Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

15604 - Vài nét về Bộ chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương USINDOPACOM



Chiếc hàng không mẫu hạm USS Wasp thuộc bộ chỉ huy USINDOPACOM.Wikimedia Common.


Được thành lập năm 1947, bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (USPACOM) được đổi tên thành bộ chỉ huy Liên quân Ấn Độ - Thái Bình Dương (USINDOPACOM) vào ngày 30/05/2018.
Trang mạng của USINDOPACOM nêu rõ bộ chỉ huy này phụ trách các chiến dịch quân sự tại một vùng rộng hơn 100 triệu dặm vuông (160 triệu km2), tức chiếm hơn ½ quả địa cầu (52%), đi từ ngoài khơi bờ biển phía Tây của Mỹ đến tận bờ Tây của Ấn Độ, từ Bắc Cực cho đến Nam Cực.
Phương tiện và vùng trách nhiệm
Khái niệm bộ chỉ huy Liên quân Ấn Độ - Thái Bình Dương do các nhà chiến lược Mỹ và Úc đưa ra, phản ảnh rõ sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tại một khu vực đông dân nhất và năng động nhất của hành tinh. Rộng hơn nữa, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương lan rộng đến tận các bờ biển châu Phi và bình thường ra bao gồm cả vùng Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, từ năm 2002, vùng Vịnh Ả Rập – Ba Tư do năm bộ chỉ huy tác chiến khác của Mỹ phụ trách.
Tổng hành dinh của USINDOPACOM nằm tại Hawai. Các lực lượng của bộ chỉ huy này đồn trú và triển khai khắp cả vùng. Tổng cộng, USINDOPACOM có đến 375.000 quân nhân và nhân viên dân sự. Cụ thể:
- 106.000 binh sĩ và nhân viên dân sự của Lục quân Mỹ (US Army (quân đoàn 8, sư đoàn 7 và 25 bộ binh, Lục quân Alaska, ban chỉ huy phòng không và chống tên lửa 94, lữ đoàn bộ binh 196, lữ đoàn quân báo 500, trung đoàn thông tin 311, biệt đội phối hợp chiến trường 5);
- 46.000 phi công và nhân viên dân sự của Không quân Mỹ (US Air Force) thuộc các không đoàn 5,7 và 11.
- Khoảng 200 tầu chiến, trong có 5 nhóm tầu sân bay thuộc các hạm đội 3 và 7, gần 1100 thiết bị bay và hơn 130 ngàn thủy thủ.
- Hai quân đoàn thủy quân lục chiến viễn chinh với khoảng 86.000 người và 64 thiết bị bay.
- 1.200 lính đặc nhiệm.
USINDOPACOM còn giám sát cả các lực lượng lính Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, một lực lượng liên quân thường trực, trung tâm tác chiến tình báo liên quân cho vùng Thái Bình Dương, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và một trung tâm quản lý thảm họa, chủ yếu dự phòng công tác bảo vệ thường dân trong trường hợp Hawai bị tấn công bằng tên lửa.
USINDOPACOM có những nhiệm vụ nào?
Nhiệm vụ chính của bộ chỉ huy này là “răn đe mọi hành vi gây hấn và chiếm thế thượng phong trong các xung đột vũ trang nếu như răn đe gặp thất bại”.
Theo giải thích của chuyên gia Alexandre Sheldon-Duplaix, chuyên nghiên cứu lịch sử quốc phòng, trường Ecole Superieure de guerre trên tạp chí Diplomatie (Đối Ngoại – số ra tháng 10 & 11/2019), USINDOPACOM phải xử lý nhiều cuộc xung đột tiềm tàng: Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan; Trung Quốc và các tranh chấp với những nước láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông; Việt Nam và Philippines; Hai miền Triều Tiên và mối quan hệ của hai nước với Nhật Bản; xung đột Ấn Độ - Pakistan. USINDOPACOM cũng phải thực thi năm trong số bảy hiệp ước phòng thủ chung mà Mỹ ký kết.
Tuy nhiên, theo đô đốc Philip S.Davidson, chỉ huy USINDOPACOM, ngoài Bắc Triều Tiên là một hiểm họa hiện tại, trong dài hạn Trung Quốc là mối “đe dọa lớn nhất cho Hoa Kỳ và trật tự thế giới”. Ông ghi nhận là Trung Quốc phát triển mạnh mẽ các năng lực hải quân và đã phóng nhiều vệ tinh (100 chiếc trong năm 2019 so với khoảng một chục chiếc năm 2000) cũng như là các năng lực quân sự khác và tin học.
Dù vậy, đô đốc Davidson tỏ vẻ yên tâm rằng quan hệ của Mỹ và Trung Quốc hiện nay mang tính chất “tranh đua” hơn là “đối đầu”. Đôi bên thường xuyên trao đổi thông tin liên lạc nhằm tránh các sự cố bất ngờ trên không và trên biển.
Mối đe dọa tiếp theo là Nga, vốn được cho là “kẻ hay phá đám”. Tuy không nằm trong vùng giám sát của USINDOPACOM, nhưng bộ chỉ huy này có nhiệm vụ hỗ trợ cho USEUROCOM, giám sát từ Nga đến Vladivostok.
Mục tiêu cuối cùng của USINDOPACOM hành động bên cạnh những quốc gia chia sẻ cùng một quan điểm với Mỹ “chiến đấu trong những vùng xám giữa hòa bình và chiến tranh, và chiến thắng trước khi lâm trận”. Những hành động này sẽ bảo đảm “một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở chống lại những tác nhân hay gièm pha luôn tìm cách đạt các mục tiêu của mình ngoài một cuộc xung đột vũ trang”.
Hướng đến một liên minh quân sự?
Hiện tại, đối thoại an ninh bốn bên (Quadrilateral Security Dialogue – QSD hay còn được gọi là Quad) là đối thoại chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Nhưng Washington và Tokyo hy vọng có thể biến cuộc đối thoại này thành một đối tác gần như là một liên minh quân sự để chống Trung Quốc.
Cuộc đối thoại này do thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng năm 2007, với sự ủng hộ của phó tổng thống Mỹ – Dick Cheney, thủ tướng Úc – John Howard, và thủ tướng Ấn Độ - Manmohan Singh. Chương trình này bổ sung cho đối thoại chiến lược ba bên (Trilateral Security Dialogue – TSD), thành lập năm 2002 giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.
Cuộc gặp TSD đầu tiên năm 2002 chỉ diễn ra ở cấp quan chức cao cấp, rồi cấp bộ trưởng năm 2005. Hoa Kỳ hy vọng các nước đồng minh tham gia vào chiến lược toàn cầu của Mỹ trên phương diện chống khủng bố và phổ biến hạt nhân. Đổi lại, Nhật Bản và Úc muốn có một sự bảo đảm chiến lược duy trì sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Thế nhưng, phải đợi đến tháng 12/2017, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới có thể tái khởi động cuộc đối thoại này tại Manila và nhắc lại một lần nữa một năm sau đó tại Singapore, sau cuộc họp Shangri-La. Lúc này bốn nước mới bảo vệ khái niệm vùng “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở rộng”, nhấn mạnh đến vị thế chung “những nền dân chủ lớn”, ngầm đối chọi với một “Trung Quốc chuyên chế”.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc hy vọng các cuộc họp của Quad trở nên thường xuyên hơn, thế nhưng Ấn Độ lại không muốn gò bó khi khẳng định là New Dehli “hợp tác với tất cả các nước và các định chế trong khu vực nhằm xúc tiến một tầm nhìn chung về một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng”. Ấn Độ còn thể hiện quan điểm khác biệt khi cho rằng không loại trừ Trung Quốc.
Hơn nữa, khi đề cập đến hợp tác hàng hải, Ấn Độ tìm cách bỏ qua mọi tham chiếu có liên quan đến “tự do lưu thông hàng hải và hàng không” hay “luật pháp quốc tế” được đề cập đến trong các bản thông cáo do Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản công bố.
Tháng 3/2019, đô đốc Davidson nhìn nhận là Quad rất có thể sẽ không bao giờ là một liên minh quân sự, trước sự phản đối của Ấn Độ, vốn dĩ luôn lo lắng không muốn bị Hoa Kỳ thao túng. Ông Davidson giải thích rằng vấn đề này đã nhiều lần được đề cập đến, nhưng chỉ huy trưởng hải quân Ấn Độ, đô đốc Sunil Lanba nói rõ là “khả năng tức thì cho Quad là không có”. Nhà nghiên cứu Sheldon-Duplaix kết luận: Sự xuất hiện của một NATO châu Á do USINDOPACOM chỉ huy, sau hơn nửa thế kỷ ra đời SEATO*, dường như chưa phải là chủ đề ưu tiên.
******
SEATO: Southeast Asia Treaty Organization (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á) được thành lập trong giai đoạn 1954 – 1977, quy tụ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Pakistan, Philippines, Thái Lan và New Zealand.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét