Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, ngày 23/06/2019. REUTERS
Mỹ hay Iran, bên nào sẽ châm ngòi cho chảo lửa vùng Trung Đông ? Câu hỏi được đặt ra vào lúc Hoa Kỳ liên tục gia tăng sức ép buộc Iran ngồi đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, tổng thống Mỹ đang thực hiện một chiến lược nguy hiểm có nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự mà cả hai bên đều không mong muốn.
Ngày 23/06/2019, tổng thống Mỹ cho biết không muốn có chiến tranh và muốn đàm phán với Iran trước khi áp đặt một số biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran kể từ thứ Hai 24/06. Trước đó vài ngày, nguyên thủ Mỹ khẳng định vào giờ phút chót đã ra lệnh tạm hoãn oanh kích các vị trí quân sự của Iran.
Ông Robert Malley, cựu cố vấn cho đời tổng thống Barack Obama về Trung Đông trên đài RFI, nhận định rằng những tuyên bố trái ngược của Donald Trump « lúc cương, lúc nhu » cho thấy rõ tâm trạng đầy mâu thuẫn trong con người vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Nỗi ám ảnh làm sao tái đắc cử vào năm 2020 đã khiến tổng thống Mỹ như bị phân đôi trước hai xu hướng : Một mặt, ông luôn hoài nghi về các khả năng can thiệp quân sự của Mỹ : Một trong những chủ đề chính trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông năm 2016 là phản đối các chiến dịch quân sự, đặc biệt là tại Trung Đông.
Mặt khác, nguyên thủ Mỹ lại có nhu cầu đưa ra hình ảnh một vị lãnh đạo « mạnh mẽ », sẵn sàng đàm phán để có được một thỏa thuận tốt hơn so với người tiền nhiệm, nghĩa là sẵn sàng cứng rắn hơn với Iran, bóp nghẹt nền kinh tế Iran và muốn rằng nước này phải chấp nhận tất cả các đề nghị của ông.
Thế nhưng, kiểu chính sách này của Donald Trump dường như đang đi ngược lại những ý định của ông là không muốn có chiến tranh. Bởi vì chiến lược gia tăng áp lực nhắm vào Iran có nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự.
Một quan điểm cũng được bà Armelle Charrier, chuyên gia địa chính trị đồng chia sẻ trên kênh truyền hình France 24. Không như Venezuela và Bắc Triều Tiên, trong cuộc đọ sức với Iran « còn có những thách thức lớn mang tầm cỡ khu vực và có liên quan đến dầu hỏa. Iran là một cường quốc trong khu vực và có một quân đội tinh nhuệ, không biết sợ và quen với chiến trường ».
Mỹ sẽ làm gì nếu như Iran sẽ vi phạm thỏa thuận hạt nhân ? Phải chăng tổng thống Mỹ đang đi quá đà ? Vẫn theo ông Robert Malley, điều này có thể giải thích phần nào phản ứng của Iran trong những ngày qua.
Theo ông, sự việc cho thấy Teheran đã hết kiên nhẫn và nhận thấy rằng cần phải hành động. Thời hạn một năm qua đã đủ, nền kinh tế nước này hầu như kiệt quệ. Do đó, giới lãnh đạo Iran cho rằng phải hành động, hoặc Donald Trump phải thay đổi đường lối chính sách tức là đàm phán trong thế « ngang vai phải lứa » hoặc phải đối đầu quân sự - một điều không bên nào muốn.
Căng thẳng Mỹ - Iran hiện giờ chẳng khác gì một cuộc đọ súng giữa hai đối thủ, lườm mắt gờm nhau mà không ai dám « bóp cò » trước. Ông Ali Vaez, chuyên gia thuộc International Crisis Group ICG trên France 24 cảnh báo : « Chỉ cần một phán đoán sai lầm có thể dẫn đến một cuộc xung đột do tầm mức của những xung khắc hiện nay cũng như là do thiếu vắng những kênh liên lạc giữa hai nước. Và đây sẽ là một miền đất mầu mỡ cho những tính toán sai lầm ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét