấu óc không được tỉnh táo lắm, sức khỏe thì yếu nhiều, bây giờ không đi lại được chỉ nằm thôi, cũng không tự ngồi đậy được. Năm nay 84 tuổi rồi thành ra bác lẫn nhiều, nói năng không được như trước nữa.
Tôi thì tôi nghĩ trước đây ông đã sống xứng đáng nhưng sau khi đột quị rồi thì đầu óc không được bình thường, ăn nói lẫn lộn hơn nữa mắt lại không nhìn thấy gì nữa. Thỉnh thoảng ông cũng tỏ ra nuối tiếc những ngày còn khỏe mạnh. Nuối tiếc thế thôi chứ bây giờ mọi chuyện đã qua rồi và ông không nghĩ được cái gì mới đâu mà.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang hay nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang đúng chuẩn mực một trí thức thập niên 80 và 90 thời bấy giờ, là nhận định của nhà văn đối kháng Nguyễn Xuân Nghĩa, một người rất ngưỡng mộ và thân cận với ông Nguyễn Thanh Giang:
Nếu cứ yên phận trí thức thì bác ấy và cả gia đình không bị o ép khủng bố đâu. Năm 85 bác là tiến sĩ và bác đã nằm trong Viện Hàn Lâm Địa Chất Hoa Kỳ rồi. Bác từng đại diện cho Viện Địa Chất Việt Nam sang bên Hoa Kỳ để tham dự một hội thảo khoa học về địa chất toàn thế giới.
Nhưng rồi với lý trí của một người trí thức bác nhận ra cái bất cập của cả một xã hội Việt Nam dưới sự cai quản của nhà nước độc tài cộng sản. Bác đã phản tình và đấu tranh rất mạnh bằng ngòi bút của mình.
Ngoài những vấn đề xã hội và những bất cập trong sinh hoạt chính trị mà tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang thường nói tới, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết tiếp là ông còn cảm phục cái tầm nhìn vĩ mô của nhà bất đồng chính kiến lão thành này:
Ở chỗ nhận ra con đường Việt Nam phải đi là con đường phải tách xa Trung Quốc. Ngay những năm đầu tiên làm nhà bất đồng chính kiến bác ấy đã có một tác phẩm là Đông Hay Tây, bác ấy gởi Đông Hay Tây cho chủ tịch nước Trần Đức Lương là người bạn thời sinh viên Đại Học Mỏ-Địa Chất. Phản biện và lý luận của bác Nguyễn Thanh Giang đã không lọt vào tai chủ tịch nước Trần Đức Lương mặc dầu có người nói ông cũng nhận được các bài viết ấy.
Nhắc đến tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, còn là chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một thành viên của hội, nhớ lại kỷ niệm khó quên giữa ông với nhà trí thức đối kháng này như sau:
Cuối năm 2013 tôi ra Hà Nội thăm ông Nguyễn Thanh Giang. Đã liên hệ trước rồi nhưng khi đến nhà thì thấy vòng trong vòng ngoài đến khoảng 50 công an, ông Nguyễn Thanh Giang không thể ra được. Sau đó công an bắt tôi về đồn ở phường gần đó và câu lưu làm việc, nói chung là tra tấn tinh thần suốt cả ngày. Đến xế chiều thì họ tống tôi lên máy bay về thẳng Sài Gòn, không cho gặp mặt ai nữa. Đó là kỷ niệm của tôi với ông Nguyễn Thanh Giang và kể từ đó cho tới nay tôi với ông vẫn chưa một lần gặp mặt.

Cựu chiến binh bỏ đảng

Nhà bất đồng chính kiến thứ hai, ông Vũ Cao Quận, tác giả cuốn Gửi Lại Trước Khi Về Cõi với cái nhìn rạch ròi về chủ nghĩa cộng sản mà ông đã nhìn ra những sai sót khiến ông quyết định từ bỏ.
Là một cựu chiến binh quân đội nhân dân miền Bắc, ông Vũ Cao Quận từng tham gia chống Pháp, từng có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ .
Năm nay 85, ông Vũ Cao Quận vẫn được nhớ đến với tên Người Lính Già qua ngòi bút của mình.
Bốn tháng trước ông không may bị té gãy chân khi tự vào nhà vệ sinh một mình lúc đêm. Đến bệnh viện, xét thấy vết gãy và vết thương không thể qua phẫu thuật nên bác sĩ chỉ băng bó và nẹp lại chân lại. Thường xuyên ghé thăm ông Vũ Cao Quận, nhà văn Nguyển Xuân Nghĩa thuật lại:
Cho đến bây giờ thì cụ phải nằm trên giường, bất động, chịu đau đớn. Bác sĩ nói không biết là xương có liền được không. Trí óc của cụ thì lúc nhớ lúc quên. Nhắc đến một vài người quen biết thì cụ vẫn nhớ một vài chi tiết về người ấy.
Cựu chiến binh Vũ Cao Quận xuất thân từ một gia đình tiểu tư sản, là nguyên nhân khiến ông gặp ít nhiều phân biết đối xử từ người cộng sản lúc trước. Khi chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ, ông Vũ Cao Quận giữ chức trung úy. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói tiếp:
Thế rồi cũng như hàng triệu thanh niên Việt Nam thì ông cũng đã tham gia vào cuộc chiến mà người ta gọi là “giải phóng miền Nam, chống Mỹ cứu nước”. Sau khi giải ngũ thì ông dần dần tỉnh ra và năm 1996 ông đã làm đơn xin ra khỏi đảng.
Lý do là vì, ông Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh, trong thời gian tham gia sinh hoạt đảng, ông Vũ Cao Quận đã có những phát biểu bị cho là khó nghe về xã hội, về tham nhũng, ý kiến của ông không được ủng hộ:
Nhận thấy rằng đảng cộng sản Việt Nam không còn tồn tại trong lý trí cũng như tình cảm của ông nữa cho nên ông đã viết đơn xin ra khỏi đảng cộng sản và ông ngừng sinh hoạt từ đó.
Từ khoảng năm 2000, ông Vũ Cao Quận bắt đầu viết những bài chính luận để phản biện chủ nghĩa Mác Lê , phản biện đường lối chính trị của đảng cộng sản Việt Nam. Người Lính Già Vũ Cao Quận sau đó dần tiếp xúc làm quen và kết nối cùng những người bất đồng chính kiến thời bấy giờ như tướng Trần Độ, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vân vân, cùng những người này tham gia Khối Dân Chủ 8406 cách này cách khác.
Ông Vũ Cao Quận từng bị an ninh và chính quyền răn đe, cảnh cáo nhiều lần trước khi bị bắt giam 9 ngày hồi năm 2002. Khi được thả, ông tiếp tục công việc phản biện của mình. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói:
Tác giả Vũ Cao Quận và sách Gửi Lại Trước Khi Về Cõi.
Tác giả Vũ Cao Quận và sách Gửi Lại Trước Khi Về Cõi. Nguồn: baotreonline.com
Những bài viết của ông được đăng trên những báo hải ngoại như Thông Luận, Tự Do Dân Chủ, Đối Thoại vân vân. Suốt trong thời gian ấy ông luôn bị chính quyền o ép, an ninh canh nhà ông liên tục, họ ngăn cản ông đi lại cũng như ngăn cản những người bạn đến thăm ông. Cuộc sống của ông bí bức cho đến những năm gần đây . Do ông tuổi cao sức yếu ông không còn bị canh giữ nữa. Ông đã già, những việc cần làm ông đã làm rồi, nghĩa vụ ông đã hoàn thành rồi, Bây giờ thì xin lỗi là ông có thể chỉ còn một hai năm nữa trên thế giới này thôi.
Từ Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng của báo Thông Luận, kể về mối tương giao giữa ông với tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và cựu chiến binh Vũ Cao Quận qua nguyệt san Tổ Quốc do chính ông Nguyễn Thanh Giang phụ trách ở trong nước:
Năm 1998 ông Vũ Cao Quận liên lạc với ông Nguyễn Thanh Giang khi đó phụ trách nguyệt san Tổ Quốc phát hành trong nước. Người nhân phân phối là anh Nguyễn Thanh Giang, có cả Nguyễn Xuân Nghĩa là người trẻ hơn.
Lúc đó qua liên lạc tôi được biết anh Vũ Cao Quận, tôi phục anh là một ngòi bút sắc bén của một người từng tiếp xúc thực tế và trực tiếp với chế độ cộng sản, đã nhìn ra được những cái sai về mặt lý thuyết của cộng sản. Năm 2000 trở đi những anh em hợp tác với tờ Tổ Quốc như các anh Phạm Quế Dương, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn đều bị bắt hết. Anh Quận tuy không bị bắt nhưng bị bao vây rất nhiều. Có lẽ bị áp lực nên sự liên lạc giữa chúng tôi ít đi, nhưng phải nói một điều là tôi vẫn giữ cho anh Quận sự kính mến rất chân thành.

Nhà cải cách giáo dục

Và sẽ là một thiếu sót lúc này nếu không nhắc đến nhà giáo Phạm Toàn, người trải hết đời cho giáo dục, là một trong những trí thức đã khai sinh Trang Bauxite Việt Nam, nhưng quan trọng nhất là bộ sách giáo khoa Cánh Buồm do ông chủ xướng:
Với tuổi 87 gần bước sang 88, sức khỏe ông Phạm Toàn suy giảm từng ngày, không còn nghe và trả lời điện thoại như trước nữa. Người vừa đến thăm nhà giáo Phạm Toàn cách đây vài hôm là ông Nguyễn Đình Ấm, cựu phóng viên Tạp Chí Hàng Không Việt Nam cho biết:
Hôm qua tôi sang thì bác cũng mệt, tai bác đã nghễnh ngãng từ trước rồi nên nghe rất kém nên khó trao đổi qua điện thoại. Tôi thấy tinh thần và sắc thái không thay đổi nhiều nhưng cơ thể gầy hao rất nhiều, bác bị ung thư chắc cũng giai đoạn cuối rồi, nửa tháng nay không ăn cơm được. Hôm tôi đến thì bác vẫn đang trao đổi với các cháu để hoàn tất sách giáo khoa Lớp 11 và 12.
Hãnh diện làm một trong những người bạn vong niên của nhà giào Phạm Toàn, cựu phóng viên Đài Truyền Hình Việt Nam Lê Phú Khải nói ông may mắn được góp mặt trong ê kíp soạn thảo bộ sách giáo khoa Cánh Buồm với người mà ông quí trọng:
Cả đời bác Phạm Toàn băn khoăn về việc giáo dục cho các em học sinh Cấp Một, làm thế nào mà giáo dục cho các em được học tập tự do, phát huy được tính sáng tạo. Vì thế anh Phạm Toàn, không có vốn liếng gì trong tay, mà dám bỏ ra 10 năm kiên trì để soạn ra sách giáo khoa Cánh Buồm. Đó là công việc rất dung cảm và rất đáng kính trọng.
Tôi có tham gia soạn 2 bài trong sách giáo khoa Lớp 6 và Lớp 7 của bác Phạm Toàn, tôi thấy bác Phạm Toàn có suy nghĩ có tính chất cách mạng mà đúng đắn, chính xác về giáo dục. Chẳng hạn cuốn sách giáo khoa mới của bác về đạo đức thì bác ấy định nghĩa là sống đồng thuận là nội dung của môn Đạo Đức Học trong nhà trường, chứ còn nhà trường chỉ dạy toàn là giáo điều, nó xa lạ và không cập nhật với thời đại.
Không thể quên những nhà bất đồng chính kiến đi đầu trong việc cổ vũ cho dân chủ tự do và cải cách giáo dục cho đất nước, là khẳng định của nhà văn Vũ Thư Hiên hiện đang ở Pháp. Đây là tác giả của Đêm Giữa Ban Ngày đã gây rất nhiều khó khăn cho ông khi còn ở trong nước:
Chúng tôi cùng một chiến tuyến, anh Vũ Cao Quận thì về sau này tôi mới được biết chứ anh Thanh Giang thì tôi biết trước, chúng tôi vẫn thường liên lạc với nhau. Anh em chúng tôi khi nhận ra rằng họ đã làm những điều sai trái thì chúng tôi bỏ, bỏ thì chúng tôi có trách nhiệm nói tất cả những điều gì chúng tôi biết.
Trong mấy anh em thì tôi thân với Phạm Toàn hơn cả, anh còn có bút danh là Châu Diên, hồi xưa giải thưởng văn học trao cho anh là truyện ngắn Con Nhện Vàng. Thời ký ấy tôi, Phạm Toàn, Dương Tường, Nguyễn Xuân Khánh, Hứa Văn Định đều chung một tâm tư một ý nghĩ là con đường mà đảng cộng sản đi hiện nay là sai rồi. Cái sai thứ nhất là nói xây dựng dân chủ nhưng không có dân chủ, cái sai thứ hai lớn hơn là đi theo Trung Quốc, cái sai thứ ba lớn nữa là xô đẩy dân tộc vào con đường nồi da nấu thịt, dùng bạo lực giải phóng miền Nam. Tôi thì đi tù, anh Phạm Toàn không bị đi những cũng bị gọi lên gọi xuống, bị trấn áp chứ không phải là không.
Sau cùng, lời than tiếc của nhà văn đối kháng Trần Khải Thanh Thủy, năm 2011 từ Trại 5 nhà tù Thanh Hóa được đưa thẳng sang Mỹ, hiện cư ngụ tại California:
Tôi vinh dự được quen với chú Vũ Cao Quận, chú Nguyễn Thanh Giang, bác Phạm Toàn. Khi nghe nói họ đang trong giai đoạn chuẩn bị nói tiếng đất mà quên tiếng trời thì tôi đau lòng vô cùng.
Năm 2007 khi tôi vừa ra khỏi tù thì câu thơ “Tôi Đứng Làm Khăn Trắng” tiễn đưa bác Hoàng Minh Chính, và bây giờ câu thơ tôi thực sự không muốn đứng làm khăn trắng chia ly với những người đã từng là thầy của mình cả về tư tưởng cả về nhân cách cao đẹp, cả về những nghĩa cử nhường cơm xẻ áo, đùm bọc cưu mang, chia xẻ những nỗi đau trong tù hay những nỗi nhiễu nhương ngang trái ở đời.
Họ thực sự là những cánh đại bàng, những người bay ngược chiều gió, bơi ngược dòng chảy, lấy ánh sáng trí tuệ của mình soi đường cho những nhà dân chủ trẻ sau này, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ngậm ngùi bày tỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét