Một phần đồ họa dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)
Công chúng vẫn tiếp tục bình luận sôi nổi về tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân: Cử tri không cần lo lắng về cao tốc Bắc Nam không bảo đảm điều này, điều kia vì Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ công trình này. Muốn cảm nhận tường tận tuyên bố của ông Nhân… phản động tới mức nào, phải xem cả bối cảnh lẫn tư thế của ông Nhân khi ấy.
Ông Nhân đưa ra tuyên bố vừa kể không phải với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị hay Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ông thản nhiên xối nước lạnh vào nhiều giới đang băn khoăn về những hệ lụy đối với việc thực hiện phần còn lại của cao tốc Bắc Nam nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục xem nhà thầu Trung Quốc như ứng viên số một, với tư cách là 1/484 cá nhân đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân.
Với một cá nhân là… Trưởng Đoàn Đại biểu của dân chúng TP.HCM tại Quốc hội, thản nhiên gạt phắt cả “ý chí” lẫn “nguyện vọng” của nhân dân một cách trịch thượng như thế, bảo ông Nhân là thành viên của một Quốc hội… bù nhìn, hoàn toàn… thiếu chính xác! Làm gì có thứ bù nhìn nào… quyền uy như thế! Đó rõ ràng là giọng điệu, lối hành xử của bề trên, không thèm bận tâm “kẻ ăn, người ở” nghĩ gì, muốn gì.
Trên danh nghĩa, cuộc gặp gỡ được tổ chức hôm 19 tháng 6 là để những cá nhân được dân chúng các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận ở TP.HCM lựa chọn để thay họ tham gia Quốc hội, bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, báo cáo với những người đã cử mình về kết quả Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Khóa 14.
Song diễn biến cho thấy, buổi “báo cáo” đó là một vở kịch tồi, lẫn lộn bi hài. Đối tượng nhận ủy quyền (Đại biểu Quốc hội) xem phía ủy quyển (cử tri) là rơm rác.
Xét cho sòng phẳng, ông Nhân không phải là đại biểu của cử tri Đơn vị Bầu cử số 6 (hai quận Bình Thạnh và Phú Nhuận), rộng hơn, dân chúng TP.HCM cũng chẳng chọn ông đại diện cho họ tại Quốc hội khóa này (2016 - 2021). Trong đợt bầu chọn Đại biểu Quốc hội khóa 14, ông Nhân được dân chúng Đơn vị Bầu cử số 2 của tỉnh Trà Vinh (bao gồm thị xã Duyên Hải và các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải) cử thay mặt họ tại Quốc hội.
Sau khi ông Đinh La Thăng (Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng Đoàn Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội) bị đảng đuổi đi chỗ khác, ông Nhân được đảng phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM và đương nhiên trở thành Trưởng Đoàn Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội. Chỉ chi tiết đó cũng đủ để thấy, chuyện dân chúng Việt Nam bầu chọn đại diện của mình tại Quốc hội chỉ có giá trị… tương đối. Không hiểu tường tận về sự… tương đối ấy, làm sao ông Nhân dám xử sự… hồn nhiên như vậy với cử tri.
Chẳng riêng ông Nhân, đa số Đại biểu Quốc hội cũng thế. Cũng thế nên thay vì chất vấn, Đại biểu Vương Đình Huệ đứng dậy biện bạch cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc tăng giá điện từng khiến cử tri sôi lên vì giận, theo kiểu: Chẳng chính phủ nào dự đoán được chuyện… hoa sữa sẽ nở vào tháng 5. Cũng thế nên khi góp ý cho Dự luật sửa Luật Xuất – nhập cảnh, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng mới đề nghị thu… “phí chia tay”.
Cũng thế nên ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Ngân đâu cần rút kinh nghiệm sau khi bị cử tri chỉ trích kịch liệt vì sử dụng tư cách Chủ tịch Quốc hội răn đe các đồng viện, rằng thành lập các đặc khu là chủ trương của Bộ Chính trị, cho nên đừng bàn lui về Dự luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt và ở Kỳ họp thứ bảy vừa qua, bà Ngân tiếp tục bảo Bộ trưởng Công an đừng thèm nói gì thêm khi những đại biểu khác thay mặt cử tri chất vấn ông Tô Lâm.
Càng ngày càng nhiều cử tri Việt Nam tỏ ra ngao ngán với Quốc hội, không ít người đề nghị dẹp bỏ Quốc hội để khỏi phải đóng thêm thuế, phí, bao các đại biểu ăn, ở, đi lại, họp hành, cuối cùng phải nghe, phải thấy toàn những chuyện chướng tai, gai mắt, sốt ruột khi một ngày họp ngốn cả tỉ đồng của công qũy nhưng Quốc hội chỉ bàn rặt những chuyện kiểu như Ngọc Trinh ăn mặc hở hang tại… Pháp. Nghĩ như thế, muốn như thế là thiếu thiện chí. Không có Quốc hội, Việt Nam làm sao khắc họa được sự ưu việt của thể chế cộng hòa xã hội chủ nghĩa và nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh?
Quốc hội không phải là bù nhìn, Quốc hội là một thiết chế trang trí cho hệ thống chính trị treo bảng “của dân, do dân, vì dân”. Nước có tàn, dân có mạt vì những nghị quyết, những đạo luật cử tri không muốn, song vẫn được các đại biểu nhất trí thì trách nhiệm vẫn thuộc về… toàn dân. Chẳng phải năm 2014, ông Nguyễn Sinh Hùng, tiền nhiệm của bà Ngân, từng đả thông về phạm trù trách nhiệm đó sao: Quốc hội là cơ quan lập pháp, nếu quyết sai thì phải nhận khuyết điểm chứ không thể kỷ luật. Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai (2)?
Quốc hội là một thiết chế có chủ đích và Quốc hội chính là minh họa rõ ràng nhất cho bản chất của câu thiệu “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, thứ quyền mà cổ nhân đã khái quát là “quyền rơm, vạ đá”. Khi quyền chỉ như rơm, còn vạ nặng hơn đá, ai mới thực sự là… bù nhìn? Đừng có tưởng bở mà bảo đó là Quốc hội!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét