Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Cô giáo sai học sinh thu quỹ lớp: tự tử hay giết người?

Chuyện xảy ra ở Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trong một lớp 8 ở một trường trung học cơ sở- trường cấp 2 Đất Đỏ huyện Đất Đỏ. Em Th., vì động đến quỹ của lớp rồi bị nhà trường mời phụ huynh lên làm việc, xấu hổ nên đã uống thuốc tự vẫn. Cái chết của em Th. báo động khủng hoảng trong nhà trường Việt Nam mà nguyên nhân chính yếu là do quy chế.

Ngày 10 tháng 10 năm 2017, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1 nhận được báo tin mất quỹ lớp. Người bị quy đã lấy là em Tr.Th.H.Th kể trên. Số tiền khoảng 1 triệu đồng. Liền sau đó, cô hiệu trưởng yêu cầu em Th lên làm việc và tường trình, rồi cho mời phụ huynh em lên. Chúng ta đều biết là ở Việt Nam, sau khi phụ huynh bị nhà trường kêu lên nói về tật xấu của đứa con thì ngay sau đó về nhà họ sẽ la mắng và đánh đập đứa con của mình. Em Th., trước một áp lực như vậy từ bạn bè, nhà trường và gia đình, đã tự tử.



Hiệu trưởng trường THCS Đất Đỏ trình bày vụ việc của em Th.

Chúng ta đặt vấn đề: nếu không có cái gọi là quỹ lớp đó, hoặc cái quỹ lớp đó phải là do giáo viên đứng ra thu chứ không phải là do học sinh tiêu biểu đứng ra thu, thì có xảy ra chuyện mất không, và nếu không xảy ra chuyện mất thì em giữ tiền và em trộm tiền có tự tử không? Rõ ràng, nếu xóa sổ các loại quỹ linh tinh, đồng thời không cho phép học sinh đứng ra đại diện thu tiền của cho số học sinh còn lại trong lớp, đã chẳng xảy ra trường hợp thương tâm như vậy.


Độ tuổi lớp 8, các em học sinh chỉ mới khoảng 13 tuổi, còn quá bé dại để giữ một số tiền mình chưa kiếm ra, và khi mất rồi thì em giữ tiền cho lớp cũng không đủ bình tĩnh, mà em lỡ dại trộm số tiền thì cũng chưa đủ năng lực hành vi dân sự. Đến năm 18 tuổi, nghĩa là 5 năm sau đó, các em mới là công dân và phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Bao nhiêu năm qua, mọi nhà trường ở Việt Nam đều sinh ra các loại quỹ. Lãnh đạo trường và giáo viên chủ nhiệm thừa “khôn lanh” để không đứng tên mình thu loại quỹ đó, mà giao cho học sinh nào đó trong lớp, tức là đá quả bóng trách nhiệm cho người nhỏ hơn. Người nhỏ đó chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống, được khen cho vài câu thì lấy hết sức ra để làm việc mà em không biết thuộc về mình. Nói thẳng ra, trách nhiệm thu và giữ tiền thuộc về người lớn, và mọi khoản thu chi cần có hóa đơn. Người lớn, là những người tốt nghiệp đại học- cao đẳng trường sư phạm ra, biết vậy mà vẫn làm như vậy.


Vụ việc được lan ra khắp nước đầu tháng 11 này. Tất nhiên, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm không phải trực tiếp giết người. Họ muốn đổ tội cho em Th, còn họ chỉ là lỗi vô ý. Trong mọi tình huống, em Th chỉ là trẻ em 13 tuổi , chưa đúng bao giờ nên chẳng bao giờ sai. Dù làm rõ em Th. kể trên ăn trộm số tiền hay là em bị ép để nhận tội trộm số tiền cho một người khác, có bao giờ nhà trường và giáo viên chủ nhiệm biết được rằng đó không phải là tự tử mà là giết người?


Cô giáo tạo ra tình huống, bắt học sinh thu tiền hộ, tức là tạo ra hoàn cảnh cho học sinh vấp phạm, dẫn đến một mạng người. Một tình huống dẫn đến một mạng người thì kẻ tạo ra tình huống đó mắc lỗi giết người.


Đây không phải là trường hợp duy nhất, có nhiều em giữ quỹ lớp đã tự tử vì tiền quỹ đó lý do nào đó mà mất. Để không có thêm em nào tự tử, chỉ còn cách là hủy bỏ thứ gọi là quỹ lớp, hoặc nếu muốn duy trì thì giáo viên chủ nhiệm tự đi mà thu, đừng sai bảo học sinh thu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét