Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

487 - Trung Quốc hay và dở: Cuộc bút chiến trên tờ Foreign Affairs




Năm 2013, trên tờ Foreign Affairs đã diễn ra cuộc bút chiến sôi nổi về nền chính trị độc đảng của Trung Quốc giữa hai học giả danh tiếng: Eric X. Li và Yasheng Huang.
Cải tổ hay thảm kịch lịch sử?
Trong suốt 60 năm cầm quyền của đảng Cộng sản, Trung Quốc đã cải tổ hết vụ này tới vụ khác, từ tập thể hóa đất đai tới Đại nhảy vọt, từ Cách mạng văn hóa cho tới tư hữu hóa.
Theo Eric Li, đây là minh chứng cho thấy đảng Cộng sản Trung Quốc là một trong những thiết chế chính trị có khả năng tự cải cách cao nhất trong lịch sử thế giới những năm gần đây. Ấy là nhờ đảng Cộng sản rất trọng nhân tài, và tạo cơ hội cho những người nào có khả năng và giàu kinh nghiệm. Từ đó, Trung Quốc có thể thích nghi và đối mặt với bất cứ thử thách nào từ môi trường biến động trong nước và quốc tế.
Song Yasheng Huang không cho rằng Bắc Kinh biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ và có khả năng sửa chữa nó.
Huang trích lời cảnh báo của Thủ tướng đương nhiệm khi đó là Wen Jiabao (Ôn Gia Bảo), rằng nếu không chịu cải cách trước tình trạng tham nhũng và bê bối chính trị, thì “những thảm kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa sẽ tiếp tục tái diễn.” Theo Huang, trong một hệ thống không ai thực sự chịu trách nhiệm, cũng không có cơ chế kiểm soát và cân bằng, thì những lo lắng của Wen Jiabao và của hàng trăm triệu người Trung Quốc đã trải qua nỗi kinh hoàng của lịch sử đều là chân thành và hợp lý.

Nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hóa bị đem đi diễu hành giữa đám đông. Ảnh: Sina Weibo/ Straitstimes.
Có thật là Trung Quốc trọng nhân tài?
Li kể một câu chuyện về Qiu He, trên hành trình từ Phó Bí thư tỉnh Yunna (Vân Nam) lên tới ghế uỷ viên Trung ương Đảng. Ấy là nhờ Qiu đã thử nghiệm một loạt các chính sách rủi ro, ban đầu bị bộ máy quan liêu và dân chúng phản đối dữ dội, song ngày nay ông đã trở nên nổi tiếng nhờ thành tựu của mình. Ông đã biến một trong những miền lạc hậu nhất của đất nước thành một trung tâm thương mại sôi động, với hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân nổi lên chỉ trong vài năm. Đây chính là bằng chứng rất thực tế để cổ xúy cho chế độ nhân tài ở Trung Quốc.
Huang đồng ý rằng hệ thống chính trị Trung Quốc đủ linh hoạt để cho phép một người như Qiu thử nghiệm những chính sách cải cách, và đây chính là một trong những lý do khiến đảng Cộng sản nước này chưa sụp đổ.
Tuy nhiên, câu chuyện mà Li đem ra kể để khuếch trương hình ảnh của Trung Quốc hóa ra lại là chuyện thường ở các nền dân chủ. Không giống như Trung Quốc, nơi mà chính quyền trung ương thâu tóm mọi quyền lực và chủ động phân quyền xuống cấp dưới cho những người như Qiu He, thì hiến pháp của hầu hết các nền dân chủ đều bảo vệ sự phân quyền quyền lực chính trị.
Huang cũng chỉ ra một khía cạnh khác của câu chuyện này. Không kể những người như Qiu, có vô số chính khách Trung Quốc được thăng chức vì những lý do mờ ám. Không thể chỉ lấy mỗi trường hợp của Qiu để quy nạp rằng toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc biết trọng nhân tài.
Trong một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học chính trị Victor Shih, Christopher Adolph, và Mingxing Liu, không có bằng chứng nào cho thấy những quan chức có thành tựu tốt thì dễ được thăng chức hơn những người kém cỏi hơn. Vấn đề ở đây chính là bảo trợ (patronage), và Huang trích lời sử gia Wu Si rằng đây chính là nguyên tắc ngầm ở Trung Quốc để đề đạt chức vụ chính trị.
Nếu người tài không bị giới hạn quyền lực
Phân tích về chế độ trọng nhân tài của Trung Quốc, Liu mạnh dạn cho rằng một người có kinh nghiệm chuyên môn như Barack Obama cũng khó lòng có được một chân quản lý một quận nhỏ trong hệ thống chính trị của Trung Quốc.
Cũng có thể Li nói đúng. Nhưng đó chỉ là một mặt của câu chuyện.
Huang kể lại một câu chuyện về Bo Xilai (Bạc Hy Lai), cựu uỷ viên Bộ chính trị đầy bê bối do hối lộ, biển thủ, lạm dụng quyền lực, thậm chí còn dính dáng tới một vụ giết người, giám sát chiến dịch khủng bố đỏ chống lại các nhà báo và giới luật sư, tra tấn và bỏ tù rất nhiều công dân mà không tuân theo thủ tục pháp lý.
Những người kiểu như Bo Xilai khó lòng có một ghế ở nền chính trị Mỹ. Song ở Trung Quốc, ông ta lại thành đạt. Và trước khi bị phát giác, ông ta sở hữu một thứ quyền lực không bị giới hạn – giống như anh chàng Qiu He kể trên – để rồi sử dụng chúng mà hồi sinh chính cái thảm kịch của cuộc Cách mạng Văn hóa khi xưa.

Bo Xilai bị đem ra xét xử trước tòa năm 2013. Ảnh: Andy Wong/AP.
Lòng dân – tính chính danh của đảng Cộng sản Trung Quốc
Eric Li trích dẫn bằng chứng cho thấy người Trung Quốc ưa thích hiện trạng chính trị.
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2010 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có tới 87% người được hỏi trả lời rằng họ hài lòng với khuynh hướng chung của đất nước, và 66% nói rằng 5 năm qua cuộc sống của họ đã thay đổi đáng kể, và 74% cho rằng họ kỳ vọng tương lai sẽ ngày một tốt lên. Theo Li, hiệu suất chính là thứ khiến người dân ủng hộ đảng Cộng sản tại nước này.
Huang cho rằng, trong một quốc gia vắng bóng tự do ngôn luận, thì cái việc trực tiếp đi hỏi người dân đánh giá hiệu suất của các vị lãnh đạo của họ chẳng khác gì bắt họ làm cái bài trắc nghiệm chỉ có một đáp án.
Song không vì thế mà Huang phớt lờ các kết quả thống kê. Trích dẫn một cuộc điều tra khắt khe hơn của nhóm học giả đăng trên tờ Foreign Affair từ năm 2009, với những câu hỏi theo hướng ít nhạy cảm về mặt chính trị, kết quả cho thấy có 72,3% người được hỏi đáp rằng đất nước họ “xứng đáng có dân chủ ngay lúc này”, và 67% cho rằng dân chủ “phù hợp với quốc gia chúng tôi”.
Biện minh cho tham nhũng
Chính Li cũng phải thừa nhận rằng tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng trong nền chính trị nước này, làm tổn hại tới danh tiếng của đảng Cộng sản. Nhưng theo Li, tham nhũng không phải là vấn đề cố hữu bên trong hệ thống chính trị, mà là hệ quả của quá trình chuyển đổi nhanh chóng của đất nước.
Lấy ví dụ về Mỹ khi tiến hành công nghiệp hóa hồi 150 năm trước, thì nước này cũng tham nhũng chẳng khác gì Trung Quốc ngày nay. Li còn trích ra xếp hạngcủa Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2011, khi Trung Quốc đứng hàng thứ 75 về tham nhũng toàn cầu, đỡ hơn so với Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia, Argentina, và Philippines – tức là những nền dân chủ bầu cử.
Sau khi biện minh bằng những lý lẽ trên, Li kết luận rằng rồi thì chính quyền Trung Quốc có thể vượt qua tham nhũng thôi, nhờ sự ủng hộ của người dân đối với đảng Cộng sản nước này.
Song để phát hiện tham nhũng thì cần phải có minh bạch thông tin. Theo nhận xét của Huang, nền chính trị độc đảng của Trung Quốc là nơi mà thông tin bị bưng bít và khan hiếm.
Ở Ấn Độ, trang I Paid a Bribe (Tôi hối lộ) được mở ra vào năm 2010, như một diễn đàn để người dân tố cáo việc phải hối lộ để được cung ứng dịch vụ công, và cho tới cuối năm 2012 thì trang này đã ghi nhận hơn 21.000 báo cáo về tham nhũng.
Trong khi đó, các cư dân mạng Trung Quốc cũng gắng mở ra các diễn đàn tố cáo tham nhũng như trang 522phone.com, thì chính quyền nước này đã buộc trang web phải đóng cửa. “Thật vớ vẩn khi so con số 21.000 vụ việc được báo cáo ở Ấn Độ với con số không của Trung Quốc rồi kết luận rằng Ấn Độ tham nhũng hơn. Thế mà Li đã làm như vậy đấy.” – Huang viết.
Lý giải về vi phạm nhân quyền
Li cho rằng tuy các phương tiện truyền thông giúp phơi bày những vụ tham nhũng, song đôi khi chính các trang báo lại vòi tiền bằng những câu chuyện bịa đặt. Chính vì đó, chính quyền nên đưa ra những ràng buộc pháp lý đối với các nhà báo, xử phạt những hành vi bôi nhọ và xuyên tạc, hòng giúp cho giới truyền thông trở nên đáng tin cậy hơn trước mắt công chúng.
Song, Li đánh giá rằng ngày nay, người Trung Quốc tự do hơn bất cứ giai đoạn nào khác, khi mà hầu hết mọi người có thể chọn sống ở nơi họ muốn và làm việc theo cách họ chọn, tham gia kinh doanh mà không bị cản trở, có thể đi du lịch trong và ngoài nước, và công khai chỉ trích chính phủ trực tuyến mà không bị trả đũa.
Hàng năm, có hàng chục cuộc biểu tình địa phương chống lại các chính sách, và hầu hết các tranh chấp đều được giải quyết một cách hòa bình.
Theo Li, chính quyền Trung Quốc chỉ nhắm tới rất ít người, chủ yếu là những kẻ phá hoại hệ thống chính trị của Trung Quốc, chẳng hạn như Liu Xiaobo, một nhà hoạt động kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng.
Huang không phản hồi những lý giải này.

Nhà hoạt động nhân quyền Liu Xiaobo mới mất vào năm ngoái. Trong hình là một người phụ nữ cầm ảnh của Liu Xiaobo tại một buổi rước đuốc tưởng niệm. Ảnh: Toby Melville/Reuters.
Vấn đề của phương Tây
Sau khi chỉ ra những điểm mạnh và biện minh cho những điểm dở trong hệ thống chính trị Trung Quốc, Li bắt đầu công kích những vấn đề của phương Tây. Tầng lớp trung lưu đang tan rã, cơ sở hạ tầng bị phá vỡ, nợ nần, các chính trị gia bị thao túng bởi lợi ích nhóm – theo Li, đây là kết quả của nền dân chủ tự do.
Theo Li, “tai ương của phương Tây là do họ tự chuốc lấy”. Thay vì tạo ra những nhà lãnh đạo có năng lực, thì nền dân chủ bầu cử lại khiến người tài rất vất vả mới giành được quyền lực, đến khi nắm quyền rồi lại khó thực thi quyết sách khi mà hệ thống chính trị và pháp luật ràng buộc khiến họ bị tê liệt.
Bởi vậy, Li nói, nhiều nước đang phát triển bắt đầu nhận ra rằng nền dân chủ không giải quyết được tất cả các vấn đề của họ. Một Trung Quốc đầy thành tựu tương phản rõ rệt so với một phương Tây thất bại. Vì vậy, Li cho rằng Trung Quốc không chỉ cung cấp một giải pháp thay thế, mà nó còn là một giải pháp thành công đang hiện hữu.
Tuy nhiên, Huang không đồng tình với bất cứ một lý lẽ nào của Li.
Huang cho rằng những vấn đề mà phương Tây đang gặp phải, thực ra cũng xảy ra ở nhiều nước độc tài khác như là Mỹ Latin hồi 1970 hay là Indonesia năm 1997, do vậy nó không phải là hậu quả của nền dân chủ tự do. Chỉ một vài quốc gia tránh được các cuộc khủng hoảng tài chính do có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, vắng bóng hệ thống tài chính, tuy loại hình kinh tế này không thăng trầm theo chu kỳ như ở phương Tây nhưng nó lại gây ra đình trệ lâu dài.
Theo Huang, dẫu Trung Quốc đạt được những thành tựu kinh tế lớn lao trong vài thập kỷ qua, song nó lại thất bại trong việc làm giảm bất bình đẳng thu nhập, giải quyết nạn tham nhũng, và ngăn cản phá hoại môi trường. Giờ là lúc nên để nền dân chủ ra tay.
Tương lai nào cho Trung Quốc
Tuy nhiên, song song với việc phản bác những luận điểm của Eric Li, Huang cũng vẽ ra một tương lai dân chủ hóa cho đất nước độc tài này.
Mức GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã bước qua ngưỡng để dân chủ hóa, tức là tầm 4.000 đến 6.000 đô-la Mỹ. Huang trích dẫn nghiên cứu của Minxin Pei, trong số 25 quốc gia có GDP đầu người cao hơn Trung Quốc, thì 21 trong số đó duy trì sự thịnh vượng của mình bằng tài nguyên thiên nhiên. Ngoại trừ nhóm này ra, hễ càng giàu có thì các quốc gia càng dễ dân chủ hóa.
Thứ nữa, Huang khẳng định rằng mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rồi sẽ chậm dần lại, tới lúc đó sẽ nổ ra xung đột và khiến cho tình trạng tham nhũng trở nên trầm trọng hơn. Nếu Trung Quốc tiếp tục giữ hiện trạng này, các cuộc xung đột sẽ leo thang, và người dân sẽ dần mất niềm tin vào tương lai quốc gia. Khi gốc rễ của tính chính danh – tức là lòng dân – bị xói mòn, thì nền chính trị nước này khó lòng trụ vững.
“Việc dân chủ hóa nằm trong tầm tay của đảng Cộng sản Trung Quốc”, Huang nói. Song điều quan trọng là họ có chủ động cải cách chính trị hay không, hay là đợi tới khi gặp khủng hoảng bi thảm rồi mới chịu phản ứng. Sẽ tốt hơn nếu hệ thống chính trị được thay đổi dần dần trong tầm kiểm soát chứ không phải bằng một cuộc cách mạng bạo lực. Đảng Cộng sản đang ở trong vị thế có thể lấy lại uy tín bằng cách thông qua cải cách mà không cần đầu hàng quyền lực.
Từ nhận xét ấy, Huang kết luận rằng “không mấy quốc gia độc tài có được cái cơ hội này, và đảng Cộng sản Trung Quốc không nên bỏ lỡ.”
Eric X. Li là một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thượng Hải, đồng thời là giám đốc quản lý của Chengwei Capital. Còn Yasheng Huang là giáo sư ngành Kinh tế và Quản trị Toàn cầu của trường MIT Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusett (MIT).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét