Ông Đinh La Thăng mắng các nhà thầu Trung Quốc khi còn tại chức
.
Chính trị học chưa có tiền lệ
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố nhưng không được tại ngoại hầu tra mà bị tạm giam luôn.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam và bị truy tố trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam, bị truy tố và bị còng tay khi đưa ra tòa.
Đinh La Thăng là ủy viên bộ chính trị đầu tiên bị khởi tố, bị tạm giam, bị truy tố, bị còng tay khi đưa ra tòa và bị án “bóc lịch” đằng đẵng.
Còng số 8
Hình ảnh còng tay Đinh La Thăng hiện ra lồ lộ trong phiên tòa xử vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào đầu tháng 1/2018.
Cựu ủy viên bộ chính trị này thậm chí còn không được đạo diễn cho cầm một tờ báo trên tay hay khoác hờ một cái áo - như một số trường hợp phạm nhân quan chức khác đã được hưởng ân huệ đó như một cách để khỏa lấp khoảng trống khiến lộ ra cái còng số 8.
Chẳng lẽ Tổng bí thư Trọng không còn nghĩ đến “tình đồng chí đồng đội” khi hạ nhục Đinh La Thăng đến thế?
Nhưng hình như tình cảnh đảo lộn nhân tình thế thái giờ đây lại có nguồn cơn từ “vấn đề lịch sử” - một cụm từ mà các văn bản quy định về chính trị nội bộ của đảng cầm quyền rất ưa dùng và tạo thành lý cớ hợp pháp để thanh trừ nội bộ.
Bộ phim chiếu ngược - tái hiện Hội nghị trung ương 6 tại Hà Nội vào tháng Mười năm 2012…
Nụ cười 2012
Đinh La Thăng khi ấy đã là ủy viên trung ương và được thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng ưu ái xếp làm bộ trưởng giao thông vận tải - một “cửa khẩu” rất quan trọng đối với các dòng tiền ra - vào của ngân sách quốc gia nhưng lại gần như thoát khỏi nguyện vọng “kiểm soát quyền lực” của khối đảng.
Vào lúc người xem truyền hình có cảm giác như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mếu máo trong bài diễn văn kết thúc Hội nghị trung ương 6 vì không thể kỷ luật được “đồng chí X”, còn Thủ tướng Dũng ưỡn ngực theo một cách ngạo mạn thường có và rất riêng, người ta cũng nhìn thấy Đinh La Thăng nở một nụ cười đượm vẻ nhạo báng trước những giọt lệ của ông Trọng.
Hẳn một nhà thâm nho như Nguyễn Phú Trọng chẳng bao giờ quên được điệu cười không thèm che giấu trên. Nếu về sau này có cận thần của ông Trọng đã chữa thẹn cho ông bằng một ví von “nước mắt của tổng bí thư rơi vào lịch sử”, thì số phận của Đinh La Thăng cũng đã chính thức chảy ngược vào lịch sử từ nụ cười tưởng như thắng thế của nhân vật mà 4 năm sau có mật độ xuất hiện dày đặc nhất trên báo chí trong Bộ Chính trị.
Năm mùa đông sau cái năm 2012 đầy trớ trêu cay nghiệt thủ đoạn chính trị đó, sự đời đảo lộn. 2017 là năm của Nguyễn Phú Trọng, là năm mà ông Trọng bắt đầu nở một nụ cười có vẻ thỏa mãn và thực chất hơn trong chiến dịch “chống tham nhũng”, như khi ông ta được đón tiếp bằng nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia tại Washington vào tháng Bảy năm 2015.
Nhưng Đinh La Thăng thì không thể cười được nữa. Về Sài Gòn với ý đồ “trấn” thành phố này, với não trạng bị xem là “chủ quan khinh địch”, có lẽ ông Thăng đã không thể hình dung ra thân phận của mình xuống vực thẳm chỉ sau bảy tháng rưỡi kể từ ngày 27/4/2017 khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận về trách nhiệm của “đồng chí Đinh La Thăng” tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - vào thời ông Thăng còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn này.
Sau mọi nụ cười vừa hồn nhiên xả láng, vừa ngạo nghễ ngạo mạn đến mức chẳng còn biết trời cao đất dày là gì, Đinh La Thăng đã “rơi nước mắt vào lịch sử” tại phiên tòa mà ông trở thành bị cáo vào tháng đầu năm 2018.
“Ma trong tù” 2018
Chính trị là chính trị, bên kia đỉnh núi cười cợt là vực sâu nước mắt, và cứ thế luân hoán vị trí cho nhau trong quy luật hoán chuyển không ngừng của tạo hóa và quy luật hưng - diệt của số phận con người. Ngay cả lời sám hối muộn màng “cám ơn người đã kỷ luật tôi” của Đinh La Thăng sau khi ông ta bị loại khỏi Bộ Chính trị và bị đưa về Ban Kinh tế trung ương để “nhốt quyền lực vào chung một lồng” cùng với một “người của anh Ba Dũng” khác là trưởng ban này - Nguyễn Văn Bình, cả sau gương mặt méo xệch để chỉ “xin về nhà ăn tết lần cuối trước khi chấp hành án” của Đinh La Thăng tại phiên tòa mở đầu sự kết liễu số phận ông vào tháng Giêng năm 2018, Thăng vẫn không được ông Trọng cho thoát kiếp lầm than trả giá.
Đã biến mất vẻ ngông nghênh tự mãn và coi trời bằng vung trước đó ở Đinh La Thăng. Đã thực sự phải nhận một trận đòn đau, khẩu khí của Đinh La Thăng trở nên “cừu” hẳn.
Trong phiên tòa ấy, chí ít việc Đinh La Thăng dùng từ lóng “ma trong tù” rất đặc thù của nhà tù đã cho thấy cựu ủy viên bộ chính trị này bắt đầu thấm cảnh tù đày và cũng bắt đầu run sợ trước tương lai.
Một cách chính thức, chiến dịch được coi là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng đã khởi động sau Trung Quốc đúng 5 năm.
Cũng một cách chính thức, Đinh La Thăng đã trở thành Bạc Hy Lai của Việt Nam.
Ai mới là “thần tượng chính trị”?
Vào năm 2012, Tập Cận Bình đã lần đầu tiên ra oai bằng chiến dịch hạ bệ Bạc Hy Lai - ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Trùng Khánh. Sau đó, Bạc bị tống giam và phải nhận án chung thân.
Là một người vạm vỡ với chiều cao gần 1,8 mét, Bạc Hy Lai đã từng là một hình tượng chính trị. Với một số ý tưởng cùng động tác có hơi hướng “cải cách”, Bạc còn trở thành thần tượng trong con mắt nhiều người dân, đặc biệt trong lớp trẻ.
Nhưng trong buổi xét xử Bạc Hy Lai, hai nhân viên cảnh sát đứng bên cạnh Bạc lại cao gần 2 mét - một sự sắp xếp rất Trung Hoa và đầy thâm ý của Tập Cận Bình. Hình tượng chính trị sụp đổ bởi không ai có thể cao hơn tất cả mọi người.
Đinh La Thăng cũng không thể cao hơn và khác hơn tất cả mọi người trong cái bộ chính trị “tỏ ra khôn quá cũng chết”. Cái còng số 8 tra thẳng vào tay nhân vật từng một thời khuếch trương vài ba ý tứ “cải cách thể chế”, từng được một số người xem là “thần tượng chính trị” và để lộ diện ban ngày ban mặt cho cả thiên hạ thấy rõ đã phát đi một thông điệp không chỉ về “không có vùng cấm trong chống tham nhũng”, mà còn “không còn tồn tại thần tượng Đinh La Thăng”.
Vào những ngày này, khi chính trường và kéo theo một phần xã hội Việt Nam bùng lên cơn sóng thần của chiến dịch “đốt lò”, người ta bất chợt nghe vang vọng tiếng tung hô reo hò của một số văn nhân cận thần về hình ảnh và hình tượng Nguyễn Phú Trọng: ban đầu là “Sỹ phu Bắc Hà”, sau đó đến “Hào kiệt của dân tộc’, rồi “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”, và cả “Minh quân”…
Nhanh đến mức không tưởng tượng nổi, trào lưu đại ngôn, lộng ngôn hoặc hơn thế nữa đang biến Nguyễn Phú Trọng thành một hình tượng khác với tất cả và cao hơn tất cả, không biết còn có gì có thể cao hơn thế nữa, thay thế cho “thần tượng Đinh La Thăng”, như một quy luật đời đổi não chẳng đổi của lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét