HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong một hành động bất ngờ, mới
đây, quân đội CSVN cho thấy dấu hiệu “xuống thang” trong vụ tranh chấp đất, khiến
người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, buộc phải bắt giữ gần
40 cán bộ, cảnh sát cơ động làm con tin, gây xôn xao hồi năm ngoái.
Trong đoạn video clip được nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn,
người theo sát diễn biến vụ này, công bố trên mạng xã hội, quân đội triển khai
lực lượng đào hào, xây tường rào dọc theo mốc giới cũ phân chia đất quốc phòng
(phi trường Miếu Môn) và đất nông nghiệp của Đồng Tâm (đồng Sênh), theo mong muốn
của người dân Đồng Tâm.
Sở dĩ gọi đây là “động thái bất ngờ” vì đến nay, Thanh Tra
thành phố Hà Nội vẫn bảo lưu quan điểm “toàn bộ đất tranh chấp trong vụ này là
đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp.” Không thấy truyền thông trong nước
đưa tin về diễn biến mới nhất này.
Hồi năm ngoái, sau khi kết luận thanh tra đất được công bố,
Công An Hà Nội lập tức khởi tố vụ án giữ người trái phép, gửi giấy triệu tập cả
trăm người dân và kêu gọi những người liên quan “phải ra đầu thú.” Điều này đi
ngược lại với tờ giấy cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự dân Đồng Tâm”
do ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội, viết tay khi xuống xã
Đồng Tâm “tháo gỡ ngòi nổ” vào đỉnh điểm của vụ tranh chấp hôm 22 Tháng Tư,
2017.
Ông Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân: “Không
giấu được niềm vui, cụ Lê Đình Kình – thủ lĩnh trong cuộc chiến giữ đất của người
Đồng Tâm – nói rằng cụ ‘rất phấn khởi nhưng vẫn cảnh giác, vì đã thất vọng nhiều
lần.’ Nguyện vọng của dân làng, theo cụ Kình, là Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội tới đây
cần hủy bỏ kết luận thanh tra cũ, sau đó ban hành các văn bản cần thiết để xã Đồng
Tâm giao đất cho người dân an tâm canh tác.”
Ông Mạc Văn Trang, công tác tại Viện Khoa Học Giáo Dục Việt
Nam, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Chúc mừng bà con xã Đồng Tâm. ‘Đồng
Tâm’ = Thắng lợi! Nuốt (đất) không trôi đành nhả ra, xấu hổ, không dám mở mồm
nhận lỗi, xin lỗi, tạ lỗi với dân, chứng tỏ họ chưa đủ trưởng thành! Bao giờ
chính quyền mới đàng hoàng, tử tế để dân kính trọng?”
Hồi Tháng Mười, 2017, truyền thông Việt Nam đưa tin bà Nguyễn
Thị Lan, bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm, bị khai trừ đảng CSVN vì “liên quan đến vụ
người dân thôn Hoành phản ứng về việc thu hồi đất ở sân bay Miếu Môn.” Thời điểm
đó, cư dân mạng suy đoán nguyên do là vì bà Lan “tuy là đảng viên đã chọn đứng
về phía người dân, cùng đấu tranh chống nhóm lợi ích chiếm đất của dân, nên bị
đảng CSVN khai trừ, cách chức đảng và chính quyền.”
Đến Tháng Mười Hai, 2017, bà Lan tiếp tục bị bãi nhiệm chức
chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân xã Đồng Tâm. Báo VietNamNet cho biết lý do: “Với tư
cách là người đứng đầu đảng ủy xã nhưng bà Lan không thực hiện theo sự chỉ đạo
của cấp trên về các nội dung liên quan đến khu vực đất đang xảy ra khiếu kiện;
rời bỏ vị trí trong ba ngày hồi Tháng Tư, 2017, khi xảy ra sự việc điểm nóng ở
thôn Hoành dẫn đến sự việc người dân bắt giữ các cán bộ, chiến sĩ đang thi hành
công vụ; không có sự chỉ đạo để người dân hợp tác, phối hợp với chính quyền
trong việc sớm trao thả người.” (T.K.)
THẮNG LỢI BƯỚC NGOẶT CỦA DÂN LÀNG ĐỒNG TÂM
Hôm nay, trong một diễn biến không được báo trước, Quân đội
đã triển khai lực lượng đào hào xây tường rào dọc theo mốc giới cũ phân chia đất
quốc phòng (sân bay Miếu Môn) và đất nông nghiệp của Đồng Tâm (đồng Sênh).
Động thái trên thực địa này của Quân đội chẳng khác nào xé vụn
bản kết luận của Thanh tra Hà Nội vài tháng trước đây. Bởi lẽ, trong khi Thanh
tra Hà Nội cho tới gần đây vẫn kiên trì quan điểm “toàn bộ là đất quốc phòng,
không có đất nông nghiệp” thì nay chính Quân đội lại vạch ranh giới, gián tiếp
thừa nhận rằng họ chỉ quản lý một phần, chứ không phải toàn bộ.
Không giấu được niềm vui, cụ Kình - thủ lĩnh trong cuộc chiến
giữ đất của người Đồng Tâm - nói rằng cụ “rất phấn khởi nhưng vẫn cảnh giác, vì
đã thất vọng nhiều lần.”
Nguyện vọng của dân làng, theo cụ Kình, là UBND Hà Nội tới
đây cần huỷ bỏ kết luận thanh tra cũ, sau đó ban hành các văn bản cần thiết để
xã Đồng Tâm giao đất cho nhân dân an tâm canh tác.
Thêm nữa, vụ án giữ người trái phép mà Công an Hà Nội khởi tố
vào ngày 13/6 năm ngoái cùng cần phải được đình chỉ (vì đã hết hạn điều tra) để
6000 dân làng Đồng Tâm không phải hàng ngày nơm nớp lo sợ bị bắt giữ.
Cuộc đấu tranh vừa giữ gìn người vừa bảo vệ đất của dân làng
Đồng Tâm có thể nói là đã thắng lợi gần được một nửa. Sự đoàn kết của dân làng
và sự ủng hộ của nhân dân khắp mọi miền đất nước chắc chắn sẽ đưa nó đến thắng
lợi cuối cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét