Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

520 - WEF Davos 2018 : Cuộc đối mặt giữa chủ nghĩa đa phương và tư tưởng cục bộ


                         Davos 2018 trước giờ khai mạc WEF. REUTERS/Denis Balibouse
                
Ngày 23/01/2018, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới 2018 chính thức khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ. Cũng như mọi năm sự kiện thường niên này quy tụ nhiều lãnh đạo chính phủ, giới tinh hoa kinh tế và các nhà hoạt động xã hội lớn trên toàn cầu. Với chủ đề « Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới rạn nứt », Davos 2018 tập trung vào mục đích thúc đẩy chia sẻ, chung sức của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với thách thức toàn cầu.

Diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới bắt đầu có những có dấu hiệu hồi phục khả quan 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính với vụ đổ bể ngân hàng Lehman Brothers. Tuy vậy viễn cảnh kinh tế thế giới năm nay chưa hẳn đã là tươi sáng. Thế giới vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia.

Theo giới quan sát, diễn đàn Davos 2018 sẽ chứng kiến sự đối đầu giữa một bên bảo vệ chủ nghĩa đa phương với đại diện là Liên Hiệp Châu Âu trước thông điệp « nước Mỹ trước tiên » của tổng thống Donald Trump.

Một năm qua, thế giới đã xuất hiện những rạn nứt trong các mối quan hệ giữa các cường quốc. Tại Liên Hiệp Châu Âu, nước Anh dứt áo ra đi. Quan hệ Mỹ với các cường quốc như Trung Quốc, Nga đều có những trục trặc về cả chính trị cũng như kinh tế. Quan hệ đồng minh Washington - Bruxelles cũng không tránh khỏi những khúc mắc nghi kỵ kể từ khi tỷ phú Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, chính sách « nước Mỹ trước tiên » của ông Donald Trump đã khiến thế giới lo ngại. Những quyết định của ông Trump để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ đã phủ nhận các nguyên tắc mà các nhà lãnh đạo dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos lần thứ 48 vốn luôn tin tưởng, như thương mại tự do, toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương, hợp tác để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới....

Bản « Báo cáo Rủi ro toàn cầu -Global Risk Report » được diễn đàn Davos 2018 công bố tuần trước, đã chỉ ra nguy cơ đối đầu sâu sắc về chính trị và kinh tế giữa các cường quốc trong năm nay.

Nếu như ở Diễn Đàn Davos 2017, sự có mặt và những cam kết mở cửa đầu tư và ủng hộ tự do hóa thương mại của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thu hút sự chú ý làm nóng bầu không khí của Davos thì ở diễn đàn năm nay, sự tham gia lần đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ có những màn tranh cãi gay gắt về chính sách giữa nhà lãnh đạo nền kinh tế số một thế giới với các đại biểu ủng hộ toàn cầu hóa.

Lãnh đạo các nước châu Âu sẽ sử dụng diễn đàn để phản bác lại ý đồ phá bỏ những luật chơi kinh tế đã được định hình mà tổng thống Donald Trump vẫn nhiều lần nhắc lại. Dư luận chờ đợi một bài diễn văn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vào ngày mai, trong đó đề xuất những giải pháp nhằm rút ngắn hố ngăn cách bất bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo, hay những giải pháp hành động bảo vệ bầu khí hậu chung, một chủ đề mà nước Mỹ đã quyết định đứng ngoài cuộc.

Chuyên gia Robin Niblett, giám đốc cơ quan tư vấn Chatham Luân Đôn dự đoán chắc chắn tổng thống Pháp sẽ có những phát biểu nhằm phản công những luận điểm về trật tự kinh tế thế giới vẫn được ông Donald Trump rao giảng đây đó. Cùng ngày bà thủ tướng Angela Merkel, sau một thời gian khá kín tiếng vì lo chuyện lập chính phủ mới, cũng đăng đàn để khẳng định vai trò của châu Âu trước xu hướng thoái lui của nước Mỹ.

Người ta cũng sẽ chú ý nhiều đến diễn văn của thủ tướng Anh, để xem bà Theresa May sẽ thuyết phục giới kinh tế tài chính ra sao khi nước Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không làm đổ vỡ những quan hệ làm ăn trước đó.

Như nhận định của Le Monde số ra hôm nay, Davos luôn là một diễn đàn kinh tế nhưng mang tính chính trị nhất trên thế giới. Các diễn văn của lãnh đạo chính trị mỗi nước, các cuộc tranh luận, trao đổi của giới chuyên gia hay doanh nghiệp ở Davos không thể đưa ra được những giải pháp cụ thể nào cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Với chủ đề « Tạo dựng một tương lai chung trong thế giới rạn nứt », Davos 2018 sẽ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu và những căng thẳng địa chính trị đang nổi lên.


Dư luận hy vọng diễn đàn Davos 2018 vẫn sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu và cuối cùng là sự hiện diện hay diễn văn của tổng thống Donald Trump sẽ không phải là « sợi tóc trong bát súp » như ví von của tờ báo kinh tế Pháp Les Echos.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét