Mấy năm trước, một người bạn muốn tôi nói chuyện với con trai của bạn ấy, với hy vọng tôi sẽ thuyết phục chàng trai ấy bỏ ý định viết tiểu thuyết mà tập trung vào chuyên ngành ngân hàng đang theo học ở Mỹ. Tôi phải nói luôn là bạn chọn nhầm người rồi, bởi điều chắc chắn tôi sẽ làm là động viên chàng trai viết tiểu thuyết thay vì chuyên ngành đang theo học chỉ bởi đấy là lựa chọn ban đầu của bố mẹ.
Các bạn có để ý rằng tỉ lệ học một thứ, làm một thứ khác xảy ra rất nhiều không? Hai bằng Bách Khoa của tôi là vô ích bởi tôi không có đam mê về mấy ngành ấy. Tôi chỉ toàn làm những thứ mình không có bằng cấp nhưng tôi làm tốt bởi lòng đam mê.
Mấy năm đại học là gì đâu. Hai năm đầu học những kiến thức không hề phục vụ cho công việc. Những năm sau học về chuyên ngành nhưng lượng kiến thức ấy nếu một người đam mê là hoàn toàn có thể tự học được trong một thời gian ngắn hơn nhiều.
Điều tôi muốn nói ở đây là việc hướng nghiệp cho người trẻ ở Việt Nam hầu như không có và nếu có thì rất hời hợt, không có tác dụng. Nhiều gia đình ở nước ngoài cho trẻ em có một năm nghỉ ngơi sau khi tốt nghiệp phổ thông, trẻ em có thể đi lao động chân tay, có trải nghiệm về cuộc sống thực, có thêm thời gian tìm kiếm điều mình đam mê.
Tìm được công việc yêu thích là một việc vô cùng quan trọng với đời người. Cũng y như việc hiểu về con người để tìm cho mình một người bạn đời phù hợp vậy. Người Việt Nam đa phần chỉ để ý công việc có mang lại nhiều tiền không, chọn bạn đời cho con thì đối tượng có công ăn việc làm ổn định không.
Chẳng thế mà cha mẹ ở Việt Nam, đặc biệt ở nông thôn rất thích cho con vào trường công an, quân đội bởi họ nhìn thấy vẻ hào nhoáng bên ngoài, bộ quân phục, lương ổn định, có quyền lực trong xã hội.
Giống như cậu giáo Ngọc, những phụ huynh ấy chỉ quan tâm tới “nồi cơm”, còn những thứ như “niềm vui sống”, “niềm đam mê”, “lý tưởng”, “mục đích sống”, “đời sống tâm hồn” đối với họ đều là những thứ viển vông. Mấy hôm trước có một cô đăng stt ca ngợi cuộc sống ở Việt Nam khi mà thích cà phê là có cà phê 2 đô ngay, thích du lịch là được đi ngay, ấy vậy mà cứ mong ngóng mấy khái niệm “tự do” hay “dân chủ” như những người trẻ ở Hongkong làm gì cho mệt.
Tôi rất thích sự thẳng thắn trong suy nghĩ của các bạn ấy. Các bạn ấy không ngại ngần bầy tỏ quan điểm của mình, chỉ có điều các bạn ấy hạn chế quá. Nếu nhìn ở góc độ ấy thì chưa chắc các bạn ấy sướng bằng con chó, con mèo đâu. Con mèo nhà tôi, thích cá, thích miếng sườn là chỉ cần kêu “meo” một cái là có. Con chó nhà tôi còn không phải tự tắm, tắm xong còn được chải lông, sấy khô cơ.
Con người sống có mục đích, ngoài việc tìm thứ cho vào dạ dày giống như các con khác thì phần người còn luôn hướng tới những gì đẹp đẽ, cao thượng, biết thương cảm với đồng loại khốn khổ, ăn miếng ăn ngon mà nhìn thấy đồng loại đói là bần thần xót xa.
Các bạn ấy viết đúng nhưng đúng với con vật thôi, không đúng với con người. Chẳng thế mà lũ bò đổ xông vào vỗ tay rầm rầm.
Việc này liên quan tới hướng nghiệp. Bản thân các phụ huynh muốn hướng nghiệp cho con tốt thì trước hết phải học nhiều hơn về con người, để hiểu về nhu cầu, khát vọng của tâm hồn con người. Nghề nghiệp nào khiến một người trẻ cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn là việc kiếm sống như con gà đi kiếm giun, con chim đi tìm sâu… thì đấy mới là một nghề nghiệp tốt.
Có thể một nghề như vậy không có nhiều tiền, nhưng ít ra người ấy cảm thấy mình đang là một con người chứ không phải là một con vật với cái đầu biết tính toán để kiếm ăn được nhiều.
Các bạn đang ca ngợi cuộc sống ở Việt Nam quên hẳn đi một điều là trong xã hội này còn có biết bao người dân nghèo, nhiều dân oan mất đất ngày đêm ngậm ngùi trong đau khổ. Một xã hội được gọi là dân chủ nhưng thực ra là một xã hội “dân khổ”.
Dân được làm chủ trong việc thoải mái hít thở không khí ô nhiễm, tiêu thụ thực phẩm bẩn và làm chủ trong việc chọn áo quan khi chết vì ung thư còn dám bảo vệ quyền lợi của mình và người khác hay tham gia vào việc của đất nước, chỉ ra cái xấu của cán bộ, cuả bộ máy thì hãy cẩn thận, không khéo sẽ phải vào tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét