Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, đã hiện hình một bằng chứng không thể chối cãi về nạn lạm phát thực tế ở Việt Nam và một chế độ lao vào tử lộ thu cùng diệt tận đối với dân chúng.
Tăng thu dã man gần gấp đôi!
Báo cáo thu ngân sách trong giai đoạn 2013 - 2018 đã phô trương thành tích: vào năm 2013, thu ngân sách là hơn 828 nghìn tỷ đồng thì 5 năm sau, thu ngân sách đã tăng lên 1,4 triệu tỷ đồng.
Theo tử lộ đó, chỉ trong khoảng thời gian 5 năm gần đây, thu ngân sách liên tục tăng mạnh, tăng ‘dã man’ gần gấp đôi!
Chưa kể vào năm 2019, dự toán thu ngân sách với số thu lên đến 1.411 ngàn tỷ đồng.
Báo cáo thu ngân sách với số thu gần gấp đôi trong giai đoạn 2013 - 2018 đã vô hình trung tiết lộ tỷ lệ lạm phát tối thiểu (chỉ tính theo số liệu trong báo cáo mà chưa phải lạm phát thực tế) đã lên gần 10% mỗi năm, chứ tuyệt đối không phải “được kềm chế dưới 5%/năm” như các báo cáo chính phủ bất cần biết dân chúng và dân sinh. Cơ sở chủ yếu của mức lạm phát này là khi lập dự toán phần thu ngân sách cho năm tiếp tới, các cơ quan của chính phủ và quốc hội luôn phải tính theo tốc độ lạm phát tối thiểu của năm cũ và chấp nhận thực tế này như một sự mặc định.
Vậy là liên tiếp trong nhiều năm qua, dự toán thu ngân sách năm sau đều được ‘quyết’ tăng hơn nhiều so với năm trước – từ 10 đến 12% vào thời kỳ kinh tế còn chưa rơi hẳn vào cơn suy thoái nhưng vẫn vống đến 8 đến 9% trong những năm gần đây, bất chấp phản ứng gay gắt của dư luận xã hội và tiếng kêu than oán ‘doanh nghiệp và sức dân đã cạn’, mà bằng chứng thảm thiết nhất là tỷ lệ doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới.
Chẳng hạn vào năm 2017, trước tình trạng ngân sách cạn kiệt và đè đầu dân chúng, thuế sử dụng đất đã được âm thầm “thí điểm” tăng gấp 3-4 lần ở một số địa phương, đặc biệt tại “con bò sữa Sài Gòn” là nơi có số doanh nghiệp nhiều nhất và mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất quốc gia. Nhiều gia đình do không biết âm mưu tăng vọt thuế như vậy nên đã vẫn lầm lũi nộp tiền sử dụng đất cho đến nay, khiến kết quả thu ngân sách từ sắc thuế này lên đến hơn 80 ngàn tỷ đồng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017.
Nhưng chi ngân sách luôn cao hơn hẳn phần thu. Dự toán chi ngân sách năm 2019 lên đến 1.633 ngàn tỷ đồng, trrong đó hơn 70% là ‘chi thường xuyên’ để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “còn đảng còn mình”, trong khi tỷ lệ này ở các nước tiên tiến trên thế giới chỉ khoảng 50% hoặc dưới 50%. Đây chính là nguồn cơn khủng khiếp nhất khiến ngân sách luôn thu không đủ chi và luôn bị bội chi.
Vậy chính phủ ‘kiến tạo’ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm được gì để tinh giảm biên chế và tinh gọn bộ máy?
Giảm 40 ngàn chỉ là số ảo?
Dù báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 24/12/2018 về tình hình thực hiện ‘công tác cải cách hành chính’ năm 2018 cho biết kết quả tinh giản biên chế tính từ năm 2015 đến ngày 15/10/2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người, nhưng thật ra chiếm phần lớn trong số đó vẫn là người hưởng chính sách về hưu trước tuổi với 34.948 người (chiếm gần 86,3%), còn số đương chức đương quyền thì chẳng có mấy.
Sau khi xem xét kỹ hơn sau con số báo cáo của Bộ Nội vụ, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã phải cho rằng việc tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách còn bất cập, cụ thể: Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách còn nhiều…
Cần nói thêm, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách đã lên tới 11 triệu, chiếm đến hơn 10% trong tổng dân số.
Trong thực tế, bài toán ‘tinh gọn bộ máy’ và ‘tinh giản biên chế’ vẫn còn lâu mới được giải quyết, hoặc chẳng bao giờ được giải quyết.
Từ sau Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 khi đảng ra nghị quyết về giảm 10% biên chế, cho tới nay bộ máy của đảng và các cơ quan chính phủ vẫn tiếp tục phình to mà chẳng hề giảm đi chút nào. Con số tinh giản biên chế được 40 người của Bộ Nội vụ là rất đáng nghi ngờ, bởi nhiều thông tin cho biết rất nhiều trường hợp công chức nằm trong diện bị cho nghỉ việc đã tìm cách ‘chạy’ sang những cơ quan khác cùng ngạch công chức, hoặc chuyển về những đơn vị sự nghiệp để trở thành viên chức.
Có nghĩa là trong lúc chỉ hô khẩu hiệu về giảm biên chế, đảng và chính phủ lại chăm chăm tìm mọi các để ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, hoàn toàn không quan tâm gì đến số người nghèo đang tăng phi mã ở rất nhiều địa phương. Và cũng không hề biết là đến một lúc nào đó, có lẽ không còn xa nữa, hàng triệu người dân và cả công chức hưu trí sẽ phải ồ ạt xuống đường để phản kháng chính sách thu cùng diệt tận giai đoạn cuối của chính thể ‘chỉ biết ăn không biết làm’ này.
Chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’
Ngân sách nhà nước năm 2019 và những năm tới sẽ đào đâu ra tiền để nuôi đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “còn đảng còn mình”?
Lại in tiền và in tiền ồ ạt?
Song vào lúc này, ngay cả thao tác in tiền để “bù đắp khó khăn ngân sách” đang trở nên quá nguy hiểm trong bối cảnh lạm phát thực tế đã lên tới vài ba chục phần trăm mỗi năm. Chỉ so sánh con số tổng dư nợ tín dụng cho vay vào thời điểm năm 2008 là 2,3 triệu tỷ đồng và vào năm 2017 lên đến khoảng 7 triệu tỷ đồng - tức gấp đến 3 lần, thì trong gần một chục năm qua Bộ Chính Trị đảng và Ngân Hàng Nhà Nước rất có thể đã phải cho in tiền từ 400.000 - 500.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vào thời Nguyễn Tấn Dũng “tiền ra như nước Sông Đà.”
Chỉ còn cách tăng thuế.
Thuế, thuế và thuế!
Giá điện, giá xăng dầu phi mã và cả ‘giặc cướp’ mang tên BOT…
Các mưu đồ và hành vi tăng thuế lại xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 11 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo.
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Một đảng Cộng sản ‘của dân, do dân và vì dân’ nhưng đang đẩy dân chúng vào cảnh tàn mạt bởi chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét