Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Trump và nhân quyền: đừng buồn

Mẫn Nhi



 

Bởi khi thiếu Trump, thì có thể bản thân người Việt sẽ nhận thức đầy đủ hơn về cái gọi là “tính trách nhiệm” trong công việc của chính người Việt.

Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua đã bày tỏ trạng thái “buồn” trên twitter khi Tổng thống Trump đã không đề cập đến vấn đề nhân quyền trong lần dừng chân tại Việt Nam. McCain, người bị Bắc Việt bắt và tra tấn trong chiến tranh Việt Nam, đã công khai mâu thuẫn với Tổng thống Trump trong nhiều tháng qua.

Tờ New York Times đưa tin, một nhóm 20 đảng viên Cộng Hòa đã kêu gọi Trump trong một bức thư đầu tuần này liên quan đến “kỷ luật nhân quyền ở Việt Nam”.

Trước đó, trả lời phóng viên trên chiếc Air Force One bay đến Hà Nội hôm thứ Bảy, Trump nói rằng mặc dù ông cảm thấy cần phải thảo luận về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, nhưng ông  cũng cần tập trung vào việc giải quyết “nhiều điều khác”.

Vọng ngoại?

Human Rights Watch đã phác thảo nhân quyền Việt Nam là “thảm hoạ trong tất cả các lĩnh vực”.

Cùng lúc đó, với dòng chữ tiếng Anh “Piss on Trump” (Đái lên Trump), ca sĩ Mai Khôi đã gây ra một làn sóng ủng hộ và phản đối.

Dù đúng hay sai, văn hóa hay không, thì cô cũng là một người tìm kiếm nhân quyền, và cô cũng đã cho thấy sự “tức giận” của mình đối với Tổng thống Mỹ.

Cô giận, thậm chí là buồn vì ông Trump đã không nhiệt tình như Tổng thống Obama, không cuộc gặp với giới xã hội dân sự, và không sâu sắc với vấn đề nhân quyền.

Nhưng suy cho cùng, sự “cầu vọng” vào một cá nhân hay thế lực nào đó để nhằm giải quyết vấn đề trong nước cần phải đánh giá và xem xét lại.

Ông Trump có thể không đề cập, nhưng thúc đẩy một sự hỗ trợ nhân quyền cho Việt Nam ở một phương diện khác cũng là điều đáng trân trọng.

Ngày mà bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được phu nhân Tổng thống Mỹ vinh danh không hẳn nhiên mà có. Và liệu chúng ta có phải đồng ý với nhau rằng, đó là một cách hỗ trợ cho nhân quyền, rằng những người như bà Quỳnh tại Việt Nam sẽ không bị quên lãng.

Chúng ta đồng ý sự giúp đỡ của quốc tế luôn là một điều đáng trân trọng hơn là điều đáng mừng. Bởi trân trọng giúp chúng ta tự lực cánh sinh, còn đáng mừng khiến chúng ta dựa dẫm.

Câu chuyện không vọng ngoại cũng đã được nhắc đi nhắc lại trong tiến trình đấu tranh giành độc lập - tự do trong lịch sử Việt Nam, nhưng không phải ai cũng biết.

Người viết nhấn mạnh một quan điểm không bao giờ cũ của cụ Phan Châu Trinh - người đề cập đến chủ nghĩa dân quyền đầu thế kỷ XX rằng: “Không bạo động, bạo động thì tất chết. Không trông cậy người ngoài, trông cậy người ngoài thì tất ngu”.

Dù rằng, như đã đề cập, vì nhân quyền là quá trình dài hơi, nên việc Tổng thống Mỹ - vốn thực dụng về thương mại chưa “đề cập” không có nghĩa là nước Mỹ hay Nghị sĩ Mỹ sẽ quay lưng với nhân quyền Việt Nam. Trường hợp TNS John McCain là một trong những “lương tâm quốc tế” khi nhìn về Việt Nam như vậy.

Tuy nhiên, cần một lần nữa nhìn thẳng vào thực tế là, không ai, và sẽ không ai gánh cho người Việt bằng chính người Việt. Một trạng thái “buồn” không cứu rỗi nhân quyền Việt Nam, nhưng một trạng thái “buồn” và xét lại thì sẽ cứu giúp cho nhân quyền - theo cách bền vững nhất có thể. Nó chấm dứt cái thời kỳ đổi chác nhân quyền lấy thương mại, và ngược lại.

Trò đốt rơm?

Trong khi người Việt đang bận chửi bới nhau vì khẩu hiệu phản ứng ông Trump của ca sĩ Mai Khôi; hờn trách ông Trump là bỏ quên câu chuyện nhân quyền Việt Nam thì báo QĐND lại có dịp vui mừng về sự “nhạt nhân quyền” của Tổng thống Trump, với bài viết mang tiêu đề: Những trò “đốt rơm” lạc lõng giữa ngày hội APEC.

Trong đó, bài viết khẳng định: Trò “la làng” nhân quyền bị thất bại.


Thực ra, “thất bại” là một cụm từ xác quyết mang tính vội vàng, bởi nhân quyền là một quá trình dài hơi. “La làng nhân quyền” là cụm từ miệt thì và cổ hủ, bởi nhân quyền là phổ quát, tìm kiếm giá trị nhân quyền là một động thái tốt cho chính quốc gia, sao lại sử dụng “la làng”?

Khi một quốc gia mà người dân cảm thấy quyền tự do - dân chủ bị hữu hạn, thì họ có quyền “lên tiếng” vì nhân quyền. Và khi một Nghị sĩ từ quốc gia nào đó cũng đồng thuận theo, tức Việt Nam cần xét lại mình.

Đừng buồn

Tóm lại, khi Trump chưa đề cập đến nhân quyền trong chuyến thăm APEC, vì ông muốn bán tên lửa và những thỏa thuận thương mại với Việt Nam thì hãy đừng buồn, và luôn đừng buồn vì điều đó.

Bởi nếu thiếu Donlad Trump, thì có một John McCain.

Ngay cả khi thiếu Trump hay ông J. McCain, thì có thể bản thân người Việt sẽ nhận thức đầy đủ hơn về cái gọi là “tính trách nhiệm” trong công việc của chính người Việt.

Kỳ vọng vào Trump, có thể, nhưng hãy kỳ vọng vào người Việt, chỉ cần sự hiểu biết mở rộng, một ngày nhân quyền sẽ nở hoa.

Và thực tế, người Việt ở cả trong lẫn ngoài, một thế hệ trẻ đã và đang làm điều đó, bằng phương pháp và cách thức mới trong tiếp cận - thúc đẩy nhân quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét