Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

1783 - Lý do ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Úc

Hùng Sơn


2013-07-19_091407.jpg

Trước khi Canberra quyết định đứng ra tổ chức Hội nghị Cao cấp đặc biệt ASEAN-Úc 2018, đã có những nghi ngờ và tranh cãi về tầm quan trọng của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đặc biệt là mối quan hệ thương mại giữa ASEAN và Úc. Những tranh cãi này xoay quanh chủ đề: tại sao Úc cần phải gia tăng mối quan hệ "thân mật" với ASEAN vào thời điểm hiện tại? Thực tế, ASEAN đóng vai trò là đối tác kinh tế quan trọng như thế nào đối với Úc?
Theo số liệu thống kê về thương mại hai chiều gần đây nhất, ASEAN hiện là khối đối tác thương mại lớn thứ 4 của Úc với tổng giá trị kim ngạch đạt 100,5 tỷ đôla Úc (đứng thứ nhất là APEC đạt 528,6 tỷ, G20 đạt 513,2 tỷ và OECD đạt 321 tỷ đô là Úc). Sau ASEAN, kim ngạch thương mại của Úc và Liên minh châu Âu (EU) đạt 99,5 tỷ đô la Úc.
Tuy nhiên, việc trích dẫn số liệu thống kê tổng hợp này, hay so sánh với các con số thương mại giữa Úc và các quốc gia đối tác kinh tế hàng đầu, đều không phản ánh chính xác bức tranh kinh tế thực sự. Nếu tính đủ, ASEAN có thể chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Úc, bao gồm cả Trung Quốc vốn có giá trị kim ngạch thương mại hai chiều đạt 174 tỷ đô la Úc. So sánh giữa ASEAN và EU, thặng dư thương mại giữa Úc và ASEAN trị giá 16 tỷ đô la Úc, trong khi thặng dư thương mại của quốc gia này với EU là 39,5 tỷ đô la Úc, cao gấp hơn hai lần so với ASEAN. Do vậy, nếu cho rằng ASEAN là đối tác thương mại quan trọng hơn EU (vì giá trị kim ngạch hai chiều lớn hơn và giá trị thặng dư thấp hơn), là không đúng.
Đặt vấn đề giá trị thặng dư sang một bên, Úc và ASEAN là thành viên của Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA) từ năm 2010. ASEAN bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á với dân số lên tới 630 triệu người, trong khi dân số của EU là 507 triệu người. Ba quốc gia ASEAN đã ký kết FTA song phương với Úc gồm Singapore (2003), Thái Lan (2005) và Malaysia (2013). Mặc dù sở hữu các lợi thế vừa nêu, nhưng ASEAN cũng chỉ có thể được coi là đối tác thương mại quan trọng hơn EU nếu dựa vào lý do Liên minh này "chưa có" FTA với Úc.
Tính toán cụ thể trên từng lĩnh vực thương mại, ASEAN là nguồn cung quan trọng các mặt hàng xăng dầu và vận tải hạng nặng, trong khi EU là nguồn cung cấp thiết yếu các mặt hàng dược phẩm, thiết bị y tế và vận tải hạng nhẹ. Ở chiều ngược lại, Úc xuất khẩu than đá và vàng vào EU, xuất khẩu dầu thô và lúa mỳ vào thị trường ASEAN. Do đó, rất khó để có thể kết luận khu vực này là đối tác thương mại quan trọng hơn khu vực kia nếu chỉ dựa trên các con số tính toán bởi cả hai đều là những đối tác thiết yếu của Úc.
Vì vậy, chỉ có thể lập luận rằng đối với Úc, việc nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN là một trong những nhu cầu thiết yếu, nâng tầm cho ASEAN trở thành đối tác thương mại quan trọng hơn. Tuy vậy, các nguồn cung này hoàn toàn có thể bị thay thế bằng các nhà cung ứng khác trong tương lai, bất chấp chi phí nhập khẩu cao hơn và có thể gây tác động trực tiếp tới nền kinh tế Úc.
Trên một khía cạnh khác, khó có thể tìm được các nguồn cung ứng thay thế đối với mặt hàng dược và thiết bị y tế mà Úc đang nhập từ EU, thậm chí ngay cả khi quốc gia này chấp nhận trả mức phí cao hơn. EU hiện đang sở hữu những lợi thế tuyệt đối về công nghệ sản xuất tiên tiến như: sở hữu trí tuệ, nghiên cứu và phát triển, công nghệ điều chế hóa chất... và nếu thiếu những mặt hàng này, cuộc sống thậm chí cũng sẽ bị đe dọa. Do vậy, cũng rất khó để đưa ra sự so sánh căn cứ trên yếu tố lĩnh vực thương mại.
Dựa trên số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2016 EU đầu tư khoảng 30,4 tỷ đô la Úc vào Úc, trong đó có 13,4 tỷ từ Anh, 5,2 tỷ từ Đan Mạch và 2,6 tỷ của Đức. FDI của ASEAN vào Úc chỉ đạt tổng cộng 5,7 tỷ đô la Úc, trong đó, riêng Singapore chiếm tới 5,3 tỷ. Ngược lại, FDI của Úc vào ASEAN cũng chỉ chiếm 4,5% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài, với phần lớn "đích đến" là thị trường Singapore. Trong khi, EU chiếm tới 28,1% tổng số FDI của Úc. Nếu dùng những yếu tố này để kết luận ASEAN có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với Úc cũng không chính xác bởi nó chỉ lý giải cho câu hỏi tại sao Úc cần chủ động tiếp cận với ASEAN nhiều hơn. Có nhiều mục tiêu mà Úc muốn hướng tới (đi kèm với mục tiêu kinh tế), đó là việc sớm ký FTA với các thành viên đông dân của ASEAN như Indonesia và Việt Nam, cũng như gia tăng vốn FDI từ Úc vào các quốc gia ASEAN khác ngoài Singapore và ngược lại.
Yếu tố kinh tế quan trọng của ASEAN nằm ở tiềm năng kinh tế trong tương lai lớn hơn là từ những con số hiện tại. Các thành viên của ASEAN đang phát triển rất nhanh chóng cả về dân số lẫn kinh tế. Lợi thế địa lý gần nhau cũng là một trong những điểm nhấn khiến ASEAN trở thành đối tác thương mại lý tưởng của Úc.
Úc đang trên đà trở thành đối tác thương mại hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ. Xuất khẩu sang ASEAN sẽ có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai khi các thành viên của Hiệp hội trở thành những quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, những biến số này sẽ làm tăng sự cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên ASEAN, vốn là những nước láng giềng đa dạng nhất trên thế giới. Các thành viên ASEAN sẽ cạnh tranh để tiếp cận thị trường, sử dụng các nguồn tài nguyên hữu hạn để phục vụ cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Sự bất ổn ngay trong lòng ASEAN có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích quốc gia của Úc, đặc biệt là khu vực biển tại Đông Nam Á, nơi diễn ra phần lớn hoạt động giao thương của Úc. Theo tác giả Bradley Wood, đó mới chính là điểm cốt lõi để khẳng định ASEAN đóng vai trò quan trọng nhất đối với Úc.

Tác giả là Thạc sỹ Bradley Wood của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phòng vệ, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên trang 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét