Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

1764 * Đạo luật Đài Loan mới của Mỹ có thể dẫn đến chiến tranh Trung-Đài


Theo “National interest

1218-DDP-trump-security.jpg
Ngày 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo rằng Đài Loan sẽ "bị lịch sử trừng phạt" nếu cố tìm cách chính thức ly khai khỏi Trung Quốc. Phát biểu trong ngày họp Quốc hội cuối cùng tại Bắc Kinh, ông Tập nêu rõ: "Tất cả các hành động và mưu toan nhằm chia cắt đất nước chắc chắn thất bại và sẽ bị người dân lên án và bị lịch sử trừng trị". Ông nhấn mạnh "người dân Trung Quốc chung một niềm tin rằng không bao giờ được phép và tuyệt đối không thể lấy đi một tấc đất nào trên lãnh thổ Trung Hoa đại lục", đồng thời ông thề sẽ bảo vệ "từng tấc đất" của tổ quốc.
Được khuyến khích bởi những sửa đổi Hiến pháp chưa từng có tiền lệ, theo đó xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, tuyên bố hùng hồn của ông Tập Cận Bình đã được các đại biểu quốc hội hoan nghênh. Tức giận trước việc Đài Loan từ chối sáp nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng việc Mỹ tuần trước đã ký ban hành Đạo luật cho phép quan chức tới Đài Loan, vốn được cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ nhất trí ủng hộ. Đạo luật này cho phép thực hiện các chuyến thăm trao đổi cấp cao giữa Chính phủ Mỹ và Đài Loan, mặc dù các mối quan hệ giữa hai bên là không chính thức.
Đáp lại tuyên bố của Tập Cận Bình tại Quốc hội, Hội đồng các vấn đề đại lục ở Đài Bắc, cơ quan phụ trách xử lý các quan hệ với Trung Quốc, cho biết Đài Loan hy vọng "tại thời điểm này khi Trung Quốc bước sang giai đoạn chính quyền mới", lãnh đạo Trung Quốc "có thể phá bỏ tư tưởng rập khuôn về những lời đe dọa mạnh mẽ". Thông điệp của Tập Cận Bình đối với Đài Bắc và Washington hôm 20/3 bổ sung cho những cảnh báo mà các quan chức Trung Quốc đưa ra trong những tháng gần đây, trong đó họ thề Trung Quốc sẽ không ủng hộ các chuyến thăm của giới chức cấp cao Mỹ hay việc nối lại các hoạt động của Hải quân Mỹ tại cảng Đài Loan như đề xuất trong Đạo luật cấp phép quốc phòng được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 11/2017.
Bắc Kinh coi bất cứ hình thức cam kết cấp cao nào giữa Đài Loan và các quốc gia khác cũng đều được xem là nỗ lực nhằm "chia cắt" Đài Loan khỏi Trung Quốc. Những động thái như vậy đã gây ra những phản ứng đặc biệt nghiêm trọng từ Bắc Kinh kể từ cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan hồi tháng 1/2016.
Trong khi Trung Quốc có cái nhìn ngờ vực với Đạo luật cho phép quan chức tới Đài Loan, thì với Đài Bắc và các đồng minh của họ ở Washington, đạo luật này không vi phạm chính sách "một Trung Quốc" của Mỹ và vẫn nằm trong giới hạn của chính sách lâu dài của Washington đối với Đài Loan. Hơn nữa, người ta kỳ vọng cả Đài Bắc và Washington sẽ vận dụng một cách khôn ngoan những khả năng mới mà đạo luật này mang lại để không chọc giận Bắc Kinh một cách không cần thiết. Điều mà đạo luật này đem đến là tạo ra một đối trọng cần thiết cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi "hiện trạng" ở Eo biển Đài Loan. Không giống lập luận của một số người chỉ trích - những phân tích của họ có thể bị sai lệch do sự ác cảm của họ đối với Tổng thống đương nhiệm Đài Loan, Đạo luật cho phép quan chức Mỹ tới Đài Loan cũng không phải là một đạo luật bất thường hay một "quân bài Đài Loan" được Tổng thống Trump dùng để chọc giận Bắc Kinh.
Liên quan đến việc cánh cửa đã được mở để Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch trọn đời, các nhà phân tích đã cố gắng giải thích ý nghĩa của động thái chưa từng có tiền lệ này đối với các mối quan hệ ở Eo biển Đài Loan, một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất ở châu Á. Một số ý kiến cho rằng thời kỳ thống trị kéo dài của Tập Cận Bình sẽ làm giảm bớt một số áp lực trước mắt để tiến đến thống nhất vì ông sẽ không còn bị thúc ép bởi hạn chót 2022 - thời điểm kết thúc nhiệm kỳ hai của ông - để đảm bảo cho di sản mà ông để lại. Trong khi đó, những ý kiến khác lại cho rằng sự củng cố quyền lực của Tập Cận Bình có thể khuyến khích ông có cách hành xử nguy hiểm, có thể gây ra một cuộc chiến ở Eo biển Đài Loan và có thể kéo theo Mỹ và cả Nhật Bản, quốc gia có an ninh phụ thuộc vào việc duy trì sự độc lập trên thực tế của Đài Loan.
Ngoài hành động quân sự, Bắc Kinh có một loạt lựa chọn trong tay để đáp trả những diễn biến mới nhất. Và trong khi có thể tìm cách ngăn cản Washington thực hiện đầy đủ đạo luật này, Đài Loan - bên yếu hơn trong mối quan hệ tam giác, như mọi khi, sẽ luôn phải gánh chịu sự trả đũa. Vì thế, trong khi Đài Bắc đã ghi điểm nhờ đạo luật được Mỹ ban hành, dự đoán Bắc Kinh sẽ có những hành động để khôi phục "hiện trạng" có lợi cho họ, như lôi kéo thêm các đồng minh ngoại giao chính thức của Đài Bắc - trong đó có Vatican - và gia tăng phản đối Đài Loan tham gia các tổ chức đa phương như Hội đồng Y tế Thế giới, Interpol và Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế. Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường nỗ lực phớt lờ các cơ quan chính quyền trung ương ở Đài Loan và từ đó tìm cách làm suy yếu quyền lực và tính hợp pháp của các định chế này trong con mắt người dân Đài Loan.
Bất chấp những tuyên bố cứng rắn, Chủ tịch Trung Quốc vẫn khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy "thống nhất hòa bình" với Đài Loan. Trong những nỗ lực mới đây nhằm giành trái tim và khối óc của người dân Đài Loan, có 31 biện pháp được Văn phòng Đài Loan thuộc Hội đồng Nhà nước công bố hồi cuối tháng 2 vừa qua. Các biện pháp này được vạch ra để thu hút các công dân Đài Loan đến Trung Quốc làm việc. Những biện pháp khuyến khích kinh tế trước đây đã thất bại trong việc biến nó thành động lực hỗ trợ thúc đẩy quá trình thống nhất đất nước, và có lý do để nghi ngờ rằng nỗ lực mới nhất này sẽ thành công, mặc dù nó đã làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ "chảy máu chất xám" ở Đài Loan.
Do vậy, câu hỏi thực sự là Tập Cận Bình sẽ có phản ứng như thế nào trong vòng 3-5 năm tới, sau khi đã đánh cược quyền lực hợp pháp của mình vào "việc trẻ hóa đất nước Trung Quốc" thông qua việc sáp nhập Đài Loan, khi ông nhận thấy rằng con đường "thống nhất hòa bình" ngày càng xa. Điều nguy hiểm thực sự sẽ xảy ra khi Tập Cận Bình sử dụng hết mọi giải pháp "hòa bình" và kết luận rằng chỉ có vũ lực mới giúp ông thực hiện giấc mộng Trung Hoa. Với những thay đổi gần đây trong hệ thống chính trị Trung Quốc giúp nâng cao vai trò quyền lực của Tập Cận Bình, có một nguy cơ lớn hơn là Tập Cận Bình có thể yêu cầu Quân đội kết thúc phần việc của mình. Chỉ là lần này, lần đầu tiên kể từ kỷ nguyên Mao Trạch Đông, sẽ có rất ít (thậm chí là không có) tiếng nói nào trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đủ can đảm hoặc tầm ảnh hưởng để cãi lại ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét