Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 27
Những
ngày cuối năm miên man trong suy ngẫm về những diễn biến, những sự kiện
của năm 2017, nỗi ám ảnh của hình tượng và tứ thơ của nhà thơ Pháp lại
cứ trĩu nặng trong đầu mà đôi lần đã dẫn ra trong mênh mông thế sự:
Giữa mùa phản phúc
Tối đen tù ngục
Suối đã đục dòng,
Chỉ lệ còn trong
Vào
mỗi cuối năm, người ta hay điểm lại những diễn biến lớn của thế sự
trong năm bằng cách quy vào trong biểu đồ sự kiện theo dạng nổi bật nhất
thu hút được sự chú ý của công luận trong và ngoài nước. Là người ngồi
một chỗ rất ít bước ra khỏi nhà, chỉ qua chiếc máy tính và câu chuyện
bên ấm trà của bạn bè đến chơi mà nắm thông tin từ những cuộc luận bàn
thế sự, ếch ngồi đáy giếng, sao có thể cao giọng sơ kết, tổng kết tình
hình mà dựng lên sơ đồ, biểu đồ khái quát.
Đã
thế, tin trên mạng truy cập qua máy tính thì loạn xà ngầu, hay có, dở
có, thật giả khó phân, vàng thau lẫn lộn, lại không có điều kiện kiểm
chứng. Còn tin trên báo chính thống, trên màn hình tivi thì cùng một
kiểu, một giọng của “quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu, tới hay lui cũng ngần ấy mặt người”. Tệ hai hơn là cây gậy chỉ huy thò ra quá trắng trợn, chọc thủng trang báo, vạch nát màn hình, nên dù có đúng đôi phần thì một tin mười ngờ, không cần kiểm chứng vì “đi vào đi ra vẫn thằng cha lúc nãy” mặt nhẵn như chùi, thì kiểm cái nỗi gì cho phí thời gian.
Dân chúng thì đã thật mục sở thị trò bịp bơm nói dối không chỉ một lần, không chỉ mười lần, mà trăm lần, vạn lần theo kiểu sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúngcủa chủ trương, chính sách và những lời rao giảng, những phát ngôn liều lĩnh, dốt nát mà ai đó mỉa mai bằng khái niệm “phát ngôn ấn tượng”
từ nơi chóp bu, khiến cho lòng tin của dân đã bị cuốn theo dòng nước lũ
của ngôn từ bịp bợm khái niệm bị đánh tráo, ngày càng dồn dập với sức
tàn phá khủng khiếp!
Vậy
thì chẳng nhẽ gác bút, đậy bàn phím máy tính, ngồi nhâm nhi ly cà phê
để tự an ủi “lão giả an chi” sao? Khốn nỗi, chính ngay khái niệm “lão
giả an chi” trong gốc gác lại là một thôi thúc hành động của nhà tư
tưởng Trung Hoa thời cổ đại mà “mênh mông thế sự”
đã từng đề cập. Khổng tử muốn xây nên một xã hội mà người già có thể an
hưởng tuổi già, bạn bè tin nhau, lấy chữ tín mà đối đãi với nhau, con
trẻ được chăm sóc khiến cho chúng biết ngưỡng mộ, nhớ đến cha ông. Vậy
thì “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi”
là một định hướng tích cực, một lý tưởng sống đấy chứ, đâu phải là một
lời khuyên đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ, rằng khôn cũng gật rằng khờ cũng
vâng.
Để cho con cháu biết kính trọng và nhớ đến [thiếu giả hoài chi]
thì thế hệ cha anh hôm nay phải biết xua gậy đi trước để thúc giục lớp
trẻ phải thấm thía nỗi khổ nô lệ, đau đớn vì thân phận chư hầu, nhục nhã
vì đất nước lạc hậu, lạc điệu về thể chế chính trị giữa một thế giới
văn minh, kinh tế văn hóa, khoa học công nghệ thua kém các nước trong
khu vực, đành phải làm quân cờ trong cuộc chơi giữa các nước lớn.
Không
đủ điều kiện đưa ra những con số thống kê, những sơ đồ khái quát sự
kiện, những biểu đồ về diễn biến báo hiệu một chiều hướng sắp tới từ
những thảm trạng đã qua, nhưng vẫn có thể bằng phân tích logic của sự vận động đã diễn ra, lý giải thảm trạng đó không chỉ bằng bộ óc của một người nghiên cứu mà còn từ trái tim của một công dân biết rõ nghĩa vụ của mình với tổ quốc, lương tâm không phải hổ thẹn với nhân dân để nói về cảm nhận năm 2017. Tôi cố làm điều đó.
Cảm nhận ấy được khái quát lại trong hình tương thơ:
“Giữa mùa phản phúc
Tối đen tù ngục”
trong “Hành khúc”
của nhà thơ Pháp thời Paris bị phát xít Đức chiếm đóng đang có sức lay
động mãnh liệt, trở thành nỗi ám ảnh có sức rọi chiếu về trạng thái ngột
ngạt, bức bối khi suy ngẫm về cuộc sống đang diễn ra trong năm 2017.
Suối đã đục dòng
Chỉ lệ còn trong
Quả vây. Nhưng “chỉ lệ còn trong” [ nguyên văn tiếng Pháp là “Les larmes seules furent claires] thì cho dù “nước mắt là ngôn ngữ câm lặng của đau buồn”
như Voltaire từng nói thì xóa được dòng nước mắt khỏi trái tim mình là
điều quá khó! Vì thế đành phải mượn hình tương thơ của Aragon để bằng sự
ám ảnh khôn nguôi ấy mà nói lên cảm nhận chủ quan rất riêng tư về “suối đã đục dòng” giữa “mùa phản phúc, tối đen tù ngục” trong tầm nhìn khái quát về năm 2017.
Thực ra, cái tứ thơ về dòng “suối” trong tự nhiên và “nước mắt” của con người không chỉ có trong thơ của Louis Aragon. Hình ành từng xao động lòng người được gợi ra trong “Thề Non Nước” của Tản Đà [1889-1939], một thi sĩ làm gạch nối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX trong thi ca Việt Nam với “khát
vọng thoát ly ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn
sáo… Cái buồn chán của Tiên sinh cũng là cái buồn chán của một người
trượng phu. Thở than có nhưng không bao giờ rên rỉ” như Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam.
Non cao những ngắm cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Hình
tượng thơ vượt ra khỏi nỗi niềm cá nhân, không chỉ là thân phận một con
người, mà là cảm khái về nỗi niềm dân tộc. Ở đây dòng suối và dòng nước
mắt quyện làm một nhằm biểu đạt trạng thái của cảm xúc trong nỗi khắc
khoải “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày. Ở đây không là suối và nước mắt với sức biểu đạt dữ dội khi phản ánh trạng thái ngột ngạt dồn nén của sự phẫn nộ “giữa mùa phản phúc, tối đen tù ngục”
với sức truyền cảm có tính trực tiếp hơn nên nỗi ám ảnh cũng đậm đặc
hơn, “thời sự” hơn trong thơ Aragon, nhưng sức lay động tâm hồn, nhất là
với những tâm hồn nhạy cảm thì “suối khô dòng lệ chờ mong”
của Tản Đà giục giã một cách thế tồn tại có trách nhiệm với đất nước
vào buổi ấy. Nó kín đáo ươm mầm cho sự dấn thân cứu nước trong niềm khắc
khoải của khát vọng “nước đi ra bể lại mưa về nguồn”.
Trong
cảm nhận hình tượng nghệ thuật thì tùy theo cảm hứng và nhận thức của
từng người, không ai giống ai. Cảm nhận về thời cuộc thì cũng na ná vậy
thôi. Yếu tố cá nhân vẫn có vai trò quyết định. Tùy theo trình độ, tầm
nhìn và bản lĩnh của người dấn thân và người chọn cách đứng ngoài cuộc,
người đã vượt qua được sự sợ hãi và người lẩn tránh hiện thực theo dáng
dấp của con đà điểu rúc đầu vào cát, mà có cách nhìn, cách biểu đạt.
Phải chăng vì vậy mà “suối lệ chờ mong”
chưa đủ sức làm bật dậy những người đang ngái ngủ hoặc tuy thức nhưng
bị dìm sâu trong chính sách ngu dân và những tuyên truyền lừa mỵ bịp bợm
của giới cầm quyền muốn có một bầy cừu tuân phục nên “suối lệ” phải
chuyển thành “huyết lệ” như Phan Bội Châu trong
Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn
Khói tuôn khí uất, sóng cồn trận đau”
của “Lời huyết lệ gởi về trong nước” [Hải ngoại huyết thư”].
Ở đây cũng là non cao, cũng là dòng lệ nhưng đã biến thái thành “đỉnh núi, chân ngàn”, thành “sóng cồn trận đau”
mới đủ sức lay động. Dòng huyết lệ của chí sĩ Phan Bội Châu cuộn đau về
đất nước đang quằn quại dưới ách ngoại bang. Dòng nước mắt ấy hòa với
máu trong huyết quản của người yêu nước, thương nòi, quyết không chịu
làm nô lệ.
Phải chăng vì thế mà Albert Camus lại đòi hỏi “Con người phải sống và sáng tạo. Sống cho đến mức rơi lệ”!
Có lẽ nhà văn Pháp, giải Nobel văn chương năm 1957 muốn điễn đạt một
khát vọng sống, một cách thế sống xứng đáng với con người.
Những ai đã “sống cho đến mức rơi lệ”
qua năm 2017 của một nước Việt Nam đang từng bước tiến gần đến sự thật
nhục nhã được mở đầu với mật ước Thành Đô sẽ càng hiểu rõ lời cảnh báo
của Nguyễn Cơ Thạch đã đưa ra: “một thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai bắt đầu”.
Cho nên không lạ gì khi Nguyễn Cơ Thạch buộc phải rời ghế Bộ trưởng
Ngoại giao trước đòi hỏi của Trung Quốc thời Giang Trạch Dân và được
Nguyễn Văn Linh cung cúc tận tụy chấp hành. Từ đó, xuôi theo năm tháng
của các kỳ đại hôi đảng cộng sản Việt Nam, nổi rõ lên là từ đại hội 8,
và trắng trợn phơi bày là từ đại hội 10, qua đại hội 11 đến đại hội 12
với Nguyễn Phú Trọng, sự lệ thuộc vào Trung Quốc là nét nổi bật “giữa mùa phản phúc, tối đen tù ngục”,
hằn rõ trên diện mạo của xã hội Việt Nam, đè nặng lên đời sống tinh
thần của những người Việt Nam có lương tri, nhất là giới trí thức và thế
hệ trẻ.
Phải chăng phản phúc và tù ngục là
hình ảnh có sức khái quát rất cô đọng về những gì diễn trong năm 2017.
Sự phản phúc của những kẻ, với nhiều lý do khác nhau, trực tiếp hay gián
tiếp, hữu ý hay vô tình đã tiếp tay cho kẻ thù của dân tộc đang nhe
nanh, múa vuốt tiếp tục thực hiện mưu toan bành trướng mà cha ông chúng
đã làm. Hãy chỉ nói đến một hiện tượng được lặp đi lặp lại: ngoài chuyến
thăm của hoàng đề họ Tập, cứ mỗi lần có một sứ thần thiên triều đến Hà
Nội là mỗi lần in đậm dấu ấn thái thú Tàu muốn phục dậy đế chế lên bán
đảo hình chữ S nhìn ra Biển Đông, nơi phô bày bộ mặt bẩn thỉu của “siêu
cường hung đồ”, con quỷ Frankenstein thế kỷ XXI.
Thì
đó, chuyến vi hành của tướng Phạm Trường Long, nhân vật quyền lực số 2
trong quân đội TQ đến Việt Nam dạo tháng 7 vừa rồi đã nói thẳng vào mặt
những lãnh đạo chóp bu của Việt Nam rằng “toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải [là tên gọi Trung Quốc dùng để chỉ Biển Đông] đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ“.
Trước đó vài ngày, Trung Quốc lại tiếp tục kéo giàn khoan HD-981 ra
biển Đông, tới vị trí rất gần bờ biển Việt Nam nhằm gây áp lên các dự án
thăm dò dầu khí của Việt Nam trong khu vực, những dự án mà theo chúng đã đặt ra một tiền lệ rất nguy hại cho chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông.
Vì thế, ngày 21/7 trước khi đến Việt Nam, tên tướng họ Phạm đã ra lệnh chiến khu phía Nam TQ “đẩy mạnh công tác chuẩn bị đấu tranh quân sự, tập trung tăng cường huấn luyện quân sự thực chiến hóa“, nhằm “phát huy sức mạnh tinh nhuệ để phục vụ trong thời khắc quan trọng“.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên kể từ ngày thành lập nước CHNDTH năm
1949 mới có một chỉ thị “sẵn sàng chiến đấu” ở mức độ cụ thể như vậy đối
với hướng Biển Đông, là do từ trước đến giờ ở biển Đông Trung Quốc chưa
từng phải đối mặt với cục diện như hiện tại. Và cũng do đó, Nguyễn Phú
Trọng và bộ sậu của ông ta đã nhục nhã và hèn hạ chấp nhận việc tạm
ngừng khoan dầu theo hợp đồng đã ký kết với tập đoàn Epson của Tây Ban
Nha, bồi thường thiệt hại cho họ với một số tiền không nhỏ mà có người
đã tính ra là gấp 10 lần số tiền Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí đem đầu
tư vào Ngân hàng Đại dương!
Trung
Quốc bằng mọi thủ doạn quyết ngăn cản Việt Nam thăm dò dầu khí tại bãi
Tư Chính trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Đơn giản là vì dự án
Cá Voi Xanh gần với quần đảo Hoàng Sa và nằm trong đường 9 đoạn mà Trung
Quốc đơn phương áp đặt lên bản đồ biển Đông trong yêu sách chủ quyền
của mình.
Cũng
phải nói thêm rằng ngoài chuyện dầu khí, Trung Quốc còn muốn độc chiếm
các nguồn lợi khác ở Biển Đông. Khai thác cá là một ví dụ. Cần biết
rằng hơn một nửa số tàu đánh cá trên thế giới hoạt động ở biển Đông. Theo các chuyên gia “Ở
biển Đông, cá có thể đẻ trứng trong vùng đặc quyền kinh tế của một
nước, sống thời non trẻ trong vùn đặc quyền kinh tế của một nước
khác, và sống phần lớn thời trưởng thành trong vùng đặc quyền kinh tế
của một nước khác nữa. Đánh bắt quá mức hoặc hủy hoại môi trường
tại bất kỳ điểm nào trong chuỗi này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tất cả
những người sống xung quanh biển. Toàn bộ biển Đông đang chao đảo bên
bờ vực của một cuộc suy sụp nghề cá, và cách duy nhất để tránh nó là
thông qua hợp tác đa phương trong các vùng biển đang bị tranh chấp.
Trung Quốc đã khước từ nhiều cuộc hội nghị quốc tế thuong thảo về vấn đề
gay cấn này.
Khi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố về “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Đông và vùng biển liền kề” chính cũng là để trắng trợn độc quyền hoặc giành giật phạm vi khai thác nguồn lợi béo bở này. Bill Hayton, tác giả cuốn sách The South China Sea: The Struggle for Power in Asia [Biển Đông: cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á], đã nói thẳng ra điều đó: “Trên
thực tế, Trung Quốc đang cầm súng chĩa vào đầu ngành công nghiệp
đánh bắt cá ở Đông Nam Á mà nói rằng này hãy tham gia vào cách bố
trí quản lý cá của chúng tôi hoặc chúng tôi sẽ ăn hết mọi thứ”.
Bộ
mặt ghê tởm của “siêu cường hung đồ” như danh xưng mà báo chí thế giới
đặt cho đế chế Tập Cận Bình đang phơi bày trước thế giới. Một sự phản kháng toàn cầu [global backlash]
chống lại siêu cường hung đồ đó đang hình thành và ngày càng dâng cao.
John Pomfret, từng là trưởng văn phòng báo Washington Post tại Bắc Kinh,
vừa cho đăng trên tờ báo này ngày 19.12.2017 bài viết “The global backlash against China is growing”
phân tích sâu sắc vấn đề nói trên. Phản ứng chống lại Trung Quốc không
chỉ bó hẹp trong các nước ở phương Tây. Những quốc gia có quan hệ gần
gũi với Trung Quốc cũng đã bắt đầu nổi giận với cách đối đãi trịch
thượng của Bắc Kinh như là một phần của chương trình hạ tầng “Một vành
đai, một con đường” mà trong Tuyên bố Việt-Trung vừa rồi đã hết lời ca
ngợi.
Vì
vậy, không có gì khó hiểu khi Trung Quốc rất e ngại việc Việt Nam lập
quan hệ đối tác với một công ty dầu khí của Mỹ, đặc biệt là với công ty
mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng lãnh đạo. Chính Tillerson đã nhấn
mạnh giải pháp cứng rắn của Mỹ ở biển Đông là chặn đường tiếp cận tới
các đảo nhân tạo của Trung Quốc và không cho phép Trung Quốc tiếp tục
cải tạo biển Đông.
Điều
này đã phần nào giải thích tại sao tiếp theo việc tập đoàn Tây Ban Nha
phải ra thông báo ngưng tham gia khoan thăm dò tại lô 136-3 thì “Cá Voi Xanh cũng đang mắc cạn”
như báo chí đã đưa tin. Tại sao? Xin hãy hỏi ông Nguyễn Phú Trọng,
người vừa hân hoan ký tuyên bố chung Việt-Nam-Trung Quốc ngày
13.11.2017: “Sự phát triển của nước này là cơ hội của nước kia”. Mà như Trung Quốc đã nói rõ: mọi quyền lợi ở biển Đông lại là “lợi ích cốt lõi” và ảnh hưởng đến “nền tảng quản lý đất nước” của Đảng cộng sản Trung Quốc thì, đã là “cùng chung vận mệnh”
lẽ nào ông Trọng không vứt bỏ lợi ích của dân tộc, tạm gạt sang một bên
chủ quyền đất nước, để chiều lòng người đồng chí láng giềng cùng chung ý
thức hệ XHCN của ông!
Khi đặt Cương lĩnh đảng của ông lên trên Hiến pháp, đảng viên mà nói tới tam quyền phân lập và xã hội dân sự thì bị khai trừ bất chấp đó là những thành tựu của văn minh thì tất nhiên bộ máy bạo lực bỏ tù trước hết những ai dám lên án Trung Quốc xâm lược nhưng lại sẵn sàng phục hồi chức vụ vụ cho những ai cung cúc tận tụy với Tàu.
Hãy
dẫn ra một ví dụ nhỏ nhưng sự lộ liễu và tai ngược lại lớn đã được
trưng ra trước mắt mọi người như việc phục chức cho Nguyễn Viết Hiệp là
một hành đông trêu ngươi! Nó cho thấy rất rõ những thanh củi nào được
đút vào lò của ông Trọng và thanh củi nào thì được rút ra. Nguyên là
tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, sau vụ lùm xùm
mua 160 toa xe cũ của Tàu đã bị ông Đinh La Thăng cách chức thì đây
không chỉ là chuyện “giậu đổ bìm leo” mà là nó đúng “quy trình” trong
cái chuỗi chống tham nhũng.
Bởi vậy mà báo Pháp luật Thành phố HCM ngày 30.12.2017 giật cái tít rất đậm “Tổng giám đốc bị ông Đinh La Thăng cách chức về lại ghế cũ” dẫn lời của một quan chức “Ông
Nguyễn Viết Hiệp là người có năng lực, tâm huyết, việc Hội đồng quản
trị công ty bổ nhiệm chức vụ trên đối với ông Hiệp là hoàn toàn hợp lý”. Thì nhất định là phải có năng lực và tâm huyết rồi.
Lăn lội sang tận Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) để móc ngoặt mua
toa cũ thì không tâm huyết với bạn sao có thể làm được. Không tâm huyết
với người “cùng chung vận mạng” để chia ngọt sẻ bùi với “người đồng chí láng giềng cùng chung ý thức hệ XHCN” thì làm sao có đủ khả năng gánh vác trọng trách được!
Đồng
thời với việc phục chức cho những người tâm huyết với mối quan hệ ăn
chia mờ ám với Tàu ấy, thì lại phải bỏ tù những người tâm huyết với sự
nghiệp của nước của dân vì ngược với “đường lối sáng suốt” của đảng gắn
bó, cùng chung vận mệnh với kẻ thù. Vì thế, càng ngày những bản án bỏ
túi xử rất nặng những người yêu nước chống xâm lược, đòi quyền làm
người, đòi quyền dân chủ tự do càng tăng lên cho thấy sự bối rối, hoảng
loạn của thế lực cầm quyền dự cảm được làn sóng phẫn nộ đang dâng trào.
Bật
đèn xanh cho một lũ đâm thuê chém mướn đánh đập, đàn áp dã man những
người trong tay không có một tấc sắt chỉ đấu tranh hòa bình như “Mẹ
Nấm”, như Trần Thị Nga, những người mẹ đang nuôi con nhỏ, khiến công
luận không chỉ trong nước mà cả nước ngoài phẫn nộ lên án là báo hiệu
một sự sụp đổ không thể tránh khỏi.
Khi
đặt mục tiêu thanh toán đối thủ chính trị qua chiêu bài chống tham
nhũng, vốn là một vấn đề gây nhức nhối trong tâm trạng xã hội, đánh
trúng đòi hỏi bức xúc của quần chúng nhân dân cần phải loại bỏ bọn “ăn của dân không trừ một thứ gì”
để tranh thủ họ đứng về mình như Tập Cân Bình đã làm, ông Nguyễn Phú
Trọng đã không thấy được giữa thực tế Việt Nam hiện nay và bối cảnh Tập
Cận Bình thực hiện chủ nghĩa “tân chuyên chế”[neo-authoritarianism] rồi
“tân toàn trị” [neo-totalitarianism] có một khoảng cách quá xa, và sự
khác biệt về tương quan lực lượng cũng là quá lớn.
Việc bất chấp lợi ích dân tộc, thể diện quốc gia và luật pháp quốc tế, cho người sang tận Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “hy sinh đối ngoại vì mục tiêu đối nội” là một ví dụ tiẻu biểu cho điều vừa nói từng được thể hiện trong khẩu hiệu “còn đảng còn mình”.
Đây là một sự đánh tráo khái niệm để lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin
nhằm che bớt di việc bám giữ cái ghế quyền lực đang vừa giành được trong
cuộc tranh bá đồ vương, sẵn sàng dày xéo lên lợi ích của đất nước, vận
mệnh của dân tộc. Chính điều đó đang làm ruỗng nát đảng cầm quyền, dẫm
đạp lên công lao, uy tín của những người đi trước trong sự nghiệp giải
phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm rạng rỡ hình ảnh Việt Nam trong
con mắt của khu vực và thế giới. Đau đớn hơn, những gì đã và đang diễn
ra đã làm ruỗng nát lý tưởng cao đẹp mà thế hệ những người ưu tú, bộ
phận tinh hoa của đất nước đã dấn thân, máu của họ đã thấm đẫm trên mảnh
đất này. Sự phản bội này thật khó mà đo đếm. Chính sự phản bội đó đã
làm ruỗng nát lòng tin của thế hệ trẻ về sứ mệnh thiêng liêng đối với sự
nghiệp bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp mà xương máu của cha anh họ đã xây đắp
nên.
Đành
rằng nói đến giặc ngoại xâm, nhất là giặc ngoại xâm truyền kiếp là chạm
vào điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế Việt Nam. Nhưng những gì mà
tuổi trẻ đã tận mắt chứng kiến sự tồi tệ của một bộ phận không nhỏ trong
thế lực cầm quyền cúi đầu khuất phục kẻ xâm lược, thậm chí biến thành
tay trong của chúng, thì nói đến nghĩa vụ đối với tổ quôc khi giặc xâm
lược từ phương Bắc tràn vào chắc không còn đủ sức thuyết phục. Chủ động
tạo ra kịch bản ấy không thể không có trong toan tính của thế lực hiếu
chiến Bắc Kinh.
Cùng
với việc mua chuộc và thu phục bộ phận chóp bu là cách đỡ tốn kém nhất
trong chiêu võ Tàu cổ truyền để biến một quốc gia thành chư hầu của
chúng, thì làm rệu rã ý chí quật cường của thế hệ trẻ, tạo ra mối nghi
kỵ, hủy hoại lòng tin của họ để không chịu biến mình làm vật hy sinh cho
một nhóm lợi ích mạo danh đất nước. Họ sẽ khước từ cầm súng chống giặc
ngoại xâm khi mà giặc nội xâm đang hàng ngày hằng giờ đục khoét đất
nước. Mưu toan thâm hiểm này không thể không lồng vào “quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”
vừa được ký kết. Cứ soi vào những gì đã và đang diễn ra trên đất nước
ta năm qua sẽ hiểu rõ điều đó. Vấn đề này đã phân tích trong bài trước
chắc không phải nhắc lại.
Đương
nhiên mức độ nhận thức của mỗi người, mỗi tầng lớp xã hội không hoàn
toàn như nhau. Tùy vào chỗ đứng, tùy vào hoàn cảnh, trong đó có điều
kiện kinh tế, tài chính, điều kiện gia đình, vị thế xã hội, những mối
quan hệ chằng chéo phức tạp mà có cách nhìn và sự cảm nhận khác nhau.
Đặc biệt là khi bộ máy tuyên truyền của chế độ toàn trị phản dân chủ với
mạng lưới rộng khắp mà Goebbels của bộ máy phát xít Đức còn thua xa như
bài viết mới đây đã phân tích, thì một bộ phận khá lớn công chúng chịu
sự tác động còn khá nặng nề. Tuy rằng, với những thành tựu của công nghệ
thông tin, mạng lưới internet nối mạng toàn cầu thì việc bưng bít thông
tin khó bề thực hiện đã hạn chế bớt sự tiếp nhận một chiều, hạn chế bớt
thông tin lừa mị bịp bợm. Chỉ có điều, không thể không thấy một sự thật
là trình độ dân trí tuy có được nâng lên, nhưng nếu so với đòi hỏi của
phát triển, đối chiếu với trình độ chung của thế giới thì chúng ta vẫn
còn quá lạc hậu.
Bỗng nhớ lại tác giả của câu thơ vừa trích dẫn “suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”. Cách đây đúng 90 năm, năm 1927, cũng vào thời điểm ra đời của kiệt tác “Thề Non Nước” Tản Đà đã viết dưới dạng câu đối:
“Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”
Ngót một thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu, bao nhiêu “dòng lệ chờ mong” đã chảy thành suối, thành sông, qua bao nhiêu thác, bao nhiêu ghềnh, qua bao “đỉnh núi chân ngàn”
nỗi đau của nhà thi sĩ nằm vắt ngang thế kỷ XIX và thế kỷ XX còn day
dứt chúng ta hôm nay không? Riêng người đang viết bài này thì vẫn cảm
thấy xốn xang nỗi khắc khoải của nỗi niềm mong ngóng “nước đi ra biển lại mưa về nguồn” của một tấm lòng ưu tư về vận nước ở đầu thế kỷ XX.
Nay
thì dân số nước ta đã xấp xỉ một trăm triệu, xếp thứ 13 của thế giới,
đâu còn là một nước nhỏ? Tài nguyên của ta cũng từng là “rừng vàng, biển
bạc” đúng nghĩa của nó đấy chứ. Cái bán đảo hình chữ S với hơn 3000 km
bờ biển sát mép Thái Bình Dương qua Biển Đông, nơi mà 45% trong số hơn
90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển phải
đi qua đây. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển
này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Pa-na-ma. Hàng năm, có
khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng
hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Đặc biệt cần
lưu ý là khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và 70% lượng dầu mỏ
nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.
Nhắc
lại những con số trên để càng hiểu thêm mối nguy cơ mà dân ta đang phải
đối mặt là lớn đến thế nào. Không có một sức mạnh nội sinh của ý chí tự
lực tự cường thì không thể nào tránh khỏi họa xâm lăng của kẻ đang muốn
độc chiếm Biển Đông. Ngặt một nỗi, ý chí tự lực tự cường ây lại đang bị
chế độ toàn trị phản dân chủ đang chịu sự thao túng nặng nề của Bắc
Kinh làm cho thui chột, không sớm nhận ra thì có thể dẫn đến sự tan rã.
Trước hết, chính sự thao túng ấy cũng đang làm ruỗng nát đảng cầm quyền.
Biểu hiện rõ nhất của sự ruỗng nát đó là dùng bạo lực để duy trì cái
ghế quyền lực vốn đã rệu rã đang lung lay khi mà lòng dân phẫn nộ, phản
đối ngày càng dâng cao.
Hãy
chỉ dẫn ra hai trường hợp. mà những sự kiện nổi bật như cuộc đấu tranh
giữ đất và đòi công lý của nhân dân xã Đồng Tâm. Rồi cuộc đấu tranh bất
bạo động chống lại BOT không hợp lý được tự phát bùng lên, khởi đầu từ
BOT ở trạm Cai Lây lan ra nhanh chóng với tính cộng đồng rất cao, năng
động, linh hoạt và rộng khắp của anh em lái xe “bạn hữu đường xa”. Một
sự thay đổi về chất của lòng phẫn nộ và tin thần phản kháng khiến cho
cái nhà nước toàn trị phản dân chủ lo ngại tìm cách đối phó. Sự lúng
túng như gà mắc tóc trong các giải pháp đưa ra khiến xu hướng bạo lực
ngày càng được đẩy tới như một cứu cánh nhằm cứu vãn tình hình nguy
ngập. Thế nhưng, càng gia tăng bạo lực để răn đe và trấn áp người yêu
nước thì lại càng đẩy tới cuộc đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược.
Cuộc
đấu tranh này lai gắn làm một với cuộc đấu tranh đòi quyền làm người,
đòi dân chủ, đòi tự do. Đơn giản chỉ là vì nhân quyền thể hiện trước hết
trong quyền tự do, nhưng tự do không thể là thứ được ban phát mà phải
đấu tranh để giành lấy. Cho nên, không thể có tự do nếu không có dân
chủ. Đây là hai mặt của một vấn đề. Không thể có nhân quyền, dân chủ và
tự do nếu để cho đất nước rơi vào tay lũ xâm lược, trở thành một chư hầu
rơi vào thảm trạng Bắc thuộc lần thứ hai. Điều đó giải thích lý do của
sự gắn bó không thể tách rời giữa cuộc đấu tranh chông Trung Quốc xâm
lược với cuộc đấu tranh đòi nhân quyền, đòi dân chủ và tự do. Chính cái
logic đó giải thích tại sao bạo lực trước hết chĩa vào những người yêu
nước chống Trung Quốc xâm lược cũng như cuộc thanh toán tàn khốc đối thủ
chính trị được tập trung nhằm vào những người không chịu thần phục Bắc
Kinh. Nhưng cũng chính cái logic đó lại dẫn đến cái hệ quả tất yếu của
nó là càng điên cuồng sử dụng bạo lực sẽ càng khơi dậy ngọn lửa quật
cường không chịu khuất phục. Đó là giải pháp đổ thêm dầu vào lửa. Càng
hung hãn trong tuyệt vọng ra sức đàn áp, đánh đập, bắt bớ, bỏ tù càng
làm cho ngọn lửa căm thù bốc lên.
Giữa mùa phản phúc, tối đen tù ngục dưới một triều đại toàn trị phản dân chủ sao chép được từ mô hình triều đại hoàng đế họ Tập dìm đất nước trong tăm tối đang “khói tuôn khí uất, sóng cồn trận đau” ngọn
lửa ấy sẽ rọi chiếu ánh sáng, xua tan bóng tối. Ngọn lửa ấy cũng sẽ
thiêu cháy chế độ toàn trị phản dân chủ vào thời đoạn lịch sử đen tối
khi “suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong”. Và rồi những giọt “lệ còn trong” ấy khi chảy ngược vào trong, ta mới biết mùi vị của nó, là đắng cay, là chua chát như thế nào.
Nhưng cũng chính những giọt nước mắt chảy ngược vào trong ấy đang cật vấn chúng ta: phải suy nghĩ, phải làm gì “giữa mùa phản phúc, tối đen tù ngục” này. Liệu chúng ta có chia sẻ với ý tưởng “Con người phải sống… Sống cho đến mức rơi lệ” của Albert Camus, người đã “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét